Những người can trường bám trụ lại “tử địa”, quên mình chiến đấu để tránh cho Fukushima khỏi một thảm họa tồi tệ nhất. Họ là 50 nhân viên của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Trước khi xảy ra động đất, có 800 kỹ thuật viên, kỹ sư… làm việc tại nhà máy này. Không sơ tán cùng 750 đồng nghiệp, họ đã chấp nhận đương đầu với nồng độ phóng xạ ngày càng cao để tiếp tục nhiệm vụ...
Khi tình hình ngày càng căng thẳng, vẫn còn 50 người chấp nhận hy sinh để cứu Fukushima khỏi trường hợp xấu nhất.
Hôm 15.3, chính quyền Tokyo chính thức công nhận mức phóng xạ tại khu vực quanh Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 gây nguy hiểm cho sức khỏe. Sau những sự cố cháy nổ liên tục, Reuters dẫn nguồn tin chính phủ thông báo mức phóng xạ 400 millisievert/giờ đã được ghi nhận gần lò phản ứng số 4. Trong khi đó, chỉ cần phơi nhiễm hơn 100 millisievert/năm đã có nguy cơ dẫn đến ung thư. Trong vòng bán kính 30 km quanh nhà máy, hàng trăm ngàn người đã được gấp rút di tản hoặc cố thủ trong nhà. Sự cố hạt nhân tại Fukushima hiện được xem là một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất kể từ vụ nổ Chernobyl.
Vậy mà vẫn có những người can trường bám trụ lại “tử địa”, quên mình chiến đấu để tránh cho Fukushima khỏi một thảm họa tồi tệ nhất. Họ là 50 nhân viên của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Trước khi xảy ra động đất, có 800 kỹ thuật viên, kỹ sư… làm việc tại nhà máy này. Không sơ tán cùng 750 đồng nghiệp, họ đã chấp nhận đương đầu với nồng độ phóng xạ ngày càng cao để tiếp tục nhiệm vụ.
Cảm tử quân thời bình
Hệ thống làm lạnh của các lò hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1 bị hư hỏng vì động đất và sóng thần. Theo Le Figaro, nhiệm vụ của những người ở lại là bơm nước biển vào các lò hạt nhân để tránh cho các thanh nhiên liệu trong lõi lò không bị tan chảy thành “nham thạch” có độ phóng xạ cực kỳ cao. Ngoài việc bơm nước, có rất nhiều thao tác cứu hộ chỉ có thể thực hiện bằng tay, như mở van giảm áp để tránh cháy nổ. Mang trang phục đặc biệt chuyên chống phóng xạ và đeo mặt nạ dưỡng khí để tránh hít phải khí ô nhiễm, nhóm nhân viên trên luôn trong tư thế sẵn sàng, bất kể ngày đêm hay đang lúc tuyết rơi lạnh giá. Hôm qua, 50 “cảm tử quân thời bình” chỉ tạm lánh khỏi Nhà máy Fukushima số 1 một thời gian để mức phóng xạ giảm bớt, rồi lại quay về tiếp tục nhiệm vụ. Le Figaro dẫn nguồn thông cáo từ Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan quản lý nhà máy Fukushima số 1, cho biết tính đến hôm qua, ít nhất 15 người đã bị thương.
Tờ Le Parisien dẫn lời Giám đốc chuyên trách tình trạng khẩn cấp Julien Collet thuộc Cơ quan An ninh hạt nhân Pháp (ANS) cho biết: “Các nhân viên cứu hộ đặc biệt này thực hiện nhiệm vụ từ một phòng điều khiển của nhà máy hoặc ở sát các lò phản ứng đang gặp sự cố”. Theo ông Collet, để giảm thiểu nguy cơ cho nhóm 50 người, họ được chia thành nhiều nhóm thay phiên nhau “tác chiến” và luôn phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất để giảm thời gian tiếp xúc với môi trường nhiễm phóng xạ.
Trên nguyên tắc, bụi phóng xạ không thể bám trên trang phục bảo hộ của họ, tuy nhiên, khó có thể tránh hoàn toàn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Tại Chernobyl, các nhân viên cứu hộ cũng được mặc trang phục trùm kín người nhưng vẫn có nhiều người bị nhiễm phóng xạ. Bác sĩ Patrick Smeesters chuyên ngành y học hạt nhân nhận định trên Đài truyền hình RTBF: “Chính quyền Nhật đã làm mọi cách để tránh công việc của 50 nhân viên Nhà máy Fukushima số 1 không quá mức nguy hiểm. Nhưng rõ ràng là họ đã phải nhận lượng phóng xạ rất cao, có thể dẫn đến nguy cơ ung thư về lâu dài. Quả thật những vị anh hùng này đã hy sinh vì mọi người”.
Theo Thanh Niên