Một trong bốn luật sư bào chữa cho Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử hôm 4/4 nói với BBC cần hủy bản án của tòa sơ thẩm vì hội đồng xét xử đã vi phạm luật tố tụng hình sự.
Luật sư Trần Đình Triển nói tòa đã không thực hiện theo điều 214 của Bộ luật Tố tụng Hình sự khi từ chối công bố các tài liệu mà dựa vào đó họ cáo buộc ông Hà Vũ phạm tội tuyên truyền chống nhà nước.
Về phiên xử kết thúc đột ngột hồi chiều nay, 4/4, với bản án bẩy năm tù giam đối với ông Hà Vũ, luật sư Triển nói các luật sư đại diện còn chưa kịp tranh tụng trước tòa:
Luật sư Trần Đình Triển: Với phiên tòa hôm nay, chưa đến phần tranh tụng thì các luật sư đã rời khỏi phòng xử án rồi và không tham gia phiên tòa nữa. Do đó việc chúng tôi nêu quan điểm và trình bày lời bào chữa của chúng tôi thì chưa được trình bày tại phiên tòa.
BBC: Như vậy có nghĩa là vụ xử đã diễn ra mà có luật sư cũng như không?
Tôi trích dẫn Điều 214 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự là phải công bố những chứng cứ, những tài liệu có trong hồ sơ vụ án để các luật sư thẩm vấn, xét hỏi...nhưng hội đồng đã bỏ qua quy định của pháp luật tại Điều 214 và kết thúc phần xét hỏi.
Luật sư Trần Đình Triển
Không thể nói như thế được bởi vì phiên tòa là theo yêu cầu của anh Cù Huy Hà Vũ và đã được Tòa án Nhân dân tp Hà Nội cấp giấy chứng nhận cho bốn luật sư. Nhưng tại phiên tòa hôm nay, diễn biến tại phiên tòa có sự không đúng pháp luật.
Trong bốn luật sư, thì đối với luật sư Trần Vũ Hải trong lúc đang đề nghị với Hội đồng Xét xử cung cấp mười tài liệu mà cáo trạng của Viện Kiểm sát đưa ra truy tố đối với ông Cù Huy Hà Vũ để đọc nguyên văn hoặc cung cấp cho anh Cù Huy Hà Vũ để đánh giá toàn bộ chứng cứ của mười tài liệu đó thì bị chủ tọa phiên tòa ngắt đi và đồng thời cũng tuyên bố là cảnh cáo luật sư.
Nhưng luật sư Trần Vũ Hải vì đang say sưa trình bày thì tiếp tục trình bày tiếp thì bị chủ tọa phiên tòa yêu cầu cảnh sát mời, tôi dùng một từ chuẩn xác hơn là đuổi luật sư Trần Vũ Hải ra khỏi phiên tòa.
Còn đối với tôi và luật sư Thanh (Vương Thị Thanh) và luật sư Sơn (Hà Huy Sơn) thì tôi trình bày quan điểm là hội đồng xét xử tại phiên tòa hôm nay cũng phải căn cứ quy định của hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và dù ai cũng phải tuân thủ pháp luật.
Tôi đề nghị với hội đồng xét xử và tôi trích dẫn Điều 214 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự là phải công bố những chứng cứ, những tài liệu có trong hồ sơ vụ án để các luật sư thẩm vấn, xét hỏi đối với ông Cù Huy Hà Vũ và ông Cù Huy Hà Vũ cũng đồng tình quan điểm đó nhưng hội đồng đã bỏ qua quy định của pháp luật tại Điều 214 và kết thúc phần xét hỏi.
Nói tóm lại các luật sư chưa được hỏi, đi sâu vào đánh giá chứng cứ và để chuyển sang phần tranh tụng, có nghĩa là cắt đi cái phần xét hỏi đi vào trực tiếp chứng cứ của vụ án để đánh giá có tội hay không có tội.
Vì vậy các luật sư, tôi, luật sư Thanh, luật sư Sơn đều đồng tình quan điểm nói lên ý kiến là đề nghị hội đồng thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Nếu hội đồng xét xử không thực hiện đúng quy định của pháp luật thì các luật sư chúng tôi không thể ngồi bào chữa ở một phiên tòa mà chính ngay hội đồng đang vi phạm pháp luật.
Tôi cũng sẽ không trả lời bất cứ một lời nào đối với hội đồng và cũng không tranh tụng gì nữa và đề nghị hội đồng tuyên án luôn, mức án bao nhiêu tôi cũng chịu trước dân tộc và trước nhân dân.
Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ
Đồng thời cũng thể theo lời trình bày của anh Cù Huy Hà Vũ, anh yêu cầu là nếu không được công bố tài liệu để đánh giá chứng cứ tại phiên tòa thì luật sư không có căn cứ để hỏi đối với anh Cù Huy Hà Vũ cũng như không có căn cứ để tranh tụng tại phiên tòa thì anh Cù Huy Hà Vũ cũng đề nghị các luật sư không tham dự phiên tòa nữa.
Anh Cù Huy Hà Vũ cũng tuyên bố là: "Tôi cũng sẽ không trả lời bất cứ một lời nào đối với hội đồng và cũng không tranh tụng gì nữa và đề nghị hội đồng tuyên án luôn, mức án bao nhiêu tôi cũng chịu trước dân tộc và trước nhân dân."
Đấy là lời của anh Cù Huy Hà Vũ và vì vậy mà tôi cùng luật sư Sơn và luật sư Thanh cũng ra về vào lúc khoảng gần 12h trưa.
Không công khai
BBC: Phía Việt Nam họ nói rằng đây là phiên tòa xét xử công khai, dựa vào những gì luật sư được chứng kiến trong phiên buổi sáng thì phiên tòa có phản ánh đúng tinh thần của một phiên xử công khai không?
Trước hết là việc này ngay đầu phiên tòa thì luật sư Sơn cũng đưa ra ý kiến là trong quyết định đưa vụ án ra xét xử thì theo quy định của pháp luật phải nêu rõ là xử kín hay xử công khai, nhưng trong quyết định thì không nói đến xử kín hay xử công khai cả, tức là lập lờ ở chỗ đó.
Chủ tọa phiên tòa đã xin lỗi, đây là sự sơ suất do khâu đánh máy còn phiên tòa là xử công khai.
Và đã xử công khai thì theo quy định của pháp luật Việt Nam là mọi người dân đều có quyền đến tham dự phiên tòa, trừ trẻ em dưới 16 tuổi và những người không có năng lực hành vi.
Tôi cũng rất là bất ngờ là tất cả các chặng đường bị chặn lại và trong phòng xét xử thì những người đến dự phiên tòa thì được đeo thêm một biển đã phát, tóm lại là khách mời của tòa chứ không phải là những người dân có quyềnđể đến dự phiên tòa.
Tại sao pháp luật quy định như vậy? Bởi vì người ta đến dự phiên tòa để, thứ nhất nếu người phạm tội thì cũng là một cách giáo dục, lên án để có biện pháp phòng ngừa chung.
Đồng thời qua phiên tòa cũng để nâng cao dân trí, để dân hiểu biết về pháp luật và góp phần vào phòng chống tội phạm và thực hiện những quy định của pháp luật và thực hiện đúng lời của nhà nước là 'sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật'.
Nhưng tôi cũng rất là bất ngờ là tất cả các chặng đường bị chặn lại và trong phòng xét xử thì những người đến dự phiên tòa thì được đeo thêm một biển đã phát, tóm lại là khách mời của tòa chứ không phải là những người dân có quyền để đến dự phiên tòa.
Trước hết để đánh giá vấn đề này thì chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách thấu đáo hai khía cạnh.
Thứ nhất, dân đông, chúng ta lường tính được thì chúng ta có thể tổ chức phiên tòa ở nơi rộng rãi hơn, lưu động, ví dụ ở sân vận động chẳng hạn, để dân được lắng nghe, được tham dự phiên tòa.
Hoặc là kéo loa ra một nơi rộng rãi khác để dân không được trực tiếp nghe trong phiên tòa thì người ta nghe qua hệ thống truyền thanh hoặc truyền hình.
Còn nếu trường hợp, cũng thông cảm với lực lượng bảo vệ vì dân đến có thể làm mất trật tự thì chúng ta cũng phải có biện pháp để bảo vệ nhưng theo quan điểm của tôi bảo vệ để giữ gìn an ninh trật tự khác với hành vi ngăn cấm.
Xét xử lại?
BBC: Như luật sư nói thì tôi [Nguyễn Hùng của BBC] có thể hiểu là ở đây thứ nhất tòa đã nhìn nhận có sai sót khi không công bố đây là phiên xử công khai, rồi sau khi tinh thần xử công khai nhưng thực tế lại không phải như vậy và rồi đến chuyện làm sai luật khi không cung cấp các tài liệu mà người bị buộc tội bị buộc vào tội như vậy thì phiên xử này về mặt pháp lý và về mặt bản án có tính pháp lý không?
Theo quan điểm của tôi là trong quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự là sự vi phạm tố tụng, mà đây là vi phạm nghiêm trọng thì phải hủy bản án để tổ chức xét xử lại từ đầu. Đấy là quy định của pháp luật.
Vì đây chúng tôi chứng minh được rằng rất nhiều hành vi vi phạm ngay từ khâu khám xét hành chính ban đầu đến trong cả quá trình điều tra, rồi trong cả quá trình để cung cấp cáo trạng, những kiến nghị của luật sư yêu cầu mời nhân chứng, yêu cầu mời người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan... thì đều bị bỏ qua cả.
Căn cứ quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, sự vi phạm tố tụng mà ngay cả đối với các luật sư như trong ngày hôm nay và những tài liệu cung cấp thì theo quy định của pháp luật, cấp phúc thẩm nếu làm một cách đầy đủ đúng pháp luật thì phải hủy án để xét xử lại từ khâu sơ thẩm.
Ngay tại tòa tôi đã cầm cuốn sách về Bộ Luật Tố tụng Hình sự, tôi xin trích dẫn một điều như thế này thôi.
Điều 214: "Các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét xử đều phải được công bố tại phiên tòa."
Đấy là luật. Hội đồng xét xử không công bố thì đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật rồi.
Còn rất là nhiều quy định khác như vấn đề đánh giá chứng cứ hay thu thập chứng cứ.
Thu thập chứng cứ thì nguồn chứng cứ và quá trình thu thập chứng cứ phải đúng qua định của pháp luật.
Ttôi lấy ví dụ như việc khám xét hành chính phải theo đúng Pháp lệnh Xử phạt Vi phạm Hành chính.
Tại thành phố Hồ Chí Minh thì ủy ban thành phố đã có một văn bản riêng biệt quy định về khám xét hành chính thì muốn khám xét hành chính thì phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là nơi ở của họ muốn giữ người phải có quyết định, muốn thu giữ đồ vật phải có quyết định.
Nhưng tất cả quá trình đó từ 0h đến 15h [ngày 5/11 khi ông Hà Vũ bị bắt] không hề có một văn bản, một quyết định nào và ngang nhiên vi phạm pháp luật như vậy.
Việc thu giữ những tài liệu đó, những chứng cứ đó không đúng quy trình của pháp luật thì có giá trị pháp lý hay không?
BBC: Sắp tới đây liệu các luật sư có đưa ra quyết định kháng cáo không?
Quyền kháng cáo trong quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thuộc về bị can, bị cáo, bị án.
Luật sư chỉ kháng cáo khi đối với những người có nhược điểm về thể chất hoặc đối với trẻ vị thành niên.
Còn trường hợp này quyền kháng cáo là thuộc về anh Cù Huy Hà Vũ.
Nếu anh Cù Huy Hà Vũ kháng cáo thì buộc phải xử theo trình tự phúc thẩm và các luật sư như tôi hay các luật sư khác nếu được anh Cù Huy Hà Vũ mời thì tham gia ở phiên tòa phúc thẩm.
BBC: Luật sư nói rằng phiên tòa đã vi phạm rất nhiều những quy định của pháp luật thì bản thân các luật sư có thể kháng cáo hay khiếu nại đối với cơ quan pháp luật cao hơn của Việt Nam không?
Cái việc này thì là việc của nội bộ bốn luật sư chúng tôi thì chúng tôi sẽ có bàn bạc và cũng cần có ý kiến, trước hết là Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng như Đoàn Luật sư tp Hà Nội vì vấn đề này liên quan tới quyền lợi của luật sư Trần Vũ Hải đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà bị Chủ tọa phiên tòa yêu cầu cảnh sát mời ra khỏi phiên tòa.