Jos. Nguyễn (danlambao) - Trong thời gian gần đây đã có nhiều biến cố xảy đến cho Giáo Hội Việt Nam như biến cố Thái Hà, Tam Tòa, Cồn Dầu... Nhất là biểu tượng Thánh Giá thiêng liêng của người Công Giáo đã bị nhà cầm quyền triệt hạ tại Giáo Xứ Đồng Chiêm, Giáo Phận Hà Nội vào tháng 1 năm 2010.
Ý thức được trách nhiệm của mình Giới trẻ Con Đức Mẹ Giáo Xứ Cầu Rầm đã tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện, cầu cho Công Lý – Sự Thật – Hòa Bình được hiện hữu trên quê hương Việt Nam thân yêu. Là tương lai của Giáo hội các bạn đã ý thức được trách nhiệm của mình là phải chung tay góp sức để xây dựng quê hương đất nước, phải đấu tranh cho sự thật, phải dùng chính đời sống đạo của mình để phải làm chứng cho “Chúa”. Giới trẻ Công Giáo cần phải biết tôn trọng mọi người, tôn trọng luật lệ, tôn trọng sự thật. Hành động thắp nến cầu nguyện do đó mang ý nghĩa thắp lên ánh sáng đức tin để xua đi bất công, xua đi sự giả dối và xua đi sự đau khổ tràn lan và hàn gắn các vết thương của giáo hội Việt Nam mà nhà cầm quyền đã gây ra cho Giáo hội Việt Nam nói chung và cách riêng là cho Giáo xứ.
Vào lúc 19h15’ ngày 14/04/2011, dưới sự chủ trì của Cha Phanxicô Xavie Hoàng Sỹ Hướng, linh mục quản xứ Cầu Rầm và cũng là Trưởng Ban Giới Trẻ Giáo Phận, thánh lễ và nghi thức thắp nến cầu nguyện đã diễn ra trong bầu khí thiêng liêng, đầy tình thân ái, liên đới, hiệp thông.
Đông đảo giáo dân Giáo Xứ Cầu Rầm và đặc biệt là giới trẻ Con Đức Mẹ và Sinh Viên Công Giáo tại Vinh đã về đây để cùng thắp lên ngọn nến cầu nguyện cho Giáo hội được tự do, cầu nguyện cho đất nước được bình an, quyền con người được tôn trọng, cầu nguyện cho Giáo xứ của chúng ta, một Giáo xứ đang bị thiệt thòi bởi cảnh bất công, xin cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ luôn hiệp thông với nhau để cầu nguyện cho Giáo xứ của chúng ta nhận được sự Công bằng. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các bạn sinh viên, giới trẻ Con Đức Mẹ cùng mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ cũng như những người không cùng tôn giáo đang hiện diện nơi đây cùng với chúng ta, là con người, là công dân của đất nước nước chúng ta phải nắm tay nhau để xây dựng quê hương – đất nước.
Như lời của Cha Hoàng Sỹ Hướng phát biểu sau thánh lễ:
“Chúng ta sẽ sắp sửa kết thúc đêm cầu nguyện đặc biệt này, bằng lời cầu nguyện này, trong tay cầm ngọn nến đức tin để chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta, cầu nguyện cho thế giới, cầu nguyện cho đất nước chúng ta. Lời cầu nguyện này của chúng ta bắt nguồn từ ơn gọi làm người Kito hữu, giáo hội như một mái nhà, nơi ấy che nắng, che mưa cho tất cả mọi thành viên trong gia đinh, mái nhà ấy không phân biệt về màu da, về sắc tộc và về tôn giáo. Như thế hình ảnh mái nhà trở thành nơi mọi người yên nghỉ mỗi khi chúng ta gặp khó khăn trong mọi lĩnh vực và nơi đây chính chúng ta nhận được sự bình an đích thực của Thiên Chúa. Giáo hội cũng giống như hạt giống nhỏ bé trong dụ ngôn “hạt cải” khi gieo xuống thì là 1 hạt giống nhỏ bé nhất trong các loại rau nhưng khi lớn lên thì nó là nơi chim trời đến trú ngụ... dụ ngôn này của Đức Giê su kể lại để nói lên tình bao dung của Giáo Hội. Như vậy đời sống đạo của mỗi chúng ta không chỉ lo riêng cho lợi ích cá nhân của chúng ta, mà ta còn phải liên kết với người khác, còn phải lo cho người khác. Cho nên sống đạo là sống yêu thương, sống đạo là phải sống sự chia sẽ, sự thông cảm và sự dắt dìu lẫn nhau. Vì vậy, đau khổ của người này phải là đau khổ của chính chúng ta, chúng ta phải gánh lấy với họ,vinh dự này của người này, chúng ta có phần trong đó, cho nên chúng ta có trách nhiệm cầu nguyện cho họ đạt được nhiều vinh dự hơn. Đó là tình liên đới trong đời sống đạo, tình liên đới này không chỉ dự lại ở các thành viên trong gia đình mà cả những người xung quanh, kể cả kẻ thù. Như Chúa Giêsu đã nói: “Hãy yêu thương kẻ thù như chính mình”
Vì thế mà trong đời sống đạo chúng ta không được phân biệt đối xử, mà trái lại kể cả những kẻ dữ dằn nhất, chúng ta cũng cần phải chinh phục họ và tìm mọi cách để giúp họ nhận ra sự thật và đó cũng là bổn phận của người kitô hữu. Và mối tương quan của chúng ta nữa, đó là mối tương quan với xã hội, với quê hương – đất nước. Đất nước là của mọi người, mọi công dân đều có quyền được hưởng tự do làm người, tự do tôn giáo và tự do mưu cầu hạnh phúc. Đối lại, người công dân ấy phải có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ quê hương – đất nước, cho nên một người tín hữu tốt phải là một người công dân tốt nữa và người tín hữu phải xây dựng quê hương – đất nước bằng khả năng của mình. Xây dựng bằng cách nào chu toàn bổn phận của một công dân, giữ luật dân sự đúng, và cùng nhau phát huy sáng kiến để cống hiến cho quê hương – đất nước. Và khi chúng ta làm điều này, chúng ta sẽ không mất đi phần thưởng nước trời, và nếu chúng ta làm điều này vì vinh danh Chúa và vì trách nhiệm – bổn phận của một công dân, làm vì người khác thì đó cũng là một việc lành. Lâu nay chúng ta quan niệm hẹp hòi: “đi đạo là chỉ đi nhà thờ và đọc kinh là thánh thiện, là đẹp lòng Chúa còn ngoài chuyện đó là chuyện của đời”. Đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Đạo là phải đem vào đời và biến đời thành đạo. Cho nên trong Thánh lễ, linh mục đọc: “Chúc Anh – Chị – Em đi Bình An”, đi ở đây không phải là đi Bình An mà đi ở đây theo nghĩa lên đường, đi ở đây là dẫn thân đem những gì đã nhận được trong Thánh lễ để đem đi phục vụ gia đình, phục vụ cho quê hương, cho tổ quốc...”
Bài hát: “Kinh Hòa Bình” được mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ cất lên, đã thể hiện tinh thần yêu mến Công Lý – Sự Thật – Hòa Bình của tất cả mọi người khi tham gia buổi cầu nguyện, hi vọng một ngày nào đó “Nhà Cầm Quyền” biết sống và làm theo lời kinh này.