Khi người lao động xuất khẩu là “chùm khế ngọt” - Dân Làm Báo

Khi người lao động xuất khẩu là “chùm khế ngọt”

Nguyễn Huy Cường (Tamnhin.net) - Có một thực tế là những người dấn thân rời Tổ quốc, gia đình ra đi làm ăn, khi gặp khó khăn kiểu nào thì chính họ cũng bị thiệt thòi, có người khuynh gia bại sản. Điều đáng trăn trở là ngay trước khi đi, họ đã buộc phải chọn lựa cách “nắm đằng lưỡi” cho cuộc chơi này.

Chụp nhanh hình bóng hiện trạng

Một công ty, khi đi đăng ký kinh doanh chỉ cần nửa tháng với vài thao tác, thỏa mãn một vài yêu cầu theo quy định của cơ quan quản lý để ghi vào được mấy chữ trong giấy phép kinh doanh, khoản ghi về nghề nghiệp là “tham gia xuất khẩu lao động”, coi như đủ điều kiện can dự vào một việc thực ra là cực kỳ quan trọng, có dính đến sự nghiệp, gia cảnh, nguồn sống và tính mạng người đi lao động xa tổ quốc.

Công ty này có vài động tác thăm thử các thị trường ở nước ngoài hoặc có thể chỉ là “cò của cò”, bắt mối được với các công ty môi giới ở nước ngoài, nhìn thấy thấp thoáng một nhu cầu, một khoản lợi nhuận và “sự nghiệp tuyển người”  bắt đầu.

Đầu tiên là vẽ ra một viễn cảnh thường “ngon lành”, hấp dẫn bất biết thực hư ra sao. Trường hợp thị trường Malaysia chẳng hạn, thu nhập của người lao động còn thấp hơn một số công ty của Việt Nam, luật lệ hà khắc, khó thích ứng, dễ vi phạm nhưng cứ có “cầu” là tranh thủ “cung” ngay lập tức.

Sau đó, tìm về những địa phương có tiềm năng lao động, tranh thủ thuyết phục một số giới chức địa phương, kéo một số ngân hàng vào cuộc rồi phổ biến một cái gì đó cao sang như một chính sách xóa đói giảm nghèo, sẵn sàng phối hợp cùng ngân hàng cho vay tiền để người nghèo ra đi, sau đó trừ lương dần. Sau hết, kéo số lao động này về thành phố ăn đợi nằm chờ, học tiếng địa phương nơi đến rồi đi hoặc… không đi.

Sau thời điểm này, khi người lao động đặt chân lên máy bay, họ đang sắp bước vào một lộ trình có thể tốt, có thể đầy cam go, hiểm nguy ở phía trước nhưng đối tượng “tiền thầy bỏ túi” chắc như gạch đầu tiên chính là nhà môi giới với mọi cố gắng quan hệ, liên hệ với ngân hàng hoặc thu ngay từ túi người lao động. Mới đến khâu này, mọi  nguồn  tiền từ cầm cố, bán trâu bò, xe cộ để “lo” cho việc đi đã nằm yên trong túi “nhà tuyển dụng”. Việc Xóa đói giảm nghèo tuyệt đối đúng, nhưng đúng với nhà tuyển dụng đầu tiên.

Từ năm 2007 đến nay, ở miền Bắc hàng loạt hợp đồng lao động xuất khẩu  bị phá vỡ từ những  nguyên nhân KHÔNG BỞI NGƯỜI LAO ĐỘNG nhưng khi khiếu kiện, bên môi giới hầu như vô can, trăm thua ngàn thiệt người lao động lãnh đủ.

Coi lại cốt cách của kiểu làm cũ

Ngành môi giới lao động xuất khẩu ra đời, sau vài năm tự do khuynh đảo thị trường, có lúc các khoản tiền nộp cho anh này bằng 50% tổng thu nhập của người lao động, đến năm 2003 đã từ từ bị điều chỉnh bởi Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động về người Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Sau đó, Bộ Tài Chính và Bộ Lao động - Thương binh -  Xã hội  đã có những văn bản hướng dẫn cụ thể về hạn mức đóng tiền của người lao động khi đi làm việc ở ngoài nước.

Mặc dù, biểu điều chỉnh hạn mức này ghi rõ đến từng nhóm nghề, từng địa chỉ đến các vùng, quốc gia theo tinh thần không quá một tháng lương của người đi, nhưng quan sát thực tế, thấy rằng, các quy định này chỉ để… có mà thôi. Việc thực hiện nó như thế nào “tùy lòng” của các cơ quan môi giới, tuyển dụng. Theo phản ánh của một số người (tạm giấu tên), Công ty cổ phần Nhân lực Toàn cầu (Gmas) thông tin trên mạng chi phí đi làm việc ở Israel là 4.200 USD/người, nhưng để lên được máy bay đi Israel, người lao động phải bỏ ra 7.800 USD (bằng 5 tháng lương của họ) .

Ở thị trường Úc, mức phí môi giới quy định là 3.000 USD/người, nhưng khi vào doanh nghiệp, người lao động phải nộp từ 6.000-8.000 USD, nâng tổng chi phí lên khoảng 12.000 USD/người.

Ở thị trường Mỹ, phí môi giới thu thực tế còn cao hơn, từ 8.000-10.000 USD/người, khiến tổng chi phí bị đội lên khoảng 13.000-15.000 USD/người.

Mặc dù, khi được hỏi, các công ty có nhiều cách để “hóa giải” ngon lành việc các quy định cấp nhà nước bị “vượt mặt” vài lần, nhưng điều cần nói là chưa thấy các chế tài đủ mạnh để điều chỉnh những vi phạm như thế này.

Về cách thức thu chi, quan hệ với người lao động thì, khi họ ở vào gia cảnh nghèo khó nay chớm thấy viễn cảnh có làm có ăn, cộng với kiến thức có hạn nên nhiều người bị đưa vào thế “đặt đâu ngồi đấy”. Có diện chuẩn bị đi Cộng hòa Czech , sau khi đã nộp trên 3.000 USD rồi mà chỉ duy nhất có một tờ “biên nhận” với tiêu đề “giấy nhận giữ giùm” 500 USD! Có diện cho đến ngày đi, nếu chiếu về nguyên tắc, coi như hoàn toàn “tự nguyện” còn nhà môi giới hoàn toàn vô can. Có dạng, có tấm hợp đồng nhưng các điều khoản hợp đồng rất chi là… nên thơ, lời lẽ trừu tượng, đại thể như “thì bên A sẽ chịu trách nhiệm” mà không tòa nào hiểu nổi trách nhiệm là thế nào.

Một triệu cũng là trách nhiệm, ba mươi triệu cũng là trách nhiệm. Trường hợp những lao động về từ Libya đang ở trong tình cảnh này.

Đã đến lúc phải điều chỉnh

Xuất khẩu lao động có nhiều ý nghĩa tích cực. Mỗi năm, khoảng 2 tỷ USD được gửi về nước, góp phần lớn cho phát triển dân sinh, quốc kế nhưng để có thành quả này, về phía nhà nước thì “đầu vào” thấp nhất; tất cả chi phí do người sắp đi đầu tư và mọi rủi ro đều do người lao động gánh chịu.

Ở một góc nhìn khác, hàng triệu lao động từ bên ngoài trở về sẽ đem theo một phần cốt cách của người lao động chất lượng cao, đã kinh qua môi trường lao động có quy củ, trình độ chuyên môn vững. Đó là cái “vốn để dành” khi về nước lao động, dựng xây.

Cho nên, thiết nghĩ, nhà nước nên có những tầm nhìn mới, thiết thực hơn theo hướng có ưu tiên cho đối tượng này.

Bắt đầu là tạo khung quan hệ mới giữa người lao động và tổ chức môi giới.

Bản thân bên môi giới, trong khi tuyên truyền, thu nạp nhân lực, nhà môi giới thường mô tả những ưu thế của thị trường nơi đưa lao động đến, những ưu thế và lợi ích người lao động được hưởng. Sự chắc bằng khi chọn đối tác như cách nói dân gian “tìm người có đức gửi thân” mà anh là người biết, người thẩm định và quyết định đưa lao động đến.

Vậy thì, từ nền tảng này, tôi buộc anh phải tin vào những điều… anh nói, anh thấy,  xem như một phần trách nhiệm của anh.

Nếu anh thấy “chắc” thì hãy đưa tôi đi.

Nếu anh thấy chắc thì anh hãy thương lượng nơi thuê lao động để cho anh trích 50% của hai – ba tháng lương đầu cho anh. Anh vẫn “nắm đằng chuôi” thay vì  phải “ép” người lao động đã nghèo lại phải cầm cố trâu, ruộng, nhà cửa để vay nợ ngân hàng trả cho nhà môi giới.


Làm được điều này cùng lúc giải quyết hai việc: giúp cho đối tượng đã nghèo khỏi phải cam go với vay nợ, lãi suất và nhiều sự phiền phức, nhiêu khê khi cầm thế tài sản, vay nợ tứ tung khi đi.

Hai là nó buộc nhà tuyển dụng phải chịu chung một phần trách nhiệm, từ đó, họ phải tìm hiểu kỹ hơn thị trường, đối tác sử dụng lao động khi đem công dân nước mình trao cho họ.

Quan hệ này giống như một hình thức chế tài trách nhiệm phía môi giới để hạn chế kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Anh muốn ăn, phải “làm” cho ra làm, phải góp phần hạn chế rủi do cho khách hàng của anh.

Cần nhìn lại trường hợp một số lao động của ta làm cho một công ty của Nga, ba tháng không có lương, đấu tranh thì bị chủ dọa đuổi, gọi điện về hỏi công ty xuất khẩu thì được bảo “chờ hết suy thoái chủ sẽ trả lương, muốn bỏ về thì tự túc tiền vé mà về”.

Trong trường hợp các khâu tiền khả thi bị vỡ đổ, người lao động không đi được cũng tránh khỏi sự phiền phức khi đi đòi lại tiền đã nộp cho bên môi giới, tránh cho lớp người vốn đã nghèo khỏi “tiềm năng nghèo” hơn.

Cuối cùng là vấn đề pháp chế. Đã đến lúc cần luật hóa thật căn bản hoạt động này vì đây là một mảng quan trọng của đời sống xã hội. Nó liên quan đến tính mạng, tài sản, quốc thể và nhiều ý nghĩa khác. Rất cần thiết có một bộ luật hơn là những nghị định, thông tư luôn thay đổi và ít tính khả thi.

Bộ luật này bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà tuyển dụng và trách nhiệm rõ ràng của họ, kể cả hạn mức bồi thường cho nhà nước, cho người lao động khi có đổ vỡ.

Cách đây ba năm, vì bị bức bách, một phụ nữ Philippines làm lao công ở A Rập đã phạm tội ngộ sát, giết chết một ông chủ. Chị này bị tòa án sở tại kết án tử hình và cả nước Philippines đã xuống đường, biểu tình đòi quyền sống cho phụ nữ này.

Chúng ta phải hết sức tôn trọng và dành sự đối xử đúng mức cho lớp người xa gia đình, hy sinh rất nhiều quyền lợi và xa Tổ quốc đi lao động ở nước ngoài, không nên để bất cứ nhóm lợi ích nào xem họ như là “chùm khế ngọt”.

Nhà nước vừa đầu tư cả một cầu hàng không để giải cứu hàng chục ngàn công dân lao động xuất khẩu về nước. Đó là một cố gắng phi thường đáng ghi nhận.

Làm được điều này thì điều chỉnh những vấn đề nêu trên không khó.

Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường

http://tamnhin.net/Print/9240/Khi-nguoi-lao-dong-xuat-khau-la-chum-khe-ngot.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo