Đào Tuấn - Chẳng phải mà ngẫu nhiên có tin đồn NHNN phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng khi giờ mỗi chén trà con con đã có giá 2 ngàn đồng. Bán nước có vẻ cũng là một phương án hay- điều đó giải thích cho thực tế quân “bán nước hại dân” giờ đông đến thế. Một phương án khác là đi buôn chuối...
Thế là giá điện đã chính thức tăng. Giá xăng dầu chính thức tăng. Giá tân dược chuẩn bị tăng. Giá sữa sắp tăng hàng loạt. Giá nước chuẩn bị được “điều chỉnh”. Ngoài cây xăng, dù Bộ Tài chính đến 9h sáng vẫn im thít- hàng đoàn người xếp hàng rồng rắn với can nhựa, túi ni lon như thể không mua là…hết. Trong chợ, bất cứ cái gì cũng đã tăng. Và Tiền Phong thì đưa một bức ảnh pờ rồ máy cày 4 cẳng “ngưu lực”, 2 cẳng “nhân lực”.
Có vẻ như những phát biểu của bác Kiên, Phó chủ tịch QH mà các báo đăng tải ồ ạt sáng nay- đã không còn hợp với thời thế nữa.
Tờ SGTT sáng nay giật tít: Cầm 100 ngàn đồng đi chợ không biết mua gì. Trên Thời báo Kinh tế Việt Nam thì : “Cầm 100 nghìn đi chợ cứ như đi tay không”. Bác Kiên tâm sự: “Giờ cầm 100 nghìn đi chợ cứ như đi tay không, rất may là có bà vợ đi chợ giúp chứ không lương của tôi mà ra chợ bây giờ chỉ được mươi mười lăm ngày là hết”. Và Vnexpess: 'Vợ tôi cũng kêu ca về lạm phát', rằng: "Ở nhà, vợ tôi cũng bảo cầm 100.000 đồng đi chợ chẳng mua được gì".
Khi trả lời các báo, giá điện và xăng dầu chưa tăng, chứ để chậm 1-2 hôm nữa, không khéo câu của bác Kiên sẽ là “cầm 200 ngàn đi chợ”.
Cũng may là vợ bác Kiên cũng đi chợ, cũng phàn nàn như bất cứ người dân nào về chuyện giá cả cái gì cũng tăng. Cũng may là bác Kiên cũng hiểu- dù chắc chỉ một phần- nỗi thống khổ của dân chúng. Nhưng biết rồi thì sao, thưa bác Kiên Quốc hội? “Tôi bảo bà ấy và mọi người phải tính toán cho phù hợp”- Bác Kiên nói. Nghe câu này cứ thấy quen quen. Hình như mỗi độ thiếu điện, ngành điện đều kêu la rằng dân mình phung phí và khuyên bà con nên tiết kiệm tiền túi. Lời khuyên của bác Kiên cũng không lạ, là bởi hôm qua, website Chính phủ cũng đã có một bài, gọi là “Khi đất nước khó khăn, càng phải đẩy mạnh tiết kiệm”. Bài này hay nhất ở câu “Một bộ phận lớn dân cư cuộc sống được cải thiện, đã có bát ăn bát để, thế nên hai chữ “tiết kiệm” đã bị nhiều người … lơ là!”. Thậm chí: “Nhiều khách nước ngoài phải ngạc nhiên khi thấy có những người Việt Nam đã dùng đồ thuộc diện hàng hiếm trên thế giới, từ ô tô, điện thoại di động, hoá mỹ phẩm, đồ trang sức, đồ may hàng hiệu..”. Đọc cái biết ngay năm nay nghề có khả năng trúng đậm nhất là nghề buôn… dây chuối.
Mình chỉ không hiểu vì sao một tờ như SGTT còn chơi bạo hơn cả website Chính phủ khi mở hẳn hoi một diễn đàn gọi là “Chi bạo”. Ồ, nguyên nhân của nhập siêu là tại đám thị dân, càng ùn tắc càng thích đi ô tô? Nguyên nhân của những khó khăn kinh tế là bởi dân mình làm 1 tiêu 4, nghèo nhất nhì thế giới nhưng ăn chơi cũng thuộc dạng hàng đầu. Cứ theo logic này khéo một ngày nào đó sẽ có báo đề xuất phương án phát triển kinh tế khả dĩ bằng cách di dân sang Libye.
Nhưng chẳng phải chờ lời khuyên của một quan chức hàng đầu Quốc hội, cơ quan có nhiệm vụ phê chuẩn các mục tiêu của Chính phủ, từ năm 2008, dân chúng đã học cách buộc dây chuối. Mà rất đau là trong các chi phí bị buộc phải cắt giảm- vì không kham nổi lạm phát- nhiều người đã chịu đau để không phải trả tiền thuốc, và viện phí. Nhiều người khác thì “cắt” chuyện học hành của bọn nhỏ. Nói có sách, mách có chứng, đây là những điều được liệt kê trong một báo cáo về tác động của lạm phát do Trung tâm nghiên cứu dư luận vầ phản biện xã hội tiến hành. Mà trên tờ PL TP, bác Kiên thậm chí còn so sánh: Kinh tế 2011 khó khăn không kém 2008 khi trả lời một câu hỏi tuyệt hay của nhà báo Nghĩa Nhân “Nhiều chuyên gia phân tích, so sánh lạm phát như “thuế đánh vào người nghèo”.
Đã nghèo thì lại “có bệnh” nhạy cảm với giá cả. Đã nghèo thì việc vnd mất giá 1% hay xăng dầu, điện nước tăng chỉ 165 đồng/số điện hay “chưa tới 3 ngàn đồng” mỗi lít xăng cũng đủ đế những người vừa bám tay lên thành giếng cận nghèo lại tiếp tục tuột tay rơi xuống. Nghèo, thì thường là chẳng mấy ai quan tâm, bởi có quan tâm cũng rất khó hiểu thế nào là chuyện “Chính phủ ưu tiên chống lạm phát và chấp nhận tổn thương để tăng trưởng”. Bởi tăng trưởng để làm gì? vượt chỉ tiêu để làm gì? khi mà lạm phát lèn chặt cuộc sống người dân trong những nỗi khốn khổ đời thường, từng giờ từng phút, trong từng bữa cơm, và cả những cơn mơ.
Mới chỉ hai tháng đầu năm, lạm phát đã 3% vì vậy mà khả năng “Lạm phát gấp đôi chỉ số tăng trưởng” hoàn toàn có thể sẽ lặp lại. Cần 6 tháng mới dự đoán hết tình hình- Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nói- Điều này có vẻ đúng. Nhưng dường như ông quên chưa nói hết, là có lẽ phải cần 6 tháng tiếp sau đó phải họp, để tìm ra giải pháp.
Chẳng phải mà ngẫu nhiên có tin đồn NHNN phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng khi giờ mỗi chén trà con con đã có giá 2 ngàn đồng. Bán nước có vẻ cũng là một phương án hay- điều đó giải thích cho thực tế quân “bán nước hại dân” giờ đông đến thế. Một phương án khác là đi buôn chuối.
Đào Tuấn