Mâu thuẫn căn bản đằng sau cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc - Dân Làm Báo

Mâu thuẫn căn bản đằng sau cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc

Việc thúc đẩy lợi ích của Mỹ sẽ phụ thuộc vào ý chí chính trị để buộc Trung Quốc phải thay đổi

Matthew Little - 9/11/2017 - Đỗ Tùng (Danlambao) lược dịch - Ngoài các bản hợp đồng mua bán và những cái bắt tay trong chuyến đi của Tổng thống Donald Trump tới Trung Quốc còn có những mâu thuẫn đang sôi sục với ít cơ hội hai bên cùng thắng.

Đi cùng Trump tới Bắc Kinh là 29 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, những người này sẽ được tắm trong bầu không khí thân thiện khi Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập cận Bình vẫy cờ mừng những thỏa thuận kinh doanh đã thương lượng trước.

Tuy nhiên, lợi ích thực sự của chuyến đi là cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Trump và Tập. Những cuộc họp này sẽ giúp mỗi bên đánh giá cách giải quyết của bên kia và tránh những tính toán sai lệch về các vấn đề gây chia rẽ.

Cuộc viếng thăm Trung Quốc diễn ra ở khoảng giữa chuyến đi Đông Á hai tuần của Trump, bắt đầu bằng các chuyến viếng thăm Nhật Bản và Hàn Quốc và sau đó sẽ tiếp tục các chuyến đi đến Việt Nam và Philippines.

Theo một quan chức chính phủ cấp cao của Hoa Kỳ nói chuyện với các phóng viên tại Nhật Bản vào ngày 5 tháng 11, chuyến đi này có ba mục tiêu trọng tâm là: tăng cường các biện pháp quốc tế để loại trừ vũ khí nguyên tử ở Bắc Triều Tiên, quảng bá một khu vực tự do và mở cửa ở vùng Ấn Độ - Thái bình Dương, và thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ.

Sự hợp tác của Trung Quốc là chìa khóa để tiến tới cả ba mục tiêu, nhưng trong mỗi mục tiêu nói trên, Hoa Kỳ và Trung Quốc có những quan điểm rất khác nhau.

Bắc Triều Tiên

Trump đã tạo được nhiều tiến bộ hơn bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào trước đây khi có được Trung Quốc hỗ trợ và thực thi các lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, hai quốc gia có quan điểm căn bản khác nhau về sự xung đột này và cách thức giải quyết vấn đề.

Chế độ Trung Quốc tập trung vào việc ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên và muốn Hoa Kỳ rút lui bất cứ đe dọa quân sự nào, và điều này về căn bản sẽ để mặc Bắc Triều Tiên tự do theo đuổi chương trình vũ khí nguyên tử của họ.

Bắc Kinh cũng không muốn Hoa Kỳ triển khai thêm các loại chống tên lửa đạn đạo và radar (THAAD) tại Nam Hàn và tìm cách ngăn chặn một liên minh quân sự ba bên giữa Nhật Bản, Nam Hàn và Hoa Kỳ.

Bắc Kinh đã ghi một chiến thắng trong hai mặt trận này vào tuần trước, khi Tập giải quyết một cuộc bế tắc kéo dài một năm với Hàn Quốc với sự đồng ý của Tổng thống Moon Jae-in về quan điểm "ba không" của Tập: không có thêm các triển khai THAAD, không có liên minh quân sự ba bên và không tham gia vào một phòng thủ tên lửa tích hợp.

Chế độ Trung Quốc muốn giữ Bắc Triều Tiên như một vùng đệm giữa lãnh thổ của nó và liên minh Mỹ là Nam Hàn. Hoa Kỳ thì muốn miền Bắc bị khuất phục bởi miền Nam dân chủ và thịnh vượng.

Mặc dù những khác biệt này, có thể có những điểm chung thực sự cho vấn đề Bắc Triều Tiên.

Trong nhiều thập kỷ qua, chế độ Trung Quốc đã khuyến khích quân đội Bắc Triều Tiên, bao gồm các chương trình tên lửa và hạt nhân của quốc gia nhỏ hơn này. Theo quan chức chính quyền cao cấp, Hoa Kỳ tin rằng Trung Quốc bây giờ xem Bắc Triều Tiên là một trách nhiệm chiến lược nghiêm trọng.

Ngoài các biện pháp chế tài đã phê chuẩn của Liên hiệp quốc, Trump sẽ yêu cầu Tập ngưng cung cấp các nguồn lực kinh tế mà Bắc Triều Tiên cần có để tồn tại.

Biển Đông

Ngoài ra còn có những quan điểm đối nghịch về Biển Đông, nơi mà chính quyền Trung Quốc khẳng định quyền lịch sử trên một dãi đại dương khổng lồ trải rộng đến các vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Chính sách châu Á quan trọng nhất của chính quyền Trump là một khu vực tự do và mở cửa ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhằm mục đích thúc đẩy các thị trường tự do và mở cửa, và tự do đi lại trong hải phận quốc tế. Chính sách này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia thương mại trong vùng biển này và các quốc gia khác buôn bán thông qua nó, bao gồm cả Hoa Kỳ.

"Hoa Kỳ là một cường quốc vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, ngay từ thuở bình minh của nền cộng hòa nước chúng tôi", một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ cho biết.

"Sự an toàn và sự thịnh vượng của chúng tôi phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ duy trì sự tiếp cận với luồng thương mại tự do đến khu vực này", quan chức này nói.

Nếu Hoa Kỳ muốn duy trì vùng biển mở, thì Trung Quốc hy vọng sẽ trở thành cường quốc quyết định ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, mục tiêu đó và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc cần phải có đồng đô-la Mỹ ổn định.

Sự thịnh vượng của Mỹ

Đây là lãnh vực mà Hoa Kỳ vẫn có đòn bẩy đáng kể, mà các chuyên gia cho rằng là điều đặc biệt quan trọng đối với mục tiêu thứ ba trong chuyến đi của Trump: thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ. Các chuyên gia này nói rằng đây là mục tiêu mà hai quốc gia sẽ tham gia vào một cuộc thi đua khó khăn hơn.

Trên bề mặt, Trump và Tập sẽ ăn mừng các giao dịch thương mại tạo ra hình ảnh về sự hợp tác giữa hai gã khổng lồ kinh tế.

Theo Derek Scissors, một học giả thường trú tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ phải ý thức một sự thực là Trung Quốc cộng sản không thể là một đồng minh của Hoa Kỳ. 

Scissors nói: "Chúng ta có những mâu thuẫn căn bản với Trung Quốc, và chúng ta cần ý thức điều đó".

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi các chính sách của nước này với mục đích làm suy yếu khả năng cạnh tranh về kinh tế của Hoa Kỳ, bao gồm việc vi phạm các thỏa thuận thương mại quốc tế, đánh cắp tài sản trí tuệ, vi phạm bản quyền tràn lan, và đóng cửa thị trường Trung quốc hoặc tạo ra những rào cản đối với hàng hóa của Hoa Kỳ.

Scissors cho rằng phản ứng của Hoa Kỳ cho đến nay về vấn đề này là một sự thảm hại.

Sự hiểu biết thông thường cho rằng Hoa Kỳ sẽ nhượng bộ các vấn đề thương mại để có được sự giúp đỡ của chế độ Trung Quốc đối với vấn đề Bắc Triều Tiên, nhưng đó không phải là cách chính quyền Trump đã tuyên bố trước hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh.

Một quan chức cao cấp chính quyền Hoa Kỳ cho hay: "Tôi không nghĩ là chúng ta phải nhượng bộ. Hoa Kỳ sẽ không trao đổi lợi ích của chúng ta trong mặt trận thương mại để đạt được những gì, mà toàn thế giới ít hoặc nhiều bắt buộc phải làm, đó là ngăn chặn và đối đầu với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên."

Theo Gordon Chang, tác giả của cuốn sách "Sự sụp đổ của Trung Quốc", Hoa Kỳ có một số lợi thế lớn trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Trung Quốc. Những lợi thế này bao gồm việc tiếp cận nền kinh tế Hoa Kỳ và hệ thống tài chính Mỹ.

Một ngày trước khi Trump bắt đầu chuyến đi châu Á, Hoa Kỳ đã cấm Ngân hàng Trung Quốc Đan Đông tiếp cận vào hệ thống tài chính Mỹ với lý do ngân hàng này đã rửa tiền cho Bắc Triều Tiên.

Điều này được nhiều người xem như là một phát súng cảnh cáo đối với Trung Quốc, cảnh báo họ về sự cần thiết phải hợp tác trong vấn đề Bắc Triều Tiên và về tính dễ tổn thương của hệ thống tài chính Trung Quốc.

Ông Chang nói: "Việc cắt đứt các ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống tài chính của Mỹ có thể giết chết họ."

Chang nói tiếp: "Nếu các ngân hàng Trung Quốc không còn hoạt động kinh doanh, thì cả hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ lung lay."

Scissors nói rằng nếu không được tiếp cận với đồng đô la Mỹ, Trung Quốc không thể thực hiện các giao dịch quốc tế để mua dầu và các tài nguyên quan trọng khác.

Trong đàm phán với Tập, Trump cần phải truyền đi thông điệp rằng ông có ý chí chính trị để có những hành động sẽ làm cho Trung Quốc phải trả giá nếu TQ không thay đổi cách thức thương mại một chiều.

Tái cân bằng mậu dịch

Theo Scissors, lời cam kết của Trump về tái cân bằng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ tiềm ẩn đối với chế độ Trung Quốc.

Scissors phác họa hai kịch bản để đạt sự tái cân bằng mậu dịch: xử phạt các công ty Trung Quốc hoặc thiết lập giấy phép nhập cảng.

Scissors cho biết để có hiệu quả các biện pháp trừng phạt sẽ cần phải bao gồm toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, như tất cả các công ty viễn thông. Việc trừng phạt thậm chí có thể sẽ xảy ra đối với nhiều ngành khác nhau.

Scissors nói: "Nếu chúng ta xử phạt nhiều lãnh vực kinh tế khác nhau, thì chúng ta đang thực sự làm địch thủ đau đớn".

Một cách khác gây thiệt hại cho địch thủ nhiều hơn và sẽ nhanh chóng cân bằng mậu dịch là thông qua các giấy chứng nhận nhập cảng, một phương pháp được nhà đầu tư Warren Buffett đề nghị vào năm 2003.

Đối với mỗi đô la của một sản phẩm mà một công ty nào đó xuất cảng, họ có được giấy chứng nhận cho phép nhập cảng một lượng hàng hóa tương đương với một đô la. Họ cũng có thể bán giấy chứng nhận này cho người khác cần nhập hàng.

Chính sách này có thể nhanh chóng tái cân bằng thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc, đã chiếm gần một nửa trong tổng số 737 tỷ đô-la Mỹ thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ vào năm 2016, và giải thể các khoản dự trữ đô la ở Trung Quốc.

Scissors nói: "Người Trung Quốc đơn giản không thể chịu đựng được điều đó ngay bây giờ, và Trung Quốc không có một lợi thế tương đương như vậy."

Scissors tiếp tục: "Trung Quốc có thể làm tổn thương một vài công ty lớn của Mỹ và có thể làm tổn thương thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng họ không thể đe dọa làm mất ổn định hệ thống tài chính của Hoa Kỳ giống như cách Mỹ có thể làm đối với Trung Quốc".

Chang nói: "Nếu bạn đẩy nền kinh tế Trung Quốc đến tình trạng không chịu đựng được thì hệ thống chính trị Trung Quốc sẽ không còn xa nữa. Vì vậy, Tổng thống Trump có thể đưa Tập cận Bình ra khỏi sự nghiệp của ông ta. "

Tuy nhiên Scissors kết luận là gần như chắc chắn Trump sẽ không có những hành động như vậy ngay lập tức.

Bản gốc tiếng Anh:


Lược dịch:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo