Đừng có lộn xộn, chúng tao chưa ăn xong sao tới phiên tụi mày được ? - Dân Làm Báo

Đừng có lộn xộn, chúng tao chưa ăn xong sao tới phiên tụi mày được ?

Lê Quốc Tuấn - Bao lâu nay, từ đông sang tây, đã có vô số các bậc thức giả từng lý giải các ưu khuyết, hơn thiệt giữa dân chủ, đa đảng và độc tài, độc đảng. Tuy nhiên, có thể nói chưa bao giờ công luận lại nhận được một lối lý giải "bình dân, dễ hiểu và dễ nhớ" như của ông thạc sĩ Hoàng Hữu Phước.

Ông trình bày trước sau xa gần khiến đọc nghe có vẻ có lý luận và có sự phức tạp cần phải lý giải một cách đúng mức. Nhất là, tác giả đã xử dụng đến những ngôn từ hết sức cụ thể, hình tượng và mạnh bạo như "bất công,khôi hài, hành vi bất lương, vô duyên, phường gian manh, những kẻ vô danh tiểu tốt, vô hạnh, và vô lại, phường bất tài vô dụng, ngu dốt về trị quốc, những tên nhóc con vô danh tiểu tốt điên rồ ,lưu manh mặc áo chùng đen hay cà sa điên loạn,hữu danh vô thực..." lập đi, lập lại trong bài viết để công kích, đả phá những người đấu tranh đòi hỏi dân chủ, đa đảng.

Sau đó, quả là không ngạc nhiên gì khi thấy bỗng dưng mà đồng loạt tất cả các trang mạng đều đăng tải bài "6 lý do tại sao Việt Nam không cần đa đảng" của tác giả Hoàng Ngọc Phước. Và số lượng ý kiến phản hồi, đa số là các đáp trả gay gắt, đã tràn ngập các trang mạng ấy.

Trước nguồn dư luận bất bình ấy, cũng không có gì ngạc nhiên khi mấy ngày sau, tác giả HHP dường như đã muốn im lặng, nhưng đã không thể im lặng mà phải tự viết, thuật lại nội dung một cuộc phỏng vấn với đài FRA (?) để minh giải thêm một số điều liên quan đến bài viết ấy. Cụ thể là ý kiến của ông về CHHV, một trường hợp nổi cộm hiện nay và một số quan điểm thanh minh thanh nga của ông về giới Việt Kiều ở ngoài nước, nhất là để khẳng định rằng "mục đích viết bài của tôi là để thể hiện quyền tự do ngôn luận của tôi ở Việt Nam và dành cho giới trẻ Việt Nam đang ở Việt Nam để họ hiểu biết hơn, chứ không nhằm bút chiến với ai ở hải ngoại".

Nhưng qua cả hai bài viết ấy, ngoài những nhận định chủ quan về hệ thống các nước dân chủ đa đảng trên thế giới, những lý luận kiểu nói lấy được về tình hình kinh tế chính trị trong nước và những đánh giá hết sức phiến diện về lịch sử Việt Nam, người đọc không khỏi bật cười khi hiểu được sự thật là ông cần viết một bài đánh tiếng với đảng CS đang lãnh đạo để bảo đảm cho cái ghế mà ông đang muốn tranh cử trong quốc hội Đảng CSVN.

Nói cho cùng, chẳng có gì đáng phải ồn ào về lựa chọn cá nhân, về chính kiến của ông. Bởi vì trước ông đã có quá nhiều người từng lựa chọn như thế và hiện tại cũng đang có những người lựa chọn như thế. Nhất là kể từ khi việc đi theo đảng (CS) không còn là những hy sinh, gian khổ nữa mà là những đặc quyền, cơm áo xa hoa.

Nhưng để biện giải cho chọn lựa của mình, một trong những lý do cực kỳ bình dân dễ hiểu của HHP khiến người đọc ngẫm nghĩ sẽ phải vừa buồn cười, vừa thương hại, chính là cái "Lẽ công bằng" mà ông nêu ra. Nôm na ông muốn nói rằng, chúng tôi đã từng cực khổ, "đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân, gia đình, tương lai hạnh phúc" cá nhân, trong đó có bao "người đã leo lên bàn thờ liệt sĩ thì còn ăn uống hưởng được chi nữa" (tôi nghiệp không !) cho nên "Lẽ công bằng" là phải "để con cháu họ" "được hưởng những gì chiến thắng đem lại".

Ông lý luận khơi khơi cứ như cả nước Việt nam là của một nhúm người, một đảng phái nào đó, vì đã từng gian khổ để tậu được thành ra phải để họ được ăn được hưởng mới là công bằng. Còn toàn bộ dân chúng bị trị bên dưới, ai hó hé gì là không xong. Hàng xóm thấy chuyện bất bình muốn nói vào sẽ có ngay những người như bà Tôn nữ Thị Ninh đứng ngay cửa mắng ngay: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.”

Đã thế, ông lại còn nói đến chuyện "Trên võ đài chuyên nghiệp, người thua không căm thù người thắng" (?!?!?!) Trong khi ông ở đâu trong những năm tháng "người thắng" đã "thắng" xong còn đánh tiếp những đòn thù man rợ lên những "người thua". Đến nỗi đã gây nên những hận thù không cách chi hóa giải đến tận ngày nay ?

Tuy nhiên, đáng thương và buồn cười hơn nữa là ở điểm, ông còn nhắn nhủ rằng "cứ thế, sự xếp hàng thứ tự trước sau rồi cũng sẽ đến lượt các bạn". Chuyện đất nước, dưới con mắt ông HHP này nghe cứ như chuyện ăn cướp chia phần vậy. Đại để là:

Ngồi yên đấy, từ từ chúng tao ăn xong, còn thừa ra xong sẽ đến chúng mày.

Lập luận như thế mà nghe được ! Lại còn dám viết thành bài bản "dành cho giới trẻ Việt Nam đang ở Việt Nam để họ hiểu biết hơn". Điều này không chỉ nói lên tính cách hoang tưởng, mê ngủ mà còn nói lên sự thảm hại về khả năng suy nghĩ và lý luận của một người tự xưng mình là có trí thức, lại còn cả gan muốn giáo dục hậu sinh.

Có điều là, khi ông cố phân giải về nhân thân mình, là "người Sài Gòn của chế độ trước", có cha bị "mất việc" khi CS vào miền nam. Đại để là mình không phải hàng con cháu, cha mẹ không có thành tích công trạng gì với chế độ, cũng từng chịu đựng nhiều thiệt thòi, nhưng vẫn ý thức được luật chơi công bằng, nhưng sao ông không tự hỏi, một cá nhân như mình và những hàng hậu sinh mà ông đang muốn khuyên bảo về luật công bằng, để cho "con cháu họ tiếp tục được hưởng những gì chiến thắng mang lại" mãi bao nhiêu năm nay như thế ... có phải là quá đáng lắm không ?

Bởi thế, lại phải thốt lên một lời nói kiểu bình dân dễ hiểu : "Xin lỗi, nhờ anh tí !"

Lê Quốc Tuấn

cuối tháng 4/2011

gửi Dân Làm Báo



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo