Ngô Bảo Châu và “sự sợ hãi” - Dân Làm Báo

Ngô Bảo Châu và “sự sợ hãi”

Trương Duy Nhất - Nhà Nobel toán học Ngô Bảo Châu vừa vạch phê “sự sợ hãi” của chính quyền qua vụ án Cù Huy Hà Vũ, thì giờ đây chính ông lại  phải “sợ hãi” trước những trận đòn comment từ làn sóng “dân chủ”.

Tôi ngạc nhiên khi thấy giáo sư Ngô Bảo Châu viết về Cù Huy Hà Vũ, cũng như từng ngạc nhiên đến thích thú khi thấy một ngài Nobel toán học như ông lại mở blog, viết thường xuyên và viết với tư duy hình tượng, dí dỏm, thú vị ít thấy ở những cái đầu toán học xưa nay. Ngạc nhiên khi ông không xóa comment mắng chửi về việc nhận căn hộ cao cấp (phần thưởng của chính phủ Việt Nam dành cho ông và gia đình) mà dành thời gian trả lời một cách điềm tĩnh, ôn tồn và bản lĩnh. Với nhiều người, khi có được vị thế và danh giá như Ngô Bảo Châu, tôi tin không ai dám chọn cách ứng xử như ông, thường là họ cao ngạo bỏ qua với thái độ “không thèm chấp”.

Khi đọc bài “Về sự sợ hãi”, tôi linh cảm ông sẽ phải hứng nhận một trận comment giận dữ từ làn sóng hừng hực của các “nhà dân chủ” đang sục sôi trên mạng. Quả thế, và những đòn comment nhắm vào ông với thứ ngôn từ khủng đến mức ông phải... sợ hãi (?) Hôm qua 11-4, trang blog Thích học toán của ông đã phải đóng, không cho đọc và cũng chẳng cho comment.

Tôi thích lối viết ngắn của giáo sư Ngô Bảo Châu. “Về sự sợ hãi” là một bài viết hay về vụ án Cù Huy Hà Vũ mà không phải ai cũng... biết đọc! Trong hàng núi bài trên mạng viết về vụ án này, tôi ấn tượng mỗi 2 bài: bài này của Ngô Bảo Châu và bài “Chính trị, tôn giáo và Cù Huy Hà Vũ” của Huy Đức. Và trớ trêu thay, 2 bài tôi thích nhất lại là 2 bài bị ném đá nhiều nhất.

Huy Đức cũng hứng nhận đòn comment, nhưng ít và nhẹ hơn. Cơn phẫn nộ từ các “nhà dân chủ” dường như dồn trọn vào Ngô Bảo Châu.

Dù đã ngợi ca Cù Huy Hà Vũ là “một con người không tầm thường... như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ... nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này”(theo tôi, viết như thế cũng đã “thổi” Cù Huy Hà Vũ quá lời rồi). Ông cũng đã tung một nhát búa cho chính quyền “không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”. Thế nhưng chỉ một câu thổ lộ “không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ”, Ngô Bảo Châu đã chạm vào sự sùng tín, chọc tức các “nhà dân chủ” đang dựng tôn thần tượng Cù Huy Hà Vũ như... lãnh tụ!

Mấy ngày qua, đọc những bài viết, hàng núi comment quất chửi Ngô Bảo Châu trên mạng, tôi vẫn không nghĩ ông sẽ xóa comment, khóa blog. Ngô Bảo Châu sẽ vẫn sẵn sàng hứng nhận và điềm tĩnh trả lời với phong thái của một ngài Nobel toán học như ông từng ứng xử với những comment rủa vả ông trước đây khi nhận căn hộ từ chính phủ. Thế nhưng lần này ông đã khóa blog, trang blog Thích học toán với những entry dí dỏm không chỉ về toán học được đông đảo bạn đọc ưa thích.

Buồn, nhưng không trách ông được. Cũng đúng thôi, bởi một đầu óc như ông, nếu cần tranh luận cũng nên dành cho những sự thể khác. Cũng đúng thôi, bởi làm sao ông có đủ quĩ thời gian để suốt ngày ngồi mạng đọc và đối đáp với hàng núi comment mắng chửi mình. Nhưng có lẽ điều đúng hơn tôi nhìn thấy là ông đã biết sợ. Ông viết bài vạch phê “sự sợ hãi” của chính quyền thì giờ đây chính ông cũng lại “sợ hãi” trước những trận đòn comment từ làn sóng “dân chủ”.

Đọc những trận đòn comment trên những trang mạng “dân chủ” với hàng núi ngôn từ tục tĩu, hằn học nhắm vào một vị giáo sư khả kính như Ngô Bảo Châu mới hiểu và cảm thông cho cái “sự sợ hãi” của ông.

Không biết Cù Huy Hà Vũ nhìn nhận ra sao khi biết được, đọc được những làn sóng ủng hộ mình bằng tư duy và phong cách “chửi” này? Tôi đã rất nhiều lần thất vọng và... sợ hãi trước những làn sóng dân chủ kiểu này. Tôi tôn trọng mọi phương cách đấu tranh cho mục tiêu dân chủ, nhưng đòi dân chủ bằng cách chửi bậy thì tôi... sợ! Thật tình tôi chưa nhìn thấy một nhân vật hay tổ chức nào trong các phe nhóm “dân chủ” hiện thời đủ luận thuyết và động cơ dân chủ trong sáng, khả tín, đủ hấp lực cuốn hút phong trào dân chúng. Những tổ hội phe nhóm khoác danh “dân chủ” tôi thấy, nói một cách hình tượng như ai đó từng ví: vẫn chỉ toàn là thứ “dân chủ sùi bọt mép”! Trông đợi gì ở những “nhà dân chủ” mà mở miệng là chửi bậy, viết đi viết lại cũng chỉ dăm câu đại loại “Đèo mạ cái thứ nực cười ....muốn ỉa quá!”....

Đọc và nghe những thứ này, thú thật tôi thấy xấu hổ cho hai chữ “dân chủ”. Khoác danh dân chủ, đòi đấu tranh cho dân chủ nhưng hễ ai nói ngược nhìn khác là mắng xả thóa mạ bằng thứ ngôn từ hàng chợ, chửi xỉa một vị giáo sư khả kính vừa đoạt giải Nobel toán học là “giáo sư cừu gặm cỏ”. Chẳng lẽ cái gọi là “dân chủ Việt” đến thế này sao?

Cù Huy Hà Vũ có được cái khí chất hiên ngang. Sự hiên ngang trước tòa của ông là đáng kính phục. Nói như giáo sư Ngô Bảo Châu “ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ”. Nhưng chỉ chừng đó không đủ. Sự ngông cuồng khiến ông lâm vào tâm thái ảo tưởng. Tôi quí, thích, trọng và phục cái khí chất hiên ngang trước tòa của ông. Nhưng đến khi nghe ông tuyên bố hùng hồn “tổ quốc và nhân dân Việt Nam nhất định phá án cho tôi” thì thú thật không nhịn cười được.

Tôi thích những dòng này của Huy Đức: “Nếu cứ để ông Cù Huy Hà Vũ nghênh ngang bên ngoài, có lẽ ông khó lòng tập hợp được sự quan tâm của quần chúng tới mức dấy lên sự sợ hãi cho chính quyền. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do ngôn luận, có lẽ ông khó lòng thu hút được sự chú ý của giới bloggers, báo chí và khó lòng trở thành một nhân vật được đề cập trong một bài feature của tờ New York Times. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do kiện tụng có lẽ người dân sẽ thấy Chính quyền tự tin và mạnh mẽ. Và có lẽ, nếu thả ngay ông Cù Huy Hà Vũ sau cái hôm ở khách sạn, hình ảnh một người đàn ông 50 bụng phệ sẽ được nhớ lâu hơn, và khó có thể bị thay thế bởi hình ảnh một tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, comple, cavat, trán rộng, đầu ngửng cao, ngạo nghễ đi giữa hai hàng cảnh sát”.

Cái dại của phía chính quyền là nghiêm trọng hóa vụ án thành ra vô tình biến hình ảnh Cù Huy Hà Vũ như một... Nguyễn Văn Trỗi! Thậm chí dại và kém ngay từ khâu bắt ông Vũ khiến dư luận nhớ mãi đến vụ án qua một hình ảnh phản cảm là 2 cái bao cao su đã qua sử dụng. Tôi đã từng ý vị về câu chuyện này trong bài ngụ ngôn “Không gian lẹo”.

Đã vài lần tiếp xúc với Cù Huy Hà Vũ. Mấy lần vào Đà Nẵng ông chủ động tìm gặp tôi. Gặp xong tôi thất vọng và thấy hụt hẫng so với những gì đã đọc và nghe trước đó. Vì thế, nếu cho tôi làm “nhà tổ chức” của các phong trào dân chủ, tôi sẽ không chọn Cù Huy Hà Vũ, và càng không ngửi nổi những nhóm vỗ ngực xưng danh “dân chủ” nhưng mở mồm là văng chửi với toàn thứ ngôn từ hàng chợ.

Tôi tôn trọng và nhiều lúc ở nghĩa nào đó thấy quí trọng những mục tiêu đeo đuổi của các nhà dân chủ. Nhưng cứ tư duy và hành xử theo kiểu lối văn hóa dân chủ này thì tôi... kinh sợ!

Đến tôi còn kinh sợ thì hỏi sao một vị giáo sư khả kính như Ngô Bảo Châu không “sợ hãi”,  sợ hãi đến mức phải đóng blog cũng là điều dễ hiểu.

Không biết Ngô Bảo Châu đã hoặc sẽ viết luận gì về “dân chủ”. Còn với tôi, đã vài lần nhắc đi nhắc lại câu này: Nếu chỉ với những kiểu lối “dân chủ” Việt như thế thì đừng mơ gì một hiệu ứng hoa nhài hay hoa... cứt lợn!

Trương Duy Nhất

http://www.truongduynhat.vn/2011/04/ngo-bao-chau-va-su-so-hai.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo