Hòa Vân - Đọc các bản tin trên, người ta thấy tờ China Daily đưa tin như một quyết định đơn phương của Trung Quốc, TQ là nước duy nhất « xây » một đường tàu đi qua nhiều nước khác, phục vụ mục tiêu kinh tế (chiến lược ?) của mình mà thôi…
Tin ngắn đây là tin « Trung Quốc xây tuyến đường sắt cao tốc đến Singapore qua Việt Nam » mà RFI đã đưa tin, và báo Bee.net cũng như vài trang mạng khác đã đăng lại. Nguồn chung của các báo, đài này là tờ báo China Daily ngày 21.1.2011. Cụ thể, báo này dẫn lời ông Long Li, giám đốc Cơ quan vận tải khu vực Quảng Tây : “Chúng tôi sẽ đầu tư 15,6 tỷ nhân dân tệ (3,05 tỷ USD) để xây dựng tuyến đường sắt nối liền Nam Ninh và Singapore qua hệ thống đường sắt của Việt Nam” (trích theo Bee.net, 21.1.2011).
Nhưng báo điện tử Diễn đàn Doanh nhân lại viết : « Theo tờ China Daily, Trung Quốc sẽ xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền Quảng Tây, miền nam Trung Quốc với Singapore. Tuyến đường trị giá 45 tỷ USD này sẽ băng ngang qua lãnh thổ Việt Nam, dự kiến khởi công cuối năm nay ».
Các bản tin trên đều không nói tới lập trường của các nước liên quan mà chỉ cho biết quan điểm của Trung Quốc là tuyến đường sắt này « là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Nam Ninh trong 5 năm tới, sẽ làm tăng lượng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ».
Tuy nhiên hai ngày sau, Bee.net cho biết : « Tại Hội nghị các bộ trưởng Giao thông – Vận tải ASEAN lần thứ 6 ở Brunei hồi tháng 10/2000, các nước trong khu vực và Trung Quốc đã thông qua tuyến đường đi qua bảy nước ».
Như vậy, đây là chuyện làm một con đường sắt quốc tế, có sự bàn bạc giữa các nước liên hệ. Chuyện bình thường ở thời đại này, chẳng nên co cụm, từ khước tham gia bất kỳ một công trình có tính quốc tế nào.
Nhưng tại sao lại chỉ là « Trung Quốc sẽ xây dựng… » nhỉ ? Đọc các bản tin trên, người ta thấy tờ China Daily đưa tin như một quyết định đơn phương của Trung Quốc, TQ là nước duy nhất « xây » một đường tàu đi qua nhiều nước khác, phục vụ mục tiêu kinh tế (chiến lược ?) của mình mà thôi…
Thoả thuận ở Brunei 11 năm trước dĩ nhiên chỉ là thoả thuận về nguyên tắc (nếu không, tại sao 11 năm sau chưa khởi công ?), sau đó các nước phải phân công tiến hành khảo sát, nghiên cứu cụ thể kế hoạch đầu tư (ai bao nhiêu ?), kế hoạch xây dựng như thế nào (gọi thầu như thế nào, chọn công nghệ nào…), có nhất trí được không về các « chi tiết » ? Chẳng hạn, khi vẽ rõ con đường trên bản đồ có tỷ lệ lớn nhất, nhiều khi nảy ra các vấn đề chẳng chi tiết tí nào : có những vùng chiến lược hay cần bảo vệ về môi trường, di tích văn hoá… khiến một quốc gia không muốn cho tàu đi qua ; ngược lại, mỗi nước đều phải tính đường tàu đi qua vùng nào thì đáp ứng tốt nhất cho các mục tiêu kinh tế – xã hội của mình. Đó là những vấn đề phải thương lượng, cân nhắc lợi ích chung – riêng, chứ đâu có phải « thông qua » một thoả thuận nguyên tắc là xong, rồi ông anh lớn muốn làm gì thì làm trên đất của các nước khác.
Vậy, câu hỏi đặt ra là : tại sao những nhà hữu trách Việt Nam không có phản ứng gì về việc này, không có thông tin nào cho người dân biết những vấn đề nêu trên (tất nhiên, đó không phải là toàn bộ các vấn đề có thể hay cần nêu lên, người viết không phải chuyên gia về giao thông vận tải) ?