Mẹ Nấm - Chúng ta đang sống ở thời đại văn minh dân chủ (Xứ “tam dân ” ta đang tự sướng thôi) – chứ không phải thời cổ đại. vì vậy việc tiếp tục nuôi dưỡng một thể chế đi ngược với quyền lợi của toàn dân tộc theo hình thức “cha truyền con nối” là một cơ chế sai lầm. Cứ tiếp tục nuôi dưỡng sai lầm này bằng sai lầm khác là thế nào nhỉ?...
THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ (TCCT) là tổng hợp các phương pháp và cách thức thực hiện quyền lực nhà nước do tình hình chính trị trong nước chi phối.
TCCT được quy định trước hết bởi bản chất giai cấp, hình thức nhà nước, tính chất của pháp luật và quyền lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tương quan lực lượng của các giai cấp, mức độ và hình thức đấu tranh giai cấp cũng như truyền thống lịch sử của đất nước và hoàn cảnh quốc tế là những yếu tố ảnh hưởng đến TCCT.
Điểm cốt yếu nhất quyết định đến TCCT là bản chất, hình thức, tính chất của quyền lực nhà nước, chính trị hiện hành (vd. chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản và xã hội chủ nghĩa). (1)
Định nghĩa trên được trích dẫn từ trang web của Khoa Giáo dục Chính trị – ĐH Sư phạm Hà Nội.
Ai cũng biết là thể chế sinh cơ chế. Nhưng thường thì khi đối diện vấn đề họ né tránh điều mà ai cũng biết này, bởi nhiều lý do.
Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học 1996) giải nghĩa rằng cơ chế là “cách thức theo đó một quá trình thực hiện”.
Cơ chế chưa hợp lý hay nói thẳng ra là cơ chế không theo kịp tiến trình phát triển của xã hội là do lỗi hệ thống từ thể chế chứ chẳng có lý do nào khác.
Lấy ví dụ cụ thể nhé : ý muốn của “vua tập thể” là toàn trị nên lấy lợi thế quyền lực của thể chế để đặt ra một cơ chế “ngu” tuyệt đối dân. Bên cạnh đó lại muốn vươn ra biển lớn, vì thế mâu thuẫn xuất phát từ đây.
Lạ lắm, có rất nhiều người đổ lỗi cho cơ chế, kiểu nguỵ biện thường gặp để biện minh cho những sai lầm yếu kém, tụt hậu đó là: do cơ chế – không thể thoát ra khỏi cơ chế.
Lúc lý luận thế này chắc người ta quên béng câu trả lời cho câu hỏi “Ai – cái gì tạo ra cơ chế?”
Hẳn sẽ có người cho rằng: trong quá trình “theo đó thực hiện” tức cơ chế sẽ phát sinh mâu thuẫn, thể chế sẽ bị tác động ngược mà không dễ nhận ra. Kiểu như không ai lường trước được “tai bay vạ gió” ấy. Một kiểu đổ lỗi thật ngô nghê mang đậm tính văn hoá nông nghiệp lúa nước.
Khổ ở chỗ, bản chất nông nghiệp rõ rành rành như thế mà lại chẳng chịu nhận, cứ cố khoác lên mình chiếc áo “công nghiệp tiên tiến – đang phát triển” nên mới sinh ra lắm chuyện dở khóc dở cười.
Nhân nói chuyện thể chế – cơ chế này, tự nhiên lại nhớ đến các bản tin về Tunisia . “Cuộc cách mạng hoa lài” – cái tên gọi thơ mộng bay bổng của dân tình thích hóng chuyện văn minh thế giới bỗng rớt cái oạch thành “bạo loạn” trên các báo “nhà mình” và VTV ở cái xứ sở “độc lập – tự do – hạnh phúc” này.
Lạ thật!
Trên Wikipedia định nghĩa : Bạo loạn là một hành động chống phá bằng bạo lực có tổ chức do lực lượng phản động hay lực lượng ly khai, đối lập trong nước hoặc cấu kết với nước ngoài tiến hành nhằm gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hoặc lật đổ chính quyền (địa phương hoặc trung ương).(2)
Xét cho cùng thể chế cai trị của Hosni Mubarak được vận hành trên cơ chế độc tài, lại muốn kéo dài sự cai trị hơn ba mươi năm của mình bằng hình thức “cha truyền con nối”. Thì sự vùng dậy, làm cách mạng để đòi dân chủ, tự do của người dân Ai Cập sao lại bị gọi tên là “bạo loạn” được nhỉ?
Cứ cái kiểu này thì mai mốt nên dẹp hẳn danh từ “cách mạng” và cho ra đời một định nghĩa mới rằng: hễ cứ chống chính quyền – chống thể chế cai trị đương đại là bạo loạn tất cho mau thấy.
Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, thể chế chính trị (TCCT) là dân chủ, được thể hiện qua những đặc trưng: quyền lực thuộc về nhân dân lao động; TCCT bảo vệ quyền lợi và tự do cơ bản của công dân. TCCT ở nhà nước xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng pháp chế xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội và sự tham gia tích cực của công dân vào các công việc của nhà nước và xã hội. (1)
Đọc đi đọc lại cái định nghĩa của khoa Giáo dục chính trị này chỉ để thấy rằng: Xứ tam dân ta đang tự sướng đấy thôi. Làm gì có chuyện đó, hay nói dân dã hơn là “thấy dzậy mà hổng phải dzậy” đâu nha!
Lòng vòng định nghĩa lan man chuyện thể chế – cơ chế, chỉ để nói ngắn gọn rằng: không có cơ chế xấu, chỉ có thể chế không được tốt và không đủ trách nhiệm lẫn tự trọng để thừa nhận sự yếu kém của mình nên mới phải vòng vo đổ lỗi xa gần.
Chúng ta đang sống ở thời đại văn minh dân chủ ( Xứ “tam dân ” ta đang tự sướng thôi) – chứ không phải thời cổ đại. vì vậy việc tiếp tục nuôi dưỡng một thể chế đi ngược với quyền lợi của toàn dân tộc theo hình thức “cha truyền con nối” là một cơ chế sai lầm. Cứ tiếp tục nuôi dưỡng sai lầm này bằng sai lầm khác là thế nào nhỉ?
Lịch sử có mắt cả đấy!
1. http://fpe.hnue.edu.vn/index.php?showpost=431
2. http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A1o_lo%E1%BA%A1n
Bài viết riêng cho DCVOnline.net
http://menam0.multiply.com/journal/item/438/438