Lời tòa soạn báo Người Việt: Luật Sư Nguyễn Xuân Phước, văn phòng ở thành phố Richarson, Texas, ngày 11 tháng 3, 2011, đại diện gia đình Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ khiếu nại ra Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc việc Việt Nam bắt giam và chuẩn bị đưa ra tòa kết án ông Vũ theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự (“tuyên truyền chống nhà nước”). Nhật báo Người Việt phỏng vấn Luật Sư Nguyễn Xuân Phước về đơn khiếu nại này.
Người Việt: Thưa luật sư, sao gia đình Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ lại quyết định đưa vụ này ra Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc” (HÐNQLHQ) vào lúc này, có quá trễ không? Vì phiên xử sắp tới rồi?
Luật Sư Nguyễn Xuân Phước. (Hình: Người Việt)
LS Nguyễn Xuân Phước: Bà Cù Thị Xuân Bích, em gái ông Vũ, là người trao quyết định ủy quyền tôi nạp đơn khiếu kiện trường hợp giam giữ lên Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trễ thì có trễ, nhưng dù trễ, chúng ta vẫn nạp đơn.
Vấn đề tòa án Việt Nam xử trước hay xử sau không quan hệ đối với thủ tục khiếu kiện tại LHQ. Họ phải xét xử theo trình tự và ưu tiên tùy theo trường hợp. Quyết định của HÐNQLHQ sẽ làm sáng tỏ vụ án của TS Cù Huy Hà Vũ dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế được thế giới công nhận.
Lý do phải khiếu kiện lên HÐNQLHQ là vì gia đình thấy rằng ông Vũ hoàn toàn vô tội, và vấn đề bắt giữ ông Vũ là vi phạm Công Ước Quốc Tế về Quyền Chính Trị Và Dân Sự của LHQ cũng như Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Việt Nam là thành viên LHQ, có ký tham gia Công Ước cũng như thừa nhận giá trị của tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vì là thành viên của LHQ.
Vấn đề Việt Nam vi phạm nhân quyền phải được xét xử với tiêu chuẩn cao hơn các nước hội viên thường vì Việt Nam được tham gia Hội Ðồng Bảo An LHQ (UN Security Council) với tư cách là hội viên không thường trực, và Việt Nam đã tuyên bố sẽ ứng cử vào Hội Ðồng Nhân Quyền, giống như Lybia và Cuba trước đây.
Người Việt: Sao bà Nguyễn Thị Dương Hà (vợ ông Cù Huy Hà Vũ) không đứng đơn kiện mà lại là người em của ông Vũ?
LS Nguyễn Xuân Phước: Bà Nguyễn Thị Dương Hà không đứng đơn kiện vì trước đây bà được chấp nhận làm luật sư bào chữa cho chồng. Do e ngại những mâu thuẫn có thể phát sinh trong quá trình bào chữa cho TS Cù Huy Hà Vũ, bà Hà để cho bà Cù Thị Xuân Bích làm người đứng đơn. Ðây chỉ là vấn đề kỹ thuật và thủ tục.
Người Việt: Ðơn kiện đã được nạp chưa? Ðã được thông báo là đơn đã tới nơi chưa? Họ đã trả lời gì?
LS Nguyễn Xuân Phước: Ðơn mới nạp hôm Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011. Và ngày hôm nay là Thứ Hai, 14 tháng 3, chúng tôi làm một đơn bổ túc (amemded complaint) để sửa chữa một số chi tiết trong hồ sơ và cập nhật một số thông tin mới. Chúng tôi chưa được trả lời, tuy nhiên, phải mất ít nhất 1 tuần để HÐNQ LHQ (UN Human Rights Council) vào sổ hồ sơ và lên chương trình làm việc.
Người Việt: Liệu họ có thể lên tiếng hay can thiệp nhanh chóng trước khi phiên tòa dự trù sẽ diễn ra vào ngày 24 tháng 3 tới đây?
LS Nguyễn Xuân Phước: Tôi không nghĩ LHQ có thể can thiệp trước ngày 24 tháng 3 tới đây vì Hội Ðồng Nhân Quyền làm việc theo trình tự nhất định.
Người Việt: Thủ tục khiếu nại ở Ủy Ban Nhân Quyền LHQ ra sao? Tác dụng của nó ra sao, xin luật sư giải thích?
LS Nguyễn Xuân Phước: Có lẽ khó nói hết thủ tục khiếu nại trong vài dòng ngắn ngủi, nhưng tôi cũng cố gắng.
Trước hết tôi xin nói lại sự khác biệt giữa Ủy Hội Nhân Quyền và Hội Ðồng Nhân Quyền.
Trước năm 2006 tên gọi của cơ quan đặc trách về nhân quyền là Ủy Hội Nhân Quyền (Commission on Human Rights) và sau đó ủy hội được thay thế bằng Hội Ðồng Nhân Quyền (Human Rights Council).
Chúng ta cần để ý sự khác biệt giữa Ủy Hội và Hội Ðồng. Năm 2006, LHQ thành lập Hội Ðồng Nhân Quyền có một ý nghĩa rất lớn. Vấn đề nhân quyền được giao cho một “hội đồng” có chức năng và quyền hạn ngang tầm với Hội Ðồng Bảo An. (Nói nôm na là Ủy Hội Nhân Quyền đã được nâng cấp ngang hàng với Hội đồng Bảo An. Nếu chúng ta coi “hội đồng” như là “hội đồng xã” là không đúng).
Ðiều này có nghĩa, vấn đề nhân quyền đối với LHQ quan trọng giống như vấn đề an ninh thế giới. Nhân quyền không còn là vấn đề nội bộ hay đặc thù của một quốc gia như các nước độc tài, trong đó có Việt Nam hay lý sự, mà là vấn đề chung của nhân loại.
Hội Ðồng Nhân Quyền đặc biệt quan tâm đến những người bị bắt vì sử dụng quyền tự do căn bản được ghi trong Công Ước Quốc Tế vế Quyền Chính Trị và Dân Sự và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Do đó, sau khi được thành lập năm 2006, Hội Ðồng Nhân Quyền triển khai Tổ Công Tác Về Giam Giữ Tùy Tiện (Working Group on Arbitrary Detention) đã được thành lập trước đây, khi Hội Ðồng Nhân Quyền còn là Ủy Hội Nhân Quyền và giao cho Tổ Công Tác xét xử các trường hợp giam cầm tùy tiện khắp nơi trên thế giới.
Ðặc biệt, Tổ Công Tác được xét xử các hồ sơ giam cầm tùy tiện của các nước như Việt Nam đã ký tên tham gia Công Ước quốc Tế vế Quyền Chính Trị và Dân Sự nhưng chưa có tham gia 'Protocol 1 và 2', tức là chấp nhận thẩm quyền xét xử của Hội Ðồng Nhân Quyền.
Ðiều này có nghĩa, đối với các nước tham gia Công Ước nhưng không chấp nhận thẩm quyền xét xử của Hội Ðồng Nhân Quyền thì Tổ Công Tác vẫn có quyền đem hồ sơ đó ra xử như thường.
Về thủ tục, “Working Group” có một mẫu đơn người khiếu nại có thể sử dụng mẫu đơn đó để trình bày vấn đề của mình. Vấn đề chính là phải trình bày hồ sơ cho mạch lạc, chỉ ra những vi phạm về các điều khoản của Công Ước và Tuyên Ngôn. Sau đó, chuyển hồ sơ đến tổ Công Tác bằng email hay bằng fax.
Người Việt: Ðây có phải là vụ đầu tiên không? Dường như một số nhà lập pháp Âu Châu từng đại diện người Thượng kiện trước đây?
LS Nguyễn Xuân Phước: Theo hiểu biết của tôi, tổ chức Freedom Now ở Washington D.C. có làm đơn cho LM Nguyễn Văn Lý và Tổ Công Tác về Giam Giữ Tùy Tiện đã có ý kiến với chính phủ Việt Nam là vấn đề giam giữ LM Lý có tính cách tùy tiện và VN đã vi phạm Công Ước và Tuyên Ngôn.
Tuy nhiên, vì không có người theo dõi nên hồ sơ của LM Lý không được triển khai đúng mức ở Việt Nam. Ðáng lẽ các luật sư ở Việt Nam phải khiếu kiện tòa án Việt Nam dựa vào quyết định của Hội Ðồng Nhân Quyền, thì đằng nầy, hồ sơ của LM Lý hoàn toàn nằm bất động sau khi có ý kiến của LHQ.
Ðây là một thiếu sót rất lớn. Nhất là cộng đồng Việt Nam hoàn toàn không để ý đến quyết định quan trọng này để làm cho ra chuyện để giải quyết vấn đề cách rốt ráo. Chúng ta nên nhớ rằng, quyết định của Hội Ðồng Nhân Quyền có giá trị chọc thủng hệ thống pháp luật ở các nước độc tài, nhưng chúng ta phải biết sử dụng quyết định đó đúng mức tùy theo sự sự quan tâm đến uy tín quốc gia của các nước đó.
Người Việt: Vụ khiếu nại này có hy vọng gì và ảnh hưởng gì đến phiên tòa xử ông Vũ sắp tới ở Hà Nội?
LS Nguyễn Xuân Phước: Hiện nay chưa có quyết định của Hội Ðồng Nhân Quyền nên trên nguyên tắc sẽ không có vấn đề ảnh hưởng đến phiên tòa sắp tới. Tuy nhiên, những người lãnh đạo Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề tôn trọng luật nhân quyền vì luật nhân quyền quốc tế có liên quan đến vấn đề kinh tế, và viện trợ quốc tế.
Tình hình tài chánh quốc gia ở Việt Nam đang ở bên bờ vực thẳm của một cuộc khủng hoảng kinh tế không tiền khoáng hậu vì những thất bại như Vinashin, vì lượng dự trữ đô la đang xuống thấp nhất từ trước đến nay, khả năng chi trả các món nợ quốc tế không có.
Trong trường hợp khủng hoảng xảy ra, ai sẽ giúp Việt Nam giải quyết vấn đề này? Ðó là Ngân Hàng Thế Giới (World Bank). Mà World Bank là một bộ phận của LHQ.
World Bank không thể giúp Việt Nam giải quyết vấn đề khủng hoảng nếu Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền. Do đó, những hồ sơ nhân quyền quan trọng như hồ sơ của TS Cù Huy Hà Vũ sẽ là những mốc chuẩn để cho các cơ quan tài chánh LHQ dựa vào đó giúp Việt Nam.
Vì vậy, dù chưa có quyết định của Hội Ðồng Nhân Quyền, phương thức nhà nước Việt Nam giải quyết vụ án Cù Huy Hà Vũ có ảnh hưởng đến tương lai của chế độ.
Vì nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra mà World Bank đánh giá tư cách của Việt Nam quá kém qua cách hành xử đối với Công Ước và Tuyên Ngôn thì chắc chắn World Bank sẽ không thể giúp Việt Nam cứu vãn nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, và lúc đó thì không biết chuyện gì có thể xảy ra. Nhưng chúng ta có thể tiên liệu là tương lai của chế độ rất bấp bênh. Có thể coi đó là trường hợp “chết vì lỗ chân trâu.”
Người Việt: Có nên khởi đầu một phong trào kiện ra UBNQLHQ các vụ án chính trị ở Việt Nam để tạo ra càng nhiều hồ sơ càng tốt? Có nhiều cuộc bàn luận, những năm qua, trong một vài nhóm trí thức và luật gia hải ngoại về khả năng kiện nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền nhưng ý kiến có vẻ không đồng nhất.
LS Nguyễn Xuân Phước: Ðưa vấn đề bắt giam tùy tiện ra Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là điều cần làm và phải làm. Chúng ta bỏ lỡ mặt trận pháp lý này khá lâu cũng là điều đáng tiếc. Nhưng không có gì là trễ, tôi hy vọng là qua hồ sơ của TS Hà Vũ, các tổ chức nhân nhân quyền quan tâm hơn về mặt khiếu kiện này và cùng nhau hợp tác.
Người Việt: Xin cám ơn luật sư đã dành thời gian cho chúng tôi.
Nam Phương/Người Việt
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=128181&z=196