Đào Tuấn - Bài bị dừng. Lý do dừng: Bị tuýt còi tập thể. Cậu em bảo: Bác Khải hôm nay gọi điện hỏi bài vở sao. Không đăng được là muối mặt anh ạ. Mình chẳng biết trả lời sao, đành ậm ừ rằng các báo nó cũng chỉ lởn vởn chuyện bên Nhật cả, chả nhẽ bảo để anh đăng…blog. Mình biên ra đây mấy cái tuýt còi gạch đầu dòng để anh em báo chí cùng biết mà đi cho đúng lề...
Tuần này mình có mấy lần “nháy con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”. Chuyện rất vớ vẩn: Cái lò phản ứng hạt nhân nó nổ, dù là nổ bên Nhật, hoặc chính xác hơn là đến ở bên Nhật nó còn nổ, thì ít nhất cũng phải xem lại cái điện hạt nhân bên mình. Cái đó là phản xạ thông thường. Là lẽ thường. Đến bọn khoai tây EU còn đề nghị các nước châu Âu kiểm tra lại vẫn đề an toàn điện hạt nhân, thằng Đức còn thậm chí đóng cửa 7 lò phản ứng, hay gần mình nhất là thằng đầu đen Philippines còn xem lại chiến lược phát triển hạt nhân thì sao VN ngàn năm văn hiến mình mũ ni che tai bảo: An toàn an toàn được.
Mình với cậu em cùng phòng 2 thằng hì hụi tìm tìm, đọc đọc, điện điện, hẹn hẹn. Nó, thì phỏng vấn bác Nghiêm Vũ Khải. Bác này có bằng tiến sĩ vật lý, lại là quan chức Quốc hội, không hỏi bác í thì còn hỏi ai. Ý kiến của bác í mà không đăng thì còn đăng ý kiến của ai. Mình thì phỏng vấn giáo sư Phạm Duy Hiển, cũng chuyên gia vật lý hạt nhân đầu ngành. Bà chị mình, từng phỏng vấn bác Hiển, bảo: Hay lắm, hay lắm. Ông cụ còn nói cả chuyện vì chuyện tiền nong vay mượn mà mấy thằng Ngô Ngá lắc đầu. Rồi cả chuyện đòi xây đến 4 lò phản ứng mà tay không bắt giặc ra sao.
Hồi xưa hay chơi điện tử, trò StarCraft, cứ nghỉ đến hồi bọn Terran cho một cái chấm đỏ giữa nhà để đánh quả nuclear mà rợn tóc gáy. Cái lò phản ứng hạt nhân nổ có khác gì quả bom. Huống chi bác Khải bảo việc chống lại sóng thần cấp độ lớn là một thách thức lớn, nhất là khi Dự án Ninh Thuận lại nằm sát bờ biển, chả khác quái gì Fukushima.
Nhưng chuyện không đơn giản. Bài bị dừng. Lý do dừng: Bị tuýt còi tập thể. Cậu em bảo: Bác Khải hôm nay gọi điện hỏi bài vở sao. Không đăng được là muối mặt anh ạ.
Mình chẳng biết trả lời sao, đành ậm ừ rằng các báo nó cũng chỉ lởn vởn chuyện bên Nhật cả, chả nhẽ bảo để anh đăng…blog.
Mình biên ra đây mấy cái tuýt còi gạch đầu dòng để anh em báo chí cùng biết mà đi cho đúng lề:
Rùa Hồ Gươm đưa hạn chế, tốt nhất là không đưa
Giảm tin cướp giết hiếp, chuyện vụ án, không bôi nhọ chế độ
Báo Lao động, Pháp luât đưa tin bài về ngày 8.3, nêu nhiều phụ nữ không có ngày 8.3, nhất là phụ nữ nông thôn, nghèo khó… là không nên.
Bee.net đưa tin thủ tưởng Putin nhận hối lộ không có nguồn chính xác, thông tin chưa được kiểm chứng là không được; ngoài ra một số báo đưa tin tổng thống LYBYA có những điểm hạn chế này kia, khiếm khuyết này nọ là không nên, vì thông tin chưa được kiểm chứng, chỉ đưa theo một số nguồn tin nước ngoài đối lập, không có lợi cho ngoại giao sau này.
Về động đất và sóng thần của Nhật, chỉ đưa tin theo nguồn tin chính thống của Nhật, không đưa tin theo nguồn phương Tây nhất là trong vấn đề hạt nhân, không gắn với việc phát triển hạt nhân của Việt nam, không gây hoang mang trong lao động và tu nghiệp sinh của VN tại Nhật.
Về đường dây đẻ thuê ở Thái Lan không đưa rõ tên người tham gia, đưa tin thận trọng tránh việc bị Liên hiệp quốc đưa ta vào các nước buôn bán người.
Không đưa tin Vinamilk bị làm giả, bị đưa vật lạ vào để tống tiền, tránh bị kẻ gian bắt chước.
Báo chí phương tây đưa Việt Nam vào 1/10 quốc gia là kẻ thù của Internet. Đề nghị các báo có bài phản ứng. Bộ TT&TT sẵn sang trả lời phỏng vấn về việc báo chí phương Tây xuyên tạc vấn đề này.
Chuyện Nuclear Việt Nam mình có thể tự giải thích (cho mình) được vì sao bị tuýt. Nhưng chuyện “cụ dùa” hay Vinamilk vì sao thì mình cũng chịu. Chả nhẽ lại hỏi cái đầu gối.
Đào Tuấn