Người Buôn Gió - Bài thơ Anh Không Về Đại Lễ đâu em của nhà báo Lê Phú Khải được ông làm vào lúc Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Bài thơ vừa xuất hiện đã nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người đọc, bao nhiêu trang mạng lập tức đã đăng tải bài thơ của ông. Đến lúc này nếu đánh tên của bài thơ vào trang tìm kiếm google sẽ thấy một kết quả kinh ngạc cho một bài thơ.
Anh không về Đại lễ đâu em
LPK
Anh không về Đại lễ đâu em
Dù Hà Nội ngàn năm hay vạn năm cũng thế
Khi vua Lý lại mang mão áo vua Tần!
Khi trong phim Việt Nam chỉ thấy sắc màu Trung Quốc!
Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc
Ông bà ta là thế!
Nên mới còn non nước Việt hôm nay
Hãy gửi cho anh một gói cốm màu xanh
Để anh nuốt vào lòng cả mùa thu Hà Nội
Gửi cho anh một cành liễu Hồ Tây
Để hồn anh mênh mang cùng sương khói . . .
Tưởng nhớ Người xưa đốt hương trầm là đủ
Hãy để những tỉ đô la xây bệnh viện, công viên
Để ngàn năm Thăng Long không thành ngàn mụn ghẻ
Để không còn những bộ phim
Ngộ độc cả ca dao, băng huyết cả tâm hồn
LPK
Sài gòn 17.9.2010
Cùng cảm xúc với muôn vạn người khi đọc bài thơ của nhà báo Lê Phú Khải, NBG trong tâm trạng đồng cảm với tác giả cũng đã họa lại một bài thơ. Từ đó điện đàm qua lại, mãi rồi mới có dịp gặp vị tiền bối.
Nhà báo LPK cao vững như cây thông ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông nói chuyện thẳng thắn và đầy ngang tàng. Điều toát lên ở ông dễ thấy nhất là dường như ông không hề ngại hay sợ sệt điều gì. Ông tâm sự mình ít làm thơ, và thơ chỉ làm khi máu trong người dâng lên sôi sùng sục buộc phải ói ra cho nhẹ. Người có tâm huyết với đất nước mà cá tính bộc trực như ông thì khó có thể dừng lại để cân nhắc an nguy khi bày tỏ quan điểm, nhà báo LPK nhấn mạnh.
- Những thằng bán nước đéo bị làm sao, thì những thằng yêu nước sao mà phải sợ.
Từ trái qua phải : nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà báo Lê Phú Khải, Người Buôn Gió ,ảnh chụp tại tư gia nhà báo Lê Phú Khải
Một quan niệm sống rất đơn giản và rõ ràng, mạch lạc như con người ông. Điều gì thấy đúng thì dẫu có thế nào đi nữa cũng phải làm, kể cả phía trước là gì đi chăng nữa. Sống là không hổ thẹn với lương tâm. Nhà báo LPK nói với chất lửa hừng hực trong câu chuyện của ông, bên cạnh LPK, nhà văn Phạm Đình Trọng bình thản ngồi nghe chuyện dường như PĐT quá quen thuộc tính cách của LPK bởi vì hai ông già gần nhà thường xuyên hay tâm sự với nhau, chỉ đợi lúc ông bạn già ngừng lấy hơi để hỏi xen vào vài câu. Nhìn bên ngoài nhà văn PĐT có dáng hiền lành , suy ngẫm thế thôi, nhưng ai từng dự cuộc hội thảo về Biển Đảo tại 45 Nguyễn Thông năm nào mới chứng kiến được vẻ ngút ngàn hào khí Đông A trong lời phát biểu của nhà văn này. Riêng tôi trong hội thảo đó, người mà tôi ấn tượng nhất vẫn là nhà văn Phạm Đình Trọng khi ông thẳng thắn đề cập những phương án thiết thực trong công cuộc giữ gìn biển đảo quê hương. Gần đây sau những ý kiến đóng góp với Đảng và nhà nước về việc khai thác Bô xít,lúc sắp tròn 40 năm tuổi Đảng, nhà văn Phạm Đình Trọng đã tự rút khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam mà ông đã từng gắn bó ngần ấy năm trời.
Thời gian dự định ở lại Sài Gòn của NBG vọn vẹn có 12 tiếng đồng hồ. Chia tay với hai vị tiền bối đầy lưu luyến, dù bữa nhậu có tính toán sắp đặt thế nào cũng không đủ thời gian. Hẹn với hai vị tiền bối gác ở lần sau. Ra đến sân bay, và lúc về đến nơi hai chú thay nhau gọi điện hỏi đi đến đâu, về đến chưa. Tình người mới thật ấm áp làm sao, bỗng nhiên cảm giác như mình có được thêm hai người cha đang ân cần quan tâm, đêm Hà Nội mùa đông bớt lạnh đi nhiều.