CTV Danlambao - Vào lúc 8 giờ sáng ngày 5/4/2018 sắp tới, toà án nhân dân Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử 6 nhà hoạt động nhân quyền với cáo buộc vi phạm điều 79 “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” theo bộ luật hình sự cộng sản.
Sáu nhà hoạt động nhân quyền gồm có các ông Nguyễn Văn Đài (sinh năm 1969), Phạm Văn Trội (sinh năm 1972), Nguyễn Trung Tôn (sinh năm 1968), Nguyễn Bắc Truyển (sinh năm 1968), Trương Minh Đức (sinh năm 1960) và cô Lê Thu Hà (sinh năm 1982).
Tất cả những người trên đều có liên quan đến Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự độc lập được thành lập ngày 24/4/2013 do luật sư Nguyễn Văn Đài sáng lập. Trong đó, có đến 5 nhà hoạt động đều là các cựu tù nhân lương tâm từng bị chế độ CS kết án nhiều năm tù giam.
Dự kiến, phiên xử sơ thẩm sẽ diễn ra tại trụ sở toà án nhân dân TP. Hà Nội, số 43 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thành phần tiến hành tố tụng gồm:
- Thẩm phán, chủ Toạ phiên toà: Bà Ngô Thị Ánh.
- Thẩm phán: Đào Bá Sơn
- Thư ký phiên toà: Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa
- Đại diện Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP. Hà Nội tham gia phiên toà gồm: Ông Nguyễn Viết Cường và ông Ngô Thái Dũng.
Sẽ có 5 luật sư tham gia tố tụng, bào chữa cho các cho các nhà hoạt động, gồm các Luật sư Nguyễn Văn Miếng, Lê Văn Luân, Đoàn Thái Duyên Hải, Ngô Anh Tuấn và Trịnh Vĩnh Phúc.
Luật sư Nguyễn Văn Đài từng bị bắt và bị kết án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế, hồi năm 2007 trong một vụ án nổi tiếng với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN”, cùng với một luật sư khác là Lê Thị Công Nhân. Sau khi ra tù, ông vẫn tiếp tục các hoạt động ôn hoà, đấu tranh cho tự do, dân chủ và bị bắt lại vào ngày 16/12/2015, vừa hết thời gian bị quản chế của án tù trước. Ban đầu, ông Đài bị bắt với cáo buộc vi phạm điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước”. Sau hơn một năm, ông bị “chuyển tội danh” thành điều 79 “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, một điều luật có mức hình phạt nặng hơn điều 88.
Trong thời gian bị cầm tù, luật sư Nguyễn Văn Đài vinh dự được Liên đoàn thẩm phán Đức trao giải thưởng Nhân quyền hồi tháng 4/2017. Ông Đài là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý này.
Tháng 7 và tháng 8/2017, nhà cầm quyền tiếp tục bắt một loạt các thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ như Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn. Cùng bị bắt thời gian này còn có các nhà hoạt động khác như cựu TNLT Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Trực.
Ông Phạm Văn Trội từng bị bắt vào ngày 18/9/2008 cùng với 9 nhà hoạt động khác như Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, Vũ Văn Hùng, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn, Trần Đức Thạch. Ông Trội bị kết án 4 năm tù giam, 4 năm quản chế theo điều 88.
Ông Nguyễn Bắc Truyển từng bị bắt cuối năm 2006 và bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc “chống nhà nước”.
Ông Trương Minh Đức bị bắt lần đầu vào ngày 5 tháng 5 năm 2007 tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang theo điều 258 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Ngày 28 tháng 3 năm 2008, ông bị TAND huyện Vĩnh Thuận tuyên án 5 năm tù giam.
Cũng bị cáo buộc điều 88, Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt và bị kết án 2 năm tù giam, 2 năm quản chế vào năm 2013.
Cả bốn cựu TNLT là các ông Trội, Tôn, Truyển, Đức đều bị bắt lại vào ngày 30/7/2017. Trong thời gian sau khi ra tù án trước đến thời điểm bị bắt lại, các nhà hoạt động trên từng nhiều lần bị đánh đập dã man, bị sách nhiễu, câu lưu. Ông Tôn từng bị đánh gãy chân trong một lần bị mật vụ bắt cóc hồi tháng 12/2017.
Như vậy, cả luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà đã bị giam giữ gần 2 năm rưỡi mới đưa ra toà. Đây là một hành vi vi phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng.
Sáu nhà hoạt động trên đều là những người được công luận quan tâm bởi những đóng góp không mệt mỏi của họ cho nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam. Năm trong số 6 ngừời này đều đã từng phải chịu những bản án tù hết sức bất công. Nhiều người dự cảm án tù dành cho họ lần này sẽ rất dài bởi yếu tố “tái phạm nguy hiểm” chiếu theo luật cộng sản hiện hành. Hơn thế, điều 79 có mức hình phạt nặng hơn điều 88. Một yếu tố đáng lo ngại là sức khoẻ của các nhà tranh đấu này đã giảm sút rất nhiều vì các yếu tố: tuổi tác, tù đày, bị đánh đập…
Phiên toà được thông báo là xét xử công khai nhưng công luận vẫn khẳng định đây sẽ lại là một phiên xử kín với bản án bất công. Người thân, bạn bè của các “bị cáo”, những người hoạt động nhân quyền khác và những ai muốn quan sát phiên toà sẽ lại bị ngăn cản, thậm chí bị đánh đập và bắt bớ, câu lưu.
Năm 2016, 2017 là những năm đặc biệt khó khăn đối với giới tranh đấu nhân quyền tại Việt Nam khi các vụ đàn áp, bắt bớ gia tăng. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã phải chịu những bản án nặng nề ngoài dự đoán của công luận.
Chưa bao giờ nhà cầm quyền tỏ ra điên cuồng như hiện nay và bộ máy đàn áp này sẽ đẩy mạnh việc bắt bớ, gây áp lực lên giới đấu tranh nhân quyền trong nước.
23.03.2018
CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com
23.03.2018
CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com