Cù Huy Hà Vũ, Ngô Bảo Châu, một phương trình, hai nghiệm số - Dân Làm Báo

Cù Huy Hà Vũ, Ngô Bảo Châu, một phương trình, hai nghiệm số

Lê Diễn Đức - Ngày 29/05/2009, Ngô Bảo Châu từ Hoa Kỳ đã gửi thư cho Quốc Hội Việt Nam kiến nghị về dự án Bauxite nhưng không nhận được trả lời. Trong bức thư này, nói tới chính sách thực dân mới của Trung Quốc trên phạm vi khu vực và toàn cầu, Ngô Bảo Châu cảnh báo “nếu làm sai thì không sửa được, phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh”.

Tiếp theo, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định về quản lý khoa học, dẫn tới việc tự giải thể của Viện Nghiên cứu Phát triển độc lập (IDS), Ngô Bảo Châu nói “một xã hội mà không biết lắng nghe các ý kiến phản biện là một chuyện tương đối dở”, “bởi vì chỉ muốn nghe những ý kiến mà mình muốn nghe thì không bao giờ có thể làm đúng được”.

Từ hai sự việc trên đây tôi bắt đầu quý trọng Ngô Bảo Châu, một nhà nghiên cứu toán học quan tâm đến tình hình của đất nước. Tôi vẫn thường lấy nhận định của Adam Michnik, một trong những nhà tranh đấu dân chủ hàng đầu của Ba Lan, khi nói về lương tri của người trí thức: “Với người trí thức, quan tâm đến chính trị là đạo đức”. [1]

Cũng vì lòng quý trọng và hiểu được bản chất của chế độ cộng sản, tôi đã viết bài “Tâm sự cùng giáo sư Ngô Bảo Châu: Đừng dây với hủi!”, trong đó có đoạn:

Hơn 20 năm sống ở nước ngoài, giáo sư trẻ Ngô Bảo Châu có thể chưa hiểu hết bản chất trí trá, đổi trắng thay đen và luôn luôn thù nghịch với tất cả những ai có tư tưởng khác với mình và tâm địa bạc như vôi của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Biết bao trí thức yêu nước, dại dột về nước cung phụng họ để rồi đến cuối đời ôm theo hận xuống mồ”.

Hãy cảnh giác, giáo sư Ngô Bảo Châu! Ông hãy chú tâm duy nhất vào công việc khoa học của mình. Hãy dấn thấn cho xã hội bằng những công trình khoa học ở nơi nào ông thấy có nhiều cơ hội và điều kiện phát huy nhất (…). Ở đâu trên trái đất này ông vẫn là người Việt, vẫn mang lại tự hào cho Việt Nam”. [2]

Thế rồi, trước và sau khi Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields, tại Việt Nam đã có một bầu không khí tự hào, vui sướng, phấn hứng như phát cuồng, tựa như cảnh tượng lên đồng tập thể.

Còn nhà nước CHXHCN Việt Nam tổ chức một buổi lễ vinh danh Ngô Bảo Châu trên sân vận động Mỹ Đình với nhiều ngàn người tham dự. Một buổi lễ long trọng và có quy mô lớn bất thường, nên đã bốc mùi chính trị và đạo đức giả. Nguyễn Tấn Dũng, người đã nhấn chìm con tàu Vinashin khiến đất nước mang nặng món nợ hơn 4 tỷ đôla, còn hào phóng chi số tiền lớn hơn 40 lần giá trị Huy chương Fields lấy từ tiền thuế của dân để mua căn hộ tặng Ngô Bảo Châu, cùng với những hứa hẹn đầy cám dỗ khác.

Huân chương Fiels là giải thưởng uy tín dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi có những công trình nghiên cứu xuất sắc, nhưng không đến mức phải sủng ái như ở Việt Nam. Giá trị của Huân chương Fields là 15 ngàn đôla Canada, được mô tả như là giải “Nobel Toán học”, nhưng thực ra một giải toán học khác có tên Abel, gần gũi trực tiếp với Giải Nobel hơn, có giá trị khoảng 1 triệu đô la Mỹ.

Cùng lúc với Ngô Bảo Châu, 3 người khác trong năm 2010 cũng giành được Huân chương Fields gồm Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Thuỵ Sĩ) và Ce'dric Villani (Pháp). Thế nhưng không quốc gia nào có cách thức chào đón người chiến thắng rùm beng, xa hoa và ồn ào quá lố như việt Nam. Báo chí của họ đưa tin cũng không thấy gì đặc biệt, ngoài lời chúc mừng của người đứng đầu nhà nước hay chính phủ.

Năm 1996 tôi được chứng kiến Giải Nobel Văn học dành cho nhà thơ Ba lan Wieslawa Szymborska. Dĩ nhiên, dân chúng Ba Lan cũng hồ hởi, tự hào, báo chí ngợi ca, trích đăng một số bài thơ của bà, nhưng về mặt nhà nước cũng chỉ dừng ở mức Tổng thống tiếp và tặng hoa tại Văn phòng Tổng thống khi bà mang giải thưởng từ Na Uy trở về.

Mark Twain (1835-1910), nhà văn Mỹ, đã có lý khi nói rằng “những người nổi tiếng thường tạo ra cho chúng ta cảm giác bản thân chúng ta cũng nổi tiếng”. Với người Việt, cái cảm giác thấy mình nổi tiếng trong nhiều dịp lễ hội, ăn mừng chiến thắng các loại còn được đẩy lên đỉnh điểm của sự vĩ cuồng, tưởng mình là cái rốn của vũ trụ (vì “đã đánh thắng ba đế quốc to”?). Còn giới cầm quyền nhanh chóng nắm bắt nó, khuấy động đám đông cho những toan tính tuyên truyền của chế độ. Tôi không bao giờ tin rằng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đánh giá Ngô Bảo Châu quá cao để yêu Ngô Bảo Châu. (Immanuel Kant, nhà triết học Đức: “Đôi khi người ta đánh giá ai đó quá cao, để có thể yêu người đó”).

Tất cả mọi thứ trên đây đã biến đổi nhanh chóng Ngô Bảo Châu, từ một nhà khoa học hiền lành, thuần tuý, thành con người của công chúng (public figure), thần tượng và ước mơ của một bộ phận đông đảo giới trẻ Việt Nam.

Lẽ ra chẳng có gì phải ầm ĩ, huyên náo về một bài viết ngắn trên blog cá nhân của Ngô Bảo Châu hôm mồng 6 tháng 4, nhận định về phiên toà xét xử Cù Huy Hà Vũ.

Theo tôi, nhận định này không có gì sắc sảo, độc đáo, dưới góc độ ngữ nghĩa cũng như lập luận. Nhưng nếu đánh giá, tôi cho rằng, nhận định của giáo sư Ngô Bảo Châu là chừng mực, rất khôn khéo và mang tính tích cực cho xã hội Việt Nam hiện tại.

Gọi một kẻ thù của chế độ vừa lãnh án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội chống phá nhà nước là “một con người không tầm thường, như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli, hay như Kinh Kha người nước Vệ” và “nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này”, đủ để thấy Ngô Bảo Châu đứng về phía Cù Huy Hà Vũ.

Mặt khác, lời khuyên “không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”, cũng đủ để phản ánh thái độ bất bình của Ngô Bảo Châu trước bản án dành cho Cù Huy Hà Vũ, đồng thời phê phán (nhẹ nhàng) chính quyền.

Chịu trách nhiệm về những gì mình viết, người cầm bút phải ý thức nhận được những lời khen, tiếng chê, đôi khi phải hứng chịu cả búa rìu của dư luận, vì không phải ai cũng đồng quan điểm với mình trước một vấn đề.

Trong trường hợp Ngô Bảo Châu, nhiều người Việt quá hâm mộ ông mà quên đi rằng ông là người của công chúng. Ngoài thân phận giống như người cầm bút, dân chúng cho mình được quyền đòi hỏi ông nhiều hơn. Bởi vì người ta hay quan niệm những hành vi, lời nói của các nhân vật có tài, nổi tiếng, như giáo sư Ngô Bảo Châu, thường là chuẩn mực, cành vàng lá ngọc. Mặc dù trong thực tế không phải lúc nào cũng đúng như thế. Cho nên sự phê phán, đòi hỏi của dân chúng nên được chia sẻ và tiếp nhận với thái độ bao dung, kể cả những đòi hỏi quá quắt vì không hiểu hết ông hay vì bất kỳ lý do nào khác.

Dựa trên logic trên, tôi bình thản đọc các bài phản biện, những chỉ trích, lướt qua cả những ý kiến mang tính mạ lỵ, xúc xiểm rất đáng bị lên án.

Tôi không ngạc nhiên chút nào, thậm chí thích thú khi cô Huỳnh Thục Vy “bắt” giáo sư Ngô Bảo Châu phải nhắm “sự cẩu thả” và “sợ hãi’ vào Bộ Chính trị Đảng CS Việt Nam chứ không phải vào các vị quan toà. Thục Vy có lý khi cho rằng chính quyền cộng sản chẳng bao giờ cẩu thả trong các vụ án chính trị, trái lại vụ án đã được suy tính, chuẩn bị rất kỹ (tuy rất kém tay nghề). Bằng không họ đã chẳng cần có một lực lượng công an chìm, nổi chưa từng có ở thủ đô, với mục đích bao bọc, ngăn chăn, xua đuổi, bắt bớ tất cả những ai có nguyện vọng chứng kiến một phiên toà được gọi là công khai.

Tôi cũng thấy không có gì thái quá khi nhà văn Đào Hiếu đưa ra nhận xét Ngô Bảo Châu thể hiện vị trí “đứng giữa”, mặc dù tôi không thích phần mở đầu bài viết với cách so sánh nặng nề, thô bạo. Hơn nữa, nội dung bài viết trên blog, cùng với những động thái khác trước đây, cho thấy Ngô Bảo Châu không phải là người trí thức “phi chính trị”.

Tuy nhiên, Ngô Bảo Châu đứng ở vị thế khó khăn. Ông đang mang ơn huệ của nhà cầm quyền Hà Nội, bởi vì muốn hay không, “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Ông còn có nguyện vọng hàng năm về nước giúp đỡ đào tạo giới trẻ và phát triển ngành toán của Việt Nam. Cho nên, nếu ông phải ứng xử khôn ngoan, chọn cách đứng giữa làm thế an toàn thực sự đi chăng nữa, có lẽ chúng ta cũng nên cảm thông.

Cho đến nay chúng ta chưa biết Ngô Bảo Châu phản ứng xử ra sao trước công luận, mới chỉ thấy ông tạm đóng blog của mình, một động tác tôi cho là bi quan, gây nên sự hoài nghi không cần thiết, mặc dù ông hoàn toàn có quyền làm như vậy. Tuy nhiên tôi không nghĩ ông đóng blog vì sợ hãi điều gì đó, mà có lẽ vì thấy khó chịu, phiền toái.

Rất tiếc, khi chưa thấy phản ứng của giáo sư Ngô Bảo Châu, thì vài người có vẻ như muốn thay vai trò của ông tấn công những người đã nêu ra ý kiến xung quanh bài viết của ông, bằng thái độ võ đoán, vô trách nhiệm, thậm chí ngổ ngáo, hung hăng, xúc phạm những người có khát vọng dân chủ, và cả tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Điển hình là ông Trương Duy Nhất.

Trong bài viết trên blog của mình, ông Trương Duy Nhất trên cơ sở comments của những ai đó như ông mô tả là “mắng xả thóa mạ bằng thứ ngôn từ hàng chợ, chửi xỉa một vị giáo sư khả kính vừa đoạt giải Nobel toán học là “giáo sư cừu gặm cỏ”, rồi ông gộp tất cả mọi người khác vào một cái rọ “khoác danh dân chủ”. [3]

Xin thưa với ông Nhất rằng, những kẻ kém văn hoá kia có thể “khoác danh dân chủ”, nhưng cũng không có cơ sở nào chứng mình họ “khoác danh dân chủ”, đơn giản họ chỉ là những kẻ kém giáo dục và vô ý thức trong sinh hoạt công cộng. Đám người này nếu xuất hiện, và nếu mạo danh, sẽ bị lột mặt, bị đào thải ngay lập tức khỏi đội ngũ những người đang tham gia hoạt động dân chủ và nhân quyền với chính danh và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước công luận.

Trong không gian điện tử mênh mông với hàng triệu gương mặt ảo, cách suy diễn của ông cho phép tôi xem đây có thể là lực lượng đen tối mà công an mạng tung ra để bôi nhọ, phá hoại. Tại sao không?

Trương Duy Nhất đã dùng món trùm bao tải đánh hội đồng bằng hàng loạt những cú đấm đá cào bằng thiện và ác, thật và tà. Nào là “chạm vào sự sùng tín, chọc tức các “nhà dân chủ” đang dựng tôn thần tượng Cù Huy Hà Vũ như... lãnh tụ!”,  “những tổ hội phe nhóm khoác danh “dân chủ”, “ vẫn chỉ toàn là thứ “dân chủ sùi bọt mép”; nào là “trông đợi gì ở những “nhà dân chủ” mà mở miệng là chửi bậy, đừng mơ gì một hiệu ứng hoa nhài hay hoa... cứt lợn!”…

Dân chủ là khái niệm mang tính phổ quát, có giá trị nhân văn, và là mục tiêu của nhân loại, trong đó có thể chế mà ông Nhất đang hết lòng phụng sự, lúc nào cũng giương cao khẩu hiệu xây dựng một xã hội “dân chủ, công bằng và văn minh”. Ông có thể xấu hổ về những con người kém văn hoá kia, thấm chí phỉ nhổ, khinh bỉ, nhưng ông đã rất lạm dụng ngôn từ, vô trách nhiệm và hồ đồ khi cho rằng, “núi comment quất chửi Ngô Bảo Châu trên mạng” là “từ làn sóng dân chủ”, để mỉa mai hai tiếng “Dân chủ” cao đẹp!

Xin hỏi ông Nhất, ông có thể cho biết cụ thể ai, tổ chức nào “khoác danh dân chủ, đòi đấu tranh cho dân chủ” mà có hành động khiếm nhã với giáo sư Châu khiến ông nổi giận được không? Nếu ông không chỉ đúng mặt, điểm đúng tên, để chúng ta cùng xác định họ thực sự là ai, thì mục đích rõ ràng của ông là tận dụng cơ hội để cố tình xiên xẹo, thoá mạ những nhà tranh đấu, hoạt động dân chủ chân chính, minh bạch với tên họ thật, những người đã và đang hoạt động công khai hay ngồi tù với những bản án nặng nề.

Đúng ra, cái vương miện “Dân chủ sùi bọt mép” mà ông Nhất phát hiện ra nên được đội lên đầu một con người thật, cụ thể, là bà Nguyễn Phương Nga. “Khoác danh dân chủ” thay mặt cho nhà nước CHXHCN Việt Nam, chính bà Nga liên tiếp chỉ biết “sùi bọp mép” mỗi lần Trung Quốc xâm lấn lãnh hải và cũng “sùi bọp mép” phản đối các chỉ trích vi phạm nhân quyền từ phía cộng đồng quốc tế, nhưng lại dựng lên một phiên toà xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ “lưu manh và ô nhục”.

Hiên ngang, dám thách thức trực diện với bạo quyền vì sự công bằng xã hội và quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân, ông cho là sự “ngông cuồng” khiến Cù Huy Hà Vũ “lâm vào tâm thái ảo tưởng” ư? Không! Đây là sự ngông nghênh rất đáng khâm phục trong cái xã hội bao trùm văn hoá nô lệ và sợ hãi.

Và câu tuyên bố hùng hồn “Tổ quốc và nhân dân Việt Nam nhất định phá án cho tôi”, chứng minh rằng, Cù Huy Hà Vũ đã rất tỉnh táo, tin tưởng vững chắc vào sự thật và công lý. Người nào mỉa mai Cù Huy Hà Vũ vì câu này sớm muộn cũng sẽ lãnh tác động ngược lại!

Một câu nói đã trở thành danh ngôn của Mark Twain, thiết nghĩ là món quà tốt cho ông Nhất: “Tốt hơn không nên lên tiếng và làm như một kẻ ngốc, còn hơn là nói và mở rộng những hoài nghi”.

Kết luận

Là Tiến sĩ luật của trường đại học Sorbon danh tiếng, con của một vị khai quốc công thần, Cù Huy Hà Vũ nếu muốn đã có thể có rất nhiều thứ trong cái xã hội chạy theo chủ nghĩa thực dụng và cơ hội. Nhưng anh đang đối mặt với số phận không may mắn, bằng một bản án bất nhân, phi lý, “làm mất thể diện quốc gia” của những người cầm cán cân công lý của CHXHCN Việt Nam.

Là một học sinh giỏi toán, Ngô Bảo Châu đã may mắn được đào tạo ở Pháp, rồi Hoa Kỳ và giành được Huân chương Fields. Số phận của Ngô Bảo Châu còn may mắn hơn khi chính cái nhà nước cầm tù Cù Huy Hà Vũ lại đi vuốt ve ánh hào quang khoa học của Ngô Bảo Châu với hy vọng tìm được chút ánh sáng dưới đám mây đen tham nhũng và những vấn nạn kinh tế-xã hội khác.

Cùng là những người tài, có bậc thang xuất phát tuy không hoàn toàn giống nhau nhưng đều rất tốt đẹp cho con đường danh vọng, Cù Huy Hà Vũ đã không may mắn như Ngô Bảo Châu. Tại sao?

Albert Einstein (1879-1955), một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất của nhân loại, Giải thưởng Nobel năm 1921, đã đưa ra một phương trình cho sự may mắn như sau:.

Nếu "a" là may mắn, thì a = x + y + z, trong đó x - công việc, y – vui chơi, giải trí, z - khả năng giữ cái lưỡi sau hàm răng”.

Chỉ cần nhìn nhận ẩn số “z”, đã cho ta thấy ngay Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ không thể nào có nghiệm số may mắn như Giáo sư Ngô Bảo Châu. ■

© 2010 Lê Diễn Đức – RFA Blog

http://www.rfavietnam.com/node/538

---------------------------------------

- [1]: Adam Michnik: Một trong những nhà tổ chức chính của phong trào dân chủ Ba Lan, cựu tù nhân chính trị, nằm trong danh sách "50 anh hùng của tự do báo chí" do Viện Báo chí Quốc tế (IPI) tuyên bố ngày 03/05/2000 và trong danh sách "20 nhà báo có ảnh hưởng nhất của thế giới " theo công bố của "Financial Times". Hiện ông là Tổng biên tập nhật báo tri thức hàng đầu Ba Lan “Gazeta Wyborcza”.

- [2]: Tâm sự cùng giáo sư Ngô Bảo Châu: Đừng dây với hủi!”, Lê Diễn Đức.

- [3]: Ngô bảo Châu và sự sợ hãi”, Trương Duy Nhất.

 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo