Tham nhũng và “cuộc chiến chống tham nhũng” ở Việt Nam hiện nay - Dân Làm Báo

Tham nhũng và “cuộc chiến chống tham nhũng” ở Việt Nam hiện nay

Phạm Văn (Danlambao) - Người đứng đầu “cuộc chiến chống tham nhũng” hay còn gọi là “người đốt lò” TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho rằng cuộc chiến hiện nay đã ở vào “giai đoạn quyết liệt” và “gọi thẳng” bọn tham nhũng là lũ “giặc nội xâm”. Dư luận có kẻ khen ông ta, thậm chí hết lời, gọi ông ta với cái tên đầy mê hoặc là “người đốt lò vĩ đại”. Người thì nghi ngờ, không biết cuộc chiến này nhằm mục đích gì và cuối cùng sẽ đi đến đâu, không biết đây là cuộc chiến chống tham nhũng thật hay giả, có thực sự vì dân vì nước không, hay chỉ vì sự hám danh, hám quyền của kẻ đứng đầu. Có kẻ sổ toẹt, xem đó chỉ là cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm lợi ích, giữa một bên tham nhũng ít hoặc còn được che đậy với một bên tham nhũng đã quá nhiều và rõ ràng.

Tuy nhiên, có những người xem ra nghiêm túc hơn, xét đến nguyên nhân, lý do của cuộc chiến, hoặc nghi ngờ bản lĩnh, trí tuệ và lương tâm của “người đốt lò”, thậm chí xem ông ta chỉ là kẻ học mót bề trên Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, hoặc nói thẳng ông ta vốn chỉ là một kẻ giáo điều, bảo thủ, cơ hội mà bản chất hèn nhát thì làm sao có thể chống lại bọn tham nhũng vừa đông như “quân nguyên” lại vừa tàn ác, cho nên ngờ rằng có ai đã chống lưng cho ông ta, bày vẽ cho ông ta cái trò này từ việc “kiếm củi” cho đến việc “đốt lò” nhằm phục vụ một mưu đồ rất nham hiểm nào đó v.v... 

Hẳn rằng tất cả những ý kiến, góc nhìn này đều có lý do, có cơ sở nhất định của chúng và chúng có thể đúng ít hoặc đúng nhiều. Lưu ý, tham chiếu tất cả những ý kiến, góc nhìn ấy, người viết bài này muốn đứng tách riêng ra để có một cách hiểu khác về bản chất, nguyên nhân, hậu quả của tham nhũng, thực chất “cuộc chiến chống tham nhũng”, qua đó cho thấy khả năng, con đường khắc phục triệt để quốc nạn tham nhũng đang hoành hành ghê gớm, kinh hoàng như ác quỷ lúc ẩn lúc hiện ở Việt Nam hiện nay. 

Đã có rất nhiều quan niệm, định nghĩa về tham nhũng. Theo một cuốn sách về bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam xuất bản năm 2015, trong “Mục 1. Các tội phạm về tham nhũng” thuộc chương XXIII “Các tội phạm về chức vụ”, thì THAM NHŨNG được hiểu một cách tổng quát là việc một cá nhân nào đó (không có hoặc có tổ chức) lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi (hoặc bao gồm các hành vi) như tham ô, chiếm đoạt tài sản của nhân dân hoặc của nhà nước (tài sản công), nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ, gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, giả mạo trong công tác v.v... Như thế, tham nhũng bao gồm những khía cạnh nội dung chủ yếu như sau: a) Về kẻ tham nhũng (hay chủ thể tham nhũng), ở đây kẻ tham nhũng chỉ là một hoặc một số cá nhân riêng biệt trong bộ máy quan chức. Do đó, tính chất không có hoặc có tổ chức được xét gắn chặt với các cá nhân này, không liên quan đến tính tổ chức của toàn bộ bộ máy quan chức; b) Tham nhũng không tách rời chức vụ, quyền hạn và là sự lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn của kẻ có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy quan chức nhà nước để thực hiện các hành vi như tham ô, hối lộ, trục lợi... Cho nên, tham nhũng chỉ có thể là hành vi của kẻ có chức quyền; c) Kết hợp với những khía cạnh trên, tham nhũng là tham ô, hối lộ, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhân dân hoặc của xã hội, của công, lạm quyền hay giả mạo trong công tác, thi hành công vụ v.v... (hoặc có thể bao gồm các hành vi này). Tham nhũng là một hiện tượng thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng về cơ bản là một hiện tượng của sinh hoạt kinh tế, là sự chiếm đoạt những giá trị, lợi ích kinh tế dưới hình thức này hay khác. 

Khái niệm tham nhũng như vừa nói có thể đúng với mọi hiện tượng tham nhũng ở các nước khác nhau trên thế giới, nhưng ở Việt Nam (và cả ở bên Tàu), đặc biệt trong điều kiện chế độ độc tài-toàn trị, tức chế độ đảng “cộng sản” trị hiện nay, khái niệm này chỉ đúng với những trường hợp tham nhũng cá biệt, còn về tổng thể hay về cơ bản, nó không thực sự đúng, không thể được áp dụng. Tiếc rằng cho đến lúc này có thể thấy rõ sự tham nhũng, hiện trạng tham nhũng và cả “cuộc chiến chống tham nhũng” ở Việt Nam hiện nay về cơ bản đang được cả kẻ “chống tham nhũng” và người quan sát hiện tượng tham nhũng, thậm chí cả chính kẻ tham nhũng, hiểu theo, căn cứ vào nội dung và ý nghĩa của khái niệm này. Chính vì thế, có thể thấy những mâu thuẫn, rối rắm, mập mờ, bế tắc nảy sinh không chỉ trong nhìn nhận về bản chất của các hiện tượng tham nhũng, “cuộc chiến chống tham nhũng” mà cả trong “cuộc chiến chống tham nhũng” mà ở đây kẻ nhân danh chống tham nhũng đã lợi dụng sự rối ren, mập mờ này khuyếch trương thanh thế, còn kẻ tham nhũng, nhất là tham nhũng lớn có thể tìm cách trốn chạy được. Vậy trước hết nên hiểu bản chất của tham nhũng hiện nay ở Việt Nam như thế nào? Căn cứ vào nội dung khái niệm tham nhũng và thực tế tham nhũng có thể thấy bản chất của tham nhũng ở Việt Nam hiện nay biểu hiện rất rõ ở những khía cạnh nội dung dưới đây. 

Thứ nhất, về kẻ tham nhũng (hay chủ thể tham nhũng), có thể nói là hầu hết những người có chức, có quyền trong bộ máy quan chức, dưới hình thức này hay khác, bằng cách này hay khác, hoặc ít hoặc nhiều ĐỀU LÀ kẻ tham nhũng. Nói chung, không ai có thể sống bằng tiền lương, nhưng tất cả đều sống và phần nhiều sống “tốt”, sống rất “đàng hoàng”? Nói cách khác, tham nhũng là hiện tượng phổ biến, và được xem như điều gì đó rất “bình thường-hiển nhiên” của toàn bộ bộ máy quan chức. Nhưng đáng nói là có rất nhiều kẻ tham nhũng có địa vị, quyền hạn cao, thậm chí rất cao và cao nhất trong hệ thống quan chức, bao gồm cả trong hệ thống ĐCS ở Việt Nam và tất nhiên, hầu hết đều là đảng viên của đảng “cộng sản”. Đáng nói hơn nữa, bộ máy quan chức nói chung bao gồm một lũ rất ngu dốt (so với chức vụ và quyền hạn của chúng). 

Thứ hai, liên quan với nội dung khía cạnh trên, tham nhũng không còn, hay nói chung không còn là một hiện tượng cá biệt của một cá nhân đơn nhất, mà là một hiện tượng có tính tổ chức, có tính hệ thống của toàn bộ bộ máy. Khó có ai đứng ngoài bộ máy-tổ chức này từ trung ương đến cơ sở mà có thể tham nhũng, hơn thế, khó, vô cùng khó cho những ai không tham nhũng mà có thể có tiếng nói vô tư, trung thực, thẳng thắn, có thể làm việc tốt, sáng tạo, có thể tồn tại trong bộ máy. Tất cả là một hệ thống dây rợ chằng chịt ma mãnh, luồn lách khống chế, chi phối mọi thành viên quan chức, thậm chí đến cả người dân. Không còn, không phải là một thứ lợi ích nhóm cá biệt, mà là sự liên kết các lợi ích nhóm thành một lợi ích nhóm lớn, của toàn bộ hệ thống-thể chế. Đặc biệt, nói thẳng ra tính tổ chức của hoạt động tham nhũng ở đây liên quan chặt chẽ với sự tổ chức-lãnh đạo của Đảng “cộng sản” ở Việt Nam. Chúng ta sẽ nói rõ hơn điều này ở khía cạnh nội dung thứ ba dưới đây. 

Thứ ba, về sự lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Nếu người ta cần tiêu diệt một ổ tham nhũng ở một đơn vị, một công ty thì sự lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn có thể chỉ được xét ở đơn vị, công ty ấy. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế, vì đó có thể chỉ là sự che đậy sự lợi dụng, lạm dụng của cả hệ thống. Cụ thể là sự lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của kẻ ở công ty, đơn vị này biết rõ sở dĩ có thể lạm dụng, lợi dụng được là vì có thể hối lộ, đút lót kẻ có chức vụ, quyền hạn cao hơn dưới hình thức nào đó. Và cứ theo suy luận như thế (hoàn toàn không tùy tiện chút nào), ta đi đến kết luận: tham nhũng ở Việt Nam là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn một cách có hệ thống, có tính phổ biến, thậm chí ở mức độ cao nhất để thực hiện các hành vi như hối lộ, tham ô, chiếm đoạt tài sản của nhân dân, đất nước v.v... ở các cấp độ khác nhau. Đặc biệt, cương lĩnh của đảng được đặt cao hơn Hiến pháp, sự “lãnh đạo” của Đảng được đặt lên trên Hiến pháp, thực chất là ở ngoài Hiến pháp, pháp luật nói chung. Nói cách khác, việc ban hành hệ thống pháp luật nói chung là để bảo vệ đảng “cộng sản”, bảo vệ chế độ do đảng “cộng sản” nắm quyền cai trị tuyệt đối, chính là sự lợi dụng-lạm quyền cao nhất, ghê tởm nhất. 

Sẽ là rất hay, nếu như có người nào đó lập luận rằng nếu quyền lực do đảng “cộng sản” nắm hay chính quyền là của đảng “cộng sản” rồi, thì đương nhiên đảng và các thành viên của đảng được thực hiện các quyền của mình chứ làm gì có chuyện “lợi dụng”, “lạm dụng” chức vụ và quyền hạn một cách hệ thống, phổ biến? Vâng, vấn đề là ở chính chỗ này đấy! Bởi vì, một là như thế thì từ khi giành-cướp được chính quyền “từ tay nhân dân”, đảng “cộng sản” đã luôn luôn dối trá rằng đây là “nhà nước của dân, do dân và vì dân”, gọi những người đấu tranh là có âm mưu, hành vi lật đổ “chính quyền nhân dân”; hai là, nhà nước (chế độ) đảng “cộng sản” trị là chế độ độc tài-toàn trị, một biến tướng mới, trái mùa của chế độ quân chủ, đã hết sức lỗi thời, trở nên quái dị; ba là, chế độ này đặt dưới sự “lãnh đạo” tuyệt đối của một đảng với một hệ tư tưởng, học thuyết chứa đầy khiếm khuyết, sai lầm, ảo tưởng và cũng đã rất lỗi thời, đồng thời núp dưới các khẩu hiệu bịp bợm, mị dân là dân chủ, công bằng. Không những thế, sự tổ chức-lãnh đạo được thực hiện “nhất quán” từ trung ương đến cơ sở. Dĩ nhiên, có người sẽ phản biện rằng như thế thì phủ nhận hết à? Không, một đường lối, tư tưởng sai lầm, lỗi thời, sự định hướng cơ bản bằng các giá trị kinh tế-vật chất trần trụi, nhất định sẽ đưa hoạt động của các đơn vị, các tổ chức, cả đất nước đi đến sự bế tắc, khốn cùng và sụp đổ. 

Vậy, đây là dạng lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hay nói chung là lạm quyền bằng cách sử dụng một thứ quyền lực không chính đáng, lỗi thời, thậm chí mọi rợ, vô minh, vô pháp và vô đạo. Do đó, hệ thống bạo lực được dựng lên để thực hiện sự cai trị là một bộ máy được giáo dục-đào tạo bằng sự dối trá, hết sức mơ hồ về lý tưởng và mục đích, không có khả năng phân biệt giữa các giá trị thực và giả-ảo, quân đội “nhân dân” thì “trung với đảng” (làm sao còn “hiếu với dân”), công an “nhân dân” thì hành động theo phương châm “còn đảng còn mình”, cho nên “hèn với giặc ác với dân”, thậm chí rất khốn nạn, độc ác. 

Thứ tư, tham ô, chiếm đoạt tài sản của nhân dân hoặc của nhà nước (tài sản công), nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ, gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, giả mạo trong công tác v.v... đã và đang diễn ra một cách phổ biến, có hệ thống ở nước ta. Các hành vi này đều mang hình thức là nhận tiền hoặc quà biếu, nhất là nhận tiền, có khi với số lượng lớn. Chẳng hạn, có thể thấy một hiện tượng tham nhũng phổ biến diễn ra vào khoảng 10 năm trước đây, kẻ có chức, có quyền hoặc là lập dự án, kế hoạch để “vay” tiền từ ngân hàng nhà nước, sau đó có thể thực hiện hoặc không thực hiện dự án, thậm chí dự án có thể thất bại, nhưng kẻ được vay bằng những phương cách khác nhau vẫn chiếm đoạt được số tiền cho vay này với số lượng lớn, hoặc ký các văn bản, dự án để giao đất nhận “lại quả”, dựa vào quyền hạn thúc các ngân hàng cho vay không thế chấp, để nhận tiền “hoa hồng”, thậm chí hàng tháng, của người được vay v.v... Còn trong những năm gần đây tham nhũng diễn ra dưới hình thức trên danh nghĩa là lập các công ty sản xuất nhưng không sản xuất, mà nhập hàng Tàu với giá rẻ rồi dán nhãn mác Việt Nam để bán v.v... Nhờ vậy, sự giàu có, các “đại gia”, “tỷ phú” xuất hiện nhanh chóng, hầu hết theo phương thức “tiền đẻ ra tiền”, dựa trên lao động-sản xuất thì rất ít, không đáng kể, càng không nói đến do sáng tạo mà có (Xem livestream của Trần Nhật Phong “Các đại gia đỏ (ở Việt Nam) kiếm tiền bằng cách nào” - Phong Trần xuất bản 21/7/2018). 

Làm sao có thể kể ra hết các hành vi, hiện tượng tham nhũng đã trở thành quốc nạn với thiên hình vạn trạng ở Việt Nam hiện nay! Ở đây người bé ăn bé, kẻ lớn ăn lớn tùy theo chức vụ, quyền hạn, tùy theo tính chất, loại công việc được đảm nhận. Điều đáng nói là kẻ tham nhũng dường như không có hoặc đã mất hết tính người. Chúng nhận hết, vơ vét hết và sẵn sàng nhận hết, vơ vét hết từ đồng hào của những người đi ăn xin, buôn thúng bán mẹt, của trẻ thơ trong các trường mầm non, học sinh, sinh viên trong các trường học, bệnh nhân trong các bệnh viện, chiếm đất, phá cả chùa chiền, nhà thờ, cho đến việc bán cả đất đai, rừng biển của người dân, đất nước, cho đến thậm chí bán cả linh hồn cho quỷ dữ! (Hãy nghe bài hát “Chúng đi buôn”). Cho nên, chúng tỏ ra rất trơ trẽn, lì lợm, vô cảm, xem như không có chuyện gì xảy ra khi ở trên các bậc thang chức vụ, quyền hạn cao thấp, thậm chí trên các giảng đường, trường học, thậm chí ngồi ở ngôi cao, cao nhất. 

Thứ năm, tham nhũng ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài, đặc biệt gắn chặt với việc quan hệ, làm ăn với Trung Cộng. Có thể nói, ở đây tham nhũng chủ yếu là hành vi nhận hối lộ, “lại quả”, trục lợi từ các “nhà đầu tư” Tàu Cộng. Với sự ngự trị của lòng tham lam những giá trị vật chất-kinh tế trần trụi, cùng với sự ngu dốt, hám quyền và hèn nhát, các quan chức “cộng sản” lớn nhỏ ở Việt Nam (có thể lúc đầu là những người “vô tư”), đã sập bẫy của “quái thú-mọi rợ” Tàu Cộng bởi ngoác-đớp phải những miếng mồi “đầu tư” lớn nhỏ, bởi cả sự đe dọa của chúng, không biết được âm mưu-chiến lược xâm lược mềm vô cùng hiểm độc của kẻ thù khi chúng núp dưới những lới nói mỹ miều, mơ hồ như “16 chữ vàng”, “4 tốt”, rồi “một vành đai, một con đường” (mà vào thời điểm này, có người nói một cách khôi hài là “chưa đãi đã lộ”). Cho nên, đã “mở cửa” cho Tàu Cộng đầu tư-xâm chiếm đất đai, lập căn cứ, “đặc khu” ở những địa điểm xung yếu về chính trị-quốc phòng trên đất nước Việt Nam. Như vậy, hành vi tham nhũng ở đây dẫn đến hoặc bao gồm hành vi bán nước, gọi tắt là tham nhũng-bán nước một cách tự phát hoặc tự giác, công khai hoặc ngấm ngầm, ít hoặc nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp. Có thể xem bán nước cũng là một hành vi tham nhũng, nhưng là tham nhũng đặc biệt và cần lưu ý rằng không thể bán nước nếu không có địa vị, quyền hạn cao, thậm chí là cao nhất. 

Như thế, tham nhũng ở Việt Nam hiện nay có tính chất đặc thù, nó không đơn giản là “bầy sâu”, mà là sự tham nhũng của cả một tập đoàn, một thể chế (chế độ) và có tính tổ chức trên phạm vi quốc gia, nghĩa là thậm chí có cả “đường lối, chủ trương” tham nhũng hẳn hoi và được thực hiện chủ yếu bằng sự dối trá, bạo lực, gắn chặt với hành vi bán nước. Đây là biểu hiện sự suy đồi cùng cực của chế độ đảng “cộng sản” trị. Nguyên nhân trực tiếp của sự tham nhũng này nằm ngay trong bản chất của tham nhũng, đó là sự tha hóa của quyền lực, là do những kẻ cai trị, cụ thể là đảng “cộng sản” đã dựng lên và duy trì một chế độ rất ngu muội, tham lam, tàn bạo và đã hết sức lỗi thời, một chế độ “quân chủ” trái mùa, quái dị. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng tham nhũng này là sự tồn tại quá lâu của chế độ sở hữu công, không có chế độ sở hữu tư nhân, cho nên con người cá nhân chưa hoặc không thể hình thành, vì thế con người chỉ chăm lo, quan tâm đến những lợi ích kinh tế-vật chất trần trụi. Lâu dần, điều này trở thành căn bệnh hiểm nghèo trong văn hóa Việt Nam (Xem thêm bài “Sự sùng bái những giá trị vật chất trần trụi và cuộc chiến của Tự do-Văn minh chống lại Quái thú-mọi rợ” trên Dân làm báo 9/7/2018). 

Tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã để lại và tiếp tục gây ra những hậu quả kinh tế, xã hội, tinh thần hết sức nặng nề, nghiêm trọng. Chẳng thể kể hết những hậu quả ấy ở đây, chỉ nói đến hiện tượng mới nhất trong giáo dục là gian lận thi cử bùng nổ ở Hà Giang, có đến hàng trăm bài thi bị sửa-nâng điểm tùy tiện, 144 bài thi được nâng điểm từ 1-8 điểm. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến việc làm đầy tội lỗi, hết sức xúc phạm lương tri của con người Việt Nam, nếu không phải là sự tham nhũng, nếu không phải là tiền bạc-giá trị vật chất trần trụi đang định hướng toàn bộ đời sống xã hội do tham nhũng phổ biến, có hệ thống tạo nên? Đây là một đòn nặng nề giáng vào nền giáo dục vốn đang nát bét. Nhìn vào thực trạng giáo dục hiện nay thấy tương lai dân tộc, đất nước, giống nòi Việt Nam thật ảm đạm. Cần khẳng định rõ tham nhũng chính là nguồn gốc, cơ sở của mọi hình thức tội phạm, mọi bất công xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng cho mọi sinh hoạt xã hội, làm cho hệ thống giá trị bị đảo lộn, gây nên khủng hoảng định hướng giá trị đối với toàn xã hội. 

Cho nên, từ bản chất, nguyên nhân và hậu quả của tham nhũng ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể nhìn thấu thực chất của “cuộc chiến chống tham nhũng”: đó chẳng qua là cuộc chiến của phe nhóm lợi ích này chống lại phe nhóm lợi ích kia nhằm giành lấy điều kiện căn bản của tham nhũng là bộ máy quyền lực mà thôi. Vậy đừng có ảo tưởng về “cuộc chiến” này, vì nó không đi đến đâu cả, đừng tin vào ngưởi đứng đầu cuộc chiến là Tổng Trọng. Câu nói của ông ta trước kia: “chống tham nhũng là ta đánh vào ta”; nhưng bây giờ lại nói: “tham nhũng là giặc nội xâm”. Thật chẳng nhất quán chút nào, thật mâu thuẫn và rối rắm! Cũng không thể tin được cả những người ủng hộ “tích cực” “cuộc chiến” này, vì chính họ đang ở trong hệ thống tham nhũng, thậm chí đã và đang tiếp tục tham nhũng. Tuy nhiên, chúng ta có thể thông cảm với khá nhiều người ca ngợi, ủng hộ “cuộc chiến chống tham nhũng”, vì họ chưa hiểu rõ bản chất, nguyên nhân, hậu quả của tham nhũng. 

Đương nhiên, chúng ta sẽ không bỏ mặc quốc nạn tham nhũng này. Ông Hà Sĩ Phu trong một bài viết cũng đã đăng trên Dân làm báo, nói rằng không phải là bọn tham nhũng, mà chính bọn bán nước mới thực sự là “giặc nội xâm” , nhưng với cách hiểu của tôi về tham nhũng, tôi nghĩ đây là “hai loại giặc nội xâm” có sự cấu kết với nhau như một, hết sức chặt chẽ. Vì vậy, muốn khắc phục triệt để, tiêu diệt được quốc nạn tham nhũng - “lũ giặc nội xâm” này, chúng ta chỉ có một con đường là xóa bỏ chế độ độc tài-toàn trị, chế độ đảng “cộng sản” trị - một biến tướng-trái mùa của chế độ quân chủ ngu muội, tham lam, tàn bạo, đã hết sức lỗi thời, để thiết lập chế độ Tự do-Dân chủ, đẩy lùi và làm thất bại âm mưu xâm chiếm nước ta của Tàu Cộng, đưa đất nước, con người Việt Nam hội nhập với loài người tiến bộ-văn minh. 

Lưu ý: Trong phạm vi một bài báo tôi không thể nêu đầy đủ, chi tiết về hiện tượng tham nhũng vốn rất đa dạng, nhiều mặt để chứng minh cho những khía cạnh nội dung mang tính khái quát của mình. Tôi thành thực xin lỗi và kính mong bạn đọc, nếu có thể thì bổ khuyết, chứng minh thêm bằng những tư liệu, hiểu biết thực tế, để có thể có thêm niềm tin, có phương thức ứng xử, hành động thích hợp. 

22.07.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo