Vũ Đông Hà (Danlambao) - Bây giờ là 1 giờ sáng tại trại giam số 5, nhà tù Thanh Hóa. Bây giờ, một tờ lịch đã rơi xuống đánh dấu cho ngày tuyệt thực thứ 12. Bây giờ, cũng bước vào một ngày đặc biệt của người được vinh danh Người Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm: ngày Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cất tiếng khóc chào đời.
18 tháng 7. Sinh nhật thứ 39 của Quỳnh. Tôi không thể gửi đến Quỳnh một lời chúc tụng nào khi thực tế của Quỳnh chỉ là một đêm hè oi bức giữa 4 bức tường câm, đói lã, kiệt sức và trong Quỳnh có lẽ chỉ còn heo hắt 3 tia sáng nhỏ của sự sống: Thiên Chúa, Nấm và Gấu.
1 ngày trước sinh nhật Quỳnh, anh Nguyễn Ngọc Già gửi đến Danlambao "Chút tâm tình với Mẹ Nấm".
Bằng giọng hát tha thiết, anh gửi đến Quỳnh những tâm tình của anh qua ca khúc Tưởng Niệm của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng:
Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời,
thì hãi hùng hoàng hôn chợt tới
Ta nghiêng vai soi lại tình người,
thì bóng chiều chìm xuống đôi môi
Đang đam mê cho đời nở hoa,
chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối...
Ngày sinh nhật của Quỳnh, tôi bị ám bởi chia lìa, mất mát và sự chết!
Hoàng hôn chợt tới với Quỳnh vào ngày 10 tháng 10 năm 2016. Đó là ngày Quỳnh bị bắt và thực sự trở thành tù nhân của chế độ. Khi chúng ta tính thời gian tù đày của bất cứ người tranh đấu nào, hãy tính từ ngày họ bị bắt. Những phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm chỉ để trang trí, tô vẻ cho nền pháp trị rừng rú của chế độ.
Ngày 10 tháng 10, 2016 cũng là ngày mà những "đam mê cho đời nở hoa" đã bị tàn lụi khi chế độ độc ác, vô nhân đã cố tình để bé Nấm chứng kiến cảnh mẹ bị công an còng tay như một tội phạm.
Trong khi mẹ bị đày đoạ trong nhà tù nhỏ thì ở ngoài nhà tù lớn, 2 đứa con của Quỳnh phải đối diện với những nỗi đau còn quá sớm đối với 2 đứa bé 4 và 10 tuổi. Nguyễn Nhật Minh tức Gấu, nhớ mẹ khóc và đòi mẹ mỗi đêm. Nguyễn Bảo Nguyên tức Nấm, trở nên lạnh lùng, không khóc, không nói.
Dưới "mái trường xã hội chủ nghĩa", đối với các em nhỏ bị nhồi sọ, đảng, nhà nước các "chiến sĩ công an" là những người tốt. Và do đó, bắt buột mẹ Quỳnh phải là người xấu. Vài tháng sau khi xa mẹ, Nấm phải vào Sài Gòn để được bác sĩ trị liệu về tâm lý. Gia đình đều giấu kín tất cả những đau khổ, nhọc nhằn vì không muốn những kẻ bán linh hồn cho đảng quỷ chụp mũ, vu khống là bày trò để kiếm chút lòng thương hại của dư luận.
Bà Lan, 62 tuổi, một mình vừa thay con nuôi 2 cháu, vừa nuôi mẹ già đã 87 tuổi, vừa tranh đấu cho tự do của Quỳnh. Bên cạnh đó là những chuyến thăm con trong tù dài hơn ngàn cây số khi chế độ bán nước trả thù người tù yêu nước bằng cách chuyển trại giam từ Nha Trang ra Thanh Hoá. Ngày 21/04/2018 bà ngoại của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh qua đời.
Sáng ngày 6 tháng 7, Quỳnh dùng cuộc gọi duy nhất mỗi tháng một lần để thông báo cho mẹ biết là sẽ bắt đầu tuyệt thực vào ngày hôm sau. Quá lo lắng cho con nhưng phải theo quy định của cai tù là chỉ được thăm một lần mỗi tháng, chờ đến ngày 12/07, bà Lan mới có thể ra thăm để biết "sinh mạng Quỳnh còn hay mất" và xác nhận Quỳnh đã tuyệt thực.
Hôm nay sinh nhật của Quỳnh cũng là ngày thứ 12 Quỳnh tuyệt thực. Sẽ không có một cuộc gọi cho đến đầu tháng 8 nếu Quỳnh còn sức hay còn sống để gọi về nhà. Sẽ không được thăm viếng cho đến gần giữa tháng sau vì chế độ đã định như vậy.
Ngày sinh nhật của Quỳnh, chỉ còn lại trong tôi nỗi mong ngóng thắc thỏm, những cảm nhận buồn bã, nhớ Quỳnh, thương Nấm, thương Gấu.
Và bị bủa vây với những lời Tưởng Niệm từ giọng hát của người cựu tù Nguyễn Ngọc Già...
Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ
Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ
Bàn tay làm sao giữ, một đời vừa đi qua
Bàn tay làm sao giữ, một thời yêu thiết tha...
18.07.2018 - Sinh nhật Quỳnh