Bùi Tín - Mạng thông tin toàn cầu internet, các công cụ truyền thông Facebook, Twitter, youTube…đã đóng vai trò vũ khí đấu tranh lợi hại và có hiệu quả trong cuộc lật đổ ách độc tài ở Tunisia và Ai Cập.
Ở Ai Cập, với số dân 83 triệu, có đến 24 triệu máy computer, hơn 5 triệu facebook, 30 vạn twitter và 25 vạn blogger…, phần lớn là các nhà trí thức, nhà kinh doanh, sinh viên và học sinh. Cư dân blogger rất trẻ, trung bình dưới 30 tuổi. Hàng vạn blogger ở thủ đô Cairo, ở hải cảng Alexandria và Suez đã là những chiến sĩ tiên phong trong cuộc nổi dậy hào hùng, bền bỉ trong 18 ngày đêm cách mạng sôi sục, buộc nhà độc tài gia đinh trị và bộ hạ của Mubarak cuối cùng phải xuống đài, bỏ chạy. Nhà độc tài có uy quyền và uy lực bậc nhất châu Phi và Trung Đông ấy đang hí hửng nắm chắc một nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 vào tháng 9 tới, còn tính chuyện truyền ngôi cho con trai bất tài, hung hãn, bỗng vào đầu xuân 2011 thấy đất trời rung chuyển bới cuộc xuống đường của quần chúng khao khát tự do, công bằng và quyền sống. Cuộc đấu tranh của đường phố được cổ vũ, điều hành, hướng dẫn bởi mạng lưới điện toán bén nhạy đã quyết định số phận của một chế độ độc đoán và mở đường cho tương lai. Trong hàng vạn internautes - chiến sỹ mạng - dấn thân cho tự do công bằng và nhân phẩm của nhân dân và lập công đầu vẻ vang nổi lên 3 bộ mặt tiêu biểu.
Hình: AP - Wael Ghonim, 30 tuổi (giữa) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức 18 ngày biểu tình trên toàn quốc chống chính phủ đã buộc ông Mubarak phải từ chức và trao quyền cho quân đội sau hơn 30 năm giữ chức
Trước hết là anh Wael Ghonim, 30 tuổi, người Ai Cập, sống ở Dubai cùng vợ người Mỹ và 2 con nhỏ. Anh là người nhận trách nhiệm điều hành mạng toàn cầu Google vùng Trung Đông. Anh sớm dấn thân cho cuộc đấu tranh đòi tự do cho cư dân mạng, rồi tự đó anh dấn thân cho quyền sống tự do, bình đẳng, nhân quyền của toàn dân. Khi cuộc cách mạng khởi đầu ngày 25-1-2011, anh từ Dubai trở về Cairo mở ngay một trang facebook trên chiếc máy điện toán nhỏ bé mang nhãn hiệu MacB của anh, mang tên «Tất cả chúng ta đều là Khaled Said ». Khaled Said là một thanh niên đấu tranh cho tự do dân chủ, bị cảnh sát bắt, tỏ ra bất khuất, bị tra tấn cho đến chết hồi tháng 6-2010. Trang facebook của anh có tác dụng huy động đông đảo thanh niên xuống đường ồ ạt trong những ngày tiếp theo. Anh bị bắt, bị giam giữ một nơi bị mật trong 11 ngày đêm, anh được tự do ngày 7-2-2011, thì 4 ngày sau, ngày 11-2, tên độc tài Mubazrak bỏ chạy.
Gần đây tờ báo lớn nhất của Ai Câp nhận định: các cuộc cách mạng như ở Hoa Kỳ có lãnh tụ George Washington, cách mạng vô sản có Karl Marx, cách mạng Trung Quốc có Mao, ở Ba Lan có Walesa, còn ở Ai Cập có thể nói đó là Wael Ghonim. Với ý nghĩa là tuy không có một đảng phái, một tổ chức chặt chẽ đứng ra lãnh đạo, nhưng vẫn thắng lợi rõ ràng, chế độ cũ sụp đổ; không có Ghonim thì không thể đạt kết quả như vậy.Mona Seif
Trong khi Ghonim đang ở trong tù đã có 2 nữ blogger thay thế một cách kỳ diệu. Đó là cô sinh viên khoa sinh học Mona Seif của trường Đại học Cairo, 25 tuổi, cùng cả gia đình trí thức dấn thân từ 2 năm nay cho cuộc đấu tranh đòi tự do, đến khi anh thanh niên Khaled Said bị tra tấn đến chết, cô càng thêm quyết chí bội phần. Cô đi đầu trong việc hưởng ứng trang facebook của Ghonim và tận dụng máy điện toán của mình để từng buổi, hằng ngày, hàng đêm đi viết phóng sự ngắn tại chỗ, truyền tin, chụp ảnh, chỉ đạo, phối hợp các cuộc đấu tranh trên đường phố.
Gigi Ibrahim
Cùng làm việc trên đây với Mona Seif có cô sinh viên khoa chính trị Gigi Ibrahim, 24 tuổi, từng học ở California, Hoa Kỳ trở về Cairo,cũng là một blogger tài hoa và dấn thân cho tự do. Cô mê máy điện toán, hiểu sâu tính năng kỳ diệu của nó trong đấu tranh. Cô là nhà báo xông xáo, có mặt ngay ở những nơi và trong thời điểm nóng bóng nhất để cổ vũ, ghi nhận, truyền tin và ảnh đi khắp mọi nơi, khắp Ai Cập và ra nước ngoài. Cô nói sáng 25-1 cô đã khóc, vừa làm việc phóng viên vừa khóc ròng, vì bất ngờ, sung sướng, hạnh phúc quá, tưởng đâu vài trăm người ra đường, vậy mà hàng ngàn rồi hàng chục ngàn, cô những tưởng mình hoa mắt, nằm mơ, loạn thị…Mấy ngày sau lại đông gấp đôi, gấp ba hôm trước.
Cả 3 thanh niên trên đây, anh Wael Ghonim, cô Mona Seif và cô Gigi Ibrahim đều tự nhận mình là những «nhà báo công dân» trong thời đại của blogger, Facebook, Twitter, youTube. Không cần giấy bút, sổ tay, máy ảnh, máy fax, nhà in, phát hành lỉnh kỉnh, chỉ gõ phím, bấm chuột là xong, là xong cái việc lay trời chuyển đất, là xong việc lật đổ chế độ độc tài, tham nhũng, gia đình trị, ngồi trên luật pháp, cướp của nhân dân, mở ra thời đại mới, kỷ nguyên mới cho đất nước mình, cho cả khu vực và cho toàn thế giới.Bùi Tín
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/nha-bao-cong-dan-02-23-2011-116758634.html