Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4
Paulus Lê Sơn - Những ngày đầu Xuân, trong không khí ấm áp của tiết trời, hình như lòng người cũng trở nên yêu thương hơn, sâu lắng hơn, và hình như ai ai cũng mang trong tâm mình một mong ước gì đó tốt đẹp cho tương lai. Tư tưởng, lời nói, việc làm tốt cộng với sự trợ giúp, sẻ chia của người ta tin cậy, ắt việc đó sớm muộn cũng sẽ triển nở, thành công.
Gặp gỡ Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục Hải Phòng dịp đầu xuân, nhiều câu chuyện được đề cập, việc đời, việc đạo, với cương vị là người cha chung của giáo phận, Ngài cũng có nhiều trăn trở, lắng lo.
Như chúng ta thấy với bối cảnh xã hội ngày hôm nay, quả thật có quá nhiều thứ mà Giáo hội Việt Nam cần phải dấn thân như Giáo hội đã từng hành động trong quá khứ nhưng bị ngưng trệ do thời cuộc tạo ra. Ngày nay, xác quyết rằng, dù khó khăn vẫn chình ình trước mặt, nhưng chúng ta phải vượt qua, phải tiến lên để hòa mình vào mà phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội tốt đẹp hơn. Giáo hội phải hành động! Tất cả mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt hơn thành phần ưu tú của Giáo hội ngày hôm nay đó là số lượng rất lớn Doanh nhân, Tri thức Công giáo. Đức giám mục Hải Phòng kêu mời và cổ súy như thế.
Đề tài cuộc nói chuyện xoay quanh vấn đề giới Doanh nhân Trí thức Công giáo hiện nay đã, đang làm gì cho Giáo hội và cho xã hội. Họ đã có được những bước đi, tiếng nói, đóng góp gì cho Giáo hội và xây dựng cho một xã hội dân sự, phát triển?.
Trong quá khứ, giới Trí thức Công giáo đã có nhiều tên tuổi lẫy lừng trong việc đóng góp xây dựng xã hội. Nhưng sau này trong những giai đoạn khó khăn, người Công giáo bị chà đạp, trù dập đủ đường. Định kiến không tốt về người Công giáo được nhiều thế lực vẽ ra và tuyên truyền. Điều đó khiến cho người Công giáo như là một công dân hạng hai ngay trên quê hương của mình.
Với định kiến gây nên nhiều khó khăn như vậy đã tạo ra một hệ lụy vô cùng đau thương cho Giáo hội. Nhiều người có học thức thì hoặc là dấu mình, hoặc là chối Chúa “tạm thời” để được đi làm trong các cơ quan công quyền. Không ít người có đạo hiện đang làm trong Quân đội, Công an, một số cơ quan công quyền hành chính. Điều đó đã tạo ra một lỗ hổng vô cùng to lớn cho sinh hoạt Đức Tin và con người trong Giáo hội.
Có những gia đình khi bố mẹ gần chết mới cho con cái biết là mình có đạo, rồi muốn đến nhà thờ, muốn gặp linh mục, muốn trở lại đạo. Như vậy, thì đã có ít nhất một thế hệ mất Đức Tin và một đến hai thế hệ không có Đức Tin. Được biết là họ có làm như thế thì mới giữ được nghề nghiệp, chức tước hay là để con cái mình được thăng quan tiến chức, yên ổn trong cuộc sống.
Câu chuyện Đức giám mục Hải Phòng kể cho chúng tôi nghe về một số trường hợp là những nhà giáo rất dè dặt trong việc thể hiện Đức Tin của mình. Đó cũng là cái khó của họ, một mặt phải giữ đạo, một mặt không muốn mình bị “ai đó” phát hiện kẻo lại ảnh hưởng đến công việc, chức vị của mình. Có một vị trí thức nọ làm việc trong cơ quan của nhà nước. Nhà vị đó lại ở gần nhà thờ lớn. Họ vẫn giữ ngày lễ chủ nhật. Nhưng mà, chưa bao giờ thấy người đó bước chân đến nhà thờ cạnh nhà mình mà phải đi đến một giáo xứ xa lắc, xa lơ để dự lễ. Như thế thì “an toàn”.
Hiện tại, xã hội buộc đòi phải “nới lỏng” trong nhiều lĩnh vực đã giúp cho người Công giáo mỗi ngày lớn mạnh hơn cả về kinh tài, trí lực, và đã có nhiều người có địa vị, tiếng nói hơn trong môi trường kinh tế thị trường. Từ đó, nhu cầu tự có, mà có thể nói là khát khao của người Công giáo là kết hợp với nhau để xây dựng Giáo hội và xã hội. Tự thân hợp thành, hành động, giới Doanh nhân đã xuất hiện ở nhiều nơi một cách công khai như tại Giáo phận Sài Gòn, Vinh. Với Hải Phòng, hiện tại rất nhiều người Công giáo làm ăn cực thịnh. Nhưng vẫn chưa có sự kết hợp với nhau.
Đức cha Giuse cũng chia sẻ về niềm vui, một dấu chỉ trưởng thành, bước qua sự sợ hãi của Giáo dân. Ngài kể lại câu chuyện mới đây được một giáo dân mời Ngài đến tham dự trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của mình. Vị này trịnh trọng giới thiệu Đức cha trước mặt quan khách với tư cách là vị Giám mục, chủ chăn của mình. Điều đó có nghĩa như là một sự biểu lộ công khai Đức Tin một cách xác tín vào Niềm Tin của mình trước cả xã hội.
Thêm vào sự tự hào mà con dân của Đức cha đã làm được. Có lẽ bây giờ ai đó đi trên quốc lộ 5 từ Hải Phòng về Hà Nội, để mắt về phía tay phải ở Km 25 thì thấy một bức tượng Đức Mẹ Ban Ơn rất lớn trước cổng công ty. Cách đây khoảng 5 năm trước, anh Cường, chủ công ty đã can đảm tôn vinh Đức Mẹ ngay trong công ty của mình. Sự đạo vẫn khó khăn, hạn chế, việc dựng tượng Đức Mẹ nơi công ty là một điều mới mẻ nên chủ công ty này nhiều lần chịu sự khó, tưởng chừng anh bỏ cuộc. Ấy vậy mà Mẹ vẫn đứng đó ban ơn, công ty vẫn làm ăn phát đạt, nhiều “kẻ thù” nay hóa làm bạn thân.
Khi chúng tôi đặt vấn đề rằng Đức giám mục Hải Phòng nghĩ doanh nhân trí thức có vai trò, đóng góp gì cho Giáo hội và xã hội, và ngài kỳ vọng gì nơi họ. Giám mục cho rằng việc xây dựng Giáo hội là bổn phận chung của mọi người đã chịu các phép bí tích. Giới doanh nhân trí thức là những thành phần ưu tú của Giáo hội cho nên việc dấn thân của giới này rất quan trọng. Giám mục cũng mong mỏi có sự dân thân, hợp tác mạnh mẽ hơn nữa của mọi cá nhân, tổ chức, các công ty, nghiệp đoàn trong tiến trình phát triển của Giáo hội. Hãy đừng sợ hãi mà tỏ mình là một doanh nhân, một tri thức Công giáo có Đức Tin mạnh mẽ trước xã hội này. Ngài cũng kỳ vọng giới doanh nhân trí thức đóng góp sức lực của mình để xây dựng một xã hội phát triển, nhân văn nhất là trong lãnh vực giáo dục, y tế. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa về ý thức quyền con người.
Với những khát khao và kì vọng đó, chúng tôi tò mò hỏi Đức giám mục trên cương vị của mình thì Ngài có ý định gì trong tương lai để mời gọi, hướng dẫn, cổ võ. Ngài cười hiền hòa thể hiện sự thao thức rất lớn trong việc này.
Khát khao và trăn trở của Đức giám mục Hải Phòng cũng là nhưng tâm tư, lo lắng của Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt từ nhiều năm trước đây về giới doanh nhân trí thức Công giáo.
Doanh nhân trí thức Công giáo xây dựng và trưởng thành trên cơ sở, tiêu chí: Mạnh mẽ về Đức Tin, giỏi về Tri thức, giàu mạnh về kinh tế. Góp phần mình vào việc xây dựng Giáo hội và xã hội mỗi ngày tốt đẹp hơn.
Hà nội, 18.02.2010
Paulus Lê Sơn
gửi Dân Làm Báo
http://paulusleson.wordpress.com