Đào Tuấn - Giá trị thực của con số 4 triệu giờ chỉ còn lại 2. Tiền thì mất giá. Giá cả cho những thứ hàng ngày không thể không nhét vào dạ dày thì tăng chóng mặt. Tiền học phí, thuê nhà, điện nước, xăng dầu, đường sữa, thuốc men… không gì là không tăng. Trong khi thuế vẫn cứ nộp đều như vắt chanh...
Lạm phát, và sự phá giá VND trong chỉ hai năm qua đang có nguy cơ biến thuế thu nhập cá nhân trở một thứ thuế thân, thuế đinh hay thuế dung bổ lên đầu hầu hết người dân. Còn nhớ năm 2007, nghị trường đã nóng bỏng khi thảo luận về 3 vấn đề cơ bản: Mức khởi điểm chịu thuế. Mức giảm trừ gia cảnh. Và sự trượt giá. Ở đó, các đại biểu QH đã băn khoăn, đã bức xúc, đã to tiếng, đã khẩn khoản đã nói đến việc “khoan sức dân”. Không bức xúc sao được khi mức thu nhập 4 triệu đồng bấy giờ- trong thực tế- để phân biệt với trên sổ sách của ngành tài chính- là đã sống khó khăn chật vật lắm rồi. Không băn khoăn sao được khi tiền VND liên tục mất giá, lạm phát năm nào cũng ngấp nghé hai con số. Và không to tiếng không được khi người dân phải nộp thuế khi còn chưa tiết kiệm được tiền phòng bệnh tật, đau ốm, chưa nuôi nổi mẹ già con thơ, chưa nói tới việc mơ tới một căn nhà.
Ngay khi luật thuế - một cách cưỡng từ đoạt lý - được thông qua tháng 11-2007, lạm phát đã giáng cho con số giá trị tuyệt đối 4 triệu đồng - mức khởi điểm chịu thuế, và 1,6 triệu đồng - mức giảm trừ gia cảnh - một cú nốc ao thực sự. Lạm phát năm 2008 lên tới 23%. Trong chỉ số giá cuối năm, người dân thẫn thờ khi nhìn thấy nhóm lương thực tăng giá 50%, nhóm thực phẩm tăng giá 43%. Trong hai năm tiếp sau đó, khi luật thuế có hiệu lực, lạm phát cộng dồn vượt lên hơn 20%. VND cũng mất giá ở mức hai con số. Giá trị thực của con số 4 triệu giờ chỉ còn lại 2. Tiền thì mất giá. Giá cả cho những thứ hàng ngày không thể không nhét vào dạ dày thì tăng chóng mặt. Tiền học phí, thuê nhà, điện nước, xăng dầu, đường sữa, thuốc men… không gì là không tăng. Trong khi thuế vẫn cứ nộp đều như vắt chanh. Có một thực tế là trừ cước viễn thông- và giá trị vnd, không thứ hàng hoá nào là không tăng giá theo chu kỳ tháng. Thế là luật thuế chưa có hiệu lực đã bất lực. Chưa đi vào cuộc sống đã lạc hậu. Chưa kịp khoan, đã vắt kiệt sức dân.
Cũng may là sau ngót nghét 36 tháng - kể từ khi luật thuế được thông qua, Bộ Tài chính mới nói đến chuyện sửa đổi. Hôm qua, thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết sẽ bàn với Bộ Tư pháp để sửa đổi. Ngay sau đó, dự án sửa đổi được rụt rè đưa ra công luận với mức khởi điểm chịu thuế không còn theo một con số bất biến, mà sẽ theo mức lương tối thiểu. Báo chí sau đó đã mau mắn tính ra rằng mức khởi điểm đóng thuế có thể lên tới 10 triệu đồng. Việc mức khởi điểm bằng 8 lần mức lương tối thiểu đang đặt ra ngay hai vấn đề: Sự điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm không phải là tăng lương bởi mức điều chỉnh thậm chí còn chưa bù đắp mức độ trượt giá vì thế thiệt thòi đương nhiên vẫn thuộc về người đóng thuế. Thứ hai Bộ Tài chính gián tiếp công nhận những người đang chịu mức “thuế đinh” 4 triệu hôm nay đang chịu thiệt thòi vì đáng lẽ họ chỉ phải đóng thuế khi có thu nhập trên 10 triệu. Và họ còn phải chịu thiệt thòi cho đến khi luật thuế được sửa đổi.
Nhưng bao giờ thì đến “tháng Mười”? bao giờ thì sự vô lý và ngớ ngẩn mới được sửa đổi? Còn lâu. Giờ phải có hội nghị, phải họp, phải bàn, phải lấy ý kiến, phải trình phương án… Rồi đệ trình lên Chính phủ. Chính phủ xem xét, nghiên cứu, họp bàn và khi thấy không ảnh hưởng quá tới “nguồn thu” sẽ trình QH để đưa vào chương trình làm luật năm 2011. QH phải họp, phải thảo luận, phải biểu quyết để dự án có trong trương trình làm luật. Rồi phải đợi trình dự án luật. Nếu sớm nhất, dự án sửa đổi sẽ được QH thông qua vào năm 2012. Và may mắn ra thì 1-2 tháng sau đó mới có thông tư hướng dẫn thi hành. Quy trình làm luật và để luật đi vào cuộc sống ở VN xưa nay vẫn thế- Ai lạ (Còn có đi vào được hay không lại là chuyện khác). Và cơ bản ai biết được đến khi Luật thuế được thông qua 10 triệu đồng này liệu còn đủ nuôi cái dạ dày khi mà tính toán của các nhà làm luật luôn cách xa các con số thực tế, luôn là sự lạc quan ngớ ngẩn, luôn chỉ muốn hành thu mà thực ra là tận thu sức dân.
Đào Tuấn