Quốc tế lên tiếng: Việt Nam 'lạm dụng hệ thống tư pháp' - Dân Làm Báo

Quốc tế lên tiếng: Việt Nam 'lạm dụng hệ thống tư pháp'

"Chính quyền Việt Nam, bằng việc tổ chức phiên tòa và cách thức xử tại tòa, đã lạm dụng hệ thống tư pháp của chính họ. Cách họ vận dụng hệ thống tư pháp của chính họ phải được cải tổ mạnh mẽ để phù hợp với chuẩn mức quốc tế, bao gồm cả các công ước mà Việt Nam đã đặt bút ký..." - Bà Janice Beanland, Ban Đông Nam Á từ Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International.

*

Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội vào hôm 04/04 tại Hà Nội đã tuyên án 7 năm tù, cộng 3 năm quản chế tại gia cho ông Cù Huy Hà Vũ trong phiên xử sơ thẩm về tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN.

Bà Janice Beanland, Ban Đông Nam Á từ Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International có trụ sở tại London đưa ra phản ứng của tổ chức này qua cuộc phỏng vấn dành cho BBC Việt ngữ ngày 05/04.

BBC: Đây không phải lần đầu nhà chức trách mang người bất đồng chính kiến ra xử và kết tội cho điều họ gọi là Tuyên truyền chống Nhà nước phải không?

Janice Beanland: Điều hết sức buồn là có sự giống nhau rõ ràng giữa phiên xử này với các phiên xử trước đây, tức là đây là phiên tòa sai trái. Điều này có nghĩa là người ta nghiễm nhiên coi người bị xử là người có tội và tước bỏ quyền bào chữa của người bị đem ra xét xử. Từ ngữ để gán ghép tội trạng để mang ra xét xử mơ hồ tới mức nhà chức trách có thể dùng theo bất kỳ cách nào họ muốn.

BBC: Tức là phiên xử đi ngược lại các giá trị mà Việt Nam cam kết như các công ước quốc tế về nhân quyền chẳng hạn?

Điều đó là hết sức rõ ràng. Chính quyền Việt Nam, bằng việc tổ chức phiên tòa và cách thức xử tại tòa, đã lạm dụng hệ thống tư pháp của chính họ. Cách họ vận dụng hệ thống tư pháp của chính họ phải được cải tổ mạnh mẽ để phù hợp với chuẩn mức quốc tế, bao gồm cả các công ước mà Việt Nam đã đặt bút ký.

BBC:Thường thì chính quyền Việt Nam phản ứng ra sao trước những thông điệp của tổ chức như Amnesty International?

Amnesty International có nỗ lực thiết lập kênh đối thoại với chính phủ tất cả các nước vì chúng tôi thấy đối thoại là một phần cần thiết và hữu ích trong chiến dịch vận động để cải thiện thực trạng nhân quyền tại tất cả các nước. Đối với Việt Nam thì hiện tại chúng tôi không có kênh đối thoại. Đối với các tổ chức nhân quyền thì việc để có kênh đối thoại với những nước kiểm soát chặt chẽ về tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do hội họp là việc đặc biệt khó thực hiện.

BBC:Một mặt thì các tổ chức nhân quyền lên tiếng, mặt khác thì nhà chức trách tiếp tục bắt và xử những người họ gọi là chống chế độ, tức là hai việc này sẽ cứ tiếp diễn ra độc lập và không có sự ảnh hưởng hay chi phối lẫn nhau?

Amnesty International, với góc độ là một tổ chức, tập trung chủ yếu vào việc kêu gọi nhà chức trách thả các tù nhân lương tâm. Bằng chứng cho thấy rằng chúng tôi đã đấu tranh nhiều năm và không bỏ cuộc, kiên trì tìm mọi cách có thể để đảm bảo rằng chính quyền phải lắng nghe các thông điệp này. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng việc chính quyền hành xử như vậy với người bất đồng chính kiến là phản tác dụng đối với xã hội dân sự tại Việt Nam cũng như ảnh hưởng tới vị thế của Việt Nam trên bình diện quốc tế.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/04/110405_amnesty_intl_reax.shtml



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo