Dẹp chợ đen: Hàng trăm trinh sát tinh nhuệ “vào cuộc” - Dân Làm Báo

Dẹp chợ đen: Hàng trăm trinh sát tinh nhuệ “vào cuộc”

Đào Tuấn - Truy quét chợ đen - Mạnh tay với giao dịch trái phép - Siết “chợ đô la tự do”... Hai ngày sau khi thị trường tự do ngừng toàn bộ giao dịch, sự quyết liệt đã được công khai, khi giới chức ngân hàng tuyên bố: Sẽ tịch thu “tang vật” chứ không chỉ xử phạt hành chính như những lần trước nữa.

Thời báo Kinh tế VN dẫn lời một nguồn tin (xin dấu tên) từ Cục An Ninh tài chính tiền tệ: tuyên bố “Nếu phát hiện mua bán ngoại tệ trái phép sẽ thu tất”. Lao Động thì đưa tin: Hàng trăm trinh sát tinh nhuệ đã được tung xuống địa bàn, phối hợp với CA địa phương kiểm tra, rà soát thị trường ngoại tệ với tinh thần “kiên quyết xử lý các trường hợp đầu cơ, buôn bán vàng và ngoại tệ trái pháp luật”. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng chẳng cần úp mở gì nữa: Thủ tướng đã họp với các bộ ngành và chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công an phải riết nóng thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan đến trao đổi, giao dịch ngoại tệ. Bởi “Pháp luật mạnh tay đối với buôn bán Đô la “chợ đen” thì chắc chắn thị trường ngoại hối sẽ ổn định”. Và ngay sau việc CA bắt giữ “Vụ giao dịch trái phép gần 400 ngàn USD”, rất nhanh được tung nóng hổi trên tất cả mặt báo- thì thị trường tự do hiểu rằng đây là cú rằn mặt, rằng lần này là làm thật, chứ không nói chơi. Rất nhanh chóng, ngay cả các giao dịch bí mật cũng hoàn toàn đình trệ. Chiều ngày 9-3, đến câu hỏi tỷ giá cũng không một cửa hàng nào dám trả lời. Ngay cả đám “cò con ngoại ô”- vùng sâu vùng xa của thị trường tự do cũng cho đóng băng mọi giao dịch.

Nhưng những biện pháp này để làm gì? Và ai sẽ được lợi?

Lần đầu tiên quy mô của thị trường tự do đã được đề cập tới bằng một con số “Hàng tỷ USD” - Đây là ước đoán của Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia trên Thanh Niên. Có nghĩa là nhu cầu của dân đối với ngoại tệ là rất lớn, lên tới hàng tỷ USD cho đủ thứ nhu cầu từ học phí, viện phí, đi nước ngoài, mua bán giao dịch hàng ngày, và, lý do quan trọng hơn cả là “tích trữ”, hoặc “cất giữ” - khi giữ tài sản bằng USD đã trở thành một tập quán, xuất phát từ sự mất lòng tin với tiền đồng. Tại sao người dân phải giao dịch- một cách bất hợp pháp - ở những cái chợ- cũng bất hợp pháp, với giá đắt hơn nhiều so với tỷ giá liên ngân hàng? Lý do đơn giản là họ có nhu cầu, nhưng không thể mua được tại ngân hàng. Bởi vì không ai dại gì đem bán ngoại tệ cho ngân hàng, với giá rẻ hơn thị trường tự do, trong khi lúc muốn mua lại chỉ nhận được từ ngân hàng những cái lắc đầu “không có”, hoặc muốn mua cũng bị củ hành củ tỏi để cuối cùng phải mua với tỷ giá “khác chó gì ngoài chợ đen”.

Việc nhà nước - thông qua các ngân hàng, trong thực tế chỉ giao dịch “mua” ngoại tệ của dân, với tỷ giá rõ ràng bèo hơn ngoài thị trường, mà không bán ra, không đáp ứng nhu cầu của dân chúng - dù là những nhu cầu hợp pháp, rất dễ dẫn đến những đồn đoán, ngộ nhận về tình trạng Việt Nam đang là một nền kinh tế “đói đô trầm trọng” mà những động thái trong hai ngày qua đang thể hiện những nỗ lực “vét đô” của Nhà nước.

Những động thái thị trường cũng trong hai ngày qua cho thấy người dân không thể mua ngoại tệ cho bất cứ nhu cầu nào. Và như vậy, chưa biết thị trường ngoại tệ bao giờ thì “đi vào ổn định”, thậm chí “có ổn định được không” - thì sự rối loạn đã xảy ra. Việc chỉ một cửa hàng, trong một buổi sáng có hàng trăm người hỏi mua “đô” và khi không mua được liền quay sang mua vàng trang sức cho thấy hai điều: Nhu cầu ngoại tệ của dân là rất lớn. Và đối với việc “giữ của”, thay vì tích trữ bằng USD, người dân đang dồn tiền mua vàng trang sức- để né luôn quy định cấm kinh doanh vàng miếng- thay vì giữ bằng tiền đồng.

Những biện pháp mạnh hiện đang được áp dụng, vì thế - chỉ hợp pháp và hợp lý khi người dân có thể bán, và mua - ngoại tệ được ở ngân hàng với đúng tỷ giá niêm yết. Nếu cơ quan chức năng muốn xoá bỏ thị trường tự do, hay chợ đen, thì hoặc là phải cấm nhu cầu của dân đối với ngoại tệ, hoặc là nâng cao giá trị để vnd trở thành tờ bạc dự trữ và thanh toán quốc tế. Nếu hai biện pháp trên không thể thực hiện thì ít nhất hệ thống ngân hàng phải đủ đàng hoàng, đủ trong sạch mà việc trước tiên là nhìn thẳng vào sự thật, rằng đã từ lâu các cá nhân người dân không thể mua ngoại tệ với giá niêm yết từ bất cứ ngân hàng nào, cho bất cứ nhu cầu nào.

Đào Tuấn

http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5193



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo