David Koh -Hãy quan sát những số liệu do BBC thu thập, đơn vị tính bằng đôla Mỹ. Nợ nước ngoài của chính phủ Việt Nam vào đầu tháng 3/2011 là 29 tỷ, chiếm hơn 42% tổng sản phẩm quốc nội hằng năm. Quốc gia này đang trải qua thâm hụt kép, trong cả thương mại lẫn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, rút từ các số liệu, sẽ thấy chính phủ Việt Nam có thể bị phá sản (vỡ nợ).
Dự trữ của chính phủ, tức tiết kiệm của họ, chiếm không đầy 50% trị giá khoản nợ. Nếu bắt buộc phải thanh toàn bộ 29 tỷ USD nợ này ngay ngày mai, chính phủ Việt Nam sẽ không có đủ tiền để trả. Nếu tất cả các chủ nợ đòi tiền một lúc, ngân sách của chính phủ không đủ tính thanh khoản để chi trả. Điều này có thể không xảy ra, nhưng tồn tại một khả năng như thế, chẳng hạn khi đất nước rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị như ở Ai Cập vừa qua, hay một thảm họa tầm cỡ quốc gia như động đất tại Nhật Bản tuần vừa rồi, hoặc một cơn hoảng loạn đột ngột của các nhà đầu tư và người cho vay ngoại quốc.
Tình hình ít có cơ tiến triển trong ngắn hạn. Thâm hụt ngân sách vẫn tiếp tục và chính phủ lại đang dự liệu thâm hụt 5% trong tài khóa này. Thâm hụt mậu dịch cũng không có dấu hiệu sớm dịu đi, số liệu tháng 2 cho thấy thâm hụt tới gần 1 tỷ USD. Chính phủ có kế hoạch giới hạn thâm hụt mậu dịch năm nay ở mức 18% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 14,2 tỷ USD. Nhưng như thế vẫn là tăng nhẹ so với năm 2010.
Do đó, trong bối cảnh thâm hụt kép gia tăng, việc vay nợ thêm có lẽ sẽ là cần thiết, có tính đến yếu tố FDI và kiều hối từ Việt kiều gửi về. Tuy nhiên, kiều hối lại đi thẳng vào túi người dân chứ không vào ví của chính phủ. Dân chúng có tài sản trị giá vài tỷ đôla Mỹ, nằm dưới các dạng thức tiết kiệm khác nhau mà chủ yếu là đôla Mỹ và vàng. Lý do chủ yếu của việc này tất nhiên là sự thiếu tin tưởng vào đồng nội tệ Việt Nam, cũng như không tin vào khả năng chống lạm phát của chính phủ.
Năm 2011, cần 4 tỷ USD để trả lãi suất tiền chính phủ nợ nước ngoài. Khoản này chiếm chừng 12% ngân sách Nhà nước. Càng ngày, những người cho chính phủ Việt Nam vay tiền càng phải tính đến thu nhập tương lai và khả năng chính phủ thu được thuế, coi đó như những yếu tố quan trọng quyết định có cho vay nữa không. Ở khía cạnh này, những người đi vay nào nắm quyền tối thượng (tức là Nhà nước – ND) thì đều có xu hướng có lợi thế trước những người cho vay là tư nhân; và người ta tự hỏi phải chăng đó là một rủi ro đạo đức trên thị trường tài chính quốc tế?
Nếu dự trữ ngoại tệ của chính quyền Việt Nam rớt xuống dưới mức 4 tỷ USD cần có hằng năm để trả lãi suất đi vay, thì khi ấy điều gì xảy ra? Dự trữ ngoại tệ của Nhà nước đã và đang theo khuynh hướng đi xuống, kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu ở Việt Nam vào năm 2008, trước cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Phản ứng của khu vực sẽ thế nào nếu Việt Nam trở thành một Iceland hay Hy Lạp của Đông Nam Á?
Giờ đây, đã có một động lực buộc phải hạn chế thâm hụt ngân sách, bằng cách cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Việc cắt giảm đã được lên kế hoạch, tuy nhiên chỉ là giảm 0,5% so với năm 2010. Cần phải giảm nhiều hơn nữa, và chính phủ cùng các nhà lãnh đạo đảng phải tự làm gương, cũng như các cơ quan của họ phải đi đầu trong vấn đề này. Vài năm trước đây, người dân Việt Nam đã từng rất ấn tượng khi một nguyên thủ nước ngoài rời Hà Nội bằng hàng không giá rẻ. Đối nghịch với đó, trong các chuyến đi cấp nhà nước, các vị lãnh đạo của Việt Nam thường mang theo hàng đoàn nhân viên, sử dụng chuyên cơ của hàng không quốc gia. Đi lại ít “phong cách” hơn có thể là một biện pháp giúp cắt giảm ngân sách. Các ví dụ khác về sự lãng phí thì có đầy rẫy.
Điều mà chính phủ cần phải làm là thiết chế hóa công tác điều hành vĩ mô và ngăn ngừa nạn lạm chi. Trên tổng thể, cần ấn định một mức thâm hụt mà không chính phủ nào được phép thay đổi hoặc chi tiêu vượt quá nếu không được 80% đại biểu Quốc hội chuẩn y, và Chủ tịch Nước cũng phải được phép nghiên cứu ngân sách nhà nước, phải có quyền yêu cầu chính phủ thực thi những thay đổi mang tính cưỡng chế, theo luật định. Chủ tịch Nước cũng phải được phép phủ quyết thâm hụt ngân sách nếu ông ta thấy rằng tỷ lệ 80% đại biểu Quốc hội phê chuẩn kia đã không phải vì lợi ích của quốc gia. Việc bắt buộc tiết kiệm chi tiêu ngân sách hàng năm của chính phủ nên trở thành một thông lệ.
Cần thể chế hóa cả kiểm soát đối với những lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, trong khi lĩnh vực quốc phòng, y tế và giáo dục không cần thiết phải bị ấn định quá chặt, thì ngân sách dành cho các bộ ngành khác và các doanh nghiệp nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ và đặt vào một lộ trình giảm dần trong vòng 5 năm tới, cho đến chừng nào tình hình tài chính đã được cải thiện đáng kể. Trừ phi các doanh nghiệp nhà nước có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh quốc gia, còn nếu chúng không thể tồn tại mà không có ngân sách nhà nước bơm vào, thì nên thu gọn hết chúng lại.
Điều nghịch lý là, đây cũng là thời điểm các nước tài trợ cho Việt Nam nên xem xét giảm viện trợ, dù chỉ là dần dần, để buộc chính phủ nước này phải đưa ra những lựa chọn quyết liệt hơn đối với vấn đề ngân sách của họ, cũng như để đảm bảo Việt Nam chi tiêu có chừng mực. Với tình trạng tài chính hiện nay thì câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam rất không bền vững và có thể còn đi giật lùi.
David Koh là nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.
Người dịch: Đan Thanh