Dân nghèo điêu đứng, kinh tế nguy cơ - Dân Làm Báo

Dân nghèo điêu đứng, kinh tế nguy cơ

Dân nghèo Việt Nam sẽ điêu đứng hơn

Hà Nội (TH) - Người nghèo ở Việt Nam sẽ ngày càng điêu đứng hơn nếu nhà cầm quyền Việt Nam không hành động ngay để giảm thâm thủng mậu dịch và thâm thủng ngân sách.

Cephas Lumina, một luật sư nhân quyền gốc người Zambia và là chuyên viên độc lập của Liên Hiệp Quốc về tác động của nợ (công) ngoại quốc đối với nhân quyền, nói với các ký giả trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011 khi ông nhận định về nền kinh tế Việt Nam.

Ông Lumina, người vừa hoàn tất một chuyến nghiên cứu 9 ngày tại quốc gia Việt Nam qua các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các viên chức chính phủ, đại diện các tổ chức quốc tế.

Ông Lumina cho hay nếu Việt Nam vẫn tiếp tục vay nợ rất lớn từ ngoại quốc để bù vào lỗ hổng gây ra do thâm thủng mậu dịch và thâm thủng ngân sách, Việt Nam sẽ “bị tăng thêm áp lực phải lựa chọn giữa một nên là nhu cầu trả nợ và một bên là đầu tư xã hội.”

“Nhà cầm quyền cho hay họ sẽ cố gắng hết sức để bảo đảm không cắt giảm đầu tư xã hội.” Ông nói. “Nhưng nếu họ không thể làm như thế, mức độ đầu tư vào các chương trình y tế, giáo dục và xã hội sẽ bị ảnh hưởng.”

Một phần của các vấn nạn tại Việt Nam là thiếu chính sách tài chính minh bạch.

Ông cho biết, ông thấy một thông điệp “xấu có, tốt có” về tầm mức nợ công của Việt Nam mà nhà cầm quyền nói lên đến 42.2% so với tổng sản lượng quốc gia (GDP).

Bốn em nhỏ, thay vì cắp sách đến trường, thì phải đi bán vé số để giúp gia đình có cơm ăn. Hình do nhiếp ảnh viên AFP chụp ở An Giang ngày 9 tháng 7, 2010. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Thật ra, nhà cầm quyền Hà Nội đã không nói sự thật với ông Lumina. Cho đến cuối năm 2009, nợ công của Việt Nam chiếm 47.5% GDP, theo các con số của Ngân Hàng Thế Giới.

Ngày 10 tháng 12, 2010, tạp chí kinh tế nổi tiếng thế giới The Economist nói nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm này là $50 tỉ $935 triệu USD, tương ứng với 51.6% GDP. Ðổ đồng, mỗi người dân phải gồng $580.91 USD bất kể già trẻ lớn bé.

Thêm nữa, ông Lumina lưu ý rằng, ngoài các khoản nợ chính thức, còn rất nhiều khoản nợ “không chính thức” không phải do chính phủ đứng vay mà do các công ty quốc doanh đứng vay, không được kể vào tổng nợ ngoại quốc.

Ông nhận xét rằng khả năng tài chính của Việt Nam năm nay sẽ bị thêm áp lực khi mà số tiền “kiều hối” sụt giảm. Một số không nhỏ “kiều hối” chui vào các ngân hàng cho nhà cầm quyền sử dụng sẽ bị sụt giảm vì nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Nhiều nhân công gửi ra ngoại quốc lao động lợi tức bị giảm hoặc thất nghiệp. Mười ngàn công nhân gửi sang Libya bây giờ phải hồi hương, ảnh hưởng không nhỏ tới “kiều hối.”

Nhà cầm quyền Hà Nội loan báo cố gắng hạ thâm thủng ngân sách từ 6% năm ngoái xuống còn ít hơn 5% năm nay. Nguyễn Ðình Cung, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Trung Ương của nhà cầm quyền Hà Nội nói trong một cuộc hội thảo kinh tế hôm Thứ Hai vừa qua rằng nhà nước phải làm mạnh hơn nữa để thuyết phục giới đầu tư ngoại quốc rằng Việt Nam rất nghiêm chỉnh trong việc siết lại ngân sách.

”Thâm thủng ngân sách phải rút xuống tới 3.5% nếu chúng ta muốn gửi thông điệp tới thị trường.” Ông Cung nói.

Tuy nhiên, tới nay không thấy có dấu hiệu gì là chế độ Hà Nội làm mạnh hơn ngoài những lời tuyên truyền sáo rỗng về cắt giảm chi tiêu và đối phó quyết liệt với lạm phát.

Ngày 29 tháng 3, 2011, nhà cầm quyền cho tăng giá xăng dầu từ 10% đến 15% tùy loại sẽ đẩy lạm phát lên nặng hơn nữa chứ không phải giúp hạ thấp xuống. Tuần trước, Tổng Cục Thống Kê loan báo lạm phát ở Việt Nam trong tháng 3, 2011 lên tới 13.89% so với cùng thời kỳ này năm ngoái.

Người nghèo, chiếm đại đa số trong xã hội, sẽ phải chịu hậu quả từ các chính sách của nhà nước. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=128939&z=1

*

Kinh tế VN cơ nguy phá sản

SINGAPORE (VB) -- Theo các con số kinh tế, có vẻ như là chính phủ Việt Nam có thể sắp phá sản.

Đó là phân tích của David Koh, nhà nghiên cứu của viện nghiên cứu Đông Nam Á -- Institute of Southeast Asian Studies.

Bài viết của Koh xuất hiện trên tạp chí Chính Sách Ngoại Giao, nói rằng nợ nước ngoài của VN vào lúc đầu tháng 3-2011 là 29 tỉ đô, trên 42% tổng sản lượng quốc dân thường niên.

Với tình hình VN thâm thủng cả 2 phương diện -- thương mại và ngân sách chính phủ -- VN có vẻ như có thể phá sản sớm.

VN có thể cần phảỉ vay tiền gấp, sau khi tính cả tiền từ người Việt hải ngoaị gửi về và từ các khoản giaỉ ngân của các dự án đầu tư quốc tế trực tiếp (FDI).

GS Koh nói rằng, nếu trữ lượng ngoaị tệ của chính phủ VN dưới thấp hơn 4 tỉ đô cần thiết để trả lãi suất hàng năm, điều gì sẽ xảy ra?  Hiện thời trữ kim ngoaị tệ VN sụt giảm liên tục kể từ khi khủng hoảng tài chánh ở VN năm 2008, trước khi khủng hoảng tài chánh toàn cầu bùng nổ. GS Koh viết thêm, “Điều gì sẽ có tác dụng toàn cầu nếu VN trở thành một nước Iceland hay Hy Lạp của Đông Nam Á?”

Cần nhắc rằng, Iceland và Hy Lạp 2 nước đã phá sản trong thời kỳ 2008-2010.

Đặc biệt, bản tin đài VOA cho biết rằng hệ thống mhâng hàng VN sắp thê thảm. Bản tin nhan đề “S&P: Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ gặp khó khăn” đăng ngày 14-3-2011 viết như sau.

Hãng tin Reuters trích dẫn Công ty đánh giá tín dụng Standard & Poor nói rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ gặp nhiều xáo trộn trong thời gian tới.

Nguồn tin này nói rằng tình trạng lạm phát tăng, nếu không được quản lý đúng cách, có thể gây nhiều khó khăn cho các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.

S&P nói rằng mặc dù các ngân hàng Việt Nam không bị tác động vì cuộc khủng hoảng xảy ra tại các nền kinh tế tiên tiến hơn, sức ép của lạm phát, các khoản nợ tăng cao, cùng với chi phí vay vốn cao trong nhiều năm qua, đang đe dọa chất lượng tín dụng của ngành ngân hàng Việt Nam.

Ba ngân hàng được Standard & Poor đánh giá gồm có Ngân Hàng Ngoại Thương Việt Nam, Ngân Hàng Đầu Tư và Phát triển Việt Nam, và Ngân Hàng Thương Mại và Công Nghệ đều bị xếp hạng BB-, dựa trên những yếu tố mà công ty S &P vừa liệt kê.

Công ty đánh giá tín dụng Standard & Poor đề cập tới tỷ lệ lạm phát vượt quá 12% so với cùng kỳ năm ngoái hồi tháng Giêng năm 2011, quyết định của nhà nước Việt Nam nới rộng chính sách tiền tệ vào nửa cuối của năm 2010 để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng đã đóng góp đưa tỷ lệ nạn lạm phát tăng vọt. Nếu tỷ lệ lạm phạt duy trì ở mức này, thì chi phí kinh doanh sẽ ảnh hưởng tới khả năng thanh toán nợ nần của người đi vay.

Nhưng ngược lại, các biện pháp mạnh tay của chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát có thể gây bất ổn và làm mất tin tưởng vào hệ thống ngân hàng, điều đã xảy ra hồi năm 2008, khi tỷ lệ lạm phát tăng tới 28%.

S & P cũng nhắc đến khoản cho vay dành cho các công ty quốc doanh, kể cả tập đoàn đóng tàu Vinashin, đã ảnh hưởng tới thứ hạng tín dụng của Việt Nam.

Standard & Poor nói công ty này tin rằng chính phủ Việt Nam sẽ đặt ưu tiên cho việc ổn định hóa kinh tế, so với phát triển kinh tế trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho năm 2011, kể cả cố gắng kiềm chế lạm phát.

Công ty đánh giá tín dụng này nói trong khi các biện pháp hữu hiệu của chính phủ có thể giảm thiểu tác động do lạm phát và chi phí vay nợ cao gây ra, nhưng chủ yếu các ngân hàng sẽ phải cải thiện tiêu chuẩn để củng cố hệ thống ngân hàng hầu có thể đối phó với những chấn động từ bên ngoài.

http://www.vietbao.com/D_1-2_2-338_4-171910_15-2/



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo