Phan Văn Tú - Năm 2007, tạp chí Time (Mỹ) đã quyết định chọn nhân vật của năm là “Bạn” với lý giải rằng bởi vì chính bạn, chứ không phải chúng tôi, đang làm thay đổi kỷ nguyên thông tin. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử của tờ tạp chí nổi tiếng này (thay vì chọn những nhân vật nổi tiếng trên các lĩnh vực)…
Đầu năm nay, tạp chí “Times” bình chọn là nhân vật của năm 2010 là tỷ phú 26 tuổi Mark Zuckerberg, cha đẻ ra mạng xã hội Facebook, người có công khởi động trào lưu mạng xã hội phát triển rầm rộ trên toàn thế giới, và được đánh giá là người kế tục “kỳ tích” Bill Gates.
Trong vòng 4 năm, hai cuộc bình chọn ấy cho thấy một điều: Sự phát triển công nghệ những năm qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và cũng tạo ra một lớp công chúng truyền thông mới. Họ là những người vừa đọc/nghe/xem các thông tin toàn cầu, vừa đồng thời là chủ nhân của thông tin trên môi trường internet.
Ai cũng là người đưa tin
Các thiết bị ghi âm, ghi hình ngày càng rẻ. Điều kiện để được “sống” và làm việc trong không gian trực tuyến ngày càng dễ dàng. Một em học sinh cấp II giờ đây cũng có thể sở hữu chiếc di động với đủ các chức năng ghi hình, chụp ảnh, ghi âm, kết nối 3G mọi lúc mọi nơi… Trong khi đó, internet là mảnh đất màu mỡ không tốn tiền mua cho nên ai cũng thành “người đưa tin” đủ cấp độ, đủ nội dung, từ chuyện riêng tư của chính họ đến chuyện quốc gia đại sự.
Clip âm thanh, video, hình ảnh trở thành thú chơi của một bộ phận cư dân mạng. Và trong cái chợ thông tin ồn ào, xô bồ ấy, có những clip đặc biệt tạo sự chú ý trong dư luận. Ví dụ, cảnh phòng the hay “lộ hàng” của người nổi tiếng, cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng, bị lột áo, bị sỉ nhục; hình ảnh cán bộ đánh dân, tài xế taxi kéo lê cảnh sát giao thông…
Thế mạnh tương tác của truyền thông mạng kéo các cơ quan báo chí cho ra đời nhiều hình thức để công chúng online khắp nơi có thể tham gia đưa tin, bình luận bằng văn bản, hình ảnh, video/audio clip về những sự kiện họ tận mắt chứng kiến.
Khái niệm báo chí công dân (citizen journalism) được các nhà lý luận báo chí phương Tây đề ra để chỉ các hoạt động truyền thông của những người không phải nhà báo chuyên nghiệp. Hiểu một cách rộng, báo chí công dân là hoạt động thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng (chính xác là trên môi trường internet) của những người không phải nhà báo.
Internet là một thực thể truyền thông đặc biệt, nó vừa là môi trường giao tiếp xã hội có tính chất cá nhân (như gửi email, chat) nhưng nó cũng đồng thời là một phương tiện thông tin đại chúng – vốn trước đây được xem là công cụ của các tổ chức, các nhóm xã hội nào đó. Một blog cá nhân giờ đây cũng “bình đẳng” như một tờ báo lớn với biên độ tương tác, không gian “phủ sóng” toàn cầu, với khả năng làm phát thanh, làm truyền hình… nhờ đặc trưng internet.
Báo chí công dân ở Việt Nam?
Dưới manchette của báo Sài Gòn Giải Phóng, có dòng tiêu ngữ “Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP.HCM” hoặc gần 36 năm qua, Đài phát thanh TP.HCM trong nhạc hiệu cất lên hằng ngày có lời xướng “Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”…
Đứng ở góc độ pháp lý, ở Việt Nam, mỗi công dân đều có quyền được công bố thông tin. Blog hay mạng xã hội là phát minh của nhân loại cho phép người dân có một kênh chia sẻ thông tin cá nhân của mình.
Nhưng vì sao, đến nay, khái niệm “báo chí công dân” không được thừa nhận? Vì theo Luật Báo chí Việt Nam, báo chí là tiếng nói của các tổ chức của Đảng, diễn đàn của nhân dân. Luật báo chí Việt Nam cũng cho thấy trên lãnh thổ này không có báo chí tư nhân (dù trên thực tế, mấy chục năm qua, tư nhân đã tham gia làm báo dưới nhiều hình thức). Từ đó, có thể thấy, xét ở góc độ pháp lý thì blog, website cá nhân, các trang mạng xã hội không phải là “tờ báo”.
Tất nhiên, trong thực tế, blog hay mạng xã hội có những điểm giống với báo chí xuất phát từ bản chất truyền thông của nó. Với internet, một blog cá nhân vẫn bình đẳng trong thông tin, trong không gian quảng bá, trong đối tượng tiếp nhận như những “tờ báo” lớn. Thông tin đưa lên blog khi để chế độ cho cộng đồng đọc được là thông tin đã được xã hội hóa.
Bất cứ một hiện tượng xã hội nào cũng có nhiều mặt. Từ rất sớm, Việt Nam chúng ta đã có những quy định pháp lý liên quan đến việc công bố thông tin lên mạng internet. Nhưng hành lang pháp lý cũng chỉ là công cụ để điều chỉnh hành vi của mọi người. Sự phát triển quá nhanh và do đặc trưng của môi trường internet, các công cụ ấy dễ dàng lạc hậu. Nhưng đó là vấn đề khác.
Tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong các quyền cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Điều đó có nghĩa ai cũng có quyền đưa các hình ảnh, clip, bài viết lên mạng, miễn là những thông tin ấy không được xâm hại lợi ích của Nhà nước, không được xâm phạm đời tư và danh dự, nhân phẩm của người khác…
Vai trò của báo chí “chính thống”
Năm qua, cơ quan chức năng vào cuộc khá nhanh sau khi 2 đoạn video clip “người giữ trẻ ở Bình Dương hành hạ bé Thúy Ngân” và “vụ bắt mại dâm của công an Cẩm Phả (Quảng Ninh)” đưa lên YouTube. Có rất nhiều điều để nói về chi tiết này nhưng, ở đây, có một sự thật cần thừa nhận: hiện nay, chức năng thông tin đại chúng không còn là độc quyền của các cơ quan báo chí chính thống nữa!
Trong lịch sử báo chí thế giới và Việt Nam, hơn nửa thế kỷ qua, những tấm hình, những thước phim, những bài viết của người dân bình thường trở thành sự kiện truyền thông không phải là chuyện hiếm có. Điểm khác nhau ở đây là, ngày trước, các sản phẩm báo chí “không chuyên” ấy phải nhờ kênh truyền tải là cơ quan báo chí “chính thống”, dòng báo chí “chủ lưu”. Còn giờ đây, người dân bình thường có thể chủ động truyền đi thông điệp của mình!
Người Việt Nam vốn có truyền thống “biết ngâm thơ và đánh giặc”, gặp môi trường truyền thông như internet, niềm say mê tham gia làm báo của cộng đồng sẽ được nhân lên như một cách cùng tham gia giám sát xã hội. Thế mạnh của thông tin do công dân cung cấp là ở chỗ: Họ có mặt ở khắp mọi nơi, họ đưa tin mọi lúc. Và họ không chỉ đưa tin mà còn bình luận, tranh luận, thảo luận dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Và họ góp phần tạo nên dư luận xã hội – vốn được xem là cơ chế tác động của báo chí. Đã có những clip mang thông điệp nhân ái và thông điệp đó đã nhân lên thành một lực lượng tinh thần lớn trong cộng đồng, dấy lên tình thương, trách nhiệm và những hành động cụ thể trong đời sống. Đã có những clip đó mang thông điệp phê phán một hành vi xấu và thông điệp đó cũng góp phần giúp cộng đồng được giáo dục cách ứng xử, lối sống.
Nhưng, thực tiễn truyền thông xã hội thời gian qua cũng cho thấy, thông tin của “báo chí công dân” cũng lộn xộn tốt xấu, đúng sai. Những ví dụ về các clip bôi nhọ cá nhân, xúc phạm nhân phẩm người phụ nữ, các bài viết gây tác hại thuần phong mỹ tục v.v… cũng không ít.
Khi ai cũng có thể trở thành “nhà báo” thì vai trò của báo chí chính thống trong đời sống truyền thông hết sức quan trọng. Nhưng làm thế nào để báo chí chính thống thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân, trở thành kênh chuyên chở “tiếng nói nhân dân”? Mối quan hệ giữa báo chí chính thống và “báo chí công dân” trong tương lai sẽ ra sao?
Câu trả lời chắc không khó nhưng vấn đề là ai sẽ trả lời một cách trung thực?
Phan Văn Tú
http://phanvantu.wordpress.com/2011/03/18/khi-ai-cung-co-th%E1%BB%83-la-nha-bao/