WESTMINSTER (NV) - Nhân đọc bản tin quán phở ở đường Láng Hạ, Hà Nội bán một tô phở bò Kobe Nhật giá 750 ngàn đồng, bò Úc 220 ngàn, bò Mỹ 125 ngàn, và tô nhỏ 70 ngàn, một độc giả Người Việt đã gửi thư vào “mắng vốn” người biên tập bản tin đã tính toán qui đổi sai, hay nhầm khi ghi giá một tô phở bò Kobe đến $37.5... khiến độc giả “hoang mang.”
Có lẽ vị độc giả đó đã không thể nào hình dung được một nước vẫn còn bị cho là “đang phát triển” làm sao có thể lại ăn xài đến mức độ như vậy.Một cửa hàng bán đồ ăn ở Sài Gòn, vật giá ở thành phố này hiện mắc không thua gì đồ ăn Việt Nam ở California. (Hình: HoangDinhNam/AFP/Getty Images)
Riêng tôi, thực tế những lần trở về Việt Nam vài năm gần đây đã khiến tôi không còn cảm thấy kinh ngạc về giá cả ở Sài Gòn hay Hà Nội nữa.
***
Ngay lần trở về Sài Gòn cách đây hơn 2 năm rưỡi, tôi đã cảm thấy giật mình vì giá cả ở Sài Gòn mắc kinh khủng, mà người ta chi xài cũng kinh khủng.
Món bánh tráng phơi sương khá bình dân, nhưng hai người ăn cũng mất gần 200 ngàn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Giá cả ở Sài Gòn, đặc biệt là giá cả ăn uống, không chỉ mắc khi tính trên thu nhập bình quân của người dân, mà lại còn mắc ngang ngửa thậm chí hơn giá ăn uống ở Little Saigon.
Nhớ mùa Hè năm 2008, tôi được người nhà dẫn đi ăn món lẩu nấm ở đường Tú Xương, quận 3. Lẩu nấm khi đó đang được xem là món ăn “thời thượng.”
Khởi đầu nhà hàng chỉ mang ra một nồi nước súp nhỏ, chỉ toàn nước, trong veo, giá đã hơn một trăm ngàn. Rồi cứ những đĩa nấm nho nhỏ đủ loại, hoặc thịt bò tái, rau cải... ai muốn ăn thứ nào cứ lấy bỏ vào nồi nước lèo.
Bữa ăn cho 6 người ngày hôm đó được tính 2 triệu rưỡi (bấy giờ, $100 đổi được chừng 1.8 triệu đồng).
Dù là khách mời, không phải trả tiền, nhưng tôi phải kêu thầm trong bụng “sao mắc dữ vậy trời.” Có người giải thích: “vì các loại nấm đó đều phải nhập cảng nên mắc.” Khi trở về California, tôi đi vào chợ, rất nhiều loại nấm ngày hôm đó tôi ăn được bán với giá 3 gói/$1, 2 gói/$1, có loại thì 99 cents/gói.
Kẹo kéo, món ăn mà trẻ em nghèo nào cũng thích, nay giá cũng tăng lên 2 ngàn đồng 1 cây. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Tôi lắc đầu ngao ngán.
Cũng trong mùa Hè 2008, vài người bạn mời tôi đi ăn kem.
Quán kem nằm trên một con đường lớn ở quận 10, đông nhung nhúc, đa phần là khách ở độ tuổi mới lớn. Giá một viên kem cỡ chừng trái chanh là 16 ngàn (gần $1), muốn kêu mấy viên thì cứ thế mà tính lên. Ngó viên kem có mùi vanilla nằm trong chiếc ly be bé, tôi lại nhớ đến những hộp kem to đùng, ngon gấp bao nhiêu lần cái viên kem bé tí đó và phải hơn cả 20 lần kích cỡ viên kem đó, chỉ đáng giá chưa tới $3 bán đầy trong các chợ Mỹ.
Làm người nghèo ở Mỹ vẫn được ăn ngon và ăn nhiều hơn người giàu ở Việt Nam nhỉ!
***
Cuối năm 2010 tôi lại có dịp trở về Việt Nam một lần nữa.
Có lẽ còn rất ít nơi có giá một món ăn dưới 10 ngàn như tô bún hến này, mà thực ra giá rẻ vì chủ yếu món ăn là rau và một ít hến. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Một người bạn cũ chở tôi đi ăn cơm niêu Sài Gòn trên đường Hồ Xuân Hương.
Một cái cơm niêu cho 2 người, thêm ba món ăn đủ cho khẩu phần hai người Việt Nam, tức không nhiều như ở Mỹ. Tổng cộng gần 600 ngàn.
Dù là khách mời, tôi vẫn “nhót bụng” giùm bạn.
Ba mươi đô la cho bữa ăn hai người, với người bình dân Little Saigon, giá đó không đáng gì phải “than trời,” dù nhiều người cũng hơi “nhăn mặt.” Nhưng với thu nhập bình quân của người trung lưu ở Sài Gòn, tức vào khoảng 7, 8 triệu/tháng (khoảng $350-$400) thì giá bữa ăn như vậy không thể nói là “mắc” mà phải là “mắc trời ơi!”
Cà phê nước uống trong các quán xá nhìn sạch sẽ một chút cũng đắt không kém, nhất là từ sau 7 giờ tối trở đi.
Người bình dân Califonia nào đã từng nói cà phê Starbucks của Mỹ là mắc, là không ngon có thể sẽ thay đổi hoàn toàn ý kiến khi đặt chân vào các quán cà phê ở Sài Gòn. Không biết có “người Việt Nam” nào như “người Việt kiều” là tôi “rủa thầm” trong bụng khi phải trả gần $3 cho một tách trà bông cúc (tức thả vài cái bông cúc khô vào chiếc tách, chứ không phải ly, rồi châm nước sôi vào) không?
Câu trả lời chắc là không.
Bởi không ai đếm xuể có bao nhiêu tiệm cà phê ở Sài Gòn. Và các tiệm vẫn còn tiếp tục được mở ra vì người Sài Gòn vẫn còn tiếp tục chấp nhận không kêu ca về giá cả đó.
***
Một món ăn bình dân hơn, được người bình dân thưởng thức đông hơn những thứ kể trên là bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, một đặc sản của vùng Tây Ninh, được bán ngày càng nhiều ở khắp Sài Gòn.
Một phần ăn cho hai người, ngoài rau, bánh tráng phơi sương, ít bún, là một đĩa thịt luộc chừng 10 lát mỏng, giá 100 ngàn (khoảng $5). Kêu thêm một đĩa thịt nữa là 90 ngàn. Trọng lượng đĩa thịt này cỡ bằng thịt người ta cho vào các tô hủ tiếu hay phở ở Bolsa.
Giá đó liệu có được xem là rẻ hơn giá cả ăn uống của “dân tị nạn” vùng Little Saigon không nhỉ?
Ði khỏi khu vực trung tâm Sài Gòn, ra các quận vùng ven, tôi lại được bạn bè dẫn đi ăn hủ tíu mì bình dân ở các quán trong xóm.
Khi nghe tôi nói với người bán rằng hãy cho tôi “một tô nhỏ ít mì thôi,” một người bạn của tôi đã cười ồ, “khỏi cần nói vì cái tô có chút xíu à!”
Mà quả đúng là có chút xíu thiệt, vì chỉ gắp chừng 4, 5 gắp là sạch nhẵn cái rồi. Có lẽ vì ít như vậy nên tiền nó cũng ít theo, chưa tới 20 ngàn/tô (và như vậy, phải ăn chừng 3, 4 tô như thế thì mới bằng một tô ở Bolsa)
Có lẽ chỉ có ở Huế là giá cả ăn uống còn tương đối rẻ hơn, khi với 4 ngàn (chưa đến 25 cents) đã có thể ăn một tô cơm hến, bún hến ở Ðập Ðá (nhưng để ý hiếm thấy ai ăn một tô, bởi cái tô đó nhỏ như cái chén!), hay 5 ngàn có thể ngồi chồm hổm trong chợ Ðông Ba để thưởng thức đĩa bánh bột lọc, hay ly chè 6, 7 màu.
Những cái ở Sài Gòn có thể gọi là rẻ hơn nhiều so với Little Saigon dường như chỉ còn có trái cây.
Tôi đi vào siêu thị Maximark gần nhà tôi ở mua gần một ký măng cụt, hơn nửa ký chôm chôm, ăn cho thỏa cái cảm giác người ta gọi là “về Việt Nam ăn trái cây cho đã” mà chỉ tốn chưa đến $5.
***
Có người nói với tôi rằng, giá cả ở Việt Nam là giá cả giả tạo, giá nhà cửa giả tạo, giá ăn uống giả tạo.
Tôi không biết điều đó đúng sai thế nào.
Tôi chỉ biết tiền mà bạn bè, người thân phải bỏ ra để mời tôi đi ăn là tiền thật!
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=126150&z=211