Cù Huy Hà Vũ, Alfred Dreyfus, «Intelligentsia» và «Intellectuel» - Dân Làm Báo

Cù Huy Hà Vũ, Alfred Dreyfus, «Intelligentsia» và «Intellectuel»

Trương Nhân Tuấn - Vụ án ông Cù Huy Hà Vũ hôm nay, hình như những người cầm viết lẻ loi này vẫn còn ảnh hưởng nặng nề về bổn phận của một "chiến sĩ" trên mặt trận văn hóa. Tức viết để "ăn thua"» với ông Vũ, viết trên các khuyết điểm cá nhân, tức các việc về đời tư của ông Vũ, nhằm hạ nhục ông Vũ, mà bỏ qua hoàn toàn việc tòa án VN ngồi xổm trên công lý...

*

Chữ « intelligentsia » của Nga bắt nguồn từ Latin « intelligentia », bắt đầu sử dụng trong xã hội Nga khoảng hậu bán thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20, để chỉ một lớp người có chung một lý tưởng « cách mạng ». Lý tưởng này bắt nguồn từ những trăn trở về tình trạng xã hội đói nghèo và bất công của nước Nga lúc đó. Nhưng sang đến thời Sô-Viết thì ý nghĩa của  « intelligentsia » thay đổi. Nó không còn dùng để chỉ một lớp người có chung một ý tưởng cao đẹp mà được dùng để chỉ một giai cấp phục vụ cho chế độ. Giai cấp đó là những người tốt nghiệp đại học và có hoạt động nghề nghiệp trí óc. Hiến pháp 1977 của Liên Bang Sô-Viết qui định giai cấp « intelligentsia » cùng với giai cấp nông dân và giai cấp công nhân, là ba giai cấp cơ bản cấu thành xã hội Sô-Viết. Giai cấp « intelligentsia » trong xã hội này thực ra chỉ là những công nhân làm việc bằng đầu óc. Quan niệm của VN sau này, thể hiện qua Hiến pháp (1982 và sau đó) cũng phỏng theo kiểu mẫu Sô-Viết, xác định xã hội Việt Nam có ba giai cấp : công, nông và trí. Trước đó đảng CSVN xem « trí » là kẻ thù của chế độ, là đối tượng cần phải tận diệt : trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ. « Trí » ngày xưa là những « kẻ sĩ », là những kẻ vừa có học vừa có « hạnh », tức có « lương tâm », thấy chuyện bất bình thì không thể « bàng quan tọa thị », vì « kiến nghĩa bất vi vô dũng giả ». Đó là những người có hiểu biết, chuộng lẽ phải, trọng sự công bằng, là những người vừa có « đầu óc » vừa có « trái tim ». « Trí » thời cộng sản là « trí thức », là « những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa». Ông Hồ có viết : « văn hóa là một mặt trận mà văn nhân, nghệ sĩ… là chiến sĩ của mặt trận đó ». Mà « làm chiến sĩ » thì chỉ biết… bóp cò theo lệnh của cấp chỉ huy, thấy « kẻ địch » là bắn, là giết… Nếu vũ khí của người lính là khẩu súng thì vũ khí của « trí thức » là cây viết. Những người này xa lạ với các khái niệm về đạo đức như « lương tâm », « sự công bằng », « công lý »… Họ được đào tạo để phục vụ « cách mạng ». Họ cũng là những con người máy không  tim.

Chữ « intellectuel », một danh từ khá mới trong ngôn ngữ Pháp, tiếng Việt dịch ra là « trí thức ». Từ này đầu tiên sử dụng để chỉ cho những người ký tên trong bản kiến nghị  « Manifeste Des Intellectuels – bản Kiến Nghị của những nhà Trí Thức », của tác giả Emile Zola (1840-1902, là một nhà văn lớn của Pháp). Bản Kiến Nghị này được đăng trên nhật báo Aurore ngày 14 tháng giêng 1898, với những người ký tên ủng hộ như Léon Blum, Lucien Herr, Anatole France, Gustave Lanson, Marcel Proust v.v… Nội dung kiến nghị nhằm kêu oan cho một sĩ quan Pháp gốc Do Thái tên Alfred Dreyfus. Những người ký tên trong các bản kiến nghị là những người có danh tiếng và uy tín trong xã hội như triết gia, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, chính trị gia, khoa học gia… Những người này sau này gọi là những người trí thức.

Như thế trí thức Tây phương bắt nguồn từ vụ án Dreyfus, khởi động một phong trào trí thức vì công lý. Ý nghĩa Tây phương của « trí thức – intellectuel » như thế là ý nghĩa của thái độ Emile Zola cùng các bạn của ông ký tên vào các bản kiến nghị trong vụ án oan ức Dreyfus. Đó là thái độ can đảm, yêu chuộng tự do, tin tưởng vào lẽ phải… Người trí thức là người có hiểu biết, dám dấn thân bênh vực lẽ phải, bất chấp việc này có thể làm nguy hại cho cá nhân. Trong trường hợp vụ án Dreyfus, người trí thức đã vì « công lý » mà hành động ngược lại với quyền lợi và thể diện của quốc gia. Nhưng nhờ thái độ  « trí thức » mà xã hội Tây phương thay đổi tận gốc rễ. Thử tưởng tượng, nếu nước Pháp không có hiện tượng « trí thức », với Emile Zola và bạn bè, tức không có người dấn thân chống lại những bất công, phi lý trong xã hội thì rất có thể nước Pháp (và Tây phương nói chung) hôm nay vẫn còn là một nước Pháp man rợ của đầu thế kỷ trước.

Xin dẫn một định nghĩa về trí thức của Dmitriĭ Likhachëv trong bài « Trí thức: bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội” do Phạm Xuân Nguyên dịch :

« Từ “trí thức” trong các thứ tiếng khác được coi là vay mượn từ tiếng Nga… Trí thức là bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội… Người trí thức sẽ mất sự tự do trí tuệ và thôi là trí thức khi buộc phải tuân thủ mù quáng các giáo điều của một học thuyết nào đó… Người không tôn trọng tự do trí tuệ của người khác, truy bức người khác về chính kiến, (cũng) không thể được coi là người trí thức, bởi vì tự do trí tuệ của riêng anh đòi hỏi sự tôn trọng đối với tự do này ở những người khác, bất luận nó được bộc lộ ra ở đâu và bằng cái gì… Yếu tố đạo đức đối với trí thức rất quan trọng, tự do trí tuệ trong chừng mực nhất định luôn là sự thể hiện của đạo đức. Mà đạo đức là quyền lực duy nhất có sức mạnh không chỉ tước đoạt của con người tự do, mà còn bảo đảm tự do cho con người… Sự bắt buộc của lương tâm là sự bảo đảm cho con người tự do đầy đủ, bởi vì lương tâm bắt buộc từ bên trong, còn tất cả những sự bắt buộc khác đều đến từ bên ngoài: đảng phái, giai cấp, và đủ loại khác… lương tâm là cái bảo đảm cho tự do của con người trí thức. Trí thức luôn là tấm bia công kích của nhà nước, và việc đầu tiên mà bất kỳ nhà nước nào cũng làm để củng cố quyền lực của mình là tìm cách hủy diệt giới trí thức và tất cả những gì thúc đẩy việc hình thành nên trí thức. »

Trở lại trường hợp vụ án Cù Huy Hà Vũ và dư luận chung quanh, tôi tự hỏi : vụ án Cù Huy Hà Vũ có thể phát động được một phong trào vì công lý ở Việt Nam, từ đó thành hình một tầng lớp mới trong xã hội, tầng lớp trí thức ? Nhìn quanh, thấy có lạc quan, nhưng e rằng có nhiều điều cần phải nói.

Vụ án ông Cù Huy Hà Vũ là một vấn đề về « lương tâm ». Tôi không hề chia sẻ những ý kiến của ông Vũ. Trong quá khứ tôi đã từng lên tiếng phản biện những lý lẽ của ông Vũ. Nhưng ở vấn đề « lương tâm », tôi không thể ngồi yên khi ông Vũ trở thành nạn nhân của nhà nước, qua một vụ án xử tùy tiện, bất chấp luật lệ. Tôi không lạm nhận mình là « trí thức ». Trí thức hay không nên để người khác nhận định. Trong một vụ án, kẻ xử án đã vi phạm luật lệ thì người đó không có tư cách để phân xử. Bản án của tòa án dành cho ông Vũ, người xử đã vi phạm luật (vì không tôn trọng thủ tục tố tụng), theo tôi, là vô giá trị. Tôi bênh vực ông Vũ vì yêu chuộng sự công bằng, vì thấy công lý bị chà đạp.

Những điều cần phải nói đó là sau khi đọc một vài bài hiếm hoi của một, hai cây viết « nổi tiếng » ở Việt Nam, tượng trưng cho trí thức thời đại trong quốc nội, về vụ án Cù Huy Hà Vũ. Tôi rất thất vọng. Những người cầm viết, đáng lẽ bổn phận trước hết là phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Nguyên tắc bảo vệ quyền tự do này là phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người khác. Mọi người đều có quyền có ý kiến khác với ý kiến ông Vũ. Mọi người có quyền lên tiếng phản biện các ý kiến của ông Vũ. Nhưng không ai có quyền xúc phạm đến danh dự của ông Vũ. Trong vụ án Cù Huy Hà Vũ vs Nhà Nước CHXHCN Việt Nam, ông Vũ đã bị nhà nước xử một cách sai nguyên tắc với một bản án nặng nề. So sánh với vụ án Alfred Dreyfus của hơn thế kỷ trước, vụ án Cù Huy Hà Vũ có chung một bản kịch : nạn nhân của nhà nước. Ngày xưa, những người trí thức phương Tây lên tiếng bênh vực ông Dreyfus chống lại sự bất công và hung bạo của nhà nước. Nhờ đó đất nước họ ngày càng văn minh. Vụ án ông Cù Huy Hà Vũ hôm nay, hình như những người cầm viết lẻ loi này vẫn còn ảnh hưởng nặng nề về bổn phận của một « chiến sĩ » trên mặt trận văn hóa. Tức viết để « ăn thua » với ông Vũ, viết trên các khuyết điểm cá nhân, tức các việc về đời tư của ông Vũ, nhằm hạ nhục ông Vũ, mà bỏ qua hoàn toàn việc tòa án VN ngồi xổm trên công lý. Tôi có so sánh những người cầm viết này với các « chiến sĩ văn hóa ». Họ có bổn phận bảo vệ chế độ, tìm cách khỏa lấp những tệ hại của chế độ. Họ là những tay thiện xạ trên trường văn trận bút. Họ là những người có tài viết văn. Nhưng cây viết của họ cũng là cần câu cơm. Với họ, « công lý » là một quan niệm xa vời.

Thật là đáng tiếc. Xã hội Việt Nam lạc hậu cũng vì vậy. Nhưng may là thành phần này chỉ có một, hai người. Hy vọng là họ không hướng dẫn được dư luận, làm lạc hướng của một vấn đề « lương tâm », là sự đụng độ giữa đúng và sai, giữa công lý và bạo quyền, giữa tiến bộ và thoái hóa.

Trương Nhân Tuấn

http://vn.360plus.yahoo.com/truongnhantuan/article?mid=746



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo