Dân Làm Báo - Chung quanh vụ xét xử các Giáo dân ở Cồn Dầu, để hiểu thêm về diễn tiến vụ việc chúng tôi liện lạc với lãnh đạo của thành phố và sau đây là ý kiến của họ:
1. Ông Ngô Khôi, trưởng ban Tôn Giáo thành phố Đà Nẵng cho hay: Việc quy họach khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đã diễn ra được sự đồng thuận cao. Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng đường. Người dân được di dời đến khu mới cách khu cũ khỏang 1,5 km. Tất cả đều được nhận phần đền bù thỏa đáng. Ngay cả những hộ có đất bị thu hồi không đủ tiêu chuẩn cấp đất mới thì chính quyền cũng cho nhận được một xuất đền bù. Về Giáo Xứ Cồn Dầu không bị ảnh hưởng gì mà còn được nhà nước cấp thêm 3500 mét vuông xung quanh đó. Giáo Dân vẫn sinh họat bình thường.
2. Chúng tôi hỏi là giá đền bù cho những hộ dân bị giải tỏa là giá quy định của nhà nước hay giá thị trường, thì ông Ngô Khôi trả lời là giá quy định của nhà nước. Chúng tôi đưa ra giá thị trường ở khu Hòa Cầm xa đó là hơn 4 triệu đồng 1 mét vuông thì ông Khôi bảo là rẻ so với khu ở phường Bắc Mỹ An của ông đang ở bây giờ gần 15 triệu đồng một mét vuông. So với giá mà người dân Hòa Xuân nhận được từ đền bù với thực tế là con số đáng suy nghĩ. Và mọi mâu thuẫn là từ chỗ này đây.
3. Ông Ngô Khôi cho hay là vụ xét xử những người gọi là ”gây rối trật tự công cộng và chống lại người thi hành công vụ” là việc của công an và tòa án. Ban tôn giáo không can thiệp và không biết đến. Ông Ngô Khôi cho hay về khu tái định cư cũng cấp đất cho giáo dân làm một cái nhà nguyện. Chúng tôi hỏi là khu đô thị mới dành cho ai được mua và muốn mua một căn thì sao? ông Ngô Khôi nói là ưu tiên cho người dân bị giải tỏa, sau đó thì ai có tiền muôn mua thì mua tự do. Chúng tôi hỏi Ban Tôn Giáo có ý kiến gì về việc các Giáo dân bị xử phúc thẩm trong nay mai không thì ông Ngô Khôi cho hay. Ban tôn Giáo chỉ can thiệp khi người dân có vấn đề về sinh họat tôn giáo còn chuyện xét xử của tòa án là cơ quan độc lập ông không thể can thiệp.
4. Ông Lê Bảy, thành viên của Ban Tôn Giáo thì sau một hồi vòng vo, mời chúng tôi đến văn phòng để làm việc chứ không trả lời qua điện thoại vì nhiều phức tạp. Nhưng ông Bảy khẳng định đây không phải là vụ đàn áp tôn giáo. Không phải xung đột giữa chính quyền và giáo dân. Thực chất vụ án là xét xử những người vi phạm pháp luật mà thôi. Ông Lê Bảy còn mời chúng tôi đến văn phòng để ông cung cấp tài liệu chứng cứ dù chúng tôi nói qua điện thọai là chúng tôi ở rất xa không thể về Đà Nẵng được. Ông Lê Bảy là người được coi là phát ngôn của Ban Tôn Giáo thành phố Đà Nẵng. Luôn thay mặt chính quyền đi phát biểu ở các tôn giáo khi có lể hội tôn giáo.
5. Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng số 32 Bạch Đằng cho biết vụ xét xử phúc thẩm 6 giáo dân Cồn Dầu vẫn như dự kiến và không có gì thay đổi. Một thẩm phán đề nghị dấu tên cho hay sẽ y án. Chúng tôi hỏi án này có chỉ đạo không? Vị thẩm phán im lặng không trả lời.
6. Viện Kiểm sát thành phố Đà nẵng số 05 Trần Phú thì dù chuông đổ nhưng không nhắc máy trả lời.
7. Một cán bộ văn phòng UBND thành phố thì cho hay vụ án này được coi là án điểm cần xét xử nghiêm khắc để răn đe người dân chống đối chủ trương và chính sách của thành phố. Năm 2011 được coi là năm quy hoạch của Đà Nẵng. Có rất nhiều dự án, mà dự án nào cũng gặp chống đối như Cồn Dầu là không được. Cần phải mạnh tay.
8. Bằng nhiều nỗ lực để liên lạc trực tiếp với ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư thành ủy Đà Nẵng nhưng chúng tôi không thể kết nối được với ông thị trưởng được cho là giàu có nhất trong các đô thị ở Châu Á.
9. Một thành ủy viên của thành phố là ông Nhựt khi trả lời câu hỏi chúng tôi là thấy chuyện Giáo dân Cồn Dầu chạy qua Thái Lan xin tỵ nạn như thế nào? Ông Nhựt cho hay là những giáo dân nhẹ dạ nghe lời phản động kích động chứ chính quyền không có đàn áp gì giáo dân. Có gì mời anh đến thành ủy cùng làm việc.
Trên đây là ý kiến của nhà cầm quyền Đà Nẵng. Nguyên nhân của mọi vần đề là áp giá đền bù không theo giá thị trường mà theo quy định của nhà nước. Đây là nguyên nhân làm sản sinh hàng ngàn dân oan kéo về Hà Nội và Sài Gòn khiếu kiện. Cách trả lời của các quan chức Đà nẵng thì luôn né tránh vấn đề và cứ khăng khăng đòi chúng tôi đến cơ quan để họ làm việc.