TS Nguyễn Thanh Giang: “Đa nguyên đa đảng là tất yếu” - Dân Làm Báo

TS Nguyễn Thanh Giang: “Đa nguyên đa đảng là tất yếu”


Đàn Chim Việt phỏng vấn, Mạc Việt Hồng thực hiện - Chỉ còn vài hôm nữa thôi, đại hội đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam lần thứ XI sẽ khai mạc tại Hà Nội. 1400 “đại biểu ưu tú” sẽ thay mặt cho khoảng 3 triệu đảng viên họp ở Hà Nội trong 9 ngày từ 11 tới 20/1/2011. Đã có rất nhiều bài viết, bài bình luận trong và ngoài nước liên quan tới sự kiện 5 năm một lần này. Nhân sự, như nhiều đồn đoán đã được quyết định trước ngày đại hội chính thức khai mạc. Đây cũng là nét mang tính “lịch sử” giống như các kỳ đại hội trước kia, họp hành, bầu bán đều là hình thức trong khi các vị trí quan trọng về nhân sự đã được quyết định từ kỳ họp Ban chấp hành Trung ương đảng cuối cùng trước đó.

Đường lối ư? Vẫn kiên định tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội, dù trước đó đã có những ý kiến kêu gọi từ bỏ dứt khoát chủ nghĩa Marx – Lenin, từ bỏ Chủ nghĩa xã hội.Trước, trong và sau đại hội chúng tôi sẽ lần lượt, thông qua phỏng vấn, chuyển tới bạn đọc ý kiến của một số trí thức, nhân sỹ trong nước liên quan tới sự kiện này.


TS Nguyễn Thanh Giang

Dưới đây là trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang. Ông Nguyễn Thanh Giang sinh năm 1936, quê Thanh Hóa, tiến sỹ chuyên ngành Địa- Vật lý. Từ năm 1996, ông nghỉ hưu và chuyển dần sang hoạt động chính trị. Mặc dù, thể hiện quan điểm một cách ôn hòa qua những thư góp ý, những bài viết, nhưng ông vẫn bị bắt giữ, bỏ tù, không kết án. Trong nhiều năm ông bị theo dõi, quản chế tại gia, 5 lần bị khám nhà, tịch thu tài sản, 6 lần bị bắt bớ tra hỏi, nhiều lần bị làm phiền bởi “quần chúng tự phát”, bị cắt điện thoại, đấu tố ở phường, ném đá vào nhà, trở thành đối tượng bôi bẩn của báo chí… Nhưng, kỳ lạ thay, ông còn thương cả những người theo dõi mình và ông vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tất yếu của nền dân chủ đa nguyên tại Việt Nam.

Mạc Việt Hồng (MVH): Chỉ còn ít ngày nữa, đại hội ĐCS Việt Nam lần thứ XI sẽ diễn ra tại Hà Nội, không khí thủ đô trước ngày đại hội ra sao, thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang (TS NTG): Thỉnh thoảng tôi có đi qua một số phố phường. Rất nhiều cờ, rất nhiều biểu ngữ nhưng tôi không đọc vì đã biết nội dung từ những kỳ Đại hội trước. Tôi chỉ chợt nhớ mấy câu thơ của Trần Dần: “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ”.

Tôi cũng muốn vui tin và trông mong lắm vì dù muốn dù không, Điều 4 Hiến pháp còn đó thì dân tộc này, đất nước này vẫn không thể thóat được sự chi phối quyết định của ĐCSVN; nhưng sao vẫn không vui nổi trước những thông tin rò rỉ từ Hội nghị 14 của Ban chấp hành TƯ về dự kiến nhân sự, về mức độ tiếp thu các ý kiến đóng góp của đồng bào trong, ngoài nước, của các lão thành cách mạng, kể cả của các vị đã từng giữ những chức vụ cao trong Đảng.

MVH: Còn không khí trên các cơ quan truyền thông thì sao, thưa ông?

TS NTG: Báo chí gồm báo viết, báo hình, báo nói thì nồng nực những lời tụng ca công ơn của Đảng và đầy ắp nhừng bài lý luận, mùi vị hàn lâm có, mùi vị kèn trống có, nhưng nói chung nhạt nhẽo, thậm chí trâng tráo vì nói lấy được, bất chấp thực tiễn, không tôn trọng sự thật.

Không khí nồng nực ồn ào ấy làm cho những người quan tâm thì thấy khó chịu. Nhưng, kỳ lạ là, tôi đã thử hỏi một số người, không chỉ các anh xe ôm, các bà đồng nát mà ngay cả các cháu sinh viên cũng hầu như không biết gì, không có cảm nghĩ gì về Đại hội này.    

MVH: Chúng tôi được biết, an ninh trật tự thường được siết chặt trước các kỳ đại hội, lần này, những nhân vật ‘nhạy cảm’ như ông chẳng hạn, có bị canh chừng gắt gao hơn so với thường lệ không?

TS NTG: Tôi không đáp ứng được câu hỏi này một cách tường tận. Tôi thường nói với anh em thân thiết rằng hãy đừng để ý đến họ mà chủ yếu để ý mình. Việc họ họ làm, việc mình mình làm. Nếu thấy lương tâm mình trong sáng, trí tuệ mình còn đủ tỉnh táo và bình thản thì hãy cứ nghĩ bằng cái đầu của mình và thẳng thắn, công khai nói những điều mình cho là đúng và cần thiết.

Công an, đủ loại thường đến nhà tôi. Hỏi họ có mục đích gì xin cứ nói thẳng nhưng nhiều khi họ khăng khăng bảo chỉ đến thăm.

Đi ra đường, tôi không bao giờ để ý có ai theo mình không. Ở nhà, chỉ người nhà phát hiện có người dò xét.

MVH: Cụ thể, họ đã theo dõi, dò xét như thế nào, thưa ông?

TS NTG: Hôm Trung ương Đảng đang họp Hội nghị 14, một số vị đến nhà tôi, trong đó có luật sư Trần Lâm, đại tá Trần Liên, cựu thứ trưởng bộ Thủy lợi, tiến sỹ Trần Nhơn, đại tá Thế Kỷ. Không biết vì sao công an biết và gọi điện thoại đến hỏi. Tôi khai tên từng người ngay và nhắn họ mời giúp Bộ trưởng của họ đến đây cùng nghe và cùng ăn trưa với chúng tôi. Không thấy ai đến cả.

Hôm Hội nghị APEC, họ dựng trạm gác, đặt bàn ghế ngồi ngay đầu ngõ vào nhà tôi. Hôm ấy mưa và rét, tôi bảo người nhà ra mời họ vào nhà tôi cho khỏi rét. Họ không dám vào.

Nói chung, tôi thương cả những đảng viên ĐCSVN, cả những người công an một cách thực lòng. Họ cũng bị các nhà lãnh đạo lừa phỉnh rất tệ bạc. Đồng lương của mấy người công an nói chung có đáng là bao so với bổng lộc của các thủ trưởng của họ. Họ cũng bị bóc lột đấy chứ. Bảo rằng Đảng là của giai cấp công nhân nhưng công nhân Việt Nam, cho đến bây giờ, không chỉ khổ hơn công nhân ở các nước tư bản mà khổ hơn cả chúng tôi.

Tôi không xem những người công an là đối thủ của mình. Tôi cũng không chống ĐCSVN, nhưng quyết liệt chống những chủ trương đường lối sai lầm của ĐCSVN vì nó từng đầy đọa nhân dân tôi trong bể máu, núi xương, trong tụt hậu vô lý mà nay vẫn bị áp bức, bóc lột tệ hại hơn tư bản. Tôi thương những đảng viên ĐCSVN bao nhiêu thì càng căm ghét bọn lộng quyền bấy nhiêu. Nhiều kẻ bất tài thất đức nhưng nhờ lý lịch cha ông, nhờ nịnh nọt được đưa vào phe cánh để khi có quyền chức thì cao ngạo, không xem ai ra gì, kể cả bậc cha anh, bậc tiền bối của họ. Khác ý họ là họ dùng mọi thủ đoạn gian manh, bẩn thỉu để bôi nhọ, để dựng tội mà bắt bớ, mà hãm hại.

MVH: Báo chí nước ngoài họ đưa tin, các vị trí chủ chốt đã được quyết định trước đại hội rồi, chẳng hạn, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ Thủ tướng, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là Tổng Bí thư, ông Trương Tấn Sang sẽ giữ chức vụ Chủ tịch nước. Dư luận trong nước đón nhận tin này ra sao, thưa ông?

TS NTG: Đối với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thật khó đánh giá. Lời đồn thì bảo ông ấy tham nhũng đầu bảng, có tiền tỷ xây nhà thờ họ … nhưng không xác minh được. Chỉ thấy ông ấy chèo lái nền kinh tế Việt Nam vượt qua được cơn sóng gió của bão táp khủng hoảng kinh tế toàn cầu như vừa qua tương đối ngoạn mục. Những người nông cạn thì trút hết tội lỗi Vinashin lên đầu Nguyễn Tấn Dũng nhưng tôi và những người như ông Nguyễn Văn An thì cho rằng đây là do “lỗi hệ thống”, lỗi từ chế độ chính trị. Chế độ chính trị lạc hậu, chế độ chính trị phản tiến hóa. Cứ đường lối chủ trương này của ĐCSVN thì có đưa Lý Quang Diệu hay Putin vào đây cũng botay.com mà thôi.

Dự kiến tổng bí thư đối với ông Nguyễn Phú Trọng làm dấy lên rất nhiều luồng ý kiến phản đối. Điều lạ là trong các luồng ý kiến phản đối có cả của những người tưởng như họ rất ít quan tâm đến chính trị. Càng lạ hơn là 7 cựu ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có các cựu TBT Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu cũng ký tên kiến nghị ông Nguyễn Minh Triết ở lại làm TBT.

Có người giải thích rằng sở dĩ có tình trạng đó là do người ta cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng là người thân Trung Quốc và được Trung Quốc tác động tạo dựng. Tôi thì tôi cho rằng toàn dân Việt Nam, tất cả các ủy viên BCT ĐCSVN đều nên và cần thân Trung Quốc. Tuy nhiên, phải nhất quyết chống tư tưởng thần phục Trung Quốc, phải ngăn chặn những kẻ do bị mua chuộc, do hàm ơn, do lú lẫn mà đưa Đảng, đưa dân tộc trở thành lính lệ của Trung Quốc.

Trung Quốc không theo Mác –Lênin tôn giai cấp công nhân là lãnh đạo mà tôn thờ chủ nghĩa Mao chủ trương lấy nông thôn bao vây thành thị. Đặng Tiểu Bình hô hào đưa từng vùng miền lên giầu có trước, tạo điều kiện cho một số người giầu có trước rồi mới làm cho cả nước, cho mọi người cùng giầu tức là phải làm tư bản đã chứ không phải tiến thẳng lên CNXH. Họ giả vờ dương ngọn cờ XHCN chẳng qua chỉ để đánh lừa bọn người nhẹ dạ như Việt Nam, Triều Tiên, Miến Điện … sẵn sàng đầu quân làm lính ắc ê theo họ để họ tạo nên một cực đối lập với Hoa Kỳ và mơ màng cái mộng Hán tộc bá vương.

Ông Trương Tấn Sang hồi làm Bí thư Sài Gòn và trước đây từng tỏ ra tương đối khá, có hơi hướng cấp tiến nhưng gần đây không biết có phải do phấn đấu vào ghế TBT mà viết mấy bài sơ cứng quá, lạc lõng quá so với thực tiến. Có vẻ như những bài viết này không phản ánh đúng tâm tư của ông ấy.

MVH: 
Đánh giá của cá nhân ông với những vị (kể trên) được cho là sẽ dẫn dắt đất nước trong 5 năm tới  như thế nào?

TS NTG: Tôi thường nhìn nhận, đánh giá một con người trong cái tổng thể, trong môi trường họ đang tác động và bị tác động nên thấy được cái phần bản chất và cái phần bị tha hóa; cái tiềm năng và cái phần bị câu thúc của họ, nhưng lạ là chính một số đảng viên có trình độ, một số lão thành cách mạng mà tôi có điều kiện tiếp xúc lại rất cực đoan. Không ít người nói: cả 14 “thằng” ủy viên BCT không được “thằng” nào .

Tôi cho rằng, vẫn cứ Cương lĩnh này, vẫn cứ đường lối chủ trương này, vẫn ĐCSVN lãnh đạo thì cả những người tâm sáng, trí cao gấp bội lần các ông hay tôi vào đây cũng chẳng làm được gì hơn, huống chi những nô lệ của Đảng. Tuy nhiên, không nên quá bi quan. Chỉ cần đừng bị kẻ nào đó đưa dân tộc này chui đầu quá sâu vào thòng lọng Trung Quốc thì đất nước sẽ chuyển hóa vượt khỏi vòng cương tỏa của bất kỳ thế lực nào để có thể sánh vai cùng các dân tộc tiên tiến trên thế giới trong tương lai không quá xa.

MVH: Trước đại hội đã có một số người lên tiếng về đường hướng phát triển đất nước, trong đó, đáng kể nhất là phát biểu của cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, liệu ý kiến của ông An có gây ảnh hưởng gì tới quyết sách của đảng ở đại hội này không, thưa ông?

TS NTG: Trước Đại hội, lên tiếng về đường hướng phát triển đất nước đã có nhiều ý kiến có tầm trí tuệ sâu sắc của nhà báo lão thành Tống Văn Công, cựu cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Đảng Bùi Đức Lại, nguyên thứ trưởng bộ Thủy lợi, tiến sỹ Trần Nhơn, cựu Bộ trưởng bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc … Đặc biệt đáng lưu ý là Hội thảo Khoa học tổ chức ngày 9 tháng 11 năm 2010 do giáo sư Trần Phương, nguyên phó Thủ tướng chủ trì với sự tham dự của nhiều giáo sư, tiến sỹ, nhiều vị đã từng có chức sắc lớn trong Đảng như nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên phó Thống đốc ngân hàng Dương Thu Hương, cựu đại sứ Nguyễn Trung, nhà thơ chính trị Việt Phương …Tiếng nói chung ở đây là phủ nhận bàn dự thảo Cương lĩnh, yêu cầu phải viết lại bản khác.

Những phát biểu của nguyên chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Văn An gần đây lại càng rất đáng hoan nghênh. So với tất cả những người đã từng là ủy viên BCT ĐCSVN ông Nguyễn Văn An là người bừng tỉnh để trở thành sáng suốt nhất mặc dù đã ngoại bẩy mươi. Ông không chỉ phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn cho rằng “Chính những người cộng sản chân chính cũng muốn giải tán Đảng đã biến chất để xây dựng Đảng mới, để sửa lỗi hệ thống, để làm lại từ đầu”.

Có được những diễn biến tốt đẹp trên đây là nhờ công đóng góp kiên trì suốt mấy chục năm vượt khó khăn gian nguy vừa qua trên mặt trận đấu tranh lý luận-tư tưởng của các lực lượng dân chủ. Nhờ vậy đang buộc những người dự thảo các văn kiện và lãnh đạo Đại hôi XI không thể quá trây ì. Tuy nhiên, do cái ý thức hệ thâm căn cố đế trong đầu họ, lại do bàn tay vô hình điều khiển từ Phương Bắc nên khó mà trông chờ họ xoay chuyển nhanh đủ đáp ứng nhu cầu của thời đại nói chung và của nhân dân Việt Nam nói riêng.

MVH: Người ta thường nói tới “phe bảo thủ” và “phe cấp tiến”, nếu quả thật có tồn tại 2 phe phái như vậy thì theo ông, phe nào đang thắng thế và ảnh hưởng của nó tới tương lai đất nước ra sao?

TS NTG: Tuy không rõ rệt nhưng quả thật trong ĐCSVN luôn tồn tại hai phe: bảo thủ và cấp tiến. Ngay khi mới thành lập nhờ Nguyễn Ái Quốc vượt thóat được tinh thần giai cấp triệt để Trần Phú mà Việt Nam đã tránh được một kiểu “thảm họa Kh’me đỏ” mang tiêu đề “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”.

So với Trần Phú, rõ ràng Nguyễn Ái Quốc là cấp tiến. Nhờ vậy mà ĐCSVN mới tập hợp được lực lượng dân tộc làm cách mạng Tháng Tám thành công và Kháng chiến Chống Pháp thắng lợi. Tiếc rằng đấy là lần duy nhất phe cấp tiến trong Đảng kiểm soát được tình hình. Từ sau đó ĐCSVN luôn luôn bị phe bảo thủ giáo điều khống chế. Phe cấp tiến hoặc bị “dìm trong bể máu” như Nhân văn Giai phẩm, Xét lại Chống Đảng hoặc bóp chết từ trong trứng như Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch … Thật đáng vạch trời cao mà kêu than thảm thiết cho mệnh xấu của ĐCSVN và của dân tộc này. Chính vì bị đầy đọa bởi sự thống trị của phe bảo thủ giáo điều mà dân tộc này không những tốn quá nhiều xương máu một cách oan uổng song vẫn cứ nghèo khổ hơn, so với nhiều nước mà trước cách mạng Tháng Tám còn kém xa Việt Nam.

Ngày nay “phe bảo thủ” biểu hiện bởi đường lối đối nội kiên trì CNXH, đường lối đối ngoại thần phục Trung Quốc; “phe cấp tiến” biểu hiện bởi đường lối đối nội đổi mới triệt để, đường lối đối ngoại hướng theo thế giới tiên tiến. Nếu ĐCSVN vận hành theo xu thế “phe cấp tiến” thì còn có thể giữ quyền lãnh đạo. Nếu để cho “phe bảo thủ” tiếp tục khống chế thì dứt khóat họ sẽ trở thành tội đồ của dân tộc và sẽ bị trừng trị.

Hãy cầu chúc cho “phe cấp tiến”. Các lực lượng dân chủ trong và ngoài nước hãy ra sức hỗ trợ cho họ. Trước mắt hãy chung tay loại bỏ một nguy cơ tàn hại cho đất nước, cho dân tộc đã. Rồi thì hiện trạng đa nguyên đa đảng sẽ là tất yếu.

MVH: Cám ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Đàn Chim Việt.

© MVH, NTG

© Đàn Chim Việt

http://www.danchimviet.info/archives/25063



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo