Blog Phamvietdaonv - Tham gia các đảng phái chính trị, xây dựng các đảng phái chính trị để giành đoạt quyền lực chính trị, giành đoạt quyền lực quản lý nhà nước; sử dụng quyền lực nhà nước để tác động vào xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển vẫn là một công thức, là phương thức hiệu quả nhất, trực diện nhất của thế giới văn minh đương đại thay thế cho việc xây dựng , nhen nhóm các cuộc khởi nghĩa nơi rừng sâu, núi thẳm.
Chế độ chiếm hữu nô lệ, thực dân, phong kiến, đế quốc mặc dù dày dạn kinh nghiệm đi nô dịch, áp bức các dân tộc nhỏ yếu nhưng vẫn không thể nào xóa sổ nối những cuộc khởi nghĩa mà lúc đầu mang tính tự phát của nông dân. Mai Hắc Đế nổi lên ở núi Thiên Nhẫn, Nam Đàn Nghệ An, Đinh Bộ Lĩnh chọn Hoa Lư làm căn cứ địa, Lê Lợi chọn Lam Sơn và Nguyễn Huệ chọn Tây Sơn; những cách làm để giành dật quyền lực chính trị...Chính Marx từng đúc kết: Có áp bức thì có đấu tranh !
Bởi con người sinh ra tất yếu là một sinh thể xã hội, tổng hòa các quan hệ xã hội như Marx nói. Là con người thì không ai có thể tự sản, tự tiêu hết thảy mọi nhu cầu thiết yếu của bản thân mình… Số đông con người đều được nhận và muốn đóng góp dư hơn cái phần mà mình đã nhận từ xã hội; đó gần như là một thứ bản năng chính trị của sinh thể người…
Nhìn vào đời sống xã hội của chúng ta hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang được mặc định là lực lượng chính trị duy nhất nắm quyền lãnh đạo nhà nước; là tổ chức chính trị nắm quyền lực tối thượng đối với xã hội Việt Nam? Thế nhưng, hiện tại lại không ít những trí thức, tâm trí họ thật sự luôn trăn trở với tiền đồ, vận mệnh của dân tộc, họ mong muốn chung lưng đấu cật cùng dân tộc để xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, công bằng hơn; song họ lại không muốn gia nhập hàng ngũ Đảng cộng sản? Vì sao vậy? Trước thực tiễn đó thì nên có giải pháp gì để họ không bị đẩy ra bên lề cuộc sống ?!
Chúng ta có thể thấy điều này qua giãi bày của nhà văn Võ Thị Hảo, ( chắc chắn không là ý kiến cá biệt ) với nhà báo Trần Ngọc Kha; ( những ý kiến đáng lưu ý này hiện chưa được một tờ báo chính thống nào đăng, mặc dù theo như tác giả bài phỏng vấn đã gửi cho nhiều cơ quan )?
Nhận thấy đây là những ý kiến trung thực và có trách nhiệm, Blog Phamvietdao xin đưa lên để rộng đường dư luận xem xét, bàn luận; sự mở rộng dư luận hy vọng có thể giúp cho nhiều người sẽ có những sự tự điều chỉnh, tự định hướng tự xem lại mình. Không những thế, hy vọng ý kiến thẳng thắn này thật sự hữu ích cả đối với cả tổ chức Đảng !
PHỎNG VẤN MỘT NGƯỜI KHÔNG CÒN MUỐN VÀO ĐẢNG
Trần Ngọc Kha.
Đó là nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo, phóng viên thường trú báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tác giả của 7 cuốn truyện ngắn và 2 cuốn tiểu thuyết mang tựa đề Giàn thiêu và Kịch bản phim đang được độc giả yêu văn chương chú ý...
Chị đã từng được mời vào Đảng?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Đúng vậy! ấy là vào năm 2002, khi tôi nhận được lời mời của Bộ trưởng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số kế hoạch hoá gia đình Trần Thị Trung Chiến và Tổng biên tập báo Gia đình và xã hội Trần Quang Quý về làm Phó tổng biên tập báo này. Trước khi từ vị trí Trưởng Văn phòng đại diện báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội về đây, tôi đã lường trước một điều mình không là đảng viên, chưa chắc cấp trên đã chấp thuận bổ nhiệm cho mình làm công việc này.
Tôi đã định từ chối, nhưng họ chủ quan nói: “Có nhiều người không là đảng viên mà vẫn được giữ chức phó tổng biên tập, thậm chí tổng biên tập đấy thôi!”. Hồi đó tờ báo này đang rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Tôi cũng chưa hề bao giờ bước chân tới đó, chỉ định bụng tâm niệm một điều muốn về đây cùng mọi người vực tờ báo này lên.
Tôi về đây được ba tháng, mọi thủ tục bổ nhiệm tôi giữ chức Phó tổng biên tập báo này gần như đã hoàn tất, kể cả việc lấy ý kiến tán thành của tất cả 100% anh chị em trong toà soạn, chỉ còn chờ sự phê duyệt của Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương là xong. Nhưng đến đây vấn đề bị “ách” lại vì tôi không là đảng viên (!?). Trước tình hình này, các cấp uỷ Đảng ở đây có lời đề nghị tôi nên chấp thuận vào Đảng nhưng tôi đã một mực từ chối: “Tôi không vào Đảng để chỉ đổi lấy một cái chức. Nếu mà vào Đảng như vậy thì rất là cơ hội, rất là tồi. Nếu mà quyền lực chỉ để phân phối cho những đảng viên thì Đảng chỉ thu hút được những kẻ cơ hội, những kẻ chỉ vì một miếng mồi lợi, vun vén cho bản thân mình mà thôi! Và như thế thì Đảng sẽ suy yếu, sẽ mọt ruỗng từ bên trong, từ tâm hồn, hành vi của mỗi đảng viên”. Tôi không muốn làm một người như thế.
Có những lúc nhiều người đã mời tôi đến cùng ăn với họ một bữa cơm để vận động tôi nên vào Đảng. Tôi rất cảm ơn họ và thật cảm động vì thực sự là họ vì quyền lợi của tôi. Họ nói: “Hảo cần phải ngồi vào một vị trí có quyền lực. Những người như Hảo ngồi vào chức vụ đó thì những kẻ cơ hội sẽ không thể chen chân vào đó được”.
Cho đến tận giờ tôi vẫn thầm cảm ơn họ. Có lúc tôi cũng định đồng ý vào Đảng cho xong vì thực sự muốn quản lý một tờ báo, muốn làm cho nó phát triển thì mình phải có một vị trí, một chút quyền lực nhất định mới có thể làm được. Nhưng tôi không thể tự lừa dối lòng mình được.
Đấy là lúc chị phải lựa chọn chấp thuận hay không cái sự cái sự vào Đảng để “đánh đổi” lấy quyền lực, như chị nóí. Thế còn trước kia?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Bố mẹ tôi là những người cộng sản nòi. Bố tôi tham gia Cách mạng đồng chí Hội từ năm 1929, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1931 cho đến bây giờ. Mẹ tôi vào Đảng từ năm 1934, là đảng viên mãi cho đến lúc cụ mất. Các anh em ruột của bố mẹ tôi đều là những người khá giả và đều đã từng bỏ tiền nhà mình ra để hoạt động cách mạng. Và thời đó, họ đã hy sinh cho một lý tưởng, lý tưởng giải phóng cho những người bị áp bức, bóc lột, đem lại công bằng, tự do cho xã hội. Thời đó, đa phần những trí thức cũng vậy. Còn bây giờ thì khác, bây giờ vào Đảng là... Tôi không phê phán gì ai vào Đảng mà theo tôi, bây giờ vào Đảng là tự dối chính mình. Phải sống làm sao để mình trọng được mình. Đấy mới là quan trọng. Nếu bản thân mình không trọng mình thì mình sẽ không yêu mình được. Không yêu mình được thì không thể yêu người khác được.
Rất nhiều người trong làng báo cũng như đông đảo bạn đọc ghi nhận chị là người đã từng có những đóng góp đáng kể trong việc lấy lại công bằng trong xã hội. Chị nghĩ sao về ý kiến: Nếu vào Đảng thì chị sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh này? Hay nói một cách khác là sao chị không nghĩ rằng ta nên vào đội ngũ ấy để chiến đấu hiệu quả hơn trong việc làm trong sạch Đảng cũng như phục vụ ngày một tốt hơn cho lợi ích cộng đồng?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Có nhiều người kể cả những người trong Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo trung ương) đã từng nói với tôi như vậy. Tôi cảm ơn họ. Tuy nhiên, tôi không thể vào Đảng để đấu tranh cho sự trong sạch của Đảng trong khi bản thân tôi lại dối lừa tôi. Bình thường tôi không vào Đảng. Đến khi chỉ vì cái chức Phó tổng biên tập một tờ báo mà tôi vào thì rõ rằng là tôi bắt đầu bằng một sự lừa dối. Đương nhiên là nếu vậy, tôi sẽ phải ra đi khỏi Đảng bằng một sự lừa dối khác mà thôi. Tôi không làm như vậy. Thực ra tôi nghĩ: ta vẫn có thể sống một cách đàng hoàng, đóng góp cho đất nước này, cho nền tự do này, cho sự công bằng này mà không cần cứ phải đứng trong hàng ngũ của Đảng. Còn ai đứng vào đó thì đấy là quyền tự do của họ.
Chị có nghĩ là chị không vào Đảng thì có người nghĩ rằng tình cảm của chị đối với Đảng không được mặn mà, trong sáng cho lắm không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi nghĩ tất cả đều phải căn cứ vào hành vi của mình. Mọi cái ở trong đầu người ta, mình không thể võ đoán được. Tôi không làm gì trái pháp luật cả. Tôi phấn đấu cho sự công bằng xã hội bằng công sức nhỏ nhoi của mình.
Có một lúc nào đó chị đã từng muốn vào Đảng?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Có đấy! ấy là thời còn chiến tranh. Đó là khi mà lớp tôi, lớp chuyên văn, lớp đặc biệt của tôi ở Nghệ An có nhiều người đã viết đơn bằng máu xin ra trận. Và thời đó tôi thấy thực sự xung quanh mình, có nhiều đảng viên sống thật là tốt. Họ đã hy sinh quyền lợi riêng của mình cho sự nghiệp chung. Thanh niên hiện nay cũng vậy, họ vẫn khao khát lý tưởng, khao khát một cái vầng tươi đẹp nào đó ở trên đầu mình chứ không phải chỉ vì miếng ăn như một số người nghĩ đâu. Họ cần có những tấm gương, cần no đủ về mặt lý tưởng. Con người ta tại sao lại tìm đến tôn giáo vì họ đói, đói khát về tinh thần, về lý tưởng. Và hiện nay còn có nhiều người dám hy sinh bản thân cho cái chung, cho đất nước, cho nền tự do, cho sự trong trẻo của cuộc sống.
Chị có cho rằng tình cảm đó của chị đối với Đảng hồi ấy chỉ là sự bột phát, theo phong trào không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi thấy cái gì đẹp thì nên theo. Hồi đó rõ ràng tôi thấy có nhiều người không nghĩ đến quyền lợi bản thân. Thời bố mẹ tôi cũng vậy. Còn bây giờ, những ông quan tham nhũng kia hiện nay thì đa phần là đảng viên, những người nói dối hiện nay đa phần là đảng viên. Bởi vậy tôi không muốn đứng vào hàng ngũ đó. Tôi nghĩ, như thế tôi vẫn có thể làm được những điều gì tốt cho đất nước này. Bởi vậy, cho nên Đảng mà muốn mạnh thì đừng có dùng quyền chức để mà ban phát cho đảng viên. Cũng như nếu muốn giữ một đứa con thì đừng có dùng kẹo mà dỗ nó. Khi con đã lớn rồi thì phải dùng sự trung thực mà dạy con, phải dùng chính sự gương mẫu của bản thân mình.
Thưa chị! Vị trí của Đảng trong lòng chị hiện nay thế nào?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Thực sự tôi không quan tâm đến điều đó. Điều gì Đảng làm đúng thì tôi ủng hộ và ngược lại điều gì Đảng làm sai tôi không ủng hộ.
Thế còn sự phục tùng?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Phục tùng ấy à? Phục tùng thì, đấy, phục tùng theo cái đúng. Còn tất nhiên, một khi một người nào đó nói họ đại diện cho Đảng đây mà thực sự chỉ đại diện cho những sự vụ lợi cho họ thôi thì tôi không theo. Chẳng hạn như ông Bùi Tiến Dũng, khi ông ấy làm Bí thư đảng uỷ cơ quan PMU 18, tất nhiên ông ấy đại diện cho Đảng rồi, nhưng, nếu tôi là một nhân viên của ông ấy thì tôi sẽ không theo ông ấy đi cá độ bóng đá.
Nếu như tôi hay ai khác nghĩ rằng vào Đảng đồng nghĩa với việc có được một công cụ hữu hiệu để ta có thể thực hiện được một số ước muốn, hoài bão của mình. Không ngoại trừ trong đó có những ước muốn rất đẹp, rất cao thượng. Nếu như vậy thì vào đảng - tại sao không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi nghĩ đấy là tự an ủi mình mà thôi! Rất nhiều khi tôi cũng muốn tự an ủi mình như vậy.
Trong các cuốn sách của chị, có chỗ nào dành cho hình ảnh người đảng viên hiện nay?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi không quan tâm.
Cả những hình ảnh tích cực của họ?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Không! Bố mẹ tôi là đảng viên thời trước, đã từng hy sinh vì một lý tưởng. Và nếu tôi sống thời đó cũng làm như vậy. Còn nếu tôi có bố mẹ là những đảng viên như những tham nhũng kia hiện nay thì tôi sẽ nhục nhã vì họ.
Trong đời chị có hay gặp những sự bất công, đè nén, thua thiệt nào không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Có chứ! Nhiều chứ!
Có nguyên nhân từ một vài đảng viên hay tổ chức Đảng nào không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi thấy các chi bộ Đảng hiện nay là thủ tiêu đấu tranh. Nói là phê và tự phê đấy những nó hầu như không còn nữa.
Chúng ta đi xa hơn một chút: theo chị vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội ta hiện nay ra sao?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi nghĩ nó bị giảm sút đi rất nhiều. Có thể lãnh đạo xã hội bằng những quyền lực hành chính, vật chất. Cũng còn có thể lãnh đạo xã hội bằng quyền năng tinh thần. Đảng không phải là người trực tiếp cầm quyền lực vật chất mà đấy là thuộc về Nhà nước. Thế nhưng mà cái vấn đề của một Đảng có lãnh đạo tốt được hay không thì đó là do quyền năng tinh thần. Quyền năng này chỉ được tạo bởi uy tín của Đảng. Làm sao để người ta yêu cái đảng đó, thấy thực sự đấy là những cái đẹp và tất nhiên là cũng không thể nói suông mà phải đem đến no ấm cho người ta, đem đến công lý cho người ta. Không thể dùng đòn roi, áp bức, tù ngục mà tạo ra quyền năng tinh thần mà nó phải được tạo ra từ cái đẹp của lương tâm. Cũng như nếu xử tử một cuốn sách thì cuốn sách ấy sẽ sống mãi.
Đảng ta vẫn thường nêu cao quan điểm vì dân, do dân. Nếu trong thời gian tới Đảng thực sự cải tổ tốt, chắc là chị sẽ vào Đảng?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Làm sao để tôi vào tổ chức nào tôi phải tự hào về tổ chức đó. Tất cả mọi cái chỉ là phù du. Vấn đề là làm sao sống để mình có thể yêu được chính mình. Tôi luôn luôn muốn nhìn thấy hình ảnh đẹp của những người xung quanh. Và nếu ai đó để tôi thấy họ ngày một xấu đi, hèn hạ, giả dối đi, tồi tệ đi đến mức không thể tha thứ được nữa thì tôi, chính tôi không còn muốn nhìn họ nữa và tôi sẽ ra đi như đã từng ra đi như thế, không như những người khác kiện cáo để đánh bật họ.
Cảm ơn chị!
Trần Ngọc Kha thực hiện
Bổ sung (ngày 11.5.2009):
Tôi viết bài này trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, những mong gửi tới Đại hội một thông điệp. Tôi đã gửi bài này qua cổng điện tử trang web của Đảng cộng sản VN, kèm theo một lá thư gửi đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Nội dung bức thư có đoạn: Nếu là một Đảng thực sự cầu thị, nếu thực sự quan tâm đến sự sống còn của Đảng trong tình hình hiện nay, tôi trân trọng đề nghị đồng chí cho phép các báo đăng bài viết này và cho tổ chức thảo luận rộng rãi nó trên phạm vi toàn quốc.
Tôi cũng gửi bài viết vào hòm thư riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 phố Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, đồng thời cũng gửi cho các báo Tuổi trẻ, Thanh niên… Tất cả các bản thảo bài viết và lá thư này tôi đều ghi rõ địa chỉ thật của người gửi là Trần Ngọc Kha, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, số 40 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội, số điện thoại di động và địa chỉ email của tôi. Nhưng cho đến nay, khi viết những dòng này, tôi vẫn chưa hề nhận được bất cứ một hồi âm nào của ai. Và tôi vẫn còn có ý chờ đợi…
( Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/kha-betiteo/article?mid=17 )
http://phamvietdaonv.blogspot.com/2011/01/vi-sao-co-nguoi-muon-ong-gop-cho-xa-hoi.html