"...những cấp lãnh đạo trong đảng và nhà nước có trách nhiệm trực tiếp đến con tầu chìm Vinashin lại không có trách nhiệm gì với nhân dân, những người bị mất cả chì lẫn chài trong canh bạc này..."
“Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận và kiến nghị với Bộ Chính trị: các đồng chí nêu trên có thiếu sót, khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xét thấy chưa đến mức phải thi hành kỷ luật…”
“…Với chức năng là chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ đã có những thiếu sót khuyết điểm Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ trên nhiều mặt và bỏ phiếu việc thi hành kỷ luật đối với tập thể và cá nhân các đồng chí có liên quan. Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân. Đồng thời yêu cầu các tập thể và cá nhân liên quan phải nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và không để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác xảy ra sai phạm tương tự.
Hội nghị Trung ương 14 nhất trí với Báo cáo của Bộ Chính trị.”
Đó là hai điểm quan trọng nhất liên quan đến vụ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, hay còn được gọi là Vinashin bị phá sản, ghi trong “Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế- xã hội năm 2010 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2011” do Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng thường trực đọc trước Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khai mạc ngày 21 tháng 03 (2011).
Theo con số của Nhà nước sử dụng từ đầu thì số tiền thua lỗ chính thức của Vinashin, kể từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập tháng 5 năm 2006, là 86,000 tỷ đồng tiền của mồ hội nước mắt của dân, nhưng một số Đại biểu Quốc hội đã nêu ra con số 120,000 tỷ đồng và có thể cao hơn vì các khoản nợ nước ngoài của Công ty này mỗi ngày một chống chất do không trả tiền lời đúng kỳ hạn.
Ngoài ra chính phủ cũng không cho biết số tiền các ngân hàng nhà nước đã “khoanh nợ” hay “hoãn nợ” cho Vinashin là bao nhiêu tỷ đồng nên số tiền mất thật sẽ không bao giờ thấy được.
Hậu qủa con tầu Vinashin bị chìm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty nhà nước khác muốn đi vay tiền kinh doanh hay đấu tư của nước ngoài.
NGUYÊN NHÂN VÀ HẬU QUẢ
Nhưng tại sao Vinashin đã vỡ nợ ? Hãy nghe giải thích của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp báo chiều ngày 4-8-2010, theo mạng báo Điện tự E-Info của Việt Nam : “ Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ những yếu kém, khó khăn của Vinashin. Trong đó có việc ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng và các thỏa thuận đóng tàu trị giá hơn 8 tỷ USD. Riêng trong năm 2010 số hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị hủy lên tới trên 700 triệu USD.
Mặt khác, công tác dự báo còn nhiều bất cập nên việc lập kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư không chính xác. Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính, có dự án chưa thật cần thiết, nên nhiều dự án chỉ được phân bổ vốn chưa đến 50% tổng mức đầu tư. Vốn điều lệ còn hạn chế, vốn tự có trong nhiều dự án rất thấp, có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay.
Hầu hết các dự án đầu tư đều triển khai dở dang. Phát triển nhanh nhiều doanh nghiệp, góp vốn ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính quá rộng, cho vay và bảo lãnh cho các công ty liên kết vay, nhiều đơn vị làm ăn không hiệu quả, không trả được nợ, không kiểm soát được. Việc sử dụng vốn không hiệu quả nêu trên đã gậy hậu quả nặng nề về tài chính đối với Vinashin.
Để giải quyết khó khăn, Vinashin đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Kết quả là từ năm 2009, Vinashin kinh doanh thua lỗ. Đến tháng 6-2010, tổng tài sản của Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ thấp lại sử dụng vốn dàn trải nên tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 11 lần, rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu”. Cụ thể là những biểu hiện như sau: năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém, trình độ cán bộ lãnh đạo quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp quá nhanh, quá nóng, không phù hợp với nguồn vốn, năng lực quản lý và quy hoạch phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý đầu tư, quản lý tài chính lỏng lẻo, kém hiệu quả, nhiều quyết định trái quy định của pháp luật; tổ chức phát triển hệ thống doanh nghiệp quá dàn trải và quản lý nhân sự cán bộ không chặt chẽ.
Lãnh đạo Vinashin còn báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, về đầu tư, về phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi lần báo cáo số liệu khác nhau.”
BỘ CHÍNH TRỊ-CHÍNH PHỦ
Làm ăn như thế mà Bộ Chính trị, trong Kết luận ngày 31-7-2010, đã ra lệnh cho Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp tục : “ Phát huy những kết quả đã đạt được của Vinashin trong nhiều năm qua; tiếp tục khẳng định công nghiệp cơ khí chế tạo là ngành trọng điểm trong chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Khẩn trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX) và Kết luận của Bộ Chính trị về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế; chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển.
Sớm ổn định tổ chức sản xuất, kinh doanh; từng bước củng cố uy tín thương hiệu Tập đoàn Vinashin; cương quyết không để vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư của đất nước.” Thi hành lệnh của Bộ Chính trị khi ấy có 15 người, kể cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, bây giờ là Tổng Bí thư đảng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Nhà nước CSVN đã “Giải trình” về vụ Vinashin trước Quốc hội ngày 24-11-2010.
Người làm việc này không ai khác hơn lại là Nguyễn Tấn Dũng. Dũng nói : “ Ngày 18 tháng 11 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin với mục tiêu là sớm ổn định sản xuất kinh doanh, củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, từng bước trả được nợ, tích lũy và phát triển; xây dựng Tập đoàn làm nòng cốt của ngành công nghiệp tàu biển, là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược Biển. Theo đó, đến 2013, Tập đoàn Vinashin sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu sẽ còn 43 đơn vị và doanh nghiệp hoạt động chuyên môn hoá, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp hỗ trợ và đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên ngành. Đối với các đơn vị không tiếp tục nằm trong cơ cấu của Tập đoàn với tổng tài sản hơn 27 nghìn tỷ đồng, nợ phải trả trên 23 nghìn tỷ đồng, số lao động khoảng 13 nghìn người sẽ được sắp xếp lại phù hợp, đúng pháp luật, theo các hình thức: cổ phần hoá, bán doanh nghiệp, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, giải thể, phá sản…; bảo đảm các yêu cầu về quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của nhà đầu tư, người lao động; thu hồi tối đa các khoản vốn đã đầu tư, trả được nợ; tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chính của Tập đoàn.”
Dũng báo cáo tiếp rằng : “ Tuy khó khăn còn rất lớn nhưng việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin đã có kết quả bước đầu tích cực. Đã chấn chỉnh, kiện toàn một bước về tư tưởng, tổ chức, đội ngũ cán bộ và quy chế quản lý nội bộ của Tập đoàn. Đến nay, về cơ bản, sản xuất kinh doanh được duy trì và có bước phục hồi. Từ đầu năm đến ngày 18 tháng 11 năm 2010 Tập đoàn đã giao được 36 tàu với giá trị hợp đồng trên 280 triệu USD, trong đó có 21 tàu xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm sẽ giao thêm 21 tàu với tổng giá trị gần 293 triệu USD, trong đó có 7 tàu xuất khẩu. Tập đoàn đang phấn đấu giao thêm 9 tàu nữa, nâng tổng số tàu dự kiến giao trong năm lên 66 tàu với tổng giá trị gần 600 triệu USD. Các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn cũng đang tích cực hoàn thành các con tàu đang đóng và tìm thêm các hợp đồng mới để khai thác tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có. Đã có một số khách hàng trong và ngoài nước ký thêm các hợp đồng đóng mới với Tập đoàn. Năm 2010 doanh thu của Tập đoàn dự kiến sẽ đạt 14 – 15 nghìn tỷ đồng và lỗ kinh doanh sẽ ít hơn năm 2009. “
Đó là những điều Dũng nói thế thì mọi người cũng chỉ biết ghi nhận. Kết qủa ra sao sau gần một năm thực hiện kế hoạch thì chưa có báo cáo rõ ràng.
Bằng chứng này đã được Nguyễn Sinh Hùng báo cáo (nhưng thật ra là chỉ nói lại những điều Dũng đã báo với Quốc hội năm ngoái) ngày 21-03 (2011) : “ Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án tái cơ cấu Tập đoàn, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển, nghiên cứu thiết kế, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển với mục tiêu sớm ổn định tổ chức sản xuất kinh doanh, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu của Tập đoàn, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển. Phương án này đang được tích cực triển khai.
Theo đó, cơ cấu của Tập đoàn sẽ còn lại Công ty mẹ và 42 công ty thành viên, các đơn vị khác thực hiện rút vốn, chuyển nhượng, cổ phần hóa, giải thể, phá sản để tập trung nguồn lực cho ngành nghề sản xuất kinh doanh chính.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều lệ và bổ nhiệm lãnh đạo mới của Tập đoàn, chỉ đạo sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu tài chính, khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới… để duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh. Đến nay tình hình đã có những kết quả bước đầu. Nhờ đó, sản xuất kinh doanh đã từng bước ổn định và phục hồi, bàn giao thêm được nhiều tàu cho khách hàng, các tàu vận tải biển đã hoạt động trở lại, việc làm và thu nhập của người lao động được bảo đảm.
Khó khăn thách thức còn nhiều nhưng những kết quả bước đầu cho thấy việc tái cơ cấu theo Kết luận của Bộ Chính trị là đúng hướng. Với tình hình kinh tế thế giới, thị trường vận tải biển, công nghiệp tàu biển hồi phục và sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ, nỗ lực của cán bộ công nhân, Tập đoàn sẽ vượt qua được khó khăn, tiếp tục tái cơ cấu, trả nợ và phát triển.”
Cũng cần biết rằng, tất cả những nỗ lực và thành công của việc tái cơ cấu Vinashin vỡ nợ chưa được chính phủ báo cáo thành tiền như đã thu vào bao nhiều, trang trải được bao nhiêu nợ nần, còn nợ bao nhiêu, những ai là chủ nợ và đến bao giờ thì người dân hết còn phải đai lưng ra lấp cho đấy cái thùng rỗng phá sản Vinashin ?
Vậy mà những cấp lãnh đạo trong đảng và nhà nước có trách nhiệm trực tiếp đến con tầu chìm Vinashin lại không có trách nhiệm gì với nhân dân, những người bị mất cả chì lẫn chài trong canh bạc này thì chỉ có xẩy ra ở nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà thôi.
Nếu vụ này xẩy ra ở Nhật Bản hay Nam Hàn hay các nước “có tư cách” và “văn hóa từ chức”, hay biết tự trọng “đấm ngực ăn năn thống hối trước dân” thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Hồ Nghĩa Dũng cùng những cán bộ có trọng trách kiểm tra, thanh tra trong đảng và nhà nước đã phải về vười đuổi gà, hay bị trừng phạt từ lâu rồi.
DŨNG NHẬN LỖI CHÀO HÀNG
Nhưng trước khi nghe Nguyễn Sinh Hùng báo cáo đảng sẽ trừng phạt ai trong vụ Vinashin thì hãy nghe tiếp lời nhận trách nhiệm bằng “nước bọt” của Nguyễn Tấn Dũng trong “Giải trính” ngày 24/11/2010.
Dũng nói : “ Thưa Quốc hội, những việc làm sai trái của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin đã gây hậu quả nghiêm trọng. Những người trực tiếp quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn vi phạm pháp luật đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ có liên quan trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu, nhất là chưa tập trung hoàn thiện được đầy đủ, chặt chẽ hệ thống cơ chế chính sách trong quản lý đầu tư, sử dụng vốn, lập mới doanh nghiệp, mở thêm ngành nghề kinh doanh và trong giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước. Mặt khác, việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, việc tiến hành và xử lý sau giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng thuộc Chính phủ còn kém hiệu lực hiệu quả nên chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn kịp thời những việc làm sai trái và báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin.
Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của Chính phủ.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình là phải thực hiện tốt nhất chức trách nhiệm vụ được giao, tập trung sức thực hiện có kết quả Kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin.”
Nói đãi môi như thế thì đứa trẻ lên ba cũng có thể nói được, cần gì đến một ông Thủ tướng của một nước có trên 86 triệu dân ?Vậy Đảng và Nhà nước Việt Nam đã trừng phạt ai trong vụ Vinashin ?
Theo lời Nguyễn Sinh Hùng thì thay vì “đánh rắn bằng đầu” thì họ đã đánh nó ở “cái đuôi” bằng cách đánh kẻ thừa hành thay vì đập đầu lãnh đạo.Hùng báo cáo Quốc hội ngày 21/03 (2011) : “Đối với cá nhân nguyên là lãnh đạo và cán bộ liên quan ở Tập đoàn, Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng thi hành pháp luật đã tiến hành điều tra, khởi tố, bắt tạm giam một số cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Đến nay công tác điều tra đang được tiếp tục củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan theo đúng quy định của pháp luật.”
Cho đến tháng 3 (2011), nhà nước đã bắt giam 17 người liên quan, đứng đầu bởi Phạm Thành Bình, Chủ tịch Hội đồng Qủan trị Tập đòan Cộng nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Nhưng liệu những nạn nhân này có bị sử dụng làm “vật tế thần” cho các quan chức ngồi mát ăn bát vàng không, hay họ sẽ khai trắng ra ai đã “bất đèn xanh” cho họ vi phạm lệnh cấm “trên bảo dưới không nghe” khi bị đem ra xét xử là điều ai cũng muốn biết.
CHỊU TRÁCH NHIỆM CÁI GÌ ?
Nhưng ngay từ khi vụ Vinashin đổ bể thì một số Đại biểu Quốc hội đã buộc thẳng trách nhiệm vào Nguyễn Tấn Dũng và một số Bộ trưởng liên quan đến con tầu chìm Vinashin vì họ không thấy có quan chức nào biết xấu hổ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Minh Thuyết đã mạnh dạn yêu cầu Quốc hội lập Ban điều tra những người có trách nhiệm trong vụ con tầu chìm Vinashin và “bỏ phiếu tín nhiệm” Nguyễn Tấn Dũng và những người có trách nhiệm khác.
Ông Thuyết nói tại phiên họp ngày 01/11/2010: “ Căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan.
Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra.”
Đại biểu, Nhà sử học Dương Trung Quốc của Tỉnh Đồng Nai nói : “ Bài học về sự đổ vỡ của Vinashin hoàn toàn có thể soi vào dự án bôxít nếu chúng ta ứng xử với Vinashin bằng sự buông lỏng quyền giám sát Quốc hội, bỏ ngoài tai những ý kiến đóng góp của nhân dân không loại trừ sự lặp lại. Vinashin làm thất thoát tiền bạc và cán bộ, hậu quả của dự án bôxít nếu xảy ra liên quan đến vận mệnh của quốc gia.”
Đại biểu Bà Phạm Thị Loan nói : “ Tôi đồng tình với các ý kiến trước tôi về việc phải qui trách nhiệm đến cùng và đặc biệt Quốc hội, Đảng cần phải làm rõ trách nhiệm của những người quản lý Nhà nước. Theo tôi nghĩ những người làm sai cũng cần phải có một lời xin lỗi với nhân dân và có lẽ là cũng nên nghĩ đến văn hóa từ chức để nhân dân còn có lòng tin với lãnh đạo Nhà nước và với Đảng.”
Ông Lê Văn Cuông lên tiếng : “ Tôi tán thành ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Quốc hội tại kỳ họp này cần thành lập Ủy ban lâm thời theo quy định của pháp luật, để điều tra xác làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan qua vụ tiêu cực ở Vinashin, nhằm ngăn chặn kịp thời, hữu hiệu các tập đoàn kinh tế lũng loạn Nhà nước.” Phản ứng nhanh đối với kết luận của Bộ Chính trị “xóa trắng lỗi” cho Nguyễn Tấn Dũng và những người liên hệ với vụ Vinashin đã được báo điện tử ViệtNamNet đưa tin ngày 23/03 (2011) : “Thảo luận tổ chiều nay về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra một số tồn tại vẫn chưa được nêu rõ ràng như hiệu quả của chủ trương sáp nhập bộ, ngành, kỷ luật hành chính. Một số ý kiến phản ánh, “dân chưa thỏa mãn với kết quả kiểm điểm sai phạm ở Vinashin”.
Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng quan ngại, “Sai phạm ở Vinashin mà không kỷ luật ai là nhân dân không bằng lòng. Chúng ta tốn kém bao nhiêu tiền để tái cơ cấu tập đoàn này thì trách nhiệm của các thành viên Chính phủ đến đâu cũng phải nói cho rõ. Chứ chung chung như thế thì chưa thuyết phục được dân”.
GS Nguyễn Lân Dũng nói, người dân không chỉ chưa hài lòng cách xử lý vụ Vinashin mà còn cho rằng Quốc hội phải có thái độ nghiêm minh trong việc sử dụng thẩm quyền giám sát của mình. “Trong dư luận, ai bắt trộm một con vịt thôi cũng bị bắt. Thế mà trong vụ Vinashin làm thất thoát bao nhiêu tiền lại chỉ rút kinh nghiệm”, ông Dũng phàn nàn.
Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Trị Phạm Đức Châu phân tích, “nếu chỉ nói sai phạm ở Vinashin chưa đến mức kỷ luật ai là chưa được. Cần phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm cụ thể. Cho dù Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rồi nhưng, cái gì liên quan đến Đảng thì Đảng vẫn có quyền xem xét lại, liên quan đến Quốc hội thì Quốc hội vẫn có quyền yêu cầu xem xét lại”.
Bày tỏ thái độ chưa hài lòng về cách xử lý sai phạm ở Vinashin, đa số ĐBQH đều mong Chính phủ rút kinh nghiệm điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm bài học cho nhiệm kỳ sắp tới. Nhiều ĐB nói, nhìn vào cách xử lý sai phạm ở Vinashin mà dân e ngại cho hiệu lực quản lý các tập đoàn khác.” Nhưng liệu phê bình của một số Đại biểu về báo cáo của Nguyễn Sinh Hùng đồi với Nguyễn Tấn Dũng và các Bộ trưởng có trách nhiệm đã để cho con tầu Vinashin thua lỗ chổng vó lên “chưa đến mức phải thi hành kỷ luật” có nhẹ quá không, hay mọi người vẫn chưa biết rằng Đảng đã chửi vào mặt cả nước khi kết luận như thế ? -/-
Phạm Trần