WESTMINSTER (NV)-“Ba buộc tôi ra khỏi nhà khi đã gần 9 giờ rưỡi tối. Tôi ra đi, trong tay có 1 đồng rưỡi và mang theo 2 bộ quần áo.”
Joee Trương, “Ba mẹ hãy thông cảm và nghe con nói chứ đừng nên xua đuổi con, đứa con bị đồng tính.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Tôi không có cell phone, tôi đến chỗ điện thoại công cộng gần apartment tôi ở, bỏ vào đó 75 cents gọi cho người bạn. Khi đó trời lạnh, và tối lắm. Tôi ngồi núp sau một bụi cây, tôi sợ lắm. Tôi đã ngồi như vậy chờ hơn 2 tiếng để bạn từ San Diego chạy xuống đón tôi về.
“Khi đó, tôi vừa qua sinh nhật 18 tuổi của mình chưa đầy hai tháng, và đến Mỹ mới hơn một năm.”
Joee Trương đều đều giọng kể lại câu chuyện của mình - câu chuyện của một người đồng tính.
***
Từ năm 16 tuổi, Joee đã nhận ra mình là người “khác người khác” nhưng ngay lúc đó thì cô không hiểu gì về “đồng tính.”
Không lâu sau đó, Joee cùng gia đình định cư sang Mỹ, sống ở Los Angles. Qua bạn bè và những điều học từ trong sách vở, nhà trường, Joee bắt đầu hiểu rõ mình là ai.
Sau khi suy nghĩ, Joee quyết định nói cho chị gái của mình biết sự thật.
“Chị là người thân nhất của tôi khi đó, bất cứ chuyện gì tôi cũng đều nói với chị, nên khi quyết định nói ra thân phận mình, người đầu tiên mà tôi nói cũng là chị.” Joee nhớ lại lần “coming out” khi cô tròn 18 tuổi, sang Mỹ mới hơn một năm, và đang học lớp 11.
Joee đã trông chờ một sự đồng tình và cảm thông từ người chị ruột. Thế nhưng “chị không nói gì hết, không phản đối, cũng không đồng ý, không nói một lời nào hết.”
Một buổi tối, khi từ trường học trở về, Joee nhìn thấy thái độ của chị gái và ba mình “rất lạ.”
Ba Joee cho biết, chị gái cô đã nói cho ông biết sự thật.
Nếu người chị đã nói với ba cô rằng “chị không đồng ý Joee là một người đồng tính,” thì người bố cũng “không thể chấp nhận một đứa con đồng tính.”
Bằng “một chút vũ lực” cùng “những lời lẽ đay nghiến nặng nề nhất,” ba Joee buộc cô phải “ra khỏi nhà.”
“Tôi nhớ hoài hình ảnh ngày hôm đó, một ngày Tháng Sáu. Khi đó mẹ tôi ở trong bếp nấu ăn, mẹ không biết gì hết về chuyện ba đuổi tôi đi. Tôi đã khóc từ lúc leo lên xe người bạn, cho đến khi về đến nhà bạn, tôi lại khóc tiếp đến ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi lại khóc tiếp,” Joee nói và cười một cách buồn bã.
Câu chuyện đó xảy ra cũng đã gần 9 năm.
Dù ngày nay, cô gái sắp tốt nghiệp đại học, đủ trưởng thành để biết rằng “ba mẹ sanh con ra mà nói đuổi đi chỉ là nóng giận tức thời” nhưng những câu nói cay nghiệt của người cha khi biết con mình là người đồng tính cứ luôn sâu xoáy trong lòng Joee mỗi khi cô nhớ lại, “Ðau lòng lắm!”
Cuối Mùa Hè năm đó, theo lời của ba mẹ, Joee đã trở về nhà để theo học hết chương trình trung học, “vì tôi cần phải lấy bằng high school rồi tiếp tục học lên đại học để ba mẹ tôi hiểu rằng dù là một người đồng tính nhưng tôi vẫn là một người biết học hành đàng hoàng.”
Tuy nhiên, “không khí gia đình không vui.”
Suốt hai năm trời, Joee và chị gái mình không hề trò chuyện với nhau. Ba Joee không nhắc gì đến chuyện “đồng tính”. Còn người mẹ cứ thỉnh thoảng lại thở than, “Tại sao con lại như vậy? Con là đứa con gái bình thường mà. Con đẹp gái như vậy mà tại sao con lại như vậy?”
Không chịu nổi sự ngột ngạt đó, sau khi hoàn thành chương trình trung học, Joee đã quyết định ra riêng để tự lo liệu cho cuộc sống của mình.
***
Joee Trương chỉ là một trong số gần một trăm người đồng tính đã đến tham dự buổi hội thảo “Tôn giáo và người đồng tính” được tổ chức vào sáng Mùng 3 Tết tại hội trường Nhật báo Người Việt.
Diễn giả cho buổi hội thảo gồm nhiều người lãnh đạo tinh thần, có cựu linh mục Công Giáo, có linh mục Tin Lành Episcopal, hòa thượng Phật Giáo, mục sư...
Tại buổi hội thảo, cựu Linh Mục Công giáo Geoff Farrow cho rằng, “Hãy đứng dậy, đừng ngại ngùng, đừng e sợ, để nói ra thân phận mình.”
Nữ tu viện trưởng Karuna Dharma theo phái Thiền ở Los Angeles kể chuyện, “Khoảng 15 năm về trước, có người nói với tôi rằng không nên có người đồng tính trong chùa. Tôi đã trả lời ai muốn điều đó hãy bước ra khỏi cửa Phật. Tất cả chúng ta đều là con người, và đó là điều khác biệt giữa chúng ta và con vật.”
Cuộc hội thảo có công bố trước đó, và tuy không gặp sự chống đối, nhưng cũng có những tiếng nói không vừa lòng. Trả lời phỏng vấn phóng viên Hà Giang báo Người Việt vài ngày trước buổi hội thảo, Giám Mục Trần Thanh Vân nói: “Chúng tôi không ghét bỏ gì họ. Nhưng đối với niềm tin tôn giáo, chúng tôi không bao giờ chấp nhận khuynh hướng (tình dục) của họ.”
Ông Nguyễn Tấn Lạc, phó chủ tịch Ban Ðại Diện Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali, thì cho rằng “trong cộng đồng tôn trọng những giá truyền thống cổ truyền như cộng đồng mình, người ta không thích những gì mà họ cho là bất bình thường, và vì thế đa số sẽ không chấp nhận”.
* * *
Cũng như Joee Trương, mỗi người đồng tính, song tính đến với buổi hội thảo đều có những câu chuyện của riêng mình. Có câu chuyện được kể ra trong nụ cười rạng rỡ của niềm hạnh phúc vì được cảm thông, được chia sẻ, được yêu thương. Nhưng những câu chuyện ẩn ức những nỗi niềm, những đắng cay của thân phận người đồng tính vẫn chiếm phần hơn.
Câu chuyện của Pierre Trần là một câu chuyện như thế.
Pierre Trần, “Không nhìn nhận người đồng tính tức là một sự kỳ thị. Cộng đồng mình cũng là người nhập cư, mình không muốn ai kỳ thị mình, vậy tại sao mình lại kỳ thị người khác?” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Tôi là một cư dân quận Cam, là một người ‘gay’ đang làm việc cho sở y tế quận Cam.” Pierre giới thiệu về mình bằng một thái độ tự tin.
Từ trước khi trưởng thành, Pierre đã nhận ra mình là một người “không bình thường.” Nhưng “lúc nhỏ tôi cũng không biết, không hiểu gì nhiều về cuộc đời, chẳng nghĩ tới tương lai chỉ biết là mình hơi khác biệt với những người khác. Nhưng càng lớn thì càng phức tạp hơn.”
Có lẽ hiếm cha mẹ nào lại không nhận ra những điều khác biệt nơi con cái mình, tuy nhiên để thừa nhận rằng con mình là “một người không bình thường” thì chẳng bậc cha mẹ nào dám thừa nhận. Họ cố tình trốn tránh điều đó.
Pierre không là người tự bộc lộ thân phận mình cho gia đình biết. Ðến một lần tình cờ, “gia đình mở mail của tôi và phát hiện ra tôi nhận được thư từ hội những người đồng tính ở Orange County.”
Gia đình Pierre bị “shocked.” Bố mẹ, anh em Pierre bị chấn động.
“Họ shocked, tôi cũng shocked. Tôi thấy, ủa tại sao mình lại không được chấp nhận?” Pierre cười chua chát.
Ở tuổi 23, 24 vào thời điểm ấy, Pierre quyết định “thôi thì đường ai nấy đi, mình sống cho cuộc đời của mình, để gia đình không phải bận tâm nữa.”
“Con cừu đen,” như Pierre tự ví von về mình, đã chọn cách tách khỏi “bầy cừu trắng,” tuy có là một quyết định đau lòng, nhưng để từ đó trở về sau, Pierre có thể sống đúng với bản chất con người thật của mình, để còn cảm thấy được chút gì là “sự chào đón” khi thỉnh thoảng quay về với gia đình.
Với Quỳnh Anh, một cư dân ở Pomona, dù nhận ra mình không giống như những người bạn gái chung quanh nhưng “khi lớn lên tất cả vẫn chưa có gì rõ rệt hết.”
Quỳnh Anh vẫn qua thời thiếu nữ, vẫn lập gia đình, kết hôn và sinh con như bao người phụ nữ khác. Cho đến lần kết hôn thứ hai, Quỳnh Anh mới “giật mình sực tỉnh để nhận ra mình là ai” khi phát hiện ra cô đã thương một cô gái khác cùng sinh hoạt hướng đạo chung.
Sau 3 năm suy nghĩ về giới tính của mình, Quỳnh Anh, người phụ nữ đã bước vào tuổi trung niên, quyết định công khai thân phận mình.
* * * *
May mắn hơn rất nhiều so với Pierre Trần, hay Quỳnh Anh, hay Joee Trương, L. - anh không muốn nêu tên mình “vì có rất nhiều người biết tôi” - đã được cả gia đình ba mẹ, chị gái, em trai, anh trai dang rộng vòng tay để yêu thương, đùm bọc khi biết chính xác “L. là một người đồng tính.”
“Tôi cảm thấy tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình như thế. Có lẽ họ cũng biết tôi là một người đồng tính từ lúc tôi còn nhỏ, nhưng đến khi tự tôi nói ra điều đó thì mọi chuyện lại càng trở nên tốt đẹp hơn. Chị gái tôi dường như thương tôi nhiều hơn, giúp đỡ tôi nhiều hơn bởi chị nghĩ rằng tôi đã cô độc khi tôi ‘bị’ như vậy,” L. chia sẻ câu chuyện của mình bằng nét rạng rỡ, hạnh phúc của người được bao bọc trong sự chia sẻ và cảm thông tuyệt vời.
Ðến tham dự buổi hội thảo, nghe những quan điểm của một số linh mục, mục sư, ni cô và thầy tu nói về quan điểm của họ với vần đề đồng tính, một bà mẹ có người con gái đồng tính chia sẻ một cách mộc mạc, “Khi nghe con nói rằng nó là người đồng tính, tôi cũng có ngạc nhiên một chút. Vậy thôi. Bởi dù nó có là người gì thì nó vẫn là con của mình, vẫn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời. Như vậy thôi, không có điều gì thay đổi hết.”
Người phụ nữ nói tiếp trong sự xúc động, “Theo tôi, đồng tính là cái trời đã ban, không thể cãi được. Bây giờ nó đã khác biệt với những người khác thì mình càng phải thương nó nhiều hơn, phải đối xử với nó đặc biệt hơn. Có như vậy thì mình sẽ không mất đứa con, còn nếu mình khắc khe quá thì mình sẽ mất một đứa con”.
***
Hiện tại Joee Trương đã cùng người bạn gái quay trở về sống cùng ba mẹ Joee. Họ đã được chấp nhận và thương yêu đến... 98%.
“2% còn lại là phải giữ thể diện cho ba mẹ. Ba mẹ tôi chấp nhận, không có nghĩa là bà con ruột rà tôi cũng chấp nhận tôi là một người đồng tính,” Joee nhận xét.
Ðể có được một kết cuộc đẹp như vậy, Joee đã bỏ ra 5 năm để chứng minh cho gia đình thấy rằng những người đồng tính là ai. “Tôi cố gắng đưa bạn bè mình về nhà chơi để ba mẹ biết, dù lúc đầu họ không thích đâu. Tôi muốn ba mẹ tôi thay đổi những suy nghĩ đã bị ảnh hưởng bởi phim ảnh và truyền thông khi cho rằng đồng tính là những người xấu. Người đồng tính cũng như người dị tính, họ cũng đi học, đi làm, không làm gì hại đến ai.”
Không được 98% sự chấp thuận của gia đình như Joee, nhưng gia đình Pierre Trần và Quỳnh Anh cũng chào đón sự trở về thăm nhà của họ trong “chính sách” không hỏi không nói bất cứ điều gì liên quan đến chuyện đồng tính. Ðó cũng là một cách để họ níu kéo những tình thân, hơn là đứt lìa, chia xa.
***
Tại buổi hội thảo, có một khán giả vô tình mà có mặt. Ông Michael (không muốn nói họ) muốn đi dự một buổi sinh hoạt khác, nhưng vì nhìn nhầm ngày, ông đã tới phòng sinh hoạt báo Người Việt ngay trong lúc có hội thảo.
Hội thảo “Tôn giáo và người đồng tính” được tổ chức tại hội trường báo Người Việt sáng Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Biết mình nhầm, nhưng ông Michael, một thầy giáo về hưu của trường Rancho Alamitos, thuộc học khu Garden Grove, đã ngồi dự từ đầu đến gần cuối buổi bằng thái độ chăm chú, dù bản thân ông và các con cháu trong nhà đều không có người đồng tính.
Sau cùng, ông nêu suy nghĩ, “Tôi hoàn toàn không phản đối người đồng tính vì ai cũng là con người hết. Chỉ có điều là người bình thường thì ai cũng đã biết, còn đồng tính thì hơi khác thường, nên mình phải chờ xem coi như thế nào. Chống thì không chống nhưng nếu khuyên thì tôi cũng khuyên con cháu không nên đi theo con đường đồng tính.”
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=126745&z=157