Học Dân chủ lúc… xế chiều - Dân Làm Báo

Học Dân chủ lúc… xế chiều

Hiệu Minh - Một việc có thể làm ngay mà không phải du nhập từ đâu để tìm ra người lãnh đạo không tham nhũng. Đó là người được lựa chọn vào trung ương, vào chức vụ cao, cần qua những phép thử của dư luận...

Xem bản đồ bên thấy trên thế giới chỉ còn hai quốc gia Myanmar và Arap là coi mình không có dân chủ. 180 nước còn lại là mầu xanh. Như vậy, cả thế giới đã thừa nhận “dân chủ” là quan trọng.

HM luôn cho rằng, những diễn biến gần đây ở Trung Đông bị ảnh hưởng của dân chủ rất ít, mà phần lớn do sự bất bình của dân chúng. Vì người theo đạo Hồi vốn tôn trọng trật tự. Liệu họ học dân chủ có nhanh như người phương Tây để bỗng nhiên đổ ra đường biểu tình. Chợt nhớ đến bài viết này đã lâu, nay đăng lại để chia sẻ. Chúc các bạn vui và giữ hòa khí trong comment.

Muốn có xã hội công bằng, văn minh thì tâm thức của mỗi cá nhân phải được dạy, được hiểu và biết về dân chủ, từ thầy cô, đến bố mẹ, rồi đứa trẻ và cả xã hội. Chẳng có vị lãnh đạo tối cao nào tuyên bố mang lại điều thiêng liêng ấy cho một dân tộc, để rồi sau một đêm, cả quốc gia ấy trở thành dân chủ. Đó là quá trình “mang nặng đẻ đau” hàng thế kỷ.

Thảm họa “ngõ cụt” ngôn ngữ vì nỗi sợ ám ảnh…

Thử tưởng tượng, bạn là người Việt thuộc lớp người “ngũ thập tri thiên mệnh”, lứa tuổi 50 thông suốt chân lý của tạo hoá, hiểu được mệnh trời.

Nhưng có người muốn làm một thăm dò đơn giản. Đi dự hội thảo, khi diễn giả dứt lời và hỏi “Quí vị có câu hỏi hay phát biểu gì không?”

Bao nhiêu người dám đứng lên? Giả sử hội nghị mang tầm khu vực hay quốc tế, liệu có cánh tay Việt nào giơ lên? Người nhà ta chọn hàng ghế đầu để đối mặt với diễn giả, phản hồi trực diện bằng cả ngôn từ lẫn ánh mắt, hay chọn chỗ khuất phía cuối để ngủ vì đang bị…trái giờ?

Hiểu được mệnh trời nhưng liệu có dám nói về những điều mình thông suốt chân lý, dù biết rằng, diễn giả trên kia nói đôi điều không lọt tai.

Nhiều người tâm sự rằng, rất muốn phát biểu. Nhưng khi đứng lên, lời lẽ bay đi đâu hết cả, đầu óc trống rỗng. Người ta bỗng rơi vào khủng hoảng từ ngữ, từ từ ngồi xuống, đỏ mặt và xấu hổ.

Trong khi đó, rất đông thính giả muốn thiết tha nghe phe ta nói. Họ ít thấy dân tộc này “nói vo” ở những diễn đàn quan trọng. Nếu có, chỉ là những bài đã viết sẵn, thuộc lòng, không sai một dấu phảy.

Cơ nguyên nào mang đến thảm họa “ngõ cụt” trong ngôn từ khi hội nhập? Dù nhiều diễn đàn quốc tế hết sức thoải mái, mỗi ý kiến không hề bị kết luận “đúng hay sai”, mà “đó là một ý kiến”.

Phải chăng vì sợ sai, chúng ta không dám nói? Không đủ tự tin trước đám đông, sợ bạn cười, sợ cấp trên mắng và sợ cả bản thân mình.

Về khách sạn nằm nghĩ mới nhận ra, mình đã được giáo dục dân chủ là thế nào đâu. Nếu được học, đó là kiểu “thầy đọc, trò ghi”: “Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó nhân dân làm chủ, đảng lãnh đạo, chính phủ thực hiện“ và cứ thế về nhà nhai lại y nguyên mà chả hiểu gì.

Ra thế giới bên ngoài, bỗng thấy mình được thoải mái nói năng thì đã quá muộn. Đứng trên bục thực hành “văn minh toàn cầu” ở tuổi …”xế chiều”, khi nhịp tim có vấn đề và não trạng không còn minh mẫn. Nói vài dòng cũng phải giở “phao” trong túi ngực.

Chuyện trên tưởng nhỏ nhưng cũng làm cho không ít quốc gia lỡ chuyến tầu của nhân loại.

Dân chủ “trắng – đen”

Người da đen ở Mỹ hiện được hưởng sự công bằng hơn so với thế kỷ trước không phải do người da trắng văn minh, có học thức và nghĩ cần có công bằng xã hội. Chắng có người da trắng hay tổng thống nào lại rộng lòng làm việc đó. Sự dân chủ giữa hai chủng tộc trắng-đen này do đấu tranh mà có, máu đã đổ và đổ rất nhiều để phân chia quyền lực.

Tại Mỹ cách đây 60-70 năm, ở một số bang, dân da đen lên xe bus được ngồi từ ghế cuối xe và dân da trắng ngồi ghế gần tài xế. Cứ thế, từ hai đầu và đuôi xe, hành khách đen trắng được từ từ lấp hết chỗ.

Đến khi đầy xe, nếu có một người da trắng lên thì một người da đen ở chỗ giáp ranh giữa hai màu da phải đứng lên nhường chỗ cho người da trắng kia và anh da đen phải đứng. Lần lượt, những người da trắng được ưu tiên ngồi và da đen phải đứng nếu còn khách lên. Người tài xế có thể quyết định người da đen nào đứng lên để nhường chỗ.

Thời đó, dân da trắng luôn là ưu tiên số một trong cửa hàng ăn, trong mua sắm và được chiếm chỗ trên xe khách.

Chuyện xe bus “đen trắng” chỉ kết thúc khi cô thư ký da đen Rosa Parks nhất định không nhường chỗ. Rosa bị bắt và đưa ra tòa, bị phạt 10$ và nộp án phí 4$ (giá năm 1955).

Tuy nhiên, hiện tượng Rosa trở thành một phong trào phản kháng lan rộng trong người da đen. Luther King được lựa chọn làm chủ tịch cho phong trào phản đối nạn xe bus “phân biệt chủng tộc”, người da đen cương quyết không nhường chỗ. Cuối cùng, tòa án phán quyết việc phân biệt đối xử như trên vi phạm pháp luật.

Người da đen được giải phóng với nhiều quyền lợi hơn, công bằng hơn, dù một kẻ căm thù dân chủ đến điên khùng đã giết chết thủ lĩnh Luther King vào năm 1968.

Nhưng những gì mà Rosa và Luther King để lại đã giúp cho nước Mỹ được cảnh tỉnh về nạn phân biệt màu da đáng xấu hổ. Vì thế, hôm nay có Tổng thống da đen Barack Obama đang lãnh đạo thế giới tại Nhà Trắng.

Dân chủ từ tâm thức và giáo dục

Hỏi vài đồng nghiệp phương Tây khoảng 30-40 tuổi rằng, tại sao họ tự tin trước đám đông, không ngần ngại bầy tỏ chính kiến. Câu trả lời khá rõ, quốc gia họ được tận hưởng nền giáo dục “dân chủ, tự do” tại gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội ngay khi con người còn ấu thơ.

Cô cháu sống ở khu Ba Đình viết email kể: Khi Hà Nội chớm thu, lá rụng đầy đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Phú, đẹp vô cùng. Người mẹ thường cho con trai ra nghịch lá. Cậu thích lắm, hất tung lá lên không, rồi nằm lăn ra đất.

Hỏi cu cậu lớn lên con thích làm gì. Cu cậu trả lời hết sức bất ngờ “Con sẽ làm người quét lá”.

Điều gì xảy ra nếu người mẹ trẻ mắng đứa con “ngu” rồi bắt con trở thành bác sỹ. Rất có thể khi đi máy bay chẳng hạn, cu cậu còn dám muốn thành phi công hay không. Sự không tôn trọng “ý kiến cá nhân” của người mẹ có thể phá hỏng tương lai của chính đứa con mình.

Muốn có xã hội công bằng, văn minh thì tâm thức của mỗi cá nhân phải được dạy, được hiểu và biết về dân chủ, từ thầy cô, đến bố mẹ, rồi đứa trẻ và cả xã hội. Chẳng có vị lãnh đạo tối cao nào tuyên bố mang lại điều thiêng liêng ấy cho một dân tộc, để rồi sau một đêm, cả quốc gia ấy trở thành dân chủ. Đó là quá trình “mang nặng đẻ đau” hàng thế kỷ.

Dân chủ nước người

Người ta cấm đánh trẻ vì không muốn chúng bị người lớn áp đặt. Muốn chúng nghe lời, bố mẹ phải “đàm phán” cho tới khi hai bên đi đến “thỏa thuận”. Đó là mầm mống cho dân chủ, công bằng xã hội và được pháp luật bảo vệ ngay từ lúc một sinh linh ra đời.

Những quốc gia phương Tây có nền dân chủ hàng trăm năm đưa ra mô hình “tam quyền phân lập”. Đó là cách phân chia quyền lực trong định chế quốc gia.

Từ mấy trăm năm, hiến pháp Hoa Kỳ đã tạo những cơ sở thừa nhận sự tồn tại độc lập, kiềm chế lẫn nhau giữa 3 cơ quan: Lập pháp, hành pháp, tư pháp. Không một cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của quốc gia.

Tuy thế, sau một thời gian hoạt động của tam quyền, người ta cũng phát hiện, “ba anh” trên có thể thông đồng với nhau để độc tài, chuyên chế để lũng đoạn đất nước. Vì thế, mới có thêm quyền lực thứ tư chính là báo chí, thay mặt nhân dân, “kiểm soát” cả ba nhánh quyền lực trên.

Xã hội dân chủ thực sự cần có 4 nhánh quyền lực mạnh như nhau và kiểm soát lẫn nhau. Không ai được phép ngồi lên pháp luật.

Dân chủ của chúng ta

Nước ta từ thời 1945 là “Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Không phải là khái niệm mới.

Gần đây, cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nói “Đại hội XI của Đảng phải làm sao đạt mục tiêu chung là lựa chọn, giới thiệu và bầu được những người không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có năng lực trí tuệ và tổ chức thực tiễn, có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có năng lực tham gia vào việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; có đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; đoàn kết và có khả năng quy tụ sự đoàn kết, có uy tín cao trong Đảng và trong nhân dân”.

Một việc có thể làm ngay mà không phải du nhập từ đâu để tìm ra người lãnh đạo không tham nhũng. Đó là người được lựa chọn vào trung ương, vào chức vụ cao, cần qua những phép thử của dư luận.

Obama khi tranh cử Tổng thống phải khai thu nhập cá nhân, kể cả hồ sơ sức khỏe, cho 350 triệu người Mỹ biết, với tình trạng tim mạch như thế, liệu chân có run khi nói trước hàng triệu người?

Ai muốn cầm cân cho chế độ thì hãy công khai minh bạch toàn bộ tài sản của mình, từ tài khoản nhà băng, xe cộ, nhà cửa, đến đất đai. Việc đó nên làm trước mỗi cuộc bầu bán. Ứng viên cần thông báo rõ trên trang web. Việt Nam có tới 20 triệu người dùng internet, đủ để phủ sóng dư luận tới 86 triệu dân.

Nếu cho rằng lý lịch hay tài sản các ứng viên thuộc vào bí mật quốc gia, dân không có quyền được “biết, bàn, làm, kiểm tra”, đợi yên vị rồi mới công bố tên tuổi thì dân chủ lúc đó e rằng như một thứ trang trí trong tủ kính. Nếu chỉ dân chủ trên lời nói làm sao được người dân tâm phục, khẩu phục.

Nó cũng tương tự như người ở tuổi tri thiên mệnh, hiểu ra nền văn minh nhân loại ở thế kỷ 21 vào tuổi xế chiều, để rồi gà gật ngủ lúc trái giờ, chẳng kịp nhìn bánh xe con tầu hội nhập lăn đi.

Hiệu Minh

PS. Viết blog hay lắm. Đôi khi ý kiến bạn đọc lại nảy ra ý cho bài báo. Ví dụ, trong entry có trích đoạn phản hồi của em Minh Đức, học sinh cũ của HM tại trường Thăng Long, kể về đứa con muốn trở thành người quét lá. Cảm ơn em.

http://hieuminh.org/2011/02/26/dan-chu-luc-xe-chieu/



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo