Nguyễn Mạnh Tường - Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS VN) đã khép lại tuần qua với một chi tiết đáng chú ý là một vấn đề nền tảng (trong lý luận) của Chủ nghĩa Cộng sản về quan hệ sản xuất là “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” đã được 65% đại biểu dự Đại hội đề nghị phải thay bằng cụm từ “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”.
Như vậy (trên phương diện lý thuyết), ĐCS VN đã lại rời xa thêm Chủ nghĩa Cộng sản một bước cơ bản nữa, sau khi chấp nhận nền kinh tế đa thành phần kể từ năm 1986.
Tuy nhiên nếu phân tích sâu thêm về ngữ nghĩa của cụm từ “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, chúng ta sẽ phải lo ngại, vì thế nào là “tiến bộ”? và thế nào là “phù hợp”? Nghĩa là, cả về lý thuyết và thực tế, ĐCS VN vẫn giữ trọn quyền ấn định ý nghĩa của “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Nói cách khác, ĐCS VN có thể thực hiện “quốc hữu hóa” vào bất cứ lúc nào bất kỳ một tài sản nào nếu họ muốn. Như vậy cụm từ “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” hết sức mập mờ về ý nghĩa. Song, về thực tế, chúng ta có thể yên tâm khẳng định rằng chuyện “quốc hữu hóa tư liệu sản xuất” sẽ không bao giờ có thể diễn lại như đã từng. Bởi không ai khác, chính những đại biểu có vai vế nhất trong Đại hội XI vừa qua (và con cháu, thân hữu của họ) là những người sở hữu (một cách trực tiếp hoặc gián tiếp) các tư liệu sản xuất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay (đất đai, xí nghiệp, máy móc, tư bản).
Như vậy, về thực tế, thì Cương lĩnh của ĐCS VN đã từ bỏ cụm từ “công hữu tư liệu sản xuất” từ rất lâu rồi. Việc sửa đổi vừa qua chỉ là một sự công nhận (mập mờ) một việc đã rồi mà thôi và điều quan trọng là nó sẽ chả ảnh hưởng gì đến quyền lực trong hiện tại và cả tương lai của ĐCS VN nhưng lại có thể gây cho dư luận cảm thấy Đảng có “tiến bộ”. Trong khi một vấn đề hệ trọng lớn đối với “quan hệ sản xuất” hiện nay và cũng là nhân tố cơ bản để có thể chấm dứt vấn nạn “cướp đất” của dân đang tràn làn hiện nay là “quyền sở hữu đất đai của dân” (đã được thừa nhận từ hàng ngàn năm trước 1975 tại miền Nam và trước 1954 trên toàn Việt Nam) lại hoàn toàn không được nhắc đến. Hơn nữa, sự mập mờ nêu trên còn nguy hiểm hơn ở chỗ là nó có thể sẽ tạo ra một sự diễn giải tùy tiện để cho lãnh đạo ĐCS VN có thể đưa ra chính sách “quốc hữu hóa” chọn lọc đối với một số thành phần nào đó thôi (ví dụ những xí nghiệp liên quan đến thành phần đối lập với ĐCS VN chẳng hạn).
Thực ra sự mập mờ vừa xảy ra không phải là điều lạ nếu nhìn vào sự thay đổi của ĐCS VN trong hơn 20 năm qua. Những cái như “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “cơ bản là một nước công nghiệp hóa”, “theo qui định của pháp luật”, “ý đảng lòng dân”, “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, “dân chủ tập trung”, v.v đều là những thứ mập mờ cả. Mập mờ là một thuộc tính (bản chất) trong lý luận của các ĐCS nói chung và ĐCS VN nói riêng. Bởi có mập mờ thì tầng lớp lãnh đạo của ĐCS VN mới có thể ngụy biện để giữ quyền, đục khoét, trục lợi đất nước, bán cả lãnh thổ quốc gia mà vẫn dễ dàng bao biện, che giấu, trốn tránh, lẩn tội được.
Nhưng việc ĐCS VN phải đưa ra một sự mập mờ mới cũng là dấu hiệu cho thấy ĐCS VN phải điều chỉnh để đối phó với những áp lực thay đổi đang nổi lên từ mọi tầng lớp nhân dân (đặc biệt là của trí thức) – đây mới là điều đáng mừng, là “tiến bộ” thực sự.