Lê Phước - Cả thế giới đang dõi theo từng « hơi thở » của nhà máy hạt nhân Fukushima Nhật Bản. Nếu điều bất trắc xảy ra, những đám mây phóng xạ không phân biệt được ranh giới quốc gia, mà sẽ đe dọa rất nhiều nước. Phân tích sự việc này, Libération nhận định « Mây phóng xạ, mối đe doa ám ảnh toàn cầu ».
Những sản phẩm phân rã phát ra từ các nhà máy hạt nhân bao gồm khí và bụi. Khí này rất dễ phát tán. Trong hỗn hợp khí đó người ta thấy có chất phóng xạ i-ốt và nhiều loại khí hiếm khác như kryton hay xénon. Trong đó, độc hại nhất là chất phóng xạ i-ốt, nó có thể gây bệnh ung thư. Còn trong bụi thì có chất plutonium, uranium, césium…Thế nhưng, theo Libération, thật khó xác định chính xác thành phần cấu tạo của hỗn hợp phóng xạ này.
Liên quan đến tình hình tại nhà máy hạt nhân Fukushima, người ta chỉ có thể khẳng định được hiện tượng tăng hàm lượng phóng xạ xung quanh nhà máy, chứ chưa thể xác định chính xác những yếu tố phóng xạ hiện diện. Dù vậy, Chúng ta vẫn có thể đưa ra giả thuyết dựa trên thành phần chất đốt phóng xạ được sử dụng ở nhà máy Fukushima. Một trong những lò phản ứng ở đây sử dụng nhiên liệu hỗn hợp MOX ( một loại hỗn hợp của uranium nghèo và plutonium) và uranium giàu.
Theo các nhà khoa học, thành phần cấu tạo của mây phóng xạ phụ thuộc vào việc chất đốt đã được nạp vào lò lâu hay chưa. Trong lò phản ứng vừa đề cập, những thanh đốt MOX chỉ được nạp vào lò hồi tháng 10 rồi. Vì thế, nó còn mới và chứa ít chất phân rã phóng xạ. Cũng giống những đám mây bình thường, mây phóng xạ bay trong bầu khí quyển. Một khi được thải ra khỏi lò, những chất cấu tạo nên đám mây này sẽ phát tán trong không khí. Vận tốc và hướng bay của mây phóng xạ lệ thuộc vào điều kiện thời tiết và độ cao của nó. Nếu mây phóng xạ ở độ cao 1 000m, nó có thể bay khắp thế giới.
Libération nhắc lại việc mây phóng xạ trong thảm họa Tchernobyl đã lan tới Châu Âu chỉ trong vài ngày.Thêm vào đó, nếu phân tử phóng xạ càng nóng, thì nó sẽ bay lên càng cao và càng nhanh. Khi có mưa hay có tuyết rơi, bụi phóng xạ sẽ lẫn vào trong nước để rơi xuống đất và sông biển.
Từ tối hôm qua (15/3), hướng gió thổi về phía Thái Bình Dương với vận tốc từ 20 đến 30km/h. Theo dự báo của đài khí tượng Pháp, hiện tượng này sẽ kéo dài trong những ngày tới. Một nhà khoa học cho rằng, Tokyo cách nhà máy Fukushima đến 250 km, vì thế nếu có mây phóng xạ, thị bầu khí quyển cũng có thời gian phát tán và làm yếu những phân tử phóng xạ trong không khí. Khi đó, dù có chạm đất, thì độ phóng xạ cũng đã giảm đi nhiều.
Còn về mức độ ảnh hưởng của Fukushima đối với thế giới, các chuyên gia đánh giá, hiện tại gió chỉ đạt 30 km/h, vì thế nếu có mây phóng xạ thì cũng phải mất nhiều ngày nữa mới tời bờ bên kia Thái Bình Dương để đi vào lãnh thổ Canada và Hoa Kỳ. Nếu việc đó xãy ra thì hệ thống máy đo phóng xạ của hai nước này sẽ lập tức phát hiện. Libération dẫn lời các chuyên gia kết luận : hiện tại vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn được điều gì.
Tinh thần quả cảm của những nhân viên bám trụ nơi xảy ra tai nạn
Cũng liên quan đến nguy cơ hạt nhân ở Nhật Bản, Le Figaro thể hiện lòng kính phục đối với những nhân viên còn bám trụ tại nhà máy để tìm cách cứu các lò phản ứng. Bài viết có hàng tựa « Lính quyết tử chống thảm họa hạt nhân : những vị anh hùng chấp nhận hy sinh ».
Tờ báo cho biết, bình thường tại nhà máy Fukushima có đến 800 nhân viên làm việc. Thế nhưng, hiện tại tình hình quá nguy kịch, hầu hết tất cả đã được sơ tán, chỉ còn 50 người « chiến đấu ». Mục tiêu cuối cùng của họ là bất chấp tính mạng để cứu các lò phản ứng nhầm tránh cho mọi người thảm họa phóng xạ hạt nhân. Nhiệm vụ cụ thể của họ là bom nước để làm nguội lò phản ứng. Họ phải phải làm việc trong điều kiện hết sức nguy hiểm với khả năng phơi nhiễm phóng xạ rất cao. Trong vụ Tchernobyl, hàng chục người ở lại cứu lò đã phải chết một tháng sau đó.
Ở Fukushima, tình hình rất đáng quan ngại. Độ phóng xạ đo được trên thực địa là rất cao. Tối qua trong phòng điều hành của lò phản ứng số 4, hàm lượng phóng xạ đã cao đến mức các kỷ sư hầu như không thể làm việc được. Theo đánh gia của các chuyên gia , độ phóng xạ ở đây đã rất cao, sợ rằng các nhân viên sẽ không thể tiếp tục bám trụ.
Trong cơn họan nạn người dân Nhật hiểu thêm về thủ tướng
Trong tình hình nước sôi lửa bỏng, người đứng đầu chính phủ Nhật đã dần cải thiện được hình ảnh của mình trong lòng người dân. Thông tin này được đăng trên nhật báo Les Echos qua bài viêt « Thủ tướng Naoto Kan tỏ rõ mình Trong nghịch cảnh ».
Tờ báo cho biết, theo nguồn tin hành lang, phóng viên của tờ Kyodo News đã nghe trộm được câu chuyện về thủ tướng Naoto Kan. Ông đã nỗi giận và lớn tiếng trách tập đoàn Tepco, tập đoàn điều hành nhà máy hạt nhân Fukushima, khi tập đoàn này chậm cung cấp thông tin diễn biến tại hiện trường. Từ khi xảy ra sóng thần, để khẳng định quyết tâm đối phó thảm họa, ông này đã phá đi những cung cách vui tươi thường thấy của những vị lãnh đạo.
Những ngày qua, ông Naoto Kan luôn ở tiền tiêu trong « cuộc chiến » lịch sử này. Ông thường xuyên có mặt ở những vùng bị thiên tai trong bộ đồng phục công nhân màu xanh và liên tiếp tổ chức những cuộc họp về thảm họa. Tháng rồi, chỉ số tín nhiệm của người dân Nhật đối với ông xuống dưới 20%. Giờ đây, trong nghịch cảnh, người dân bắt đầu hiểu thêm về vị nguyên thủ của mình.
Phương Tây vẫn bất đồng trên hồ sơ khủng hỏang Libya
Liên quan đến cuộc chiến tại Libya, La Croix có bài nhận định về sự bất đồng quan điểm của các nước trong khối G8 được thể hiện tại cuộc họp bàn về quyết sách cho vấn đề Libya diễn qua hôm qua ở Paris.
Paris và Luân Đôn muốn vận động các nước thiết lập vùng cấm bay hay thậm chí tiến hành không kích có mục tiêu chống lại lực lượng trung thành với đại tá Kadhafi. Khối G8 đã không đạt được thống nhất về giải pháp này. Hôm thứ hai, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng bị chia rẽ. Nga, nước có quyền phủ quyết trong hội đồng, cho rằng cần phải giải quyết xong những vấn đề cơ bản trước khi đi đến một nghi quyết chính thức về giải pháp dùng vũ lực. Về phần mình, Đức chọn giải pháp tăng cường sức ép về mặt kinh tế và chính trị lên chế độ Kadhafi. Nhật Bản thì không chấp nhận giải pháp quân sự và cho rằng nếu thiết lập vùng cấm bay thì cần phải có sự giải thích thuyết phục.
Theo ngoại trưởng Pháp, các nước G8 đã thống nhất sẽ thảo luận tại Hội đồng bảo an nhầm sớm có nghị quyết về việc tăng cường sức ép lên chính quyền Kadhafi. La Croix cũng giải thích việc Hoa Kỳ không muốn can thiệp. Tổng thống Mỹ Obama đã từng hứa sẽ can thiệp quân sự vào Libya trong trường hợp quân đội Kadhafi tấn công thường dân trong tay không tấc sắt. Thế nhưng, ông này cũng khẳng định, mọi can thiệp của Mỹ điều phải được cân nhất kỷ càng về nguy cơ và hiệu quả. Theo La Croix, sự cẩn trọng này phù hợp với phong cách Obama. Hoa Kỳ yêu cầu có một thỏa thuận đa phương, tránh lập lại việc can thiệp đơn phương vào một quốc gia Hồi Giáo.
Trong bài xã luận đăng trên trang nhất, La Croix nhận định : không thể trách các nước G8 đã quá e dè. Một hành động quân sự thường khiến người ta phải dấn thân ngày sâu hơn và dài hơn dự kiến, mà lại không đảm bảo được sẽ chắc chắn thành công. Ngoài ra còn gây nguy hiểm cho người dân và làm xấu đi hình ảnh của phương tây. Bài học nhãn tiền chẳng phải là sự sa lầy của Mỹ ở Irak và Afghanistan đó sao ?!
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110316-may-phong-xa-bong-ma-de-doa-ca-hanh-tinh