Quyết định khó khăn - Dân Làm Báo

Quyết định khó khăn

Thanh Chung – Jolicoeur - Giá như các vị quan chức khi thấy mình bất lực, không lo nổi cho dân cũng dũng cảm như cô bé – Lùi lại phía sau nhường chỗ cho những người thực tài lên thay. Có lẽ đời sẽ bớt đi những số phận như cô bé nằm dưới sông Gianh; và cũng bớt đi những câu hỏi “vì sao lại thế?”...

Sau khi mở cửa chợ Tết một tuần ở chiếu rượu Quê Choa, Bọ Lập khai bút đầu xuân với tạp văn “Những con rạm bè sông Gianh”.

Khi con đường trước mặt mỗi năm một ngắn đi, người ta hay ngoái lại phía sau cũng là điều dễ hiểu. Dạo này mình rất hay nhớ lại những ước mơ thuở nhỏ. Chẳng hạn như lúc lên bốn, lên năm, chỉ mong lọ muối biến thành lọ đường để bát cháo ngô buổi sáng được trộn đường đến ngọt lịm mà không cần phải xin phép mẹ. Mình nhớ từng ao ước sau một đêm ngủ dậy sẽ biến thành cô bé thiếu nhi Liên xô, mặc váy hồng với hai chiếc nơ vừa to vừa xinh cài trên hai bím tóc như trong một tờ họa báo. Lúc còn bé, mình luôn phải mặc thừa quần áo của các anh các chị. Nhà mình ở thành phố, nhưng ký ức vẫn đọng lại một nhánh con sông Kinh Thầy ngày đi sơ tán:

Tuổi thơ tôi có bát cơm, quả trứng bên sông
Cho bạn tôi, một buổi chiều tắm sông nước xiết
Lũ trẻ chúng tôi, chạy dọc theo bờ đê mải miết
“Tuệ ơi, về ăn cơm…”

***

Mình ám ảnh bài viết của Bọ Lập không phải vì tuổi thơ cơ cực của Bọ và những bạn bè cùng trang lứa. Cũng chẳng phải vì những con “cá ngạnh nối đuôi nhau bơi đen đặc dòng sông”, hay  vì chiếc “bè  rạm to lớn, đến vài vạn con”. Mình từng chứng kiến trận lụt kinh hoàng khi tất cả mọi người phải lánh ra sân kho hợp tác xã. Trẻ con, dù bị giữ chặt ở trên những chiếc bàn đặt trên giường vẫn cố tình thò chân xuống khua nước, cười đùa. Mình cũng từng chứng kiến hố bom sâu hoắm trước cửa nhà. Mấy chị em cái Liễu, bằng tuổi mình, bị văng đi mỗi nơi một mảnh. Mỗi lần nhớ lại tuổi thơ khốn khó mình thường tự nhủ: chiến tranh phải thế!

Hai mươi năm sau, mình đi làm dự án cho một tổ chức Phi chính phủ ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Trẻ con giữa mùa đông – vẫn cởi truồng – tím tái vì lạnh – chạy theo xe “ông Tây” xin kẹo. (Hồi đó tụi mình mỗi lần đi xuống dự án đều mang theo mấy cân kẹo Hải Hà); Thanh niên dân tộc mười bảy mười tám tuổi đi khám nghĩa vụ quân sự không biết chữ phải dùng ngón tay điểm chỉ. Đất nước đã hòa bình gần hai mươi năm. Mình không hiểu nổi tại sao lại thế. Ba mươi năm sau, đọc báo thấy trẻ con đi học bị đắm đò chết đuối; trẻ con đu dây đến trường; trẻ con không đủ quần áo ấm phải xúc cát trong giờ ra chơi cho đỡ lạnh… thì lại càng không hiểu nổi. Chúng ta đang tiến lên hay lùi xuống?

Hôm qua, trong bữa ăn, mình vừa kể cho con gái nghe vừa khóc. Cô bé mười ba tuổi trong vụ chìm đò ở Quang Hải đã quyết định buông tay mẹ ra rồi lặng lẽ chìm xuống đáy sông Gianh. Cô bé muốn mẹ sống để còn lo cho các em còn nhỏ. Trong đời, ai cũng phải đứng trước những quyết định trọng đại, khó khăn. Nhưng người lớn chúng ta có tội khi bắt cô bé mười ba tuổi làm một việc quá sức mình như vậy.

Giá như các vị quan chức khi thấy mình bất lực, không lo nổi cho dân cũng dũng cảm như cô bé – Lùi lại phía sau nhường chỗ cho những người thực tài lên thay. Có lẽ đời sẽ bớt đi những số phận như cô bé nằm dưới sông Gianh; và cũng bớt đi những câu hỏi “vì sao lại thế?”.

Thanh Chung – Jolicoeur

http://vn.360plus.yahoo.com/thanhchung-jolicoeur/article?mid=2564



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo