Nguyễn Bá Thanh, nhà cải cách hay độc tài? - Dân Làm Báo

Nguyễn Bá Thanh, nhà cải cách hay độc tài?

Bí thư Thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đang là đề tài của một cuộc bàn luận mới được AFP xới lên hôm 17 tháng Tư, trong một bài viết đặt câu hỏi liệu vị lãnh đạo năm nay 52 tuổi này có thực sự là một nhà cải cách hay chỉ là một biểu hiện độc tài mới.

Ông Thanh, theo bài báo của hãng tin Pháp, lâu nay được gọi là một 'nhà độc tài' và bị nhiều đồn đoán cáo buộc về những hành vi tham nhũng chưa được kiểm chứng.

"Thế nhưng nhiều người đồng ý rằng ông Thanh có những tài năng hiếm có ở một đắt nước nghẹt thở vì nạn quan liêu," AFP bình luận.

"Ông ấy làm cho mọi thứ thực hiện được."

Hãng này trích lời của một doanh nhân cao cấp, ông Peter Ryder, tổng giám đốc điều hành của Indochina Capital, nhà đầu tư quan trọng vào cơ sở hạ tầng ở Đà Nẵng nói:

"Tôi nghĩ thành phố là một mô hình," quan chức hàng đầu của chủ thể đầu tư đã bỏ ra chừng 300 triệu Mỹ kim để đổ vào các cơ sở địa ốc ven biển và các khu cao ốc trung tâm đô thị ở thành phố cảng biển miền Trung này nhận định.


Ông Nguyễn Bá Thanh được cho là một nhà lãnh đạo thuộc thế hệ mới, nhưng còn nhiều ẩn số.

Năm 2010, Đà Nẵng được xếp loại thành phố thông thoáng và thuận lợi cho kinh doanh hàng đầu của Việt Nam, trong số 63 tỉnh thành còn lại, AFP trích thuật kết quả khảo sát 7.300 doanh nghiệp tư nhân của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) nói về nơi mà ông Thanh được cho là có "dấu ấn lớn."

Ông ấy được biết tới như ông Vua của Đà Nẵng. Ông ta cũng hơi vĩ cuồng, khi nói rằng sẽ biến đổi Đà Nẵng thành một Singapore mới. Và khi người ta biết rõ về hai thành phố, thì rõ ràng là còn lâu mới làm được chuyện đó

Một nhà quan sát lâu năm về VN

'Vua Đà Nẵng'

Nếu đây là một chỉ báo khách quan thì rõ ràng vị trí số một về môi trường kinh doanh này của Đà Nẵng có thể làm cho TP Hồ Chí Minh, xếp thứ 23 và Hà Nội, thủ đô của cả nước, xếp thứ 43, phải suy nghĩ.

Thế nhưng, ông Thanh được cho là có những vị thế quyền lực mà nguồn gốc của chúng rất khó kiểm chứng.

Vẫn AFP dẫn bình luận của Tiến sỹ Benoit de Tregloge, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Đương Đại, một tổ chức nghiên cứu đóng trụ sở tại Bangkok, cho rằng "ông Thanh tận dụng được lợi thế từ các quan hệ khăng khít với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và với giới quân sự, là những người mà đất đai của họ được thủ đắc để phát triển."

"Ông ấy được biết tới như ông Vua của Đà Nẵng," hãng tin của Pháp trích lời một quan sát viên lâu nay về tình hình trong nước của Việt Nam, nhận xét.

"Ông ta cũng hơi vĩ cuồng, khi nói rằng sẽ biến đổi Đà Nẵng thành một Singapore mới.

"Và khi người ta biết rõ về hai thành phố, thì rõ ràng là còn lâu mới làm được chuyện đó," nhà quan sát này nói với AFP.

Vụ án

Đà Nẵng đã liên tục giữ vài trò và trở thành một cực kinh tế hàng thứ ba của Việt Nam. Thành phố này đang không ngừng cạnh tranh với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh

Một trong các sự kiện được cho là đã thu hút sự chú ý của dư luận với những cáo buộc về những nguồn gốc "mờ ám" trong quá trình duy trì quyền lực của ông Thanh, là vụ xét xử một cựu tướng lĩnh cao cấp trong ngành Công An, vốn từng làm việc dưới quyền ông Thanh, Thiếu tướng Trần Văn Thanh, nguyên Chánh thanh tra Bộ Công An, nguyên Giám đốc Công An TP Đà Nẵng.

Nghi án này liên quan tới một cáo buộc mà theo đó ông Nguyễn Bá Thanh đã "trả đũa đối thủ của mình" về việc ngay trước kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12 hồi năm 2007, Hội đồng bầu cử Đà Nẵng đã buộc phải tổ chức xác minh tư cách ứng cử viên của ông Thanh do bị "tướng công an và các đồng phạm" phát tán truyền đơn và tài liệu "làm khó."

Trong lúc thực hư cuộc "tranh giành quyền lực nội bộ" ở Đà Nẵng này còn chờ làm rõ, một số cáo buộc còn đi xa hơn khi cho rằng ông Nguyễn Bá Thanh đã "có những tác động" tới bản án nặng của Tòa Sơ thẩm rồi sau đó là Phúc thẩm của Tòa án Tối cao, đặt tại Đà Nẵng.

Tòa án này khi đó đã kết tội Tướng Thanh, và "hai đồng phạm", phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” với các mức án được cho "nghiêm khắc."

Tin đồn

Khi ông Thanh lên nắm chức vụ lãnh đạo thành phố, vào thời điểm Đà Nẵng tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam vào năm 1997, người ta đã nghe thấy nhiều 'tin đồn' cho rằng ông Thanh là một nhà lãnh đạo đặc biệt.

Tương phản với hình ảnh một cán bộ lãnh đạo cộng sản cao cấp "truyền thống", ông Thanh được nhiều người thuộc giới doanh nhân nước ngoài mô tả là một "tính cách" và một "nhà độc tài nhân từ," hãng tin AFP nhận xét.

Đã từng có những "tin đồn theo lối huyền thoại" nói rằng "một tài xế tắc xi bình dân đã đuổi một vị khách không quen biết đi xe của ông này xuống xe, vì ông này dám nói xấu nhà lãnh đạo của nhân dân Đà Nẵng, tức ông Nguyễn Bá Thanh."

Người ta cũng kháo nhau rằng ông Thanh có những quan hệ nắm chặt "khu vực tài chính Đảng" hoặc các "tổ chức sân sau của giới tài phiệt trong Đảng" ở địa phương và ông cũng biết "khôn ngoan" tới mức không chịu "ra trung ương" làm việc để luôn được bền vững và "an toàn" trong lợi thế.

Tuy nhiên, dù các tin đồn hay huyền thoại tới đâu, thì có thể thấy Đà Nẵng, qua đánh giá của giới doanh nhân nước ngoài và USAID của Mỹ, đã và đang là một thành phố phát triển mạnh mẽ.

Ông Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên cố vấn chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cho AFP hay, trong các nhiệm kỳ của ông Thanh: "Đà Nẵng đã liên tục giữ vài trò và trở thành một cực kinh tế hàng thứ ba của Việt Nam."

"Thành phố này đang không ngừng cạnh tranh với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh," cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hãng tin của Pháp biết.

Nguồn : BBC



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo