Ông Trần Nguyên Hưởn, Hội trưởng Hội PGHH tại An Giang cho biết : "...lễ 25 tháng 2 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH thọ nạn Đốc vàng, tất cả anh em đồng đạo các nơi không về được bởi vì khu vực, vị trí làm lễ cách 8 cây số là bến đò, bến phà, tất cả dòng sông khoảng 1.000 công an, 1 tiểu đoàn cơ động và tất cả những người khác đi đều bị ngăn sông cấm chợ hết đó..."
Ngày 25 tháng 2 âm lịch, tức ngày 29 tháng 3 dương lịch là ngày Đại lễ kỷ niệm 64 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật giáo Hòa Hảo thọ nạn.
Năm nay đại lễ được tổ chức tại nhà của ông Trần Nguyên Hưởn Hội Trưởng Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy tỉnh bộ An Giang, huyện Chợ Mới (An Giang). Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về mặt chính quyền trong công tác chuẩn bị nhưng các tín đồ Hòa Hảo vẫn tổ chức ngày đại lễ như mọi năm. Thông tín viên Tường An phỏng vấn qua điện thoại viễn liên về những diễn biến chung quanh đại lễ và gửi về bài tường thuật sau:
Ngăn cấm tổ chức lễ
Mỗi năm, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) gặp rất nhiều rắc rối với chính quyền địa phương cụ thể là những hành động trấn áp, ngăn chận không cho các tín đồ thực hiện các công tác chuẩn bị cho đại lễ. Trong quá khứ những hành động áp bức đó đã dẫn đến sự tự thiêu của cụ Bà Nguyễn Thị Thu ngày 19 tháng 3 năm 2001, tức 25 tháng 2 năm Tân Tỵ. Năm nay, mặc dù nhà cầm quyền cấm tổ chức với những biện pháp đàn áp, gây khó khăn như tịch thu máy chụp hình, điện thoại, chận xe, khám nhà… Nhưng với tinh thần trọng Đạo, kính Thầy những tín đồ PGHH vẫn quyết tâm thực hiện ngày Đại lễ.
Ngày đại lễ năm nay được tổ chức ở nhà ông Trần Nguyên Hưởn, Hội trưởng Hội PGHH tại An Giang, tuy nhiên buổi lễ đã không được diễn ra được như dự định, ông Hưởn cho biết lý do:
“Cái vấn đề mà cuộc lễ 25 tháng 2 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH thọ nạn Đốc vàng, tất cả anh em đồng đạo các nơi không về được bởi vì khu vực, vị trí làm lễ cách 8 cây số là bến đò, bến phà, tất cả dòng sông khoảng 1.000 công an, 1 tiểu đoàn cơ động và tất cả những người khác đi đều bị ngăn sông cấm chợ hết đó. Vị trí làm lễ được 20 người mà thôi! Những người dự lễ là những người phải đi trốn từ ban đêm hay là phải đi trước cuộc lễ 4-5 ngày mới có thể lọt vào vị trí làm lễ được.”
Những người đến tham dự buổi lễ đều bị đuổi về, ông Hưởn tiếp:
“Những người nào có trình độ để cãi với nó thì nó bắt lên xe và đưa về tới nhà. Còn những người không thể trả lời được với nó thì nó đuổi về. Còn những người chống lại nó thì nó bắt đưa lên xe rồi đưa về.”
Ông Hà văn Di Hồ, Trưởng đoàn Thanh Niên PGHH Thuần Túy (PGHHTT) Yêu Nước ở An Giang cũng tìm cách đến tham dự buổi lễ nhưng cũng bị ngăn cấm:
“Từ ngày 18 âm lịch tới nay là không cho tôi đi ra khỏi nhà, nói là lệnh của chủ tịch xã nhưng mà không thấy cái lệnh. Nhà của tôi hiện thời bây giờ là còn khoảng 100 công an, còn hồi sáng này là khoảng 300 công an.
Bữa 21 tôi qua nhà ông Trần Nguyên Hưởn chuẩn bị để làm lễ, khoảng chừng 100 công an cơ động chận tôi lại, chửi bới và hành hung. Sau đó vợ tôi thấy vậy lấy máy định chụp, rốt cuộc bị công an đè giựt, tịch thu của tôi hết 1 cái máy ảnh. Rồi thì không cho tôi đi, đuổi tôi về nhà, dắt xe, dắt cộ đem về nhà tới ngày hôm nay luôn! Nhứt là ngày nay mấy trăm công an giữ không cho tôi ra khỏi nhà, đi ra khỏi nhà là xô trở vô. Thậm chí 4 giờ chiều còn hành hung tôi nè ! Bây giờ sự hành hung của công an đối với bản thân tôi, tôi không biết còn như thế nào nữa. Cả gia đình không biết như thế nào trong đêm nay và ngày mai.
Ông Hồ còn bị công an chửi bới, ông bức xúc nói:
“Có một số anh em mặc đồ xi - dinh (civil), nó chửi là: ‘nghe nói mầy ngon lắm, mày giỏi, mày ngon mày đi, mày đi tới chút nữa rồi mày biết!’ Tôi nói: ‘tôi vẫn đi chớ tôi không có ngừng lại, chúng tôi là người tu hiền, đâu có làm gì sai trái đâu mà các anh chửi’ thì nó trả lời ‘chúng mày không phải là người tu hành, bây giờ chúng tao chửi mày đó rồi mày làm gì đối với chúng tao!’ Thì có anh công an tên Nguyễn Khắc Tiếp, lon là đại úy gì đó, xe chạy mang bảng số 80C lại nói ‘thì bây giờ anh phải chấp nhận lịnh để anh trở về chứ anh không được đi nữa'."
Chị Ngọc Lan, Hội trưởng PGHH tại Cần thơ, cũng không thể đến An Giang tham dự, chị nó:
“Nhà tôi khoảng chừng 10 ngày nay, công an lúc nào cũng thường trực khoảng 10 người, đó là thường trực. Còn nếu có chuyện gì thì họ tập trung rất là đông, khoảng trên dưới 50 người. Hôm 23 vừa rồi, tôi cũng tìm đủ mọi cách để tôi đi. Khi tôi đến An Giang, tôi bị giữ xe ở đó. Sau đó thì họ lập biên bản, cho tôi là gây rối trật tự công cộng. 4-5 người công an bắt tôi phải lăn dấu tay trong biên bản, tôi phản đối, tôi dãy dụa lắm. Họ ra sức mạnh để bẻ khóa tay tôi bị lọi ra phía sau rồi chuyển tôi đi. Bây giờ tôi về thì sức khỏe tôi rất là yếu.”
Cần đoàn kết
Từ Vĩnh long, chị Mỹ Hạnh cũng không thể đến An Giang tham dự, anh Nguyễn Ngọc Tân, đoàn trưởng đoàn Thanh Niên PGHHTT tỉnh Vĩnh Long cũng bị hành hung, chị Mỹ Hạnh cho biết:
“Công an bố ráp quá chặt chẽ nên tôi không đến được lễ ở nhà của ông Trần Nguyễn Hưởn mà thay vào đó chúng tôi cũng có lập một buổi cầu nguyện tại nhà ông Hội trưởng Hội PGHHTT tỉnh Vĩnh long là ông Bùi Văn Luốc. Tôi đi đến đó thì hàng chục công an đi theo tôi. Anh Nguyễn Ngọc Tân, Đoàn trưởng đoàn Thanh Niên Yêu Nước PGHH TT tỉnh Vĩnh long cũng đã bị công an đánh bây giờ cái chân của anh Nguyễn Ngọc Tân sưng và không đi được.”
Do vậy, Buổi Đại Lễ đã biến thành Mùa Đại Lễ. Bàn thờ, biểu ngữ sẽ được giữ nguyên cho đến khi các tín đồ có thể về tham dự, ông Trần Nguyển Hưởn cho biết:
“Năm này làm lễ không được thì trên cái băng đại lễ kỷ niệm gọi là mùa đại lễ, có nghĩa là kéo dài. Vẫn để đó, tín đồ đến cúng và băng, cờ, biểu ngữ vẫn để như vậy chứ chưa xuống. Chừng nào tín đồ đi xuống được thì thôi chứ không có ngày giờ chấm dứt.”
Phật-Giáo Hòa-Hảo được khai sáng tại làng Hòa-Hảo, quận Tân-Châu, Tỉnh Châu-Đốc. Nhiều văn-kiện lịch-sử cho rằng năm 1849, tại bảy dãy núi Thất-Sơn, biên giới tỉnh Châu-Đốc đã phát-xuất một vị Phật Sống tức Đức Phật-Thầy Tây-An, sáng lập tông-phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương. Sau đó, năm 1939, Đức Thầy Huỳnh-Phú-Sổ, sinh năm 1920, đã tiếp nối truyền-thống Bửu-Sơn Kỳ-Hương, khai sáng đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo.
Trong buổi họp đêm 16-4-1947(tức ngày 25 tháng 2 năm Đinh Hợi) với Vệ Quốc Quân Bửu Vinh, tại Rạch Đốc Vàng Hạ, thuộc xã Tân Phú, tỉnh Đồng Tháp.
Bửu Vinh đã cho lính phục kích và giết chết 4 tự vệ quân của Đức thầy. Sau biến cố này, người ta bặt tin về Ngài. Kể từ đó, mỗi năm, ngày 25 tháng 2 âm lịch được coi như ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn Đốc Vàng.
Ra đời năm 1939 nhưng qua đến năm 1940 số tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo có đến vài trăm ngàn người. Hiện nay ước tính có khoảng 7 triệu.
Cụ Lê Quang Liêm, 93 tuổi, người đã có mặt bên cạnh Đức Huỳnh Giáo Chủ từ những ngày thành lập giáo hội đến nay. Hiện nay ông là Hội trưởng Trung ương của Giáo Hội PGHHTT, Cụ Liêm cũng không thể đến tham dự đại lễ, từ nhà riêng ở Sài gòn, Cụ Lê Quang Liêm có lời kêu gọi đến các tín đồ PGHH trên toàn thế giới:
Cái ngày tôi còn có lẽ mỏng manh lắm. Cho nên trước tiền đồ đen tối của đạo pháp, trách nhiệm của chúng ta, người tín đồ PGHH thật vô cùng nặng nề. Đã đến lúc, chúng ta phải đoàn kết, dẹp bỏ mọi dị đồng, mọi tị hiềm, thực hiện đúng như lời Đức Thầy chúng ta dạy:
Thương nhau như thể thương Thầy,
Ghét nhau như thể ghét Thầy sao nên!
Tổ Quốc là trên tất cả, rồi đến đạo pháp. Muốn cho PGHH được trường tồn, chúng ta phải đoàn kết. Không đoàn kết là đi đến cõi chết.
Trước những đàn áp ngày càng mạnh tay của nhà cầm quyền địa phương đối với PGHH, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã lên tiếng phản đối và đòi hỏi tự do tôn giáo cho PGHH. Trong bức thư hiệp thông với Giáo hội PGHH TT ngày 26 tháng 3, nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền đã kêu gọi như sau:
“Tha thiết ước mong nhà cầm quyền CS hãy suy nghĩ lại về chính sách đàn áp tiêu diệt Giáo hội PGHH Thuần túy. Nếu chẳng may ba ngọn đuốc này bất đắc dĩ phải bùng cháy (không một ai thành tâm thiện chí và nặng đức hiếu sinh ưng muốn) thì mong rằng đó sẽ như ngọn đuốc của anh Mohammed Bouazizi bên Tunisia, đem lại mùa xuân tự do cho Đất nước VN và cho các Giáo hội.”