Lê Thiên (Danlambao) - Đã có nhiều người viết hoặc nói về Việt Khang, nhất là thời gian gần đây sau khi nhạc sĩ này đặt chân lên Hoa Kỳ tị nạn cộng sản ngày 08/02/2018. Cho nên, có lẽ là thừa và cũng là sự trùng lặp vô ích nếu lại viết tiểu sử Việt Khang của anh trong lúc này.
Lại vốn không có khiếu về âm nhạc để mà hiểu hết ngọn ngành ý nghĩa từng nốt nhạc, từng lời nhạc trong đó người nhạc sĩ gửi gắm tâm tư của mình, chúng tôi càng không có khả năng lạm bàn chuyện nhạc hay bình nhạc! Chỉ xin mạo muội bày tỏ một chút cảm nhận thô thiển về những câu hỏi Việt Khang nêu ra.
Anh là ai? Chiến sĩ vô danh VNCH.
Nhớ năm 1971, khi cuốn phim “Người tình không chân dung” được trình chiếu ở Sài Gòn, một bản nhạc trong phim đã làm rung động xao xuyến bao trái tim người xem phim, đó là bản nhạc Cái Nón Sắt của nhạc sĩ Hoàng Trọng do ca sĩ Lệ Thu trình bày.
Tiếng hát khóc cho số phận một chiếc “nón sắt bên bờ lau sậy”, nhưng sự thật là khóc cho một chiến sĩ đã ra đi, không ai biết anh là ai hoặc anh đã đi về đâu, “bây giờ anh đang ở đâu”. Càng không biết anh tên gì dù rằng có tiếng con ễnh ương nằm trong chiếc nón sắt của anh đang lăn lóc nơi hoang vắng như thể con ễnh ương ấy đang gọi tên anh dưới cơn mưa dầm, “tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ!” Anh, vẫn cứ như người không tên! Vâng! Anh là chiến sĩ vô danh của QL/VNCH!
Tội nghiệp thay! “Trên đầu anh, cái nón sắt ngày nào ấp ủ mộng mơ của anh, mộng mơ của một con người”. Cái mộng mơ mà người trai trẻ “trên đầu đội cái nón sắt” ấy phải chăng là cái giấc mơ đầy ắp lý tưởng, đầy ắp tình yêu và đầy ắp ước mộng đẹp đẽ của người trai hung đang cầm sung bảo vệ giang sơn cùng hàng hàng lớp lớp người thân nơi hậu phương, trong đó có “cả tiếng cười thủy tinh của vài đứa trẻ và hơi ấm vòng tay ôm của một người vợ hiền!…”
Nhưng rồi không ai ngờ, và chính anh cũng không ngờ đâu đó tên anh như tiếng thở dài của lòng đất mẹ… tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa như tiếng gầm phẫn nộ đến từ cuối trời vang vọng vào cõi hư không! Trong khi những người thân thương của anh còn ở lại thì lòng đau như thắt, cứ mãi ngẩn ngơ thét lên tiếng khóc não nề: “Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này!” Để cuối cùng chỉ còn biết thổn thức “Anh là ai? Anh là ai? Anh là ai?” Lời hỏi “Anh là ai” lặp lại liên tục 3 lần nghe thân thương làm sao và cũng ngậm ngùi thống thiết làm sao!
Anh là ai? Việt Nam Dưới chế độ CS!
“Anh là ai” của thời Việt Nam Cộng Hòa nghe bùi ngùi thiết tha bao nhiêu thì lời hỏi “anh là ai” ở trong nước hôm nay giữa thế ký 21 này nghe ai oán bấy nhiêu! Căm thù dâng lên! Uất hận ngập tràn! Nhất là tiếng hỏi “Anh là ai” được phát ra từ một giọng hát nghe nghèn nghẹn chất chứa nỗi đau quê hương bị giày xéo.
“Anh là ai” trong bài hát của người thanh niên mang tên Võ Minh Trí, bút hiệu Việt Khang chất chồng cơn thịnh nộ ấy của một con người yêu nước, thương nòi. Khác với lời hỏi đầy thân thương và tiếc nuối “anh là ai” dành cho người “chiến sĩ thời VNCH “đã để lại cái nón sắt bên bờ lau sậy”, tiếng hỏi “anh là ai” trong bài hát của Việt Khang nghe thật sắc và bén!. Tiếng hỏi ấy như thể phát ra từ một con người không còn nữa sức chịu đựng những đè nén chất chồng bấy lâu nay. Cũng ba lần hỏi “anh là ai”. Nhưng sau lời hỏi “anh là ai” ở đầy lại được kết nối tiếp với những câu hỏi khác: “Sao bắt tôi?” “Sao đánh tôi?” “Sao không cho tôi tỏ bày?” Trả lời! Trả lời đi bạo quyền! Và người ta đã trả lời thật cho người sáng tác nhạc bản chứa đụng những câu hỏi bình dị mà có sức đâm xuyên thấu ấy: Việt Khang bị tống vào tù 4 năm. Ra tù, chịu thêm 2 năm nữa trong vòng kềm kẹp, quản chế!
Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai? Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?
Xin hỏi anh là ai? Không cho tôi xuống đường để tỏ bày?
Người dân trong nước không ngờ Việt Khang đã dám thẳng thắn tuy vẫn hết sức lịch sự “Xin hỏi anh là ai?” Anh là ai, sao lại bắt tôi? Anh là ai, sao lại đánh tôi? Anh là ai, sao ngăn không cho tôi tỏ bày ý kiến, tỏ bày nguyện vọng? Những tiếng hỏi của người bị siết cổ, nghẹt họng đang tàn hơi, vẫn cố gào! Không được ai trả lời câu hỏi “Anh là ai”, những nạn nhân đang oằn oại kia lại gắn gượng gào tiếp, hỏi tiếp, giọng gắt gao hơn (dĩ nhiên cũng qua nhạc phẩm của Việt Khang):
Xin hỏi anh ở đâu? Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm
Xin hỏi anh ở đâu? Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi?
Câu hỏi ở đây quả là câu hỏi gây nhức nhối: Anh đã can tâm rước giặc Tàu xâm lăng nước tôi, lại còn can tâm ngăn cản, không cho tôi chống giặc? Rõ ràng là giặc Tàu, lũ giặc ngoại xâm này đâu LẠ gì với dân Việt chúng tôi! Anh cố giấu hành tung của lũ giặc Tàu, giờ tôi lôi đích danh chúng – giặc Tàu xâm lăng! Sao anh không sáng mắt ra, còn can tâm tiếp tay chúng. “ngăn bước tôi chống giặc”, “mắng tôi bằng giọng nói dân tôi”. Những câu hỏi này rõ ràng có sức mạnh đánh phủ đầu bọn bán nước, nhưng đó vẫn chưa thấm, chưa đau bằng lời cảnh báo “ngàn sau ghi dấu bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào”.
Thời xa xưa, các nhà vua Việt Nam rất kinh nghiệm về lòng tham vô đáy của bọn giặc Hán, như vua Lê Thánh Tôn đã lên tiếng cảnh cáo: “... Một thước núi, một tấc đất của ta lẽ nào lại tự liệu vất bỏ được! Kẻ nào dám đem một thước núi, một tấc đất của Tổ Tiên giống nòi để làm mồi cho giặc thì kẻ đó phải bị trừng trị nặng!”
Nhưng có lẽ các bậc tiền nhân thời đó chú trọng tới lòng tham vô đáy của giặc phương bắc về đất đai lãnh thổ/biên thùy hơn là lên tiếng về hiện tượng những “bàn tay nhuộm đầy máu đồng bào” như ngày nay chăng?!
Ngày nay, tội bán nước của CSVN ngày càng lộ liễu với những hành động gian ác trắng trợn đối với người dân yêu nước với “bàn tay nhuộm máu đồng bào!” Chẳng đáng trừng trị sao và trừng trị bằng cách nào mới xứng với tội ác của chúng?
Cùng với Việt Khang, mỗi người chúng ta dứt khoát: “Tôi không thể ngồi yên Khi nước Việt Nam đang ngã nghiêng Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm Một ngàn năm hay triền miên tăm tối!”
Vâng! “Để đời sau cháu con tôi làm người!” Trách nhiệm lớn lắm!
Việt Nam tôi đâu?
Trong cái ý thức nhân bản làm người, làm dân và trách nhiệm của người đi trước đối với các thế hệ đi sau, nhạc sĩ Việt Khang không ngừng ưu tư cho tiền đồ và sự tồn vong của đất nước! Nỗi lo về họa mất nước, họa diệt vong của Tổ quốc Việt Nam đã khiến Việt Khang lại buông ra những tiếng kêu vang thống thiết: “Cội nguồn ở đâu khi thế giới này đã không còn Việt Nam?” Rồi anh lại thổn thức:
“Mẹ Việt Nam đau
Từng cơn xót dạ nhìn đời
Người lầm than đói khổ nghèo nàn
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian"
Không hết thao thức ưu tư về số phận của Tổ quốc và nòi giống mình dưới gót chân xâm lược của “giặc Tàu”, Việt Khang trằn trọc:
Giờ đây Việt nam còn hay đã mất?
Mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta,
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu!
Chỉ trong một đoạn nhạc ngắn, tác giả “Việt Nam tôi đâu” tới hai lần uất hận thốt lên tiếng “giặc Tàu”. “Giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta” để rồi “bao người dân vô tội chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu!”
Giặc Tàu đầu năm 1974 đánh cướp Hoàng Sa! Giặc Tàu đầu năm 1979 hùng hổ thô bạo tràn qua Biên giới Việt-Hoa bắn giết dân ta! Giặc Tàu đầu năm 1988 lại cưỡng chiếm Tam Sa! Rồi năm 1990 lấy tư cách “thiên triều”, bọn cầm đầu Hán tộc phương bắc lại truyền cho tôi tớ chúng từ nam phương gồm Nguyễn Văn Linh (chức Tổng Bí Thư Đảng), Lê Đức Anh (chức Chủ tịch nước) Đỗ Mười (chức Chủ tịch HĐ Bộ trưởng), Phạm Văn Đồng (chức Cố vấn tối cao CSVN) lục tục kéo về Thành Đô nước Tàu nhận lệnh cắt đất, lùi biên giới! Sự có mặt của lão già Phạm Văn Đồng trong đoàn này có ý nghĩa đặc biệt: xác lập “tính chính danh” của Công hàm bán nước năm 1958 mà y đã ký gửi cho lãnh đạo Tàu Cộng (Chu Ân Lai). Sự hiện diện của Lê Đức Anh cũng là bằng chứng của sự lệ thuộc: Qua lời chứng của tướng Lê Mã Lương, năm 1988, chính Lê Đức Anh đã lệnh cấm bộ đội CSVN “nổ súng” chống quân Tàu cướp Gạc Ma (Trường sa)!
Từ đó, ngư dân Việt Nam mất dần, mất dần về tàu đế quốc Tàu mọi quyền sống và sinh hoạt đánh bắt cá trong phạm vi lãnh hải của mình quanh Hoàng-Trường Sa, trong khi hai quần đảo chiến lược đã và đang tiếp tục biến thành căn cứ quân sư quan trọng của phương bắc thống trị toàn Biển Đông!
Ấy là chưa nói tới những cuộc bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn, bỏ tù, hành hạ dã man người dân yêu nước chống bọn Tàu tặc xâm lăng mà tác nhân của những cuộc bách hại là chính nhà cầm quyền CSVN qua bàn tay Công an và lũ côn đồ tay sai đội lốt Dư luận viên, Hội Cờ Đỏ…!
Người dân căm phẫn! Người dân lên tiếng! “Từng đoàn người đi, chẳng nề chi, già trẻ gái trai, giơ cao tay chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam.” Và người dân tiếp tục bị đàn áp tàn nhẫn, không phải bởi tay quân xâm lược, mà bởi chính bọn tay sai của quân xâm lược này!
Cùng nhau đứng lên!
Nhà đấu tranh bằng âm nhạc Việt Khang nhất định không dừng lại. Anh chuyển tải đến người dân Việt yêu nước thương nòi chỉ một thông điệp với lời lẽ đanh thép:
Là một người con dân Việt Nam
Lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm?
Người người cùng nhau
Đứng lên đáp lời sông núi!!!
Vâng! Là con dân Việt Nam, chúng ta “người người cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi!” để chặn giặc Tàu, mà trước tiên là diệt tan lũ Việt cộng tay sai quân Tàu cộng, kẻ thù truyền kiếp của đất nước và dân tộc ta. Mặc kệ Cộng sản VN cam tâm làm tay sai cho giặc Tàu nhẫn tâm bắt bỏ tù hàng trăm nhà đấu tranh yêu nước, mà gần nhất là 6 nhà hoạt động Dân chủ bị tuyên án 66 năm tù một cách oan nghiệt ngày 05/4/2018 này. Đó là Ls Nguyễn Văn Đài: 15 năm tù giam – 5 năm quản chế; Phạm Văn Trội: 7 năm tù giam 1 – năm quản chế; Mục sư Nguyễn Trung Tôn: 12 năm tù giam – 3 năm quản chế; Trương Minh Đức: 12 năm tù giam – 3 năm quản chế; Nguyễn Bắc Truyển: 11 năm tù giam – 3 năm quản chế; Lê Thu Hà: 9 năm tù giam – 2 năm quản chế.
Trước đó, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) và một số nhà tranh đấu khác bị giam tù chỉ vì đã có những hành động chống Tàu xâm lược.Nay Mẹ Nấm vẫn khốn đốn trong nhà tù CSVN.
Hồi năm 2011, bà Bùi Thị Minh Hằng cũng đã bị bắt và nằm tù vì lên tiếng chống quân Trung cộng xâm lăng. Và còn biết bao người Việt Nam khác đang tù tội vì chống Tàu.
Cho nên, người dân VN không lạ về việc: “Ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao… cấp phép cho đoàn nghệ thuật Nội Mông (Trung Quốc) vào Việt Nam biểu diễn ngày 19/01/2018, trùng với ngày giặc Trung Quốc nổ súng cướp Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 44 năm, ngày 19/01/1974…”
Không ai ngạc nhiên chuyện học sinh VN ăn mặc rất đẹp, váy trắng, áo đỏ, khăn quàng đỏ, vẩy cờ Trung Cộng 6 sao (1 sao lớn, 4 sao nhỏ) chào đón Tập Cận Bình trong khi cờ Trung cộng chính thức chỉ 5 sao, gồm 1 ngôi sao lớn và 4 ngôi sao nhỏ biểu hiệu 5 sắc tộc Hán, Mãn, Hồi, Mông, Tạng! (BBC 22/12/2011 - Việt Nam đón Tập Cận Bình với cờ Trung Quốc 6 sao).
Vậy, thử hỏi chính nghĩa của Nhà nước CSVN ở đâu? Phải chăng ở trong gấu áo, đũng quần của quân Trung Quốc xâm lược?
Thế nên tiếng gào của Việt Khang chẳng những đã vang vọng từ trước khi anh bị tống vào tù, mà cả khi đang ngồi tù, giữa nanh vuốt kềm kẹp, anh vẫn không dứt tiếng thét:
Giờ đây
Việt nam còn hay đã mất
Mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu???
Rồi anh cổ võ toàn dân trong nước đứng lên mà lời kêu gọi của anh ở đây chúng tôi cho là một tuyên ngôn yêu nước hào hùng, lời ca chắc nịch đậm chất đấu tranh dõng dạc:
Từng đoàn người đi, chẳng nề chi già trẻ gái trai, giơ cao tay
Chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam.
(06/4/2018)