Hàng trăm người biểu tình Ai Cập bị bắt - Dân Làm Báo

Hàng trăm người biểu tình Ai Cập bị bắt


BBC - Khoảng 700 người bị bắt tại Ai Cập trong đợt trấn áp của nhà chức trách theo sau cuộc biểu tình chống chính phủ mới rồi.

Trước đó cảnh sát đã đụng độ với người biểu tình tại hai thành phố.

Một người biểu tình và một cảnh sát viên thiệt mạng khi cảnh sát giải tán đám đông tại Cairo, và ở Suez có tin một tòa nhà của chính phủ đã bị châm lửa đốt.

Bộ Nội vụ tuyên bố cấm tụ tập đông người và sẽ truy tố bất cứ ai xuống đường chống chính phủ.

Phóng viên BBC tại Cairo nói nhà chức trách đang phản ứng theo cách thức lâu nay là xem khủng hoảng chính trị như đe dọa về an ninh.

Thủ tướng Ahmed Nazif được hãng thông tấn nhà nước Mena trích lời nói chính phủ bảo đảm "tự do ngôn luận một cách hợp pháp", và cho hay cảnh sát đã rất kiềm chế.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Ai Cập bỏ lệnh cấm biểu tình.

Người biểu tình Ai Cập, lấy cảm hứng từ đợt nổi dậy ở Tunisia, tuyên bố sẽ tiếp tục cho tới khi lật đổ được chính quyền.

Họ đã sử dụng các mạng liên kết xã hội để kêu gọi tham gia biểu tình, nhưng nay cả hai mạng Facebook và Twitter đều đã bị chặn bên trong Ai Cập.

Chính phủ bác bỏ tin nói đây là do bàn tay của nhà nước.

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời phát ngôn viên của nội các Magdy Rady nói chính quyền tôn trọng tự do ngôn luận và "không đời nào có hành động như vậy".

Ném đá

Theo sau hôm thứ Ba đầy các cuộc biểu tình trong toàn Ai Cập, mà trong đó bốn người thiệt mạng, đã có cố gắng tổ chức biểu tình tại Caito hôm thứ Tư.

Bên ngoài tòa nhà công đoàn nhà báo ở trung tâm Cairo, hàng trăm người biểu tình tụ tập phản đối dẫn tới ẩu đả.

Cảnh sát đã đánh đập một số người và phun hơi cay khi họ tìm cách vượt qua rào chắn.

Người biểu tình thì đốt lốp xe và ném đá vào cảnh sát.

Reuters cho hay bên ngoài tòa án ở trung tâm thủ đô cũng xảy ra đụng độ.

Nhân chứng nói cảnh sát chống bạo động đã lùng bắt người biểu tình ở các nơi trong thành phố, bất cứ khi nào họ tụ tập đông người.

Biểu tình bên ngoài tòa nhà công đoàn báo chí
Biểu tình bên ngoài tòa nhà công đoàn báo chí ở Cairo

Trong khi đó, tại Suez ở phía đông Ai Cập, người biểu tình thả bom xăng vào cơ quan của chính phủ, đốt một số phần của tòa nhà.

Trụ sở chính của đảng Dân chủ Quốc gia cầm quyền cũng bị tấn công.

Trước đ́ó, người biểu tình đã họp bên ngoài nhà xác, nơi thi thể một nạn nhân của cuộc biểu tình hôm thứ Ba đang được quàn giữ. Ít nhất 55 người đã bị thương tại Suez.

Biểu tình bị cấm ở Ai Cập, nơi Tổng thống Mubarak lãnh đạo đất nước từ năm 1981. Chính phủ không nhân nhượng với bất đồng chính kiến và các cuộc phản đối của phe đối lập cũng bị cấm đoán.

Vai trò mạng xã hội

Cuộc biểu tình hôm thứ ba được điều phối qua một trang trên mạng xã hội Facebook, nơi các nhà tổ chức nói họ phản đối việc đánh đập, tình trạng nghèo đói, tham nhũng và thất nghiệp ở trong nước.

Một trang khác kêu gọi người biểu tình trong toàn Ai Cập cùng họp mặt sau phiên cầu nguyện thứ Sáu này.

Tuy nhiên nay có tin Facebook đã bị chặn ở Ai Cập.

Mạng Twitter cũng đóng một vai trò quan trọng, và người ủng hộ biểu tình ở cả trong và ngoài nước sử dụng từ kiếm tìm #jan25 để đăng tin nhắn. Nay Twitter cũng bị chặn.

Phóng viên chuyên công nghệ của BBC Mark Gregory nói cho dù bị chặn, người biểu tình hiểu biết đôi chút về internet có thể tìm đường vượt tường lửa.

Nhiều người đã sử dụng các đường dẫn proxy với máy chủ đặt bên ngoài Ai Cập

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/01/110127_egypt_protesters.shtml



 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo