Wael Ghonim: Người "giấu mặt" khơi mào cuộc biểu tình Ai Cập - Dân Làm Báo

Wael Ghonim: Người "giấu mặt" khơi mào cuộc biểu tình Ai Cập

"Thực tế, tôi chỉ làm điều đơn giản nhất, đó là viết. Đến cuối cùng, thành công có được là nhờ sức mạnh của quần chúng"... Tôi động viên mọi người, để họ biết được quyền lợi của mình. Và mỗi người sau đó sẽ thực hiện những gì họ muốn" - Wael Ghonim.

Mike Giglio - Trong buổi phóng vấn khi được phóng thích khỏi nhà tù (7/2), Wael Ghonim đã thừa nhận anh chính là người "giấu mặt" mang bí danh ElShaheeed đã khơi mào cuộc biểu tình gây chấn động cả thế giới.

Tôi chỉ làm điều đơn giản nhất

Trong buổi phỏng vấn đầu tiên với giới truyền thông khi được phóng thích sau 12 ngày đêm bị giam giữ ở nhà tù Ai Cập, Wael Ghonim - Giám đốc Marketing Khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Google (Google MENA) - xác nhận anh chính là người bí ẩn trên Facebook đã châm ngòi cho cuộc biểu tình tại Ai Cập.

Với sự mệt mỏi có thể thấy rõ, Ghonim nhấn mạnh nhiều lần rằng anh không tự cho mình là lãnh tụ của phong trào đấu tranh đòi chế độ dân chủ này.

Phát biểu trong ngày được phóng thích, Ghonim - người cha 30 tuổi của hai đứa trẻ, cho rằng: "Thực tế, tôi chỉ làm điều đơn giản nhất, đó là viết. Đến cuối cùng, thành công có được là nhờ sức mạnh của quần chúng".

"Tất cả chúng ta là Khaled Said" (We Are All Khaled Said), đó là tên trang mạng xã hội Facebook đã trở thành nơi phát động cuộc biểu tình lịch sử diễn ra cuối tháng 1 - đầu tháng 2/2011. Tên của nó được đặt để tưởng niệm một blogger đã bị cảnh sát thành phố Alexandria bắt giữ và đánh đến chết chỉ vì dám tung lên mạng đoạn băng video tố giác cảnh sát Ai Cập chia nhau chiến lợi phẩm sau khi bắt một vụ buôn lậu ma túy.

Trang mạng này được Ghonim bí mật điều hành dưới bí danh "ElShaheeed", trong tiếng Ả-rập có nghĩa là "người tử vì đạo". Ghonim cũng đồng thời tạo một trang web cho Mohamed ElBaradei, người từng đạt giải Nobel đã quay lại Ai Cập để trở thành một trong những nhà lãnh đạo của phe đối lập.

"Rất nhiều người đã chết", Ghonim chia sẻ và cố gắng giảm bớt tầm quan trọng của mình. Anh không thích cái danh là gương mặt của phong trào đấu tranh đòi dân chủ: "Đó không phải là mục đích của tôi, và tôi ghét điều đó, tuy nhiên mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát".

Kể từ khi Ghonim biến mất vào cuối tháng 1, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp tại Google đã vô cùng lo lắng cho sự an nguy của anh và điên cuồng tìm kiếm các dấu vết để lại.

Ghonim bị Chính quyền Ai Cập bắt giữ sáng ngày 28/1. Việc bắt giữ Ghonim đã gây xôn xao dư luận khi trang Facebook do anh lập ra đóng vai trò tối quan trọng trong việc cổ động cuộc biểu tình chống Chính phủ. Người thân và đồng nghiệp lo sợ anh đã trở thành tù nhân chính trị của một chế độ cai trị ngày càng bất ổn định. Họ thậm chí còn nhận được một cuộc gọi nặc danh đe dọa rằng Ghonim đang được "dạy cho một bài học".

Trang mạng xã hội Facebook do Ghonim điều hành đã phát động cuộc biểu tình đầu tiên vào ngày 25/1. Số lượng người theo dõi trang này đã lên tới con số 400.000 người, và khi lời phát động được đưa ra, trang mạng này đã đăng tải một loạt các thông báo, hình ảnh, video, các tờ rơi có thể tải xuống và lời kêu gọi người dân Ai Cập tham gia chiến dịch.

Chúng tôi mơ về một tương lai tốt đẹp hơn

Ghonim là người Ai Cập nhưng sinh sống ở Dubai, nơi đặt trụ sở Google tại khu vực Trung Đông. Bạn bè và người quen đánh giá Ghonim là người nhiệt tình không chỉ đối với công nghệ mà còn với những vấn đề của quốc gia quê hương. Một người đồng nghiệp cho biết: "Nếu bạn gặp anh ấy, bạn có thể nghĩ người đàn ông này cũng bình thường như bất kỳ ai, nhưng anh ấy thực sự rất thông minh".

Trang Facebook của Ghonim được lập ra với mục đích ban đầu là một chiến dịch nhỏ chống lại những hành động tàn bạo của cảnh sát, sau đó nhanh chóng trở thành nơi huy động những nỗ lực đấu tranh chống lại sự lạm dụng nhân quyền tại Ai Cập. Trang mạng này còn bóc trần những gian dối trong cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập hồi tháng 11 vừa rồi.

Khi cuộc biểu tình đòi quyền dân chủ nổ ra, Chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak đã thẳng tay đàn áp các nhà báo và blogger Ai Cập và quốc tế, thậm chí còn sử dụng vũ lực đánh đập và bắt giữ một số người. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ P.J.Crowley từng chia sẻ suy nghĩ trên Twitter, thể hiện sự bất bình của mình: "Đây là một kế hoạch có trù tính để đe dọa các ký giả quốc tế đưa tin tại Cairo. Chúng tôi cực lực phản đối hành động tàn bạo này".

Esraa Abdel Fatah, người đồng sáng lập Phong trào thanh niên 6/4 và đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức cuộc biểu tình cũng gay gắt lên án hành động đàn áp này trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. "Tất cả các nhà hoạt động và bạn bè của tôi đều đang bị giam giữ. Cảnh sát và quân đội bắt giữ tất cả những ký giả, tịch thu máy ảnh và công cụ tác nghiệp của họ..."

Fatah thường xuyên phối hợp với người mang biệt danh ElShaheeed dù vẫn không biết đó chính là Ghonim. Hai người thậm chí đã từng gặp gỡ ở Qatar ngày 20/1 trong một hội nghị. Lần cuối cô gặp Ghonim là 5 ngày sau đó tại Quảng trường Tahrir khi anh tham gia cuộc biểu tình do chính mình tổ chức.

"Giống như giấc mơ trở thành hiện thực," Ghonim chia sẻ trong cuộc phỏng vấn sau khi được thả, "chúng tôi mơ về một tương lai tốt đẹp hơn".

Trong cuộc phỏng vấn qua Gmail chat một tuần trước khi diễn ra cuộc biểu tình, Ghonim dưới bí danh ElShaheed nói rằng cuộc cách mạng ở Tunisia thành công đã tạo thêm động lực cho anh chống lại chế độ độc tài của Ai Cập trong suốt những năm qua. Tuy nhiên anh từ chối các câu hỏi liên quan đến cá nhân, hay trả lời qua điện thoại do lo sợ bị bắt giữ.

Ghonim mô tả mình như một nhà hoạt động tuyên truyền nghiệp dư, và việc thiết lập trang mạng là do bức xúc trước những bức ảnh chụp blogger Khaled Said bị cảnh sát đánh đập dã man cho đến chết và vứt xác trên phố. Anh nói: "Tôi cảm thấy rất đau lòng, và muốn làm một điều gì đó. Vì thế tôi thiết lập trang mạng này, và nó thu hút tới 375.000 người tham gia. Do vậy tôi sử dụng nó để bóc trần những sự thật kinh khủng mà Chính phủ đang che đậy".

Ngay trước khi mất tích, Ghonim cho rằng việc anh ẩn danh là phù hợp nhất với mục đích của anh. "Tôi làm điều này không phải là vì bản thân tôi, đó là vì Ai Cập". Các nhà hoạt động khác thì cho rằng chính việc Ghonim ẩn danh đã tạo tín nhiệm cho trang mạng này và khiến cuộc biểu tình thu hút được nhiều sự chú ý hơn từ người dân Ai Cập.

Thực tế, Ghonim dường như thích được ẩn mình trong đám đông để hoạt động. Anh chia sẻ: "Tôi động viên mọi người, để họ biết được quyền lợi của mình. Và mỗi người sau đó sẽ thực hiện những gì họ muốn".

Như Nguyệt dịch theo Newsweek

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-14-wael-ghonim-nguoi-giau-mat-khoi-mao-cuoc-bieu-tinh-ai-cap



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo