Nguyễn Lương Tuyền (Danlambao) - ...Việc tham dự tích cực của Nhật Bản - một cường quốc quân sự và kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới -vào thế trận đáp ứng các tham vọng của TC ở Biển Đông đã khiến TC cực kỳ quan ngại. TC cũng đã nhận thức rõ ràng là họ chỉ có đủ sức "bắt nạt" các nước nhỏ như Việt Nam.Tình trạng tranh chấp tại Biển Đông sẽ còn kéo dài nếu không có giải pháp, kể cả giải pháp quân sự. Nếu chiến tranh xảy ra giữa TC và Đồng Minh, TC sẽ hoàn toàn bị bao vây, tứ diện thọ địch. Eo biển Malacca, nằm giữa Mã Lai và Nam Dương, sẽ bị Ấn Độ và Đồng Minh phong tỏa, chiếm đóng. Nguồn hàng hóa, dầu khí tiếp liệu... đến TC sẽ bị ngăn lại. Đồng thời Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ mở chiến dịch khai thông Biển Đông khỏi tầm với của TC...
*
Nhật Bản là một quốc gia hợp bởi nhiều hòn đảo, ở miền Đông Bắc của Biển Hoa Đông. Nhật Bản không trực tiếp có cùng biên giới với bất kỳ một nước nào.
Đảo quốc Nhật Bản gồm 6. 852 đảo lớn nhỏ. Thủ đô Tokyo là thành phố đông dân nhất thế giới (13 triệu người).
Diện tích Nhật Bản: 377, 962km2. chỉ lớn hơn Việt Nam chút đỉnh (330,000km2 trước khi TC chiếm một khoảng đất ở vùng biên giới phía Bắc, giáp với Trung Hoa).
Dân số Nhật Bản là 126 triệu người (VN có trên dưới 90 triệu người), phần lớn tập trung ở 4 hòn đảo lớn.
Hiện nay Nhật Bản là 1 cường quốc về kinh tế, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, Trung Cộng. Trước khi TC, dưới thời Đặng Tiểu Bình, cải tổ để chấn hưng nền kinh tế, Nhật Bản đứng hạng nhì, sau Hoa Kỳ, trong nhiều năm. Từ hơn 20 năm nay, kinh tế của Nhật Bản đang ở giai đoạn suy thoái, nên Nhật Bản tụt xuống hạng 3, sau TC và Hoa Kỳ. Tuy là một cường quốc về kinh tế, khoa học... nhưng Nhật Bản lại không có chân trong Hội Đồng Bảo An (Security Council) của Liên Hiệp Quốc.
Nhật Bản không có nhiều tài nguyên, 72% đất đai là rừng núi, không có dầu hỏa, nên 85% hàng hóa vật liệu nhập cảng - nhất là dầu hỏa, khí đốt- và xuất cảng đều dùng đường biển (hơn 85%). Các tầu hàng đến và đi từ Nhật Bản sang các nước ở Trung Đông, Âu Châu, Phi Châu đều phải đi qua Biển Đông, rồi vào Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Eo biển này nằm giữa Mã Lai và Nam Dương..Hải trình này là nguồn sống của dân tộc Nhật Bản, là lẽ sống còn của nền kinh tế Phù Tang.
Trước năm 1945, Nhật Bản là 1 cường quốc về quân sự, đã từng chiếm đóng nhiều nước ở Á Châu như Tàu, các nước ở Đông Nam á trong đó có Việt Nam. Bán đảo Triều Tiên là nước bị Nhật Bản chiếm đóng lâu nhất, từ năm 1915 cho đến khi Đại chiến thế giới chấm dứt năm 1945.
Chiến tranh Thế giới thứ 2 chấm dứt năm 1945, Nhật Bản bại trận, phải ký hòa ước với Đồng Minh để rồi bị Mỹ đóng quân tại đảo quốc để giám sát ngay trên đất Nhật. Theo Hòa ước ký với Hoa Kỳ, Nhật Bản không được phép có quân đội. Tuy vậy Nhật được phép có Lực Lượng Phòng Vệ 1 để tự vệ và giữ gìn trật tự. Lực Lượng này có độ trên dưới vài trăm ngàn quân.
Ngoại Trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemnitsu đang ký vào văn kiện đầu hàng trên Chiến Hạm USS Missouri trước sự chứng giám của Tướng Hoa Kỳ Richard K. Sutherland ngày 2/9/1945 (nguồn Internet).
Trước khi đầu hàng chính thức Hoa Kỳ & Đồng Minh vào ngày 15 tháng 8 năm 1945 sau khi đảo quốc bị tàn phá bởi 2 quả bom nguyên tử, quân đội Nhật Bản là một đạo quân hùng mạnh trên thế giới. Nhật Bản, trong Thế chiến thứ 2, đã xâm chiếm Tàu và nhiều nước ở Đông Nam Á như Việt Nam, Phi Luật Tân, Thái Lan, Miến Điện...
Sau khi đầu hàng, Nhật Bản đã phải tuân theo những điều kiện do kẻ thắng trận đặt ra như đất nước bị chiếm đóng, quân đội ngoại quốc đóng ngay trên đất Nhật Bản để giám sát. Hoa Kỳ đã góp phần quan trọng trong việc soạn thảo Hiến Pháp mới cho Nhật Bản trong đó có Điều 9, là điều không cho phép Nhật Bản có 1 Quân Đội. Thay vào đó, Nhật chỉ có 1 Lực Lượng Phòng Vệ tương đối nhỏ, võ trang nhẹ. Lực lượng này không được phép hoạt động ngoài nước Nhật. Hải Quân, Không Quân và Quân Đội Hoàng Gia bị giải thể. Nền Kỹ nghệ quốc phòng bị đóng cửa, ngưng mọi hoạt động. Chủ nghĩa Quân Phiệt của thời chiến tranh bị xóa bỏ hoàn toàn trong Tân Hiến Pháp của Nhật Bản. Sau chiến tranh. Hoa Kỳ chánh thức đóng quân tại đất Nhật Bản từ năm 1945 cho đến năm 1952, gọi là để "giám sát" sự phát triển của Nhật sau chiến tranh.
Không phải bận tâm về vấn đề Quốc Phòng, Nhật Bản ra công kiến thiết đất nước, xây dựng nền kinh tế cũng như phát triển các ngành khoa học, giáo dục. Oái oăm thay, tất cả đều với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Trong lịch sử Nhật Bản hiện đại, Thống chế Hoa Kỳ Douglas McArthur được người Nhật tôn vinh là đã đóng góp cho sự trỗi dậy, phồn thịnh của đất nước Nhật. Cùng với 10 danh nhân Nhật khác, Thống chế Douglas McArthur được coi là ân nhân thực sự của nước Nhật Bản.
Chiến tranh lạnh chấm dứt vào đầu thập niên 90 's cùng với việc TC trở nên một cường quốc về quân sự lẫn kinh tế càng thúc đẩy Nhật trong việc tái võ trang cũng như tu chính điều 9 của Bản Hiến Pháp. Thực ra ngay từ thập niên 59's-60's, các nhà lãnh đạo của Nhật đã nghĩ đến việc tái võ trang quân đội Nhật Bản để kịp thời đối phó với những tham vọng của TC, nhất là các tham vọng về đất đai, biển đảo. Nhật Bản cũng cảm nhận Hoa Kỳ không thể nào bảo vệ được Nhật khi chiến trận xảy ra. Trước tham vọng chiến cứ hoàn toàn Biển Đông rồi sau đó là chiếm cứ biển Hoa Đông của TC, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố không úp mở rằng tự do hàng hải tại Biển Đông gắn liền với sự sống còn của đất nước Nhật Bản. Quân Đội Nhật Bản được tái võ trang. Hải Lục Không Quân của Nhật được tái tạo, tái trang bị những vũ khí cực kỳ tối tân.
Nhật Bản trước những tham vọng đất đai, biển đảo của Trung Cộng
Chiếm cứ đất đai của nước láng giềng là truyền thống từ ngàn xưa của giống nòi Đại Hán. Trong lịch sử, VN đã bị người Hán nhiều lần đô hộ để đồng hóa người Việt. Có lần cuộc đô hộ đã kéo dài hơn 1 000 năm. Năm 1982, Công ước về biển của LHQ cho phép các nước được nhìn nhận chủ quyền trên biển của họ tức Thềm Lục Địa, vùng đặc quyền kinh tế ra đến 200 hải lý kể từ bờ biển. Trước đó TC đã tự ý tuyên bố hải phận của Trung Hoa là 12 Hải Lý kể từ bờ biển, nghĩa là bờ biển của Trung Hoa bao gốm các biển đảo ở Biển Đông. Quyết định này được ban bố ngày 4/9/1958.
Ngày 14 /9/1958 (chỉ vẻn vẹn có 10 ngày tiếp theo), Thủ Tướng CSVN Phạm Văn Đồng của Miền Bắc nước Việt Nam đã gửi một công hàm nhìn nhận quyết định về hải phận 12 hải lý của TC. Nghĩa là bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bức Công hàm của Phạm Văn Đồng đã gây ra nhiều khó khăn cho VN cho tới giờ phút này. Quả thực đó là một CÔNG HÀM BÁN NƯỚC theo đúng nghĩa của 2 chữ BÁN NƯỚC..
Năm 1974, TC chính thức chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa trong sự im lặng của Cộng Sản Bắc Việt. Hoàng Tùng, ủy Viên Trung Ương Đảng, Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân của CSVN còn tuyên bố tán đồng TC. Hoàng Tùng coi hành động của TC chỉ là 1 hành động mượn tạm. Hoàng Tùng tuyên bố: "thà để Trung Quốc giữ hộ còn hơn là để bọn Ngụy chiếm đóng".
Vị trí của 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (nguồn Internet)
Những năm 80's, TC chiếm một số đảo và bãi cát thuộc quần đảo Trường Sa. TC chiếm đảo Gạc Ma (thuộc Trường Sa) năm 1988. Quân đội của CSVN đóng trên đảo được lệnh của Bộ Trưởng Quốc phòng của CSVN là Lê Đức Anh không được chống cự. Kết quả là họ (trên dưới 80 người) đã bị TC thẳng tay tàn sát. TC đã bắn họ như bắn bia vì cái lệnh ngu xuẩn của BT Lê Đức Anh.
TC đơn phương tuyên bố Biển Đông thuộc về Trung Hoa. Họ đã hoạch định ra Đường Lưỡi Bò 9 đoạn để đánh dấu vùng chủ quyền của họ. Trên thực tế, năm 1947, Chinh Phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tướng Tưởng Giới Thạch đã đưa ra đường lưỡi bò 11 đoạn. TC đã dùng đường lưỡi bò đó nhưng chỉ còn 9 đoạn. Đường lưỡi bò này khiến TC đòi 75% diện tích Biển Đông thuộc về họ. Các nước trong vùng chia nhau 25% biển còn lại
Biển Đông rộng độ 3,5 triệu km2 (khoảng 1/3 diện tích nước Trung Hoa). Ngoài vị trí chiến lược quan trọng, để kiểm soát hoàn toàn con đường hàng hải quan trọng từ Ấn Độ Dương lên đến tận Nhật Bản, Đài Loan và Bán đảo Triều Tiên. Biển Đông còn là vùng đầy khoáng sản, thủy sản và nhất là dầu khí (trữ lượng dầu ở Biển Đông lớn gần gấp đôi trữ lượng đầu hỏa của Kuwait ở Trung Đông). Biển Đông còn là một vùng rất phong phú về cá, về hải sản. Hiện nay số lượng cá đánh, bắt được ở đây là 8% số cá bắt được trên thế giới. Biển Đông quả là có nhiều tài nguyên rất phong phú. Người ta hiểu vì sao TC cố tìm cách chiếm hữu Biển Đông. Người ta cũng hiểu vì sao Nhật Bản rất quan tâm đến tham vọng của TC vì Nhật Bản tùy thuộc rất nhiều vào hải trình qua Biển Đông để sống còn.
Tháng 7/2015 Quốc Hội Nhật Bản đã thảo luận và biểu quyết Dự luật về An Ninh do Thủ Tướng Shizen Abe đệ trình. Dự luật này cho phép Quân Đội Nhật được quyền tham chiến ở ngoài nước Nhật để bảo vệ đồng minh của Nhật. Dự luật này cũng cho phép quân đội Nhật tái võ trang để thành lập một đạo quân đa dạng gồm Hải, Lục, Không Quân.
Lý do khác là cuộc tranh chấp với TC về chủ quyền trên quần đảo Senkaku, mà TC gọi là Quần đảo Điều Ngư. Đó là một quần đảo không có người ở. Trên bản đồ, quần đảo Senkaku - nguồn tranh chấp giữa Nhật Bản, Trung Hoa và Đài Loan - có vị trí gần Đài Loan hơn cả.
Quần đảo Senkaku, nguồn tranh chấp
giữa Nhật, Trung Hoa và Đài Loan (nguồn Internet)
Lý do kế tiếp là mối thù gần như truyền kiếp giữa Trung Hoa và Nhật Bản.
Trong lịch sử, Nhật Bản và TC đã nhiều lần có chiến tranh giữa 2 nước. Nhật Bản luôn luôn là kẻ thắng. Trung Hoa vẫn có mối thù truyền kiếp đối với Nhật Bản..
TC hay nhắc lại về những đối xử tàn bạo của Quân Đội Nhật Bản ở Tàu trong suốt thời gian Nhật chiếm đóng Tàu hồi Đại chiến thứ 2. Thí dụ là cuộc tàn sát hơn 300 000 thường dân khi Nhật chiếm Thành phố Nan Kinh sau nhiều tháng vây hãm. (The rape of Nanking).
Cho tới bây giờ, TC vẫn kiêng nể Nhật Bản vì trong quá khứ Trung Hoa đã nhiều lần bị Nhật Bản đánh bại trong các cuộc đụng độ giữa 2 nước.
Trung Cộng sẽ khống chế hoàn toàn Nhật Bản nếu một khi họ thành công chiếm hữu Biển Đông. Hải trình tới Nhật qua Biển Đông, con đường huyết mạch cho sự sống còn của Nhật Bản sẽ bị TC kiểm soát khiến Nhật Bản sẽ lâm nguy.
Một lý do khác nữa khiến Nhật Bản không thể khoanh tay ngồi yên là vấn đề Bắc Hàn. Nước này có vũ khí hạt nhân. Họ luôn luôn thách đố Hoa Kỳ và Đồng Minh. Từ đầu năm tới giờ phút này, họ liên tiếp thử các loại vũ khí nguyên tử kể cả bom H. Hỏa tiễn liên lục địa của họ có khả năng bắn tới bất kỳ nơi nào của đất nước Hoa Kỳ. Các hình thức phong tỏa về kinh tế của LHQ và của Hoa Kỳ cũng như những hăm dọa, cảnh cáo trừng phạt của TT Hoa Kỳ Donald Trump không làm họ nao núng.
Bằng các thương thảo với Nga, Trung Cộng để 2 nước đàn anh của Bắc Hàn can ngăn Bắc Hàn "đừng đùa với lửa" đều không mảy may hiệu quả. Người ta tự hỏi phải chăng Nga lẫn TC đều không tích cực trong việc "răn đe" đứa em "muốn nổi loạn" là Bắc Hàn. Có người lại bi quan, cho tằng Nga và TC dùng Bắc Hàn như một "con ngáo ộp" để đe dọa Mỹ và Đồng Minh?
Nhật Bản đã phản đối dữ dội Bắc Hàn khi Bắc Hàn bắn hỏa tiễn qua nước Nhật để rồi rơi ở Thái Bình Dương. Khi Bắc Hàn dọa tấn công đảo Guam của Hoa Kỳ bằng hỏa tiễn tầm xa, Nhật Bản đã bố trí các giàn hoa tiễn "địa đối không PATRIOTES" để bắn hạ các hỏa tiễn của Bắc Hàn nhắm vào đảo Guam sẽ bay qua nước Nhật để tới mục tiêu.
Quân lực Nhật Bản hiện nay
Từ hơn 1/4 thế kỷ tới nay, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển. Nhật Bản cũng ý thức được rằng quân đội Hoa Kỳ không còn đủ sức bảo vệ Nhật Bản nữa nếu chiến tranh xảy ra giữa Nhật và 1 quốc gia trong vùng như TC và Bắc Hàn nên Nhật Bản phải tăng cường khả năng của Lực Lượng Phòng Vệ. Từ khi TC có những hoạt động quân sự cũng như ngoại giao nhằm chiếm hữu hoàn toàn Biển Đông, Nhật Bản thấy sự sống còn của mình bị TC trực tiếp đe dọa. Tái võ trang quân đội Nhật trở nên một điều tối cần thiết. Tuy rằng điều 9 của Hiến Pháp của Nhật tạo ra những khó khăn cho quân đội Nhật nên trong khi chờ đợi việc tu chính điều 9 này được thực hiện, Quốc Hội Nhật Bản đã "cởi trói" cho quân đội Phù Tang. Không phải chỉ một sớm một chiều mà Nhật Bản có một sức mạnh quân sự như hiện nay. Nhật Bản đã từ từ cải thiện quân đội cũng như cho hoạt động lại nền kỹ nghệ quốc phòng. Nhật Bản hiện đã có đủ khả năng để chế tạo các loại vũ khí kể cả phi cơ, tầu ngầm, xe thiết giáp cũng như hỏa tiễn... ngoài những chiến cụ nhập cảng từ nước ngoài. Quân Đội Nhật đã có những thay đổi nhanh chóng làm kinh ngạc mọi người (métamorphoses déconcertantes):
- Năm 2015, Ngân sách Quốc Phòng của Nhật Bản là 49 tỷ Mỹ Kim trong khi ngân sách quốc phòng của TC là 188 tỷ Mỹ Kim. Ngân sách đó chắc chắn tăng cao cho năm 2017. Chúng ta chờ xem các con số sẽ được công bố cho năm này. Theo Bảng xếp hạng của trang mạng Global Firepower thì khi thuần xét về số lượng, TC đứng hạng 3, chỉ sau Hoa Kỳ và Nga. Nhật Bản đứng hạng thứ 10 cũng theo trang mạng này.
- Nhật Bản hiện có 250 000 quân phục vụ dưới cờ. So với 2 triệu rưỡi của TC và 1,2 của Bắc Hàn.
- Quân Đội Nhật Bản gồm Hải, Lục, Không Quân và các lực lượng hỏa tiễn tầm xa cũng như tầm gần.
Lực lượng phòng vệ trên đất của Nhật có 2 loại sư đoàn và lữ đoàn hiện đại để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp, được trang bị võ khí nặng nhưng có rất nhiều khả năng cơ động trong trường hợp khẩn cấp; một loại sư đoàn, lữ đoàn tổng hợp, có khả năng tác chiến hiện đại. Tổng cộng có 15 sư đoàn, đóng tại 5 quân khu rải rác khắp nước Nhật
Ngoài ra Nhật Bản còn có 1 đơn vị khẩn cấp thuộc trung ương để đối phó với các trường hợp cực kỳ khẩn cấp. Đon vị này có 950 xe chiến đấu, 950 xe bọc thép, 660 khẩu đại bác và 500 máy bay
Hải Quân Nhật Bản (tên cũ Lực Lượng phòng vệ biển) quân số khoảng 44 000 người, 151 tầu chiến gồm 3 Hàng không mẫu hạm, tầu khu trục, vận tải v.v.... và một hạm đội tầu ngầm rất tối tân.
Không Quân Nhật Bản, có khoảng 45000 người, gần 88 máy bay trong đó một nửa là máy bay chiến đấu.
Tóm lại, so với TC, quân đội Nhật kém về số lượng nhưng có nhiều khả năng chiến đấu vượt trội. Đó là miếng xương rất khó nuốt cho TC.
Quân đội Nhật Bản luôn luôn có những cuộc tập trận chung với các đơn vị quân đội Mỹ, quân đội của Đại Hàn, quân đội Úc và quân đội Ấn Độ. Các cuộc tập trận này là những cái gai trong mắt các đồng chí Trung Cộng.
Nhật Bản vận động các nước liên quan tới Biển Đông trong thế trận đối đầu với Trung Cộng.
Nhật Bản cũng rất tích cực vận động, liên kết với các nước trong vùng Biển Đông hoặc ngoài biển Đông như Ấn Độ, Úc Châu để lập nên một khối liên hoàn để đồi đầu với TC. Tham vọng chiếm hữu hoàn toàn Biển Đông càng ngày càng hiện rõ. TC đã lập thêm các căn cứ quân sự có tầm vóc trên các đảo mà họ chiếm giữ bất chấp luật hàng hải quốc tế. Mặt khác TC tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo.
Ngoài việc tăng cường khả năng quân sự của Nhật để đối phó với các hăm dọa của TC, Nhật Bản đang cố gắng lập một liên minh với các nước ở Biển Đông như Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Đại Hàn, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Brunei... cùng các nước ở ngoài Biển Đông như Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ để đương đầu với các tham vọng của TC.
Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abey đã nhiều lần viếng thăm VN, Ấn Độ, Úc Châu, hầu hết các nước ở Biển Đông là các nạn nhân trực tiếp của những tham vọng biển đảo của Trung Cộng. Ông Abe đã hội đàm với các lãnh tụ cao cấp của các nước này. Chắc chắn vấn đề đối phó với TC là đề tài chính của các buổi hội đàm. Bộ Trưởng Quốc phòng, Bộ Trưởng Ngoại giao cũng như các chỉ huy quân sự cao cấp của Nhật Bản đã liên tiếp công du thăm viếng các người đồng cấp thuộc các nước trực tiếp hay gián tiếp là nạn nhân của những tham vọng biển đảo của TC. Như Việt Nam đã nhiều lần tiếp đón các tầu chiến đến VN gọi là để thăm viếng các quân cảng Cam Ranh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Sài Gòn. Nhật Bản và Ấn Độ đã viện trợ quân sự cho VN và cho các nước ở Biển Đông như VN.
Việc tái võ trang quân đội Nhật cộng với những vận động cho một thế liên kết các nước ở vùng Thái Bình Dương để chống lại tham vọng của TC là một khúc ngoặt lớn trong thế trận ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Mặt khác sự tham dự của Ấn Độ, nước đông dân thứ nhì sau TC (1 tỷ 3 so với 1 tỷ rưỡi của TC), vào thế trận chống tham vọng bành trướng của TC đã làm thay đổi hẳn cán cân lực lượng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Từ cuối năm 2015 tới nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe liên tiếp gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, của Úc để hình thành một liên kết giữa 4 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc để bảo vệ một khu vực hình con thoi kết nối giữa Nhật, Úc, Ấn Độ đến tận Hawaii của Hoa Kỳ. Hãng Kyodo của Nhật Bản đã phân tích động thái này của TT Shinzo Abe để đi đến kết luận đây là các hành động nhằm chống lại TC. Hãng thông tấn kết luận sự đối đầu giữa TC và Nhật Bản sẽ càng ngày càng trầm trọng hơn.
TT Abe nhấn mạnh các vấn đề ở Biển Đông, ở biển Hoa Đông là những mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản
TC liên tiếp lên tiếng vừa để trấn an vừa để cảnh báo Nhật Bản. TC nói Nhật Bản không có gì để quan ngại về các hoạt động của TC ở Biển Đông. Trên thực tế, sự dấn thân tham gia tích cực của Nhật Bản - một cường quốc về quân sự và kinh tế - vào "sự kiện" Biển Động đã và đang làm TC quan ngại đặc biệt.
TC cũng cảm nhận được các sức ép do Nhật Bản tạo ra do sự liên kết giữa Nhật và Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ. Có tin cho rằng TC đang tìm cách cải thiện quan hệ với Nhật Bản.
Xét về tương quan lực lượng quân sự giữa Nhật Bản và TC, người ta nhìn nhận bề ngoài TC có vẻ vượt Nhật Bản nhưng sự khác biệt không đáng kể. Nếu ta cho vào cán cân lực lượng sức mạnh quân sự của Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ thì cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía các đối thủ của TC. Nếu chiến tranh xảy ra, dù chỉ là chiến tranh khu vực, chiến tranh cục bộ, TC không phải là đối thủ của liên minh Nhật, Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ. TC cũng cảm nhận điều đó. TC chỉ đủ sức để có thể "bắt nạt" được các nước tương đối yếu kém về quân sự so với TC như Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương v.v...
Thay lời kết
Việc tham dự tích cực của Nhật Bản - một cường quốc quân sự và kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới -vào thế trận đáp ứng các tham vọng của TC ở Biển Đông đã khiến TC cực kỳ quan ngại. TC cũng đã nhận thức rõ ràng là họ chỉ có đủ sức "bắt nạt" các nước nhỏ như Việt Nam.
Tình trạng tranh chấp tại Biển Đông sẽ còn kéo dài nếu không có giải pháp, kể cả giải pháp quân sự. Nếu chiến tranh xảy ra giữa TC và Đồng Minh, TC sẽ hoàn toàn bị bao vây, tứ diện thọ địch. Eo biển Malacca, nằm giữa Mã Lai và Nam Dương, sẽ bị Ấn Độ và Đồng Minh phong tỏa, chiếm đóng. Nguồn hàng hóa, dầu khí tiếp liệu... đến TC sẽ bị ngăn lại. Đồng thời Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ mở chiến dịch khai thông Biển Đông khỏi tầm với của TC.
Hy vọng chiến tranh sẽ không xảy ra và TC rút "bàn tay lông lá"' của họ ra khỏi vùng biển này.
29.09.2017