Từ Gạc Ma đến ngã ba Đồng Lộc - Dân Làm Báo

Từ Gạc Ma đến ngã ba Đồng Lộc


Hai sự kiện:

Thứ nhất: Gạc Ma – Còn được gọi là đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, trên vùng biển Đông thuộc lãnh hải Việt Nam. Tháng 3 năm 1988, có lệnh: một số quân đội nhân dân VN gồm hải quân và công binh - với hàng trăm bộ đội công binh và vài chục (đúng là 22) chiến sĩ hải quân ta ra Gạc Ma (cùng một số đảo kế cận) để xây dựng xác định chủ quyền – không được trang bị vũ khí để bảo vệ - và có lệnh: “không được nổ súng” một khi gặp địch, vì ta chủ trương tranh đấu hòa bình.

Ngày 14/3/1988, ta đến, và địch đến bao vây. Sau đó thì địch gây hấn, trấn áp và sát hại, nhằm mục đích giành lấy chủ quyền. Và ta, để bảo vệ ngọn cờ, bảo vệ biển đảo, ta quyết liệt chống trả bằng: xà beng, dao búa, gậy gộc có được, ngoại trừ vũ khí (2 khẩu AK mang theo không dám bắn trả). Ta đành thúc thủ, và 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh (do địch từ một số tàu với nhiều loại vũ khí (lớn nhỏ) tàn sát tiêu diệt quân ta quanh một vùng nước dậy sóng tung tóe, và quân ta đành ngã gục. Bao quanh một vùng sóng biển tung tóe rạng ngời – và sau này được mệnh danh “vòng tròn bất tử”.

Sự kiện thứ hai: Ngã ba Đồng Lộc – Vùng rừng núi trên tuyến đường xâm nhập Trường sơn - thời kỳ xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước - Đồng Lộc, một địa danh thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường sơn, là điểm giao lộ (quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2) thuộc Hà Tĩnh.

Một toán thanh niên xung phong nữ (10 em còn trẻ, tuổi từ 17 đến 24) thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 với nhiệm vụ: canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường, thông xe (xâm nhập) khi bị bom phá.

Trưa ngày 24/7/1968 (16 giờ 30), Mỹ ném bom đánh phá, một quả bom rơi sát miệng hầm, nơi 10 cô đang ẩn núp tránh bom, gây nên: tất cả 10 cô đều tử nạn - những cô gái tuổi đời còn khá trẻ chưa chồng.

Một cái chết đau thương, tức tưởi, một sự hy sinh anh dũng hào hùng, đáng được tuyên dương ca ngợi. Các em được truy phong liệt nữ, truy tặng anh hùng, được quảng bá khắp cùng đất nước. Được xây mộ xinh đẹp, được xây tượng đài lưu niệm. Được làm phim, phổ nhạc, được đi vào thơ ca. Nói chung là rất xứng đáng để được nêu danh, được trìu mến thương tưởng, được ghi vào sách sử, vào lòng dân tộc… Mỗi năm đều được trịnh trọng làm lễ tưởng niệm xưng danh. Một sự nêu danh, ca tụng và trở thành bất tử.

Trở lại sự kiện thứ nhất: Các chiến sĩ Gạc Ma so với 10 em TNXP Đồng Lộc, sự hy sinh của 64 chiền sĩ (hải quân và công binh) đâu kém sự hào hùng, đâu thua phần cao cả? Có thể nói là can trường, gan dạ, và tuyệt đỉnh của sự tuân lệnh, trung thành để bảo toàn giang sơn, tổ quốc?

Sau này, qua tài liệu, qua kể lại (từ một số các anh còn sống sót), và qua video (do Tàu cho phổ biến) trình chiếu cảnh tượng địch xả súng tiêu diệt các anh trên một vùng biển cát có nước biển, đạn cày, nước xoáy tung và các anh không còn cách nào khác hơn là chịu chết, không ai có thể cầm nước mắt, thương cảm đau lòng.

Vậy mà, suốt 30 năm, vẫn chưa có một tiếng nói, một nốt nhạc, một bài ca, một lời xưng tụng, một lần làm lễ vinh danh? Và chưa có một bia tưởng niệm, một nấm mồ? Mọi thứ cứ đi vào quên lãng?

Tuy rằng, vẫn có những lần, một số đồng đội, đồng bào, với tấm lòng trân quí mến thương, tổ chức, tri ân trong âm thầm lặng lẽ. Một đôi lần thể hiện, làm lễ tiếc thương, thì lại bị ngăn chặn, bị phá, cả bị đánh đập và bắt điều tra, cho là “phản động”?

Tạo sao lại là vậy?

Và vừa mới đây, sau 30 năm, một cuốn sách với những trân quí, và nghĩa cử cao đẹp - đồng tâm hiệp lực bằng những lương tâm - cho ra đời “Gạc Ma Vòng Tròn Bất Tử” kể lại một sự kiện lịch sử bi tráng hào hùng, với những gì xác thực. Thì, khi vừa mới phát hành lại bị ngăn chặn? Và dụng ý, rắp tâm tiêu hủy từ cấp lãnh đạo, những kẻ cầm quyền .

Vì sao? Và tại sao? Những câu hỏi vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng.

Tại vì (thiếu) chữ “TRƯỚC” trong lệnh ban ra? Phải chăng một chiêu trò “phù thủy”? Nói rằng lệnh ban ra không phải: “không được nổ súng”, mà là: “không được nổ súng TRƯỚC” mới đúng đắn? Một sự xảo ngôn, bao biện, chối tội của những tên ma giáo, ma đầu? Không lấy gì là chính đáng. Chắc chắn không thể làm cho 64 anh linh tử sĩ đã bị “bức tử” siêu thoát, ngậm cười? Mà là đớn đau và phẫn hận?

64 người lính một lòng trung kiên và can đảm, họ hy sinh cho ai? Cho tổ quốc hay cho cái đám người cao vọng quyền uy mà thấp hèn lương tâm và phẩm cách?

Để rồi, sau 30 năm, những cái chết đớn đau tức tưởi, những sự hy sinh cũng theo xác thân đã bị chon vùi, đã bị bội phản, lãng quên, chỉ vì cái lũ tham tàn, đớn hèn và nhu nhược?

Ngày trước - thời điểm 1968 – 10 cô gái Đồng Lộc bị chết là vì bom đạn Mỹ. Chống Mỹ thì luôn được vinh danh?

Ngày sau - thời điểm 1988 - 64 chiến sĩ bị tiêu diệt, tàn sát là do Tàu. Hy sinh chống Tàu (TC) là điều cấm kỵ, là phản bội? Đúng không? Và vì thế mà cần phải được lãng quên và ngăn chặn (quyển sách ra đời)?

Từ sự kiện Gạc Ma, dân ta không thể quên trận (Lão Sơn) Vị Xuyên 1984. QĐNDVN cũng lắm hy sinh – gần 2000 người nằm xuống? - vì chống Tàu cộng – vậy mà, cho đến ngày nay vẫn chưa có một lần chính thức vinh danh tưởng nhớ? Cũng vẫn bị lãng quên? Những xác thân đã phải vùi thây phiêu bạt xứ người (vì chiến địa giặc đã chiếm đóng). Có ai là người thương tưởng? Thậm chí bia tưởng niệm cũng (thông đồng cùng giặc) cho phá bỏ?

Vì bọn họ - những kẻ lãnh đạo hôm nay - đang rắp tâm thần phục… Giặc Tàu.

Bao sự hy sinh (chống kẻ xâm lăng, nếu là Tàu) chỉ trở thành vô nghĩa?

So sánh hai sự kiện Gạc Ma và Ngã Ba Đồng Lộc đã cho ta thấy được là như thế !

Có những cái chết trở thành bất tử

Xây vinh quang tô thắm cuộc đời

Có những cái chết giúp loài quỉ dữ

Tạo thêm nanh, móng vuốt hại người

Mọi cái chết đi vào sách sử

Sách sử ô danh, sách sử rạng ngời!

28/7/2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo