Mối nguy cơ của chế độ bây giờ chính là lạm phát, tiền mất giá nhanh, đẩy số đông dân chúng sống dưới mức nghèo đói mà họ có thể chịu đựng thêm được. Khi ấy bất bình nổi lên, cộng với sự căm ghét tham nhũng và những ngòi nổ kích động từ cả ngoài lẫn trong, những cuộc "đi dạo chiều chủ nhật" có thể là những nốt nhạc đầu tiên nhanh chóng dẫn đến động loạn toàn quốc.
Nhìn dân chúng khối Ả-rập nổi dậy (có khi hơi nổi loạn) người Tàu bề ngoài tỏ ra bình thản mà trong cuộc đã bắt đầu run. Những khu phố dự kiến có biểu tình (Spiegel đồn là khu mua bán Vương Phủ Tỉnh ở Bắc-Kinh, ở Thượng Hải) được công an chìm liên tục rửa bằng nước, sạch đến bất ngờ. Các "đối tượng chống phá" được công an mời đi uống chè hay cà-phê nhiều hơn lệ thường. Nhà báo nước ngoài bị kiểm soát hoặc bắt giữ khi có dấu hiệu nghi ngờ. Trong ảnh chắc là một chú phóng viên ngoại quốc đầu hàng công an chìm trong một tư thế không lấy gì làm hãnh diện cho lắm.
Nước ta đã nếm quá nhiều cuộc cách mạng, cầu mong đừng có thêm cuộc cách mạng nào nữa.
Muốn tránh động loạn, chắc là phải tăng quyền cho công dân, cho người dân quyền kiểm soát Chính phủ mạnh hơn, buộc Chính phủ phải minh bạch hơn, chịu trách nhiệm giải trình khắt khe hơn trước cử tri. Khi ấy ngòi nổ lại hóa thành động cơ cải cách nền quản trị quốc gia.
Thời loạn lạc, thế giới Internet thay đổi thật dữ dội mọi thước đo cũ. Cầu mong bình an.
Phạm Duy Nghĩa