...vấn đề cấp thiết hiện nay là nhân dân chúng ta phải quyết tâm dành lại cho bằng được cái quyền “tự làm chủ trên đất nước của mình”, để mà cùng nhau bắt tay vào công cuộc phục hồi lại cái nền nếp sinh họat nhân ái, hòa nhã trong xã hội như cha ông chúng ta đã xây dựng được từ bao nhiêu thế hệ trước đây, trong suốt thời kỳ tự chủ lâu dài của lịch sử dân tộc...
California, USA -Vào giữa tháng Ba 2011, trong dịp tham dự Đại hội Thường niên của tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa kỳ (Amnesty International USA) tại thành phố San Francisco, California, tôi được nghe một diễn giả phát biểu mà thật lấy làm tâm đắc. Ông nói đại để như sau : “Các bạn thấy đấy : Họ đến, rồi tất cả họ lại đi thôi, không hề có một biệt lệ nào cả ! (They come, then they go, all of them – not any exception whatever !) Bất kể đó là vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, là Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, Nghị sĩ, Dân biểu v.v…Hết thảy họ đến, rồi họ cũng phải ra đi mà thôi. Chỉ có khối đông đảo quần chúng nhân dân chúng ta là còn tồn tại mãi mà thôi. Xin các bạn nhớ cho : Đó là một quy luật muôn đời của xã hội loài người chúng ta vậy đó …”
Cử tọa – gồm phần đông là giới trẻ cỡ trên dưới 30 tuổi – đã tán thưởng và vỗ tay nồng nhiệt. Cũng xin ghi thêm là hôm đó diễn giả gợi ra cái ngọn lửa bừng cháy trong cuộc nổi dậy của người dân ở Tunisia, ở Ai cập, mà được gọi là “cuộc Cách mạng Hoa Lài” nhằm xóa bỏ hẳn được chế độ độc tài tại hai quốc gia này ở khu vực Bắc Phi châu và Trung Đông vào đầu năm 2011.
Lời phát biểu chắc nịch đó đã làm cho tôi nhớ lại cái điều mà cha ông chúng ta xưa nay vẫn nói : “Quan nhất thời – Dân vạn đại”. Và người viết xin trưng dẫn câu đó để làm nhan đề cho bài viết này. Cũng với dòng liên tưởng đó, tôi xin ghi thêm câu tục ngữ thông dụng, hay được bà con nói lên, cốt ý để nhắc nhở cảnh giác đối với giới chức có thế có quyền phải liệu mà cư xử làm sao cho có nhân có đức, đừng có làm điều chi xấu xa tồi bại, đến nỗi khiến cho người đời sau phải trách cứ chê bai mãi mãi. Câu tục ngữ đó như sau :
”Trăm năm bia đá thì mòn – Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”!
Cũng về đặc tính của tổ chức sinh họat trong xã hội con người như thế, mà từ xưa các nho sĩ nước ta thường vẫn hay nhắc lại câu nói của thầy Mạnh Tử là một bậc thức giả nổi danh của TQ, câu này được ghi ra bằng tiếng Hán Việt như sau : “ Dân vi quý – Xã tắc thứ chi – Quân vi khinh”. Tức là xác nhận địa vị cao quý của người dân là quan trọng trên hết. Sau đó, thì mới đến tổ chức lề lối phép tắc của xã hội. Còn bậc vua quan, giới chức chính quyền, thì phải xem nhẹ thôi ( chữ khinh ở đây có nghĩa là nhẹ, trái nghĩa với chữ trọng = nặng).
Liên hệ đến hòan cảnh thực tế ở nước Việt nam chúng ta từ trên 60 năm nay, kể từ ngày người cộng sản lên nắm được chính quyền trong tay, thì rõ ràng là họ đã thiết lập nên một chế độ “độc tài tòan trị” về mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, bằng đủ mọi thủ đoạn thâm độc để kềm kẹp, đàn áp tàn bạo đối với người dân chúng ta. Họ du nhập từ mãi Liên Xô, Trung Cộng để đưa vào nước ta cái chủ trương bạo lực sắt máu gọi là “nền chuyên chính vô sản” (the proletarian dictatorship) với phương thức đấu tranh hận thù giai cấp, với khẩu hiệu “trí phú địa hào – đào tận gốc – trốc tận rễ”. Họ khôn khéo lừa gạt người dân bằng những lời hứa hẹn là sẽ xây dựng một xã hội lý tưởng tốt đẹp, trong đó mọi người yêu thương đùm bọc lẫn nhau, không còn tệ nạn người bóc lột người như xưa nữa v.v… Vào lúc này, thì mọi người dân đều thấy rõ tất cả những điều hứa hẹn đó chỉ là một cái thứ bánh vẽ, không hề có thực trong nước ta sau trên 60 năm dưới quyền cai trị của đảng cộng sản. Ta khỏi cần dài dòng về chuyện này nữa.
I – Lời cảnh báo gửi đến cho giới lãnh đạo cộng sản
Sau thời gian dài bị mê hoặc ru ngủ bởi những lời lẽ đường mật xảo trá của lối tuyền truyền cộng sản, người dân Việt Nam đã bắt đầu tỉnh ngộ nhận ra được bản chất dối trá tàn ác của chế độ độc tài ngoan cố này. Và từ đó mà đang cùng nhau “ nối vòng tay lớn” để tự giải thóat khỏi cái gông cùm ác nghiệt đó.
Như vậy, thì vấn đề cấp thiết hiện nay là nhân dân chúng ta phải quyết tâm dành lại cho bằng được cái quyền “tự làm chủ trên đất nước của mình”, để mà cùng nhau bắt tay vào công cuộc phục hồi lại cái nền nếp sinh họat nhân ái, hòa nhã trong xã hội như cha ông chúng ta đã xây dựng được từ bao nhiêu thế hệ trước đây, trong suốt thời kỳ tự chủ lâu dài của lịch sử dân tộc.
Để bắt đầu, ta cần xác tín rằng cái chế độ tàn bạo bất nhân, tham nhũng thối nát do nhà cầm quyền cộng sản dựng lên, thì dứt khóat là phải bị lọai trừ tiêu hủy đi thôi. Và giới lãnh đạo đứng đầu cái chế độ ác đức vô luân đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về những hành vi tội phạm man rợ khủng khiếp do họ đã ngoan cố gây ra từ nhiều năm qua, điển hình như vụ thảm sát hàng mấy ngàn người dân vô tội hồi Tết Mậu Thân năm 1968 tại Huế.
Không thể nào mà giới lãnh đạo chủ chốt này lại thóat khỏi được cái trách nhiệm hình sự do nguyên tắc “thời hiệu tố quyền bị tiêu diệt” (statutes of limitation) như được quy định trong các bộ luật hình sự đối với các tội phạm thông thường. Lý do là các tội phạm do các chế độ độc tài gây ra đã quá nặng nề trầm trọng, nên không thể nào mà để cho xảy ra trường hợp “chìm xuồng”, khiến cho các thủ phạm chính yếu cứ nhởn nhơ sống ngòai vòng cương tỏa như người vô tội, vô trách nhiệm mãi được.
Điều 29 của Quy chế Rome (Rome Statute) của Tòa Án Hình sư Quốc tế đã quy định rằng : “ đối với những tội phạm diệt chủng, chống nhân lọai, tội phạm chiến tranh, thì đều không được áp dụng nguyên tắc thời hiệu tố quyền bị tiêu diệt”. Như vậy, dứt khóat là những kẻ ác ôn tàn bạo hiện nay trên đất nước ta sẽ không thể nào thóat khỏi trách nhiệm hình sự trước pháp luật, cũng như trước công luận của xã hội sau này được.
Đây chính là lời cảnh giác nghiêm trọng mà tập thể quần chúng nhân dân chúng ta công khai gửi đến cho tòan thể giới lãnh đạo cộng sản hiện nay ở Việt Nam vậy. Đó cũng là cơ hội để nhân dân thể hiện quyền làm chủ tối thượng của mình trên quê hương đất nước chúng ta vậy (people’s sovereign power).
II – Sự bền vững của Xã hội Dân sự
Trở lại với câu chuyện “Dân vạn đại”, ta có thể nói rằng cái khối quần chúng nhân dân đông đảo này chính là cốt lõi vững chắc của Xã hội Dân sự, tức là khu vực nằm ngòai chánh quyền, và khác biệt với khu vực kinh doanh kỹ nghệ thương mại.
Lấy trường hợp của Tổng thống Jimmy Carter, khi ông rời bỏ Tòa Bạch ốc để về nghỉ hưu vào đầu năm 1981, thì ông trở về giữ cương vị một người công dân bình thường như tuyệt đại đa số người dân Mỹ khác. Và từ trên 30 năm nay, Jimmy Carter đã được, không những là dân chúng Mỹ, mà còn cả tòan thể thế giới ca ngợi mến phục vì những đóng góp lớn lao trong lãnh vực nhân đạo từ thiện, và nhất là trong công cuộc hòa giải tranh chấp và xây dựng hòa bình trên thế giới. Rõ rệt ông là một nhân vật kiệt xuất, một tiêu biểu sáng ngời của Xã hội Dân sự tại nước Mỹ và trên tòan cầu nữa. Sự nghiệp sau khi về hưu của Jimmy Carter lại còn chói sáng gấp bao nhiêu lần so với thành tích trong nhiệm kỳ ông giữ chức vụ lãnh đạo cường quốc Hoa kỳ hồi cuối thập niên 1970 nữa.
Cũng vậy, các vị lãnh đạo quốc gia sau khi về hưu như Lech Walesa ở Ba lan, Vaclac Havel của Tiệp khắc, Nelson Mandela của Nam Phi, Bill Clinton của Mỹ, Tony Blair của Anh quốc v.v…, thì hiện đã có những công trình văn hóa xã hội thật đáng khen ngợi. Họ đều tiếp tục dấn thân phục vụ dân tộc và đất nước của mình với sự hăng say và hiệu quả rất cao trong phạm vi Xã hội Dân sự, có khi còn xuất sắc hơn là khi còn là người lãnh đạo chánh quyền nữa. Người viết sẽ sưu tầm, tìm hiểu thêm chi tiết về sinh họat của các vị cựu nguyên thủ quốc gia này và sẽ xin trình bày về những đóng góp của họ trong một dịp khác vậy.
Để tóm tắt lại, ta có thể ghi nhận rằng từ mấy chục năm gần đây, phong trào quần chúng nhân dân tại nhiều nơi trên thế giới đã và đang mỗi ngày một phát triển mạnh mẽ, nhằm dành lại quyền tự quyết của mình trong công cuộc xây dựng một đời sống ấm no hạnh phúc, với tự do, nhân phẩm và nhân quyền được bảo đảm tôn trọng. Đó là một xu thế tất yếu của thời đại, mà không một chế độ độc tài phản động ngoan cố nào lại có thể dùng bạo lực cản trở được.
Mặt khác, vì tuổi thọ của con người cũng mỗi ngày một tăng cao, nên giới sĩ phu trí thức ưu tú tại các quốc gia văn minh dân chủ lại càng có nhiều thời gian để phục vụ quê hương dân tộc của mình với một năng suất tối hảo, để góp phần làm tăng thêm phẩm chất cuộc sống của đồng bào thân thương của mình nữa.
Và đó là niềm hy vọng tươi sáng cho con người trên khắp hành tinh trái đất chúng ta hiện nay trong thế kỷ XXI vậy.
California, tháng Tư 2011
LS.Đòan Thanh Liêm