Bi hài xung quanh chuyện bầu cử quốc hội - Dân Làm Báo

Bi hài xung quanh chuyện bầu cử quốc hội

Lê Thanh Minh - Khi chúng ta bằng lời lẽ và hành động mà vạch ra được ý đồ đen tối (ngu dân) của đảng, đảng sẽ không thể ngoan cố mãi được. Khối đã chây bửa sẽ phải nhích. Nhãn tiền là các ông tổng thống Tunisia và Ai Cập dù trúng cử với tỷ lệ phiếu trên 90% vẫn bị chính cử tri lật đổ hoàn toàn chưa lâu...

Chuyện ứng cử của quan chức cỡ “khủng”

Báo Kinh Tế Đô Thị đăng liên tiếp tin nhiều vị quan chức cỡ bự được cử tri tại nơi cư trú giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội, với sự nhất trí tuyệt đối. Ví dụ:

- Ngày 26-3-2011, hồi 18h33’ báo này đưa tin ông Hoàng Trung Hải được cử tri “có mặt” phường Láng Hạ, quận Đống Đa nhất trí giới thiệu ứng cứ đại biểu quốc hội (xem: http://ktdt.com.vn/newsdetail.asp?NewsId=290897&CatId=16).

Chỉ sau 5 phút báo này đưa luôn tin ông Nguyễn Sinh Hùng cũng được 100% cử tri (có mặt) phường Trần Hưng Đạo giới thiệu như trên. Trong các ảnh minh hoạ, các cử tri răm rắp giơ tay và chú thích ảnh cũng giống hệt nhau.

baucu_01.png

- Ngày 28-3-2011, cũng báo này, chỉ cách nhau 1 phút, lại đưa tin y chang với 2 vị là Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Xuân Phúc. Xem tóm tắt ở bảng dưới.

baucu_02.png

Xin minh oan giùm báo Kinh Tế Đô Thị: Báo này chắc cũng chẳng hứng thú gì cái chuyện đưa tin các ông “kễnh” được 100% cử tri giới thiệu ra ứng cử đâu. Chẳng qua là làm cho phải phép mà thôi. Cuối bản tin, họ ghi chú rõ ràng: "Theo Chinhphu.vn" để ai muốn chửi thì chửi đúng chỗ, đừng chửi báo mà oan.

Không được dự họp, dù đủ tuổi đi bầu

Nhóm thanh niên và sinh viên chúng tôi (6 đứa) sống ở Láng Hạ (Đống Đa) vinh dự có hai ứng cử viên tầm cỡ. Chỉ có điều, cả 6 đứa chúng tôi đều không được dự buổi họp “giới thiệu người ứng cử”, mặc dù chúng tôi đã “bắn tin” tới bác tổ trưởng dân phố, với cụ “người cao tuổi” và cụ “mặt trận” phường, để đề đạt nguyện vọng. Được ông bà, cha mẹ giảng giải cho, chúng tôi đã chuẩn bị một số câu hỏi để chất vấn ứng cử viên. Nhưng đã hoàn toàn lỡ dịp.

Như vậy, đảng đã chọn rất kỹ những cử tri dự hội nghị.

Đảng coi thanh niên chúng tôi (đang chiếm 40% số cử tri cả nước) chẳng là cái cóc khô gì hết, mặc dù Đoàn TN vừa kỷ niệm 80 năm thành lập và được đảng trao huân chương Sao Vàng lần thứ hai, được ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu tâng bốc “cánh tay phải” của đảng tới trời.

Những chân lý đơn giản, dễ hiểu, nhưng bị che dấu

Chúng tôi đem những hiểu biết của mình trao đổi với một bác (đã hưu trí vài năm), vừa mới được dự “hội nghị giới thiệu ứng cử viên”. Bác rất ngạc nhiên, bảo: Suốt cả 7 lần bác đi bầu quốc hội (nay sẽ là lần thứ 8) mà Đảng, Chính phủ, Đoàn thanh niên, Quân đội, Công đoàn, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, và nay là Hội người cao tuổi nữa – mà bác đã hoặc đang là đoàn viên, hội viên – không nơi nào nói cho bác biết những điều các cháu vừa nói với bác. Mà nó có khó hiểu gì đâu cơ chứ!

Các bạn có thấy kinh hãi cho cái chính sách ngu dân của đảng không?

Chuyện rất đơn giản, chỉ cần 15 phút giảng giải là một người bình thường có thể hiểu đầy đủ. Vậy mà đảng và mọi đoàn thể của đảng cứ cố ý che dấu, che dấu toàn dân, che dấu cả đời. Mục đích che dấu là để làm bậy.

Trong nhóm chúng tôi, có hai bạn là sinh viên năm cuối, sắp có bằng đại học rồi, ấy thế mà nếu cha mẹ không nhân dịp này giảng giải cho thì… vẫn ngu lâu.

Làng kia có 10 ngàn dân (ví dụ thế), trong đó 5 ngàn người ở tuổi lao động phải đi làm vất vả từ sáng đến tối để có tiền nuôi thân, nuôi trẻ em, cụ già và trang trải mọi chi tiêu khác. Do vắng mặt suốt ngày, dân làng phải mướn 200 vị “công bộc” (đầy tớ), trả lương cao, giao cho một số quyền… để họ phục vụ cả làng (chăm sóc trẻ, nuôi dưỡng già, nấu ăn, giặt giũ, bảo vệ, quét dọn…). Người lớn trong làng bầu chọn ra 50 người “đại diện” để thay mặt mình quản lý, sai khiến, phân công và kiểm soát đám đầy tớ này. Tất nhiên, thiên chức của họ là hết lòng vì dân, trung thành với lợi ích của dân, không bao che cho đầy tớ, nhất là không được thông đồng với đầy tớ để hại chủ nhà...

Trong số đầy tớ, có nhiều người ngay: chăm chỉ, tận tụy, thật thà, trọn phận sự và “ăn cây nào rào cây ấy”. Nhưng cũng có lắm kẻ gian: lười biếng, bớt xén, ăn cắp, lạm quyền và… “ăn cây nào phá cây ấy”. Tập thể 50 người được tin tưởng làm “đại diện dân” phải quản lý, theo dõi công việc của 200 vị đầy tớ: thúc giục, kiểm tra, khen đúng lúc, thưởng đúng công, hạch sách kịp thời, kể cả đuổi việc…

Để một học sinh cấp 2 cũng có thể hiểu, chúng ta ví von rằng: 10 ngàn dân làng được coi như toàn dân, là những ông chủ. Còn 200 công bộc được ví như hệ thống Hành Pháp, trong đó chính phủ (có thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng) là những công bộc cấp cao; dưới nữa - có chủ tịch tỉnh, giám đốc sở - là đầy tớ cấp trung… vân vân. Cuối cùng, 50 vị đại diện dân làng chính là Quốc Hội – cơ quan lập pháp và quyền lực, thay mặt ông chủ quản lý đám công bộc.

Điều tiên quyết

Đồng thời là nguyên tắc số 1 của nhà nước pháp quyền - nói lên chế độ ưu việt - là đầy tớ tuyệt đối không được phép trà trộn vào cơ quan đại diện ông chủ. Nói khác, người của hệ thống Hành Pháp cấm được lẻn vào ngồi trong Quốc Hội. Thật khó chấp nhận, một đất nước dân (làm) chủ mà trong số 50 vị đại diện dân (như nêu ở ví dụ trên) lại có dăm-bảy tên đầy tớ lọt vào. Nếu chúng chiếm tới 30 hay 50% số ghế thì cơ quan đại diện ông chủ không những sẽ thành bù nhìn mà còn “nuôi ong tay áo”. Nếu chúng lộn sòng tới 60 hay 70%, chúng sẽ bênh che cho nhau, để lạm quyền, rồi lộng quyền và lũng đoạn quốc hội. Hành vi thì thế, nhưng miệng chúng vẫn leo lẻo “trung thành, tận tụy, vô điều kiện”…

Những con số rất dễ kiểm tra: Quốc hội khoá XII có tới trên 70% số ghế bị các vị đầy tớ chiếm dụng, dưới cái tên “đại biểu kiêm nhiệm”. Dùng từ “trâng tráo” liệu có sai nhiều không?

Lần bầu cử này, bài bản cũ vẫn diễn ra

Các vị phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải và bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc chính là những công bộc cấp cao. Họ rất hiểu những điều đơn giản vừa trình bầy ở trên. Chỉ cần họ có chút liêm sỉ, họ sẽ không ứng cử và sẽ từ chối nếu được đề cử. Chính do chủ trương ngu dân của đảng (họ chính là đảng viên cao cấp) cho nên toàn thể “hội nghị cử tri” ở 4 phường - ở giữa thủ đô - mà không có một cử tri nào chất vấn họ cái chuyện “lộn sòng” này.

Liệu chúng ta có thể suy ra tình hình cả nước cũng rứa hay không?

Chúng ta có thể làm gì?

- Khi nhận phiếu bầu, cứ thẳng cánh gạch tên những vị đầy tớ gian lận muốn trà trộn vào cơ quan đại diện chủ. Được không?

- Cứ thẳng cánh gạch tên những vị không có chương trình và lới hứa khi ra ứng cử. Được không?

- Dành ra 15 phút nói cho nhau và cho đồng bào hiểu nguyên tắc phân quyền giữa Lập Pháp và Hành Pháp (tiện thể cả Tư Pháp nữa) để mọi người áp dụng khi đi bầu. Được không?

Dẫu vậy, chúng ta vẫn không thể thay đổi (dù nhỏ) kết quả bầu cử đâu. Đảng thừa sức đối phó.

Đảng đối phó thế nào?

- Đảng độc quyền thực hiện khâu đầu tiên của cuộc bầu, cụ thể là đưa những người vừa ý mình vào danh sách ứng cử, trong đó người được phép tự ứng cử chiếm tỷ lệ rất thấp. Sự gian dối được mệnh danh là “hiệp thương”. Chuyện “đảng cử, dân bầu” diễn ra từ đời ông bà, cha mẹ chúng ta rồi cơ. Do vậy, chúng ta dẫu có “gạch bỏ” lia lịa thì hầu hết người trúng cử vẫn cứ “vừa ý đảng”.

Liệu có xảy ra trường hợp đa số ứng cử viên không đạt quá bán số phiếu bầu (do vậy mà phải bầu lại) hay không?

- Điều đó ở nước ta chưa từng xảy ra. Vì đảng độc quyền luôn cả khâu cuối cùng: khâu kiểm phiếu. Kết quả kiểm phiếu ra sao, vẫn do đảng quyết định, chẳng ai có quyền kiểm tra kết quả kiểm phiếu. Đảng độc quyền tuyên bố kết quả bầu. Dẫu có kiểm phiếu bằng máy cũng vậy thôi. Hầu hết người của đảng sẽ trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao.

- Còn khâu giữa thì sao? Khi đã yên tâm cả Đầu Vào lẫn Đầu Ra, đảng sẽ tổ chức để cuộc bầu ầm ỹ như ngày hội (cờ, đèn, kèn, trống, loa, đài) và lùa dân đi bầu. Số người đi bầu đạt gần 100% từ nửa thế kỷ nay, ai còn lạ. Không đi bầu sẽ rầy rà với đảng, vì đảng quy định “bầu cử không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ”. Do vậy, trúng cử với gần 100% số phiếu bầu là chuyện thường. Đểu đến thế cơ chứ.

Dù sao, khi chúng ta bằng lời lẽ và hành động mà vạch ra được ý đồ đen tối (ngu dân) của đảng, đảng sẽ không thể ngoan cố mãi được. Khối đã chây bửa sẽ phải nhích.

Nhãn tiền là các ông tổng thống Tunisia và Ai Cập dù trúng cử với tỷ lệ phiếu trên 90% vẫn bị chính cử tri lật đổ hoàn toàn chưa lâu.

Lê Thanh Minh
Tác giả gửi tới Dân Luận

http://danluan.org/node/8327



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo