Nguyễn Ngọc Sẵng (Danlambao) - Năm 1990, các nước cộng sản Đông Âu trên đà sụp đổ toàn bộ. Trước tình thế nguy ngập đó, Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam quyết định sang Tàu cầu cứu để giữ chế độ. Hội nghị Thành Đô thành hình trong bối cảnh chánh trị đó. Cuộc hội nghị diễn ra trong hai ngày 3-4 tháng 9 năm 1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Phía Việt Nam gồm có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng. Phía Trung Quốc có Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.
Vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam khi đó là sự lạc hậu về kinh tế. Việt Nam bị Mỹ bao vây cấm vận, trong khi nguồn hỗ trợ chính là Liên Xô và các nước Đông Âu thì đang sắp tan rã. Nhu cầu được chống lưng từ Trung cộng là nhu cầu sinh tử.
Trung Cộng biết rằng Việt Nam đang xúc tiến ngoại giao với Mỹ, họ e ngại nếu tiếp tục duy trì sự thù địch thì sẽ đẩy Việt Nam xích lại gần hơn với Mỹ, về lâu dài điều này rất bất lợi cho họ, vì vậy họ cho phép đoàn đại biểu đảng cộng sản Việt Nam sang triều kiến.
Không có bất cứ chi tiết nào về hội nghị được tiết lộ. Nhưng theo những nhà phân tích thân cận với chế độ thì Việt Nam chấp nhận trở thành khu tự trị thuộc Trung Cộng vào năm 2020 để bảo đảm giữ vững chế độ từ Trung cộng.
Những diễn biến tại Việt Nam sau hội nghị Thành Đô:
Cấm cột móc mới
Sau nhiều năm đàm phán, lễ ký diễn ra chiều ngày, 18-11-2009, tại Bắc Kinh, giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ, sẽ cắm 1.971 cột mốc trên đường biên dài hơn 1.400 km
“Giống như hai nhà hàng xóm có đất riêng, nhưng ranh giới đất từ thời xưa để lại còn có chỗ chưa xác định chi tiết, nay xác quyết lại một lần cho chính xác, ổn định, trồng lại hàng rào, làm văn bản mô tả vị trí hàng rào, rồi cùng nhau ký kết "trước bạ" cho cái hàng rào ấy”. (Hồ Xuân Sơn)
Núi Đất (Lão Sơn) “Theo thông tin từ phía Trung Quốc và phía Việt Nam thì có một mỏm đất cao có vẻ như cả hai bên không chối cãi là của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã xây nghĩa trang quân đội trên đó và họ chủ trương là khu vực nghĩa trang là bất khả xâm phạm.” (Vikipedia). Lão Sơn thuộc về Trung Cộng!
“Một bằng chứng khác là ranh giới trong vịnh Bắc Bộ. Ban đầu Việt Nam chủ trương kéo dài đường phân định trong Hiệp định Pháp-Thanh 1887 để chia cả lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế bên ngoài 12 hải lý, nhưng Trung cộng không chấp nhận. Sau đó Việt Nam chủ trương chia theo luật quốc tế về phân định biển. Theo tài liệu đã công bố của nhân viên nhà nước có chức năng thì Trung Quốc chủ trương chia đều 50/50, không cần đến lập luận pháp lý. Cuối cùng hai bên đã thỏa hiệp bằng tỷ lệ 53/47 nghiêng về Việt Nam.” (Wikipedia). Còn rất nhiều hiệp định về lãnh thổ, lãnh hải gây thiệt thòi quyền lợi dân tộc mà người cộng sản ký nhượng cho Tàu để bảo vệ chế độ.
Lá cờ 6 sao
“Nghi lễ đón Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Hà Nội tuần này đoàn thiếu nhi chào đón khách đã vẫy cờ có sáu sao thay vì năm”. Theo BBC tiếng Việt ngày 23 tháng 12 2011.(Vice President of the People's Republic of China (2008–2013)
“Khi đưa tin về chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng, trong bản tin thời sự VTV 19 giờ ngày 14/10/2011 người ta cũng trương lên lá cờ Trung Quốc có 6 ông sao” (23/12/2011, Blogger Tường Thụy).
6 sao tiêu biểu cho Trung cộng, Mông, Hồi, Mãn, Tạng, Việt. Một chứng cớ bán nước rõ ràng không chối cãi được.
Cán bộ Việt Cộng được Trung cộng đào tạo hoặc sang Trung cộng học quản trị hành chánh, tu nghiệp.
“5.1. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý đất nước Hội thảo lý luận hai đảng, làm sâu sắc giao lưu trao đổi đoàn và hợp tác đào tạo cán bộ kênh đảng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân”. Đây là 1 trong 9 điểm mà Tập ký kết với lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam trong lần Tập tham dự hội nghị Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 từ ngày 11 đến 13/11/2017.
“Từ cuối năm 2007, phía Trung Quốc khôi phục lại việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cao cấp và trung cấp cho ta.” (trích trong Cổng Thông Tin Điện Tử của chánh phủ Việt Nam).
Hán hóa ngôn ngữ
Mấy tháng gần đây, người Bùi Hiền đưa ra chương trình cải cách lối viết, phát âm tiếng Việt với những lý giải vu vơ, thiếu hẳn tình thần khoa học. Đặc biệt trong phát âm, không còn âm hưởng Việt mà nghe rõ âm Tàu vì âm thể và âm vị đã biến dạng. Đó có thể không phải Bùi Hiền muốn chôn vùi danh dự của mình. Bùi Hiền nhận nhiệm vụ của người công bộc, công cụ của chế độ thực hiện công việc nằm trong tiến trình thực hiện mô hình Hán hóa của hội nghị Thành Đô trên phương diện ngôn ngữ.
Thiết lập trạm kiểm soát chung
Tin mới nhất: Trung Cộng đòi cùng kiểm tra hàng hoá nhập khẩu VN. Nhập khẩu vào VN thì có quan hệ gì đến họ mà họ đòi kiểm tra?
Tin trên Yahoo ngày 2 tháng 2/2018 có bài viết tựa đề: "China and Vietnam close to landmark deal on streamlined joint border checkpoint". Bài báo cho biết Việt Trung có chung 1,200 cây số biên giới trên đất liền và mỗi bên đều thiết lập trạm kiểm soát riêng trên phần lãnh thổ mình. Nhưng ông Jian Xingchao, phó Thị Trưởng thành phố biên giới Fanchenggang muốn hai bên chỉ thiết lập một trạm kiểm soát biên giới chung và cả hai bên cùng làm việc. Trạm đầu tiên là tại cầu Mông Cái và trạm thứ hai dự định lập tại Đồng Đăng, Lạng Sơn.
Câu hỏi được đặt ra là, khi có bất đồng trong việc kiểm soát hàng hóa từ phía Trung cộng vào Việt Nam thì giải quyết như thế nào? Ai có quyền quyết định? chắc chúng ta hẳn còn nhớ cuộc chiến Gạc Ma với Trung cộng, Việt Nam CS luôn luôn chịu nhục, ra lệnh cho 64 binh sĩ không được nổ súng trước quân thù. Theo lời kể của Thiếu Tướng VC Lê Mã Lương “Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng!”. Điều nầy có thể sẽ lập lại nếu có sự bất đồng với phía Trung cộng khi hàng của họ tràn vào Việt Nam.
Còn nữa, Khi lập trạm kiểm soát trên lãnh thổ Việt Nam thì vấn đề chủ quyền sẽ như thế nào? Hay cũng nhường cho Trung cộng một vài trạm như Phạm Văn Đồng đã từng nhường Trường sa, Hoàng Sa cho Tàu?
Rồi từng đoàn xe từ Trung cộng nối đuôi nhau chạy sang Việt Nam mà quyền kiểm soát năm trong tay Trung cộng, thì ai biết trong đoàn xe đó chở những gì? Họ chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh vào Việt Nam từ ngày nầy qua tháng khác thì Việt Nam của ta sẽ đi về đâu?
Trung cộng viện trợ cho Campuchia
Hôm nay 4 tháng 2/2018, tin từ BBC cho biết Trung Cộng viện trợ cho Campuchia 100 xe tăng, xe bọc thép mà người bộ trưởng quốc phòng Tea Banh không biết chính xác số lượng.
“Theo tờ Diplomat, ông Banh không xác định được chính xác số lượng thiết bị được giao hoặc có thông tin cụ thể hơn về việc này”.
Đây là một nghịch lý, vì bên nhận không biết mình nhận bao nhiêu và cụ thể là gì? Nhưng sẽ không nghịch lý nếu biết người bạn vàng với nhiều mưu đồ đen tối, mộng ngàn đời xâm lược láng giềng. Phải chăng Trung cộng mượn cớ viện trợ cho Campuchia để đưa hàng trăm xe tăng vào sát sườn phía Tây Nam Việt Nam để dàn binh mai phục sẳn?
Phía Bắc đã sẳn đường thông thương do Trung cộng kiểm soát dưới hình thức trạm kiểm soát hàng hóa, Miền Trung họ đặt bản doanh tại Vũng Áng, mà cấp chinh ủy của quân khu cũng không được quyền vào.
Người Trung quốc du lịch, định cư, làm ăn tràn ngập đất Việt.
Họ đã chuẩn bị sẵn sàng từ ngôn ngữ, cán bộ cai trị được đào tạo tại Tàu, thấm nhuần đường lối chính trị, giải pháp quân sự, nếu “những tên vô ơn bạc nghĩa, những tên phản bội” (nhưng từ ngữ họ dùng cho những lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam) không thực hiện Hiệp Ước Thành Đô, thì họ sẽ đánh chiếm Việt Nam dễ dàng.
Thì Việt Nam Tôi Còn hay Đã Mất?