“Bây giờ tiếp tục tỏ ra thần phục Trung Quốc, sẵn sàng dựa vào Trung Quốc, bất cứ lý do lý luận Mác Lê nin, rồi là bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa hay là bảo vệ cái ghế của mình thì đều là tội đồ của dân tộc thì dứt khoát họ sẽ bị lên án.” - TS Nguyễn Thanh Giang
Mặc Lâm, biên tập viên RFA - Mỗi lần một vị tân Tổng Bí Thư lên nhậm chức là chừng như phải sang Bắc Kinh trước nhất để ra mắt dưới hình thức hai nước cùng chung chia sẻ mục tiêu theo đuổi lý tưởng Cộng sản và chủ thuyết Xã hội Chủ nghĩa.
Liệu việc này có gây cho dư luận nhận xét gì bất lợi cho vị trí cầm quyền của Đảng hay không?
Photo: RFA - Ông Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần 11 hôm 12/1/2011. AFP Photo.
Độc lập có toàn vẹn?
Theo một bản tin từ TTXVN phát đi cho biết chiều ngày 18-2, tại đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tiếp ông Hoàng Bình Quân, đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, - Ủy viên trung ương Đảng, Trưởng ban đối ngoại trung ương, sang Bắc Kinh để thông báo về kết quả Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bản tin ngắn gọn nhưng đã làm cho các trang mạng trong nước đưa ra nhiều câu hỏi, mà điển hình nhất là tại sao Việt Nam là một nước độc lập tự chủ rồi mà vẫn còn phải báo cáo hay thông báo cho Bắc Kinh những biến cố chính trị của mình, vậy thử hỏi nền độc lập đó có toàn vẹn hay không.
Ít ra là hai mươi năm gần đây, mỗi lần Việt Nam thay đổi nhân sự cấp trung ương là chừng như các vị mới nhậm chức đều công du Trung Quốc. Một nước có liên hệ ngoại giao với nước khác thì đây là điều bình thường tuy nhiên, chỉ dành riêng cho Trung Quốc các cuộc công du ra mắt mà quên đi những nước khác thì câu hỏi đặt ra cho người lãnh trách nhiệm sang Bắc Kinh vẫn gay gắt từ dư luận.
Đối với nhà ngoại giao kỳ cựu tại Trung Quốc là đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh thì tiền lệ này chưa hề xảy ra khi ông còn đương nhiệm, ông cho biết:
“Tôi làm 13 năm ở bên ấy. Tôi là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Chức vụ của tôi là thế. Vừa rồi tôi xem báo thì đặc phái viên của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là thông báo tình hình thôi, đó là chuyện của ông Nguyễn Phú Trọng còn theo ý tôi thì chả cần phải thông báo. Trước kia thì không có đâu. Theo ý tôi thì việc nội bộ của ta chả cần thông báo cũng được.”
Mỗi đời Tổng Bí Thư mới đều phải qua Trung Quốc để bày tỏ giao hảo là điều có thể hiều được bởi Việt Nam nằm trong vòng kềm tỏa vô hình của nước này là khá rõ ràng. Tuy nhiên người dân vẫn kỳ vọng vào các vị lãnh đạo biết đặt sự tự trọng của dân tộc lên trên quyền lợi tầm thường dù quyền lợi đó dành cho quốc gia chăng nữa.
Lễ khai mạc Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tại Hà Nội ngày 12 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Lịch sử cho thấy sau mỗi cuộc binh đao, nhiều đời vua đất Việt đều cử sứ sang Tàu để triều cống hay nhận sắc phong từ các vua chúa phương Bắc, thế nhưng không một sử gia nào lên tiếng chê trách các hành động này mà trái lại còn cho là khôn ngoan, vì đã biết lợi dụng sự khiêm cung để giữ sự an dân trong khi chung quanh không một đồng minh nào có cùng hoàn cảnh như mình.
Kinh nghiệm ngày xưa có thích hợp?
Lấy kinh nghiệm bang giao hàng trăm năm trước áp dụng vào tình hình hiện nay thì có thích hợp hay không, nhất là trong hoàn cảnh toàn cầu không còn xa cách như xưa. Hệ thống địa chính trị thế giới hoàn toàn dính liền với nhau không cho phép một nước lớn thôn tính nước láng giềng như ngày xưa, thời mà Thành Cát Tư Hãn cưỡi ngựa chinh phục gần phân nửa thế giới. Từ thực tế này xét trên khía cạnh tự chủ và độc lập, Việt Nam hoàn toàn không cần thiết phải thực hiện những hoạt động ngoại giao cách nay hơn ba trăm năm như thời cử người đi sứ Tàu.
TS Nguyễn Thanh Giang, từ Hà Nội đưa ra nhận xét về động thái cử đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thông báo kết quả Đại hội Đảng lần thứ 11 mà người hiểu chuyện đa số cho rằng sang để báo cáo vị trí Tổng bí thư mới của ông Trọng cho người bạn phương bắc biết, TS Nguyễn Thanh Giang nói:
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam nên thân Trung Quốc nhưng tôi chống kịch liệt bọn nào thần phục Trung Quốc. Lú lẫn sẵn sàng đem Việt Nam thành tên lính lệ của Trung Quốc để đi phục dịch cho họ, cho âm mưu của họ. Họ muốn trở thành cái cực để mà đối mặt với Hoa Kỳ. Trong suốt mấy thập kỷ vừa qua thì không phải chỉ người bình thường mà những người đã từng làm đại sứ ở Trung Quốc như cụ Nguyễn Trọng Vỉnh như ông Nguyễn Cơ Thạch hay ông Dương Danh Dy đều phát hiện và tố cáo âm mưu của Trung Quốc. Muốn đẩy Việt Nam vào vòng chiến để trở thành cái tên lính lệ của Trung Quốc và thực tế trong súôt mấy thập kỷ vừa qua, cả núi xương sông máu không phải chỉ vì vần đề độc lập dân tộc mà còn là vấn đề do cái gọi là ý thức hệ, cho nên đã chiến đấu vì cả Trung Quốc nữa. Đó là nỗi đau và đáng hổ thẹn và đáng kiểm điểm. Đấy là tội đồ của dân tộc.”
Có thuận lòng dân?
Giới quan sát chính trị thế giới tin rằng những nước gần gũi với Việt Nam trong khối ASEAN sẽ sẵn lòng đón tiếp một khi vị tân Tổng Bí Thư công du nước họ như một cách thắt chặt sợi giây ngoại giao trong khu vực. Nếu Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tạo tiền lệ cho một cuộc công du châu Á với tư cách là một thành viên cao cấp của chính phủ thì khi tới thăm Trung Quốc sẽ không gây bất cứ bất ngờ nào cho người dân, nhất là những gia đình ngư dân Lý Sơn hồi gần đây.
Các Đại biểu đang biểu quyết tại Đại hội đảng XI hôm 17-01-2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Cũng có ý kiến cho rằng vai trò Tổng Bí Thư chỉ dành riêng cho Đảng, do đó không thể áp dụng ra ngoài nguyên tắc này. Tuy nhiên thực tế cho thấy trong nhiều năm qua, khách của chính phủ các nước sang thăm Việt Nam không ít lần được các Tổng Bí Thư tiếp họ trong vai trò một lãnh đạo cao cấp trong hệ thống cầm quyền. Từ tiền lệ này, tại sao không tạo một thông lệ tốt cho các vị Tổng Bí Thư có thể thăm viếng bất cứ nước nào có bang giao với Việt Nam?
Nếu chỉ vì danh nghĩa thắt chặt tình cảm trên căn bản cùng phe xã hội chủ nghĩa để chỉ viếng thăm những nước như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn thì có quá gượng ép hay không khi thực tế chính Trung Quốc không còn là nước theo đuổi chủ nghĩa xã hội nữa?
TS Nguyễn Thanh Giang nhận xét:
“Bây giờ tiếp tục tỏ ra thần phục Trung Quốc, sẵn sàng dựa vào Trung Quốc, bất cứ lý do lý luận Mác Lê nin, rồi là bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa hay là bảo vệ cái ghế của mình thì đều là tội đồ của dân tộc thì dứt khoát họ sẽ bị lên án.”
Lãnh đạo đất nước chỉ thành công khi đạt được sự kính trọng và nể phục của người dân. Nếu quyết định nào cũng dựa trên định kiến hay vết mòn thì sẽ gặp phản ứng, nhẹ nhất là phê bình lên án, nặng hơn là biến động xã hội cùng những bất ngờ không ai đoán trước được.
Cách ngăn ngừa tốt nhất là thuận lòng dân trong mọi quyết định dù lớn dù nhỏ. Hơn nữa trong thời đại thông tin cực nhanh hiện nay thì một cử động của các cấp lãnh đạo cũng đủ làm cho một bộ phận rất lớn công dân mạng chú ý và gây hiệu ứng giây chuyền bất ngờ. Bài học “cách mạng Hoa Nhài” vẫn còn tác động trên nhiều nước trong đó có Trung Quốc. Việt Nam không nên châm ngòi, nhất là ngòi nổ mang tên lòng “tự trọng dân tộc” mà hàng trăm năm qua luôn là vũ khí chống lại bắc phương một cách hiệu quả.