Luận cứ bào chữa cho ông Vi Đức Hồi trong phiên phúc thẩm sắp tới - Dân Làm Báo

Luận cứ bào chữa cho ông Vi Đức Hồi trong phiên phúc thẩm sắp tới

Đàn Chim Việt: Ông Vi Đức Hồi là một nhà giáo ở Lạng Sơn, cựu đảng viên đảng Cộng Sản. Mấy năm gần đây ông lên tiếng đòi dân chủ và công bố một số bài viết, hồi ký trên Internet. Tháng 1/2011 trong phiên tòa diễn ra ở Lạng Sơn ông đã bị khép tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 bộ luật Hình Sự với bản án mà giới quan sát đánh gía là “quá nặng nề”, 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Ông Hồi 54 tuổi, vào đảng năm 1980. Tác phẩm đáng chú ý của ông là cuốn Hồi ký “Đối Mặt”.

 Luật sư Trần Lâm đã bào chữa cho ông trong phiên sơ thẩm và tiếp tục bào chữa trong phiên phúc thẩm dự tính diễn ra ngày 26/4/2011 này. LS Lâm đã cho công bố bản bào chữa như sau:

————————————————-

 
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc

LUẬN CỨ BÀO CHỮA CỦA LUẬT SƯ TRẦN LÂM TRƯỚC PHIÊN TÒA PHÚC THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO NGÀY 26 / 4 /2011 TẠI LẠNG SƠN ĐỐI VỚI VI ĐỨC HỒI  CAN TỘI “TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM”

(Luận cứ này sẽ được bổ sung, sửa đổi, phù hợp với phiên tòa công khai. Xin coi đây là những đề xuất cho việc dự thẩm).

I. Tội danh dành cho anh Hồi thuộc về ý thức, quan điểm, cho nên việc tìm ra nguồn gốc phát sinh, thời điểm phát sinh là rất cần cho việc định tội và lượng hình.

Hồ sơ thể hiện rõ: Gia đình anh Hồi là nông dân thuần pháp, anh tham gia công tác sớm, được học hành có hệ thống, làm việc có hiệu quả, được mọi người yêu mến, được tín nhiệm đến mức được xếp vào hàng ngũ lãnh đạo kế cận…

Đầu tiên, anh nghe đài, rồi anh sử dụng internet, anh nhìn nhận thực trạng xã hội, tư tưởng, tình cảm của anh chuyển biến. Quá trình thay đổi này không có tác động của cá nhân nào.

Trung ương Đảng ta nhiều lần nói đến hiện tượng: “Nhạt Đảng”, “Chán Đảng” của một số Đảng Viên. Số này không ai dám nói là số ít. Khi tự phát hiện ra trạng thái tình cảm này trước Đảng anh đã nói: “Xin khai trừ tôi ra khỏi Đảng, tôi không băn khoăn , không luyến tiếc gì.”. Đây là một thái độ trung thực và dũng cảm.

Tôi, một người nhiều tuổi, nghĩ đến chúng ta, dân ta vẫn còn giữ mãi một não trạng bảo thủ và sơ cứng, chẳng khác gì một cặp chồng vợ đã từng một thời nồng ấm, đến lúc buộc lòng phải chia tay thì lại đối đãi với nhau như kẻ thù, lại còn lôi kéo cả con cái người ta vào vòng xoáy thù hận, khác xa với cách hành xử trong xã hội văn minh.

Nếu ta độ lượng với anh Hồi, anh Hồi không phải lọt vòng tù tội, anh có thể là người phản biện có ích cho Đảng, cho dân. Người xưa có câu: “Kẻ tiểu nhân tiễn nhau với vàng bạc, người quân tử  tiễn nhau bằng lời hơn, lẽ thiệt”

***

II. Về tội danh này, căn cứ để định tội dựa vào các hành vi: Viết – Vẽ – Nói.

a.    Anh Hồi về Bắc Giang có đến vùng nhậy cảm nhiều lần và thường xuyên. Việc này là do một người gửi tiền cho gia đình các người bị bắt giam, mỗi tháng một lần, mỗi người 500 ngàn, anh Hồi nhận tiền và phân phát. Xét ra những người nhận tiền chỉ là những  nông dân nghèo khổ, còn anh Hồi làm  việc này thuần túy chỉ là việc cứu trợ.
b.  Án sơ thẩm đã căn cứ những cuộc phỏng vấn của truyền thông quốc tế để kết tội anh Hồi, xét ra đây là những ngôn luận rất thường của nhiều người , không phải chỉ riêng anh Hồi…

Trước Đại Hội 11, ông Đinh Thế Huynh đã nói: “Nhân dân Việt Nam không chấp nhận đa đảng”. Ông Nguyễn Phú Trọng  đã trả lời báo nước ngoài: “Việt Nam giai đoạn này chưa cần đa nguyên, đa đảng.”. Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh nói: ”Biết bao nhiêu người nói như Cù Huy Hà Vũ đã từng nói, sao lại chỉ bắt tội mình Cù Huy Hà Vũ.”. Ông Nguyễn Văn An nguyên ủy viên BCT, nguyên chủ tịch Quốc Hội đã đòi hỏi phải thay đổi thể chế.Và biết bao nhiêu người “nhạt Đảng”,”chán Đảng” còn nói ghê gớm hơn nhiều.

Nhiều năm về trước, nói như thế là điều cấm kỵ. Nay xã hội đương đại đã có những bước tiến dài về nhân quyền, về tự do ngôn luận…lẽ nào chúng ta lại yên tâm khi vẫn giữ cách hành xử của nhiều  năm về trước.

Sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng xử một người sẽ làm ngàn vạn người khác phải run sợ.

Trên bình diện quốc tế, chúng ta đã mất quá nhiều điểm về cách hành xử không làm mọi người tâm phục, khẩu phục lẽ nào chúng ta vẫn lại tiếp tục đi vào vết xe  xưa cũ.

Về viết các văn bản,  có 2 tạp văn đáng quan tâm: “Nể Dâm” và “Đối Mặt”.

*“Nể Dâm” có nội dung: Trong xóm có một ông góa vợ, một bà góa chồng. Người ta phát hiện 2 ông bà làm cái việc của “Con Người”. 2 người con giai của người đàn bà kiện ra xã buộc ông góa vợ tội hiếp dâm. Mọi can ngăn đều không có hiệu quả, buộc chính quyền phải can thiệp. Chủ Tich đi học xa, Bí thư chi bộ phải thay thế. Hỏi bà, bà nói nguyên nhân là tôi “Nể” ông ấy quá!. Xuất sứ chữ “Nể Dâm” là thế. Câu chuyện đáng quan tâm là bí thư chi bộ phạt vạ người đàn ông, lại lấy số tiền này tổ chức một bữa nhậu cho các vị chức sắc trong thôn…

Tôi có hỏi anh Hồi, đã nghĩ gì mà viết thế? Anh Hồi phản bác: Tôi viết truyện ngắn đó trong lúc cao hứng. Khi sáng tác truyện ngắn, người ta có quyền dùng bút pháp hư cấu để dẫn dắt sự việc. Sau những quan sát anh Hồi từ nhiều góc độ, tôi tin rằng anh Hồi không có dụng tâm, không hề ác ý…xin tòa có sự rộng lượng trước giây phút thăng hoa  của một ngòi bút đang có nhiều triển vọng.

“Đối Mặt”: Đây là một hồi ký rất dài nói về gia cảnh, đời tư của mình, nhưng phần lớn là anh Hồi viết về những lần bị công an bắt giữ, thẩm vấn. Lời văn thì nhẹ nhàng, sự việc thì rõ ràng, không hề đề cập gì đến các vấn đề liên quan đến Đảng, Nhà nước. Tác phẩm này chỉ là một tập hợp những đối thoại dí dỏm, rất đời thường của anh Hồi với những nhân viên an ninh, nhân viên công lực khi họ buộc phải làm việc với anh .

Xét về hai tập này, không có tình tiết nào mà chúng ta có thể quy là dấu hiệu của tội phạm

***

Có điều vừa cấm kị vừa khó nói, tôi xin mạnh dạn trình bày:

- Thế giới hòa nhập, phải có luật lệ thế là bao nhiêu công ước, quy chế…ra đời. Có các quy chế  về dân chủ, nhân quyền… Trong xu thế hòa nhập ấy, Việt Nam phải phê chuẩn, cam kết thực hiện .Nhưng các quy chế ấy  lại thuộc thể chế dân chủ,đa nguyên, trái với thể chế Việt Nam .Thực hiện cũng không được, gạt bỏ cũng không xong, mội thế “tùy cơ ứng biến”.

Xét xử các vụ án này là như thế, dù đã lâu năm trong  nghề cung không thể có được chuẩn mực. Cái khó là ở từ đấy,cái tự do cũng là ở từ đây

Thế giới đang chuyển mình, về kinh tế về chính trị,và về nhiều mặt khác. Ta phải nhận thấy từ độ 10 năm nay , phong trào dân chủ cả thế giới cũng như tại Việt Nam đã có những bước tiến bộ đáng kể .Nhiều việc trước kia là cấm kỵ nhưng nay đã được rộng mở ,con đường lại đang hanh thông.
Tôi nghĩ rằng trong tâm thức, việc xét xử vụ án  này, cần phải có một tu duy manh dạn  để phù hợp với thời thế.

***
Vì những lẽ đó tôi nghĩ đối với bị cáo Vi Đức Hồi: Tha miễn trách nhiệm hình sự .

Vì các lẽ sau: Nhân thân đáng được chiếu cố, hành vi chưa đủ những yếu tố cấu thành tội phạm, thái độ ôn hòa, có nhiều dấu hiệu của khiêm nhường và thức thời

Hà Nội ngày 18 tháng 4 năm 2011

Luật sư Trần Lâm

© Đàn Chim Việt



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo