Trọng Nghĩa (RFI) - Kể từ tối hôm qua, 29/03/2011, giá nhiên liệu tại Việt Nam đã tăng thêm từ 10% cho xăng đến 15% cho dầu diesel. Quyết định lần này tương đối bất ngờ, vì diễn ra không đầy một tháng sau khi giá xăng dầu đã tăng thêm khoảng 18% ngày 24/02 vừa qua. Trong bối cảnh lạm phát lên cao, việc nhiên liệu tăng giá lại khiến dân chúng lo âu thêm trước tình trạng đời sống đắt đỏ.
Giải thích về lý do phải tăng giá xăng dầu, chính phủ Việt Nam cho đấy là một biện pháp bắt buộc do việc giá dầu tăng cao trên toàn thế giới, trong lúc nhiên liệu sử dụng trong nước chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu. Các nỗ lực giảm nhẹ gánh nặng cho dân bằng cách giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu xuống mức 0% vẫn không bù đắp nổi đà tăng đó.
Ngoài ra, theo bộ Tài chánh Việt Nam, giá xăng dầu trong nước thấp hơn khoảng 33% so với giá tại các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và Cam Bốt, tạo ra tình trạng buôn lậu xăng dầu từ Việt Nam qua các quốc gia lân cận.
Dẫu sao thì việc tăng giá nhiên liệu sẽ tác động dây chuyền lên tất cả các loại hàng hóa khác, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát tại Việt Nam hiện đã thuộc loại cao nhất Đông Nam Á. Hồi tuần trước, ước tính chính thức cho biết là tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong tháng Ba lên đến 13,9%, mức cao nhất từ hai năm nay.
Giá xăng dầu lại tăng thêm từ 10% đến 15% (Reuters)
Vật giá đắt đỏ đã trở thành mối quan ngại hàng đầu của người dân. Trả lời câu hỏi của AFP vào hôm nay, một bà nội trợ tại Hà Nội không che giấu nỗi lo âu : « Quả là không tưởng tượng nổi ! Tôi không biết gì về kinh tế vĩ mô, nhưng tôi biết rằng nếu giá xăng dầu tăng, thì giá của những thứ khác cũng sẽ tăng. »
Chính quyền Việt Nam đã xem việc chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của mình. Một trong những biện pháp đang được áp dụng là tăng lãi suất chỉ đạo. Theo hãng tin Đức DPA, một trong những hệ quả của biện pháp này là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại. Theo số liệu vừa được công bố, trong 3 tháng đầu năm nay 2011, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam chỉ đạt 5,43%, so với 7,43% của quí tư năm ngoái 2010.
Còn trong lãnh vực chính trị, vào tháng 7 tới đây, Việt Nam sẽ chính thức có ba tân lãnh đạo. Theo hãng tin Đức DPA, trích dẫn báo chí trong nước, thì nhân khóa họp đầu tiên khai mạc ngày 22 tháng 7 tới đây, Quốc Hội mới của Việt Nam sẽ chính thức bầu ra ba nhân vật lãnh đạo là chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, và chủ tịch Quốc Hội.
Căn cứ vào kết quả đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 11 vừa qua, các nhà quan sát cho rằng ông Trương Tấn Sang, 61 tuổi, sẽ là chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 61 tuổi, sẽ giữ nguyên chức vụ thêm một nhiệm kỳ nữa, và Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Tài chánh Nguyễn Sinh Hùng, 65 tuổi, sẽ qua làm chủ tịch Quốc Hội.